Nhiều người dính độc kiến ba khoang

    D. Thu,  

    (NLĐO) - Sau khi bị kiến ba khoang cắn sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu như ngứa, nổi bọng nước, viêm loét hoặc đau rát vùng da

    Sáng 12-11, nam bệnh nhân 30 tuổi (ở Hải Dương) đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám trong tình trạng đỏ rát khắp vùng cổ do kiến ba khoang tấn công. Theo bệnh nhân mô tả, vùng bị kiến cắn chỉ cần "chạm nhẹ đã không chịu nổi vì đau rát".

    Bệnh nhân cho biết trước đó 2 ngày, khi ngủ dậy anh thấy đỏ vùng cổ nhưng không nghĩ nghiêm trọng. Đến tối vùng cổ đau rát, nổi mụn mủ nhỏ màu trắng, anh tự bôi một số loại thuốc nhưng không đỡ.

    Nhiều người dính độc kiến ba khoang- Ảnh 1.

    Nam bệnh nhân bị nọc độc của kiến ba khoang lan khắp vùng cổ

    Bác sĩ Nguyễn Minh Thu, Phó trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết thời gian gần đây, khoa khám bệnh tiếp nhận nhiều trường hợp viêm da tiếp xúc do côn trùng, trong đó có kiến ba khoang.

    Bệnh nhân đến khám thường có tổn thương da bỏng rát, đỏ, phồng rộp, nổi mụn nước... Theo bác sĩ Thu, hầu hết bệnh nhân đều đã trải qua quá trình tự điều trị nhưng không đỡ, khi tổn thương nặng, lan rộng mới đến viện.

    Nhiều người bệnh không biết bị kiến ba khoang tấn công khi nào, nhưng cũng có người khi phát hiện có kiến ba khoang trên da liền đập mạnh, thậm chí chà xát cho kiến chết, khiến độc tố giải phóng nhiều trên da, gây tổn thương rộng trên da.

    Bác sĩ Thu cho biết trong kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp nhiều lần nọc của rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên sẽ khiến vùng da tiếp xúc tổn thương, bỏng rát.

    Nhiều người dính độc kiến ba khoang- Ảnh 2.

    Kiến ba khoang xuất hiện nhiều ở các khu dân cư, chung cư, tòa nhà cao tầng

    Khi tiếp xúc với độc tố kiến ba khoang, tổn thương thường gặp ở vùng da hở như mặt, hai tay. Vết thương thành vệt dài hoặc thành đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ. Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 - 36 giờ.

    Tại Việt Nam, kiến ba khoang xuất hiện nhiều ở các khu dân cư, chung cư, tòa nhà cao tầng. Kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều vào thời điểm giao mùa, nhất là sau các trận mưa lớn. Do có tính hướng sáng mạnh, vào ban đêm, kiến ba khoang thường bị ánh đèn trong nhà thu hút và bay vào cùng các loại côn trùng khác.

    Nhiều người dính độc kiến ba khoang- Ảnh 3.

    Bác sĩ khám cho một bệnh nhân viêm da tiếp xúc

    Kiến ba khoang cắn tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu vô tình truyền pederin sang các vùng khác trên cơ thể, như bộ phận sinh dục hoặc mặt, đặc biệt vùng quanh mắt, mi mắt có thể gây viêm bờ mi, viêm giác mạc, đồng thời ảnh hưởng đến thị lực.

    Do đó, ngay sau khi tiếp xúc hay nghi ngờ tiếp xúc kiến ba khoang cần rửa tổn thương với nhiều nước sạch; rửa nhẹ nhàng và không chà xát mạnh. Nếu bị tiếp xúc vùng mắt cần rửa nhiều bằng nước muối sinh lý.

    Người bệnh không tự ý mua thuốc bôi và điều trị, mà cần được khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa. Nếu được điều trị đúng, bệnh thường khỏi sau 5-7 ngày.

    Khi phát hiện kiến ba khoang, cần bình tĩnh để thổi nhẹ hoặc hất chúng bay đi, tránh bắt giết, chà xát.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ