Nhìn lại lịch sử dòng game Call of Duty (Phần cuối)

    PV, Nhật Quang - Theo IGN 

    Dù đã trải qua 6 phiên bản nhưng sức hút của dòng game Call of Duty vẫn không vì thế mà giảm đi.

    Phiên bản CoD 4: Modern Warfare đánh dấu nhiều cái mới trong cả dòng game CoD. Đây là phiên bản đã được chuẩn bị và đầu tư phát triển ngay từ khi phiên bản CoD 2 được công bố. Trong bối cảnh đề tài Đệ nhị Thế chiến đã bị các nhà phát triển khai thác đến cạn kiệt với hàng trăm tựa game khác nhau, Infinity Ward quyết định tạm thời nói lời chia tay với chiến trường lịch sử.
     
    Thay vào đó, họ đưa người chơi đến với chiến trường hiện đại diễn ra trong tương lai gần trong Modern Warfare. Modern Warfare được xây dựng trên một cốt truyện hấp dẫn và có kết cấu chặt chẽ dựa trên những xung đột và địa danh có thực vào thời điểm hiện tại.
     
    Call of Duty 4: Modern Warfare đưa người chơi đến với chiến trường hiện đại.
     
    Điểm đáng phàn nàn nhất của CoD 4 có lẽ chính là thời lượng quá ngắn của phần chơi chiến dịch khiến không ít người chơi cảm thấy hụt hẫng và chưa thỏa mãn. Trái lại, phần chơi mạng hoàn toàn mới nhanh chóng trở thành một trào lưu FPS mạng trên hệ PC (trong đó có cả cộng đồng game thủ yêu thích thể loại FPS của Việt Nam) và nhanh chóng lan sang nền console với cơ chế lên level của thể loại nhập vai.
     
    Doanh số lên đến 13 triệu bản bán ra trên toàn cầu đưa Modern Warfare lên cùng hàng ngũ với những siêu phẩm khác như Mario hay Grand Theft Auto, đồng thời biến dòng game Call of Duty trở thành một trong 2 thương hiệu vàng của Activision (bên cạnh series Guitar Hero). Cũng từ thời điểm này, cái tên Medal of Honor vang bóng một thời chính thức lùi vào dĩ vãng.
     
    Phần chơi mạng hấp dẫn là điểm nhấn nổi bật của Modern Warfare.
     
    Sang năm 2008, đến lượt Treyarch được phân công thực hiện phiên bản CoD tiếp theo. Lần này, họ quyết định đưa dòng game CoD trở về cội nguồn của nó với phiên bản CoD: World at War. World at War đưa người chơi đến với chiến trường Thái Bình Dương – mặt trận chưa từng xuất hiện trong bất kỳ phiên bản CoD nào trước đây.
     
    Với hệ thống chiến trường hoàn toàn mới cùng sự tái xuất hiện của súng phun lửa và hiệu ứng vật lý hoàn toàn mới, World at War tuy nhận được điểm số đánh giá tích cực nhưng vẫn bị không ít game thủ chỉ trích vì không mang lại được nhiều cải tiến cho công thức Call of Duty vốn đã trở nên quá quen thuộc với game thủ.
     
    Call of Duty: World at War đưa người chơi đến với chiến trường Thái Bình Dương.
     
    Khoảnh khắc lóe sáng nổi bật nhất của World at War chính là phần chơi mạng Nazi Zombies kết hợp giữa kiểu chơi co-op và survival horror, về sau được phát triển thành một nội dung tải về độc lập của World at War. Tuy không được đánh giá cao như những người tiền nhiệm, tuy nhiên World at War vẫn đạt được doanh thu khá cao: 11 triệu bản bán ra trên toàn cầu.
     
    2 năm sau ngày Modern Warfare xuất hiện, Infinity Ward lại khiến cộng đồng game thủ FPS thế giới xôn xao khi công bố về bản Modern Warfare 2 tại E3 2009. Hàng loạt game khác để quyết định hoãn ngày phát hành để né quả bom tấn này và dư luận thế giới cũng bàn tán xôn xao mỗi khi nhà sản xuất có một thông báo mới.
     
     
    Tới ngày 10 tháng 11 vừa qua, Modern Warfare 2 đã chính thức phát hành và ngay lập tức làm nên hàng loạt kỷ lục, trong đó ấn tượng nhất là trở thành sản phẩm giải trí có bước khởi đầu số 1 trong lịch sử với doanh thu hơn 300 triệu $ trong ngày ra mắt.
     
    Dù vẫn bị phàn nàn ở một số khía cạnh như phần chơi đơn ngắn hay bản PC bị cắt bỏ nhiều tính năng của phần chơi mạng nhưng Modern Warfare 2 vẫn là ứng cử viên số 1 cho danh hiệu game hay nhất năm 2009.  
    Tags:

    NỔI BẬT TRANG CHỦ