iPad không phải là chiếc máy tính bảng đầu tiên và trước Facebook còn có Friendster và MySpace ... Thế nhưng, người đi trước kèm theo ý tưởng mới cũng chưa chắc sẽ là người cười cuối cùng.
Nhắc đến danh họa khét tiếng Pablo Picasso , chắc hẳn bạn sẽ nhớ đến một câu nói nổi tiếng thế này: “Hoạ sĩ giỏi thì sao chép, hoạ sĩ vĩ đại thì ăn cắp.”
Đó là hội họa, vậy trong một lĩnh vực còn non trẻ như công nghệ thì sao?
Cái tên đầu tiên bao giờ cũng có ý nghĩa như một bước ngoặt. Trong công nghệ nói chung cũng vậy, một sản phẩm công nghệ hoàn toàn mới sẽ sánh ngang với một vị anh hùng thời loạn. Tuy nhiên, tiến trình công nghệ đôi khi cũng chứa đầy những tình huống oái ăm: Hãng đi trước sáng tạo ra ý tưởng nhưng không đạt được bước tiến vượt bậc trong khi hãng đi sau đi lên nhờ ý tưởng cũ, nhưng hoàn thiện và kết thúc nó với thành công vang dội.
Để minh chứng cho điều này, chúng ta hãy cùng điểm mặt 11 bước đột phá công nghệ đến từ “những người đi sau”.
1. Máy tính cá nhân (PC)
Đầu những năm 70 của thế kỷ 20, cuối cùng, giá của CPU cũng hạ nhiệt, tạo điều kiện cho những người dân có thu nhập trung bình mua được một bộ phận cốt lõi của máy tính. Thế nhưng, đối với họ, một chiếc máy tính cá nhân hoàn chỉnh vẫn là hi vọng xa vời bởi thứ đồ chơi xa xỉ này chỉ dành cho những dân chơi thứ thiệt.
Gần một thập kỷ sau, thị trường công nghệ chào đón một bước ngoặt lớn thay đổi hoàn toàn cục diện trước đó. Năm 1977, Apple thế hệ thứ 2, tiền thân của PC hiện đại, ra đời. Theo đó, Apple đã đảm nhiệm tất cả những khâu khó khăn trong việc dựng và kết hợp các bộ phận máy tính lại với nhau. Cuối cùng, tất cả những gì bạn cần làm là nhấn nút và khởi động máy..
2. Máy tính bảng
Năm 2001, các nhà sản xuất máy tính cá nhân chạy trên hệ điều hành Windows đã cho ra đời máy tính bảng được trang bị màn hình cảm ứng dựa trên những đặc tính kỹ thuật của Microsoft. Tuy vậy, ngay từ khi mới ra mắt, những chương trình quảng cáo rầm rộ cũng không khiến chúng được ưa chuộng trên thị trường, bởi (i) giá quá đắt, (ii) thiếu phần mềm tiện ích và (iii) để sử dụng, người ta cần dùng một cây bút Stylus thay vì di đầu ngón tay trên màn hình cảm ứng.
Năm 2010, Apple đột kích thị trường máy tính bảng với sản phẩm iPad. Thiết kế vô số ứng dụng trong App Store và kế thừa thành công của iPhone, “iPad” nay đã đồng nghĩa với “máy tính bảng”.
3. Khả năng nhận dạng giọng nói
Tương tự như câu chuyện xảy ra với máy tính bảng, Microsoft là tên khổng lồ đầu tiên phát triển khả năng nhận dạng giọng nói nhưng lại vắng những bước tiến thực sự. Thậm chí, bản dùng thử phần mềm nhận dạng giọng nói mang tên “MiPad” được phát triển bởi Microsoft Research vào năm 2001 chưa từng được ló mặt trên thị trường.
Và lại một lần nữa, vào cuối năm 2011, Apple trình làng iPhone 4S với bước đột phá đến từ tính năng điều khiển bằng giọng nói mang tên Siri (hay còn gọi là Trợ lý ảo) mà vẫn phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng bình dân.
4. Máy nghe nhạc kỹ thuật số
Năm 1998, với dung lượng bộ nhớ lên đến 32 MB, Rio PMP300 được xướng tên là máy nghe nhạc MP3 đầu tiên trên thế giới. Tuy vậy, sản phẩm của hãng Diamond Multimedia mặc dù có xuất phát điểm tốt nhưng lại gặp rắc rối trong việc chép nhạc từ PC vào máy nghe nhạc.
Năm 2001, Apple cho ra mắt máy nghe nhạc iPod với ổ đĩa cứng dung lượng 5 GB, giao diện dễ sử dụng và kết nối siêu nhạy với Macbook. Ba năm sau đó, được hỗ trợ trên cả hệ điều hành Windows, iPod trở thành cái tên thống trị thị trường máy nghe nhạc và mở đường cho sự ra đời của các mẫu máy nghe nhạc MP3 thế hệ mới như: iPod photo; iPod 4G và iPod mini.
5. Điện thoại thông minh (Smartphone)
Thật khó để nói ai là người phát minh ra điện thoại thông minh, bởi nó còn tùy thuộc vào việc mỗi chúng ta định nghĩa smartphone như thế nào. Nếu nói như vậy, thiết bị liên lạc IBM Simon ra đời năm 1994 – có thể nghe gọi, có thể đọc email và nhận fax – sẽ là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới…
… Hoặc gần hơn, năm 2003, chiếc smartphone đầu tiên của hãng BlackBerry đã hiện thực hóa ý tưởng thực hiện mọi công việc chỉ trên chiếc điện thoại cầm tay…
… Nhưng chỉ đến năm 2007, iPhone ra đời mới làm rung chuyển thị trường smartphone, bất chấp những định nghĩa về một chiếc smartphone thực sự.
6. Thiết bị đọc eBook
Thiết bị đọc sách điện tử đầu tiên, Rocket e-Book, đổ bộ vào thị trường năm 1998. Nhưng đáng tiếc thay, bộ nhớ trong của loại thiết bị này chỉ đủ để lưu được 10 cuốn sách.
Đến năm 2007, Amazon đã giật mất khái niệm về máy đọc sách điện tử (eBook), hoàn thiện và phát triển một ý tưởng cũ thành thiết bị đọc sách điện tử Kindle. Được trang bị màn hình điện tử màu đen, hỗ trợ kết nối không dây và cổng USB chuẩn PCI hoặc PCI Express, bộ nhớ trong lên đến 250 MB, Kindle trở thành thiết bị đọc sách điện tử quen thuộc nhất với độc giả ở mọi thời đại.
7. Giao diện đồ họa người dùng (GUI)
Năm 1983, Apple cho ra mắt chiếc máy tính cá nhân Lisa, một trong những máy tính cá nhân đầu tiên hỗ trợ giao diện đồ họa người dùng (hay còn gọi là GUI. Tuy thất bại nhưng chính Lisa đã mở đường cho sự phát triển của giao diện đồ họa sau này. Bạn có cảm thấy giao diện của Lisa rất giống với giao diện quen thuộc của PC ngày nay?
Nếu ai đó hỏi cả Steve Jobs và Bill Gates, có phải Microsoft đã lấy cắp giao diện của Lisa khi thiết kế Windows, họ sẽ nói Lisa và Windows có chung nguồn cảm hứng. Nói thế nào thì cũng không thể phủ nhận thành tựu của Windows khi biến GUI trở thành một đế chế hùng mạnh trải rộng khắp toàn cầu và đứng vững trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.
8. Công cụ tìm kiếm trên Internet
Các công cụ tìm kiếm như Excite, AltaVista, Lycos, và Yahoo đã ra đời ngay từ những ngày đầu tiên của kỷ nguyên Internet.
Nhưng chỉ đến khi Google đầu tư vào PageRank – công cụ xếp hạng các trang web dựa trên khả năng liên kết ở nhiều vùng miền khác nhau, một công cụ tìm kiếm có mạng lưới liên kết khổng lồ mới ra đời. Theo đó, bằng cách đặt các trang web ở vị trí đầu tiên trong kết quả tìm kiếm, Google sẽ cho ta biết những trang web nào đáng tin cậy và có mối liên quan gần nhất với từ khóa.
9. Ô tô điện
Ý tưởng về một chiếc xe hơi chạy bằng điện xuất hiện vào khoảng những năm đầu của thế kỷ 19. Gần hai thế kỷ sau, tức là vào những năm 1990, ý tưởng này tái sinh và được hiện thực hóa bởi các nhà sản xuất ô tô hàng đầu lúc bấy giờ như Honda, Chrysler và Toyota.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2008, chiếc xe thể thao Tesla Roadster ra đời mới chứng minh xe điện là một dòng xe đáng theo đuổi. Khác với những đàn anh đi trước, điểm nhấn của những chiếc xe điện Tesla là bộ phận khởi động và khả năng chạy tốc độ cao. Với những đột phá không ngừng trong từng mẫu xe, hiện Tesla xứng danh là hãng sản xuất xe điện hàng đầu thế giới.
10. Chatbot - ứng dụng chat tự động
Năm 1998 đánh dấu sự ra đời của các chatbot (hay còn gọi là robot đối thoại) như Cleverbot và Smarterchild. Các chương trình máy tính thông minh nhân tạo này đối thoại với người dùng giống như con người thực sự thông qua những mẩu tin nhắn.
Đến thời đại của Slack, một ứng dụng trò chuyện trị giá 3.8 tỷ USD, đã làm thay đổi khái niệm về một chatbot và tạo nên một bước tiến có ý nghĩa lớn lao: Slackbot có thể trả lời các câu hỏi đơn giản và thậm chí biết nói đùa.
11. Mạng xã hội
Được phát triển bởi Jonathan Abrams tại Mountain View, California, Hoa Kỳ, Friendster là trang mạng xã hội ảo đầu tiên trên thế giới. Chỉ trong vòng vài tháng sau khi ra mắt vào năm 2002, Friendster đã thu hút được 3 triệu thành viên và nhanh chóng trở thành một trào lưu chia sẻ phổ biến rộng khắp.
Tuy nhiên đến năm 2003, sự ra đời của MySpace đã phá tan giấc mộng huy hoàng mà Friendster đã gây dựng trong gần một năm…
… Và rồi đến năm 2004, chính MySpace cũng trở thành kẻ bại trận trước Facebook. Hiện tại, Facebook là một trong những ông trùm của lĩnh vực công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thần kỳ của mạng xã hội, thực tại ảo, trí thông minh nhân tạo, kết nối internet toàn cầu và nhiều hơn thế nữa.
Như vậy, từ 11 bước đột phá tiêu biểu trên, một thế hệ “người đi sau” nữa sẽ lại tái xuất, vòng tuần hoàn mới bắt đầu từ đây.
Tham khảo. Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon