Các thuật toán và hệ thống kiểm soát nội dung của YouTube đang tồn tại nhiều vấn đề về xét duyệt bản quyền, có thể gây ảnh hưởng tới những người làm nội dung sạch trên hệ thống.
Thông báo đầy phẫn nộ của TheFatRat trước thông báo đình chỉ kênh từ YouTube.
Hôm qua 12/5, cộng đồng người dùng cũng như các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube được một phen hỗn loạn khi kênh của TheFatRat đã bị xóa cùng với tất cả các video âm nhạc đi kèm.
Nếu bạn chưa biết thì với 3,6 triệu người đăng ký và hơn 700 triệu lượt xem trên YouTube, Christian Friedrich Johannes Büttner hay còn được biết tới biệt danh TheFatRat là một nhạc sĩ tài năng, rất được kính trọng trong ngành công nghiệp âm nhạc. Đặc biệt, anh được rất nhiều YouTuber đánh giá cao, bởi đã cho phép âm nhạc của mình được sử dụng miễn phí trên YouTube.
Sự việc ban đầu được phát hiện bởi những người hâm mộ và thường xuyên theo dõi kênh video này. Khi truy cập vào bất kỳ video nào, người dùng sẽ nhận được thông báo: "Video này không còn khả dụng vì tài khoản YouTube được liên kết với video này đã bị chấm dứt". Khi truy cập kênh hoặc tài khoản YouTube, hệ thống sẽ hiển thị thông báo "Kênh này không tồn tại" hoặc "Tài khoản này đã bị chấm dứt do vi phạm nhiều hoặc nghiêm trọng chính sách của YouTube đối với spam, hành vi lừa đảo và nội dung sai lệch hoặc vi phạm Điều khoản dịch vụ khác" .
Kênh TheFatRat bị YouTube xóa không thương tiếc, gây phẫn nộ trong cộng đồng.
Theo thông báo trên trang Twitter cũng như Facebook cá nhân sau đó, TheFatRat cho biết : "YouTube đã đình chỉ kênh của tôi, với 3,6 triệu người đăng ký, mà không có bất kỳ lời giải thích hay cảnh báo. Và rõ ràng cũng không có một tấn công nào. Thật điên rồ, tôi thậm chí không biết phải nói gì...".
Rất đông người dùng trên mạng xã hội, những người theo dõi kệnh YouTube của TheFatRat cũng như nhiều YouTuber nổi tiếng khác cùng một số nhân vật trong ngành công nghiệp âm nhạc đã đồng loạt lên tiếng phản ánh sự việc trên các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau để bày tỏ sự ủng hộ đối với nhạc sĩ người Đức này. Bởi rõ ràng việc bị tố gian lận, ăn cắp bản quyền âm nhạc từ các bài hát do chính mình sáng tác là một chuyện vô cùng nực cười, nhưng vẫn được YouTube cảm thấy hợp lý và đồng thuận.
Sau gần một ngày, kênh YouTube của TheFatRat đã được hệ thống khôi phục và trở lại trực tuyến.
Dòng tweet được anh viết sáng 13/9 ghi: "Cuối cùng cũng nhận được thông báo rằng kênh của tôi đã trở lại. Đó là một ngày khó khăn và một đêm không ngủ. Nhưng tôi cũng rất ấm lòng khi thấy tất cả những sự hỗ trợ tuyệt vời này! Cảm ơn các bạn rất nhiều! Hãy tiếp tục giúp đỡ các kênh khác gặp vấn đề tương tự ".
Tháng 12/2018, TheFatRat bị YouTube cảnh cáo vì đã đạo nhạc của chính mình.
Tuy nhiên, sự việc này vẫn khiến rất nhiều người lo ngại và e dè về cách mà YouTube đang quản lý nền tảng của mình. Bởi đây không phải lần đầu TheFatRat gặp trục trặc với hệ thống của YouTube.
Tháng 12/2018, anh bị nền tảng này cảnh báo bản quyền vì đã… có người tố cáo anh sử dụng trái phép các bài hát, trong khi đúng ra anh mới là người có đầy đủ quyền nhất về các sản phẩm âm nhạc do mình sáng tạo ra. Sau đó anh đã đăng một video nói về việc hệ thống quản lý nội dung của YouTube bị "hỏng", với hơn 3 triệu lượt xem.
Rõ ràng, việc xảy ra 2 lần với TheFatRat sẽ khiến các nhà sáng tạo nội dung sạch khác trên YouTube phải dè chừng về việc họ có thể biến mất khỏi platform video lớn này bất cứ lúc nào. Sẽ ra sao khi một sáng thức dậy, toàn bộ công sức trong vài tháng, thậm chí vài năm trước của họ bị xóa bỏ bởi một nhận định nhầm lẫn từ thuật toán của hệ thống khi đồng ý với các báo cáo vi phạm bản quyền sai lệch từ một tài khoản ẩn danh nào đó.
YouTuber được xem là nổi tiếng nhất thế giới, PewDiePie cũng nhiều lần lên tiếng phản ánh cơ chế xử lý bản quyền có nhiều lỗ hổng và nhầm lẫn của YouTube, thậm chí từng dọa xóa kênh để phản đối vấn đề này.
Không chỉ các YouTuber nổi tiếng mà rất đông những YouTuber lớn nhỏ khác trên thế giới và cả ở Việt Nam, đều cảm thấy khó chịu và thậm chí "bất lực" với hệ thống kiểm duyệt nội dung bản quyền của YouTube thời gian gần đây. Rất nhiều người cho biết các video, thậm chí kênh của họ sau khi đã đầu tư rất nhiều cả tiền bạc lẫn công sức đã bị hệ thống khóa, xóa một cách không thương tiếc bởi những lý do không rõ ràng. Trong khi đó, nhiều kênh sao chép lại nội dung lại vẫn có thể tồn tại và bật tính năng kiếm tiền một cách thoải mái. Với số lượng khổng lồ các vấn đề được phản ánh lên hệ thống của YouTube hằng ngày, cơ hội được kháng cáo và xử lý của các trường hợp trên là rất thấp.
Theo các chuyên gia công nghệ cũng như những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông xã hội nhận định, 2019 sẽ là một năm khó khăn đối với YouTube. Bởi nền tảng này đã và đang dần lộ ra các vấn đề liên quan tới kiểm duyệt nội dung cũng như lỗ hổng trong việc bảo vệ và quản lý các nội dung bản quyền như âm nhạc, phim ảnh.
YouTube đang gặp rất nhiều vấn đề trong việc đảm bảo chính sách bản quyền cho nhà sáng tạo nội dung.
Trên thực tế, các video trên YouTube có thể mang lại lợi nhuận vô cùng lớn, không chỉ cho YouTube mà còn cho những người sáng tạo nội dung. Doanh thu này dựa trên số lượng nhà quảng cáo sẵn sàng trả, dựa trên nhiều yếu tố bao gồm số lượt xem, số lượng người xem quảng cáo, thể loại nội dung và thông tin cá nhân người xem. YouTube nhận 45% doanh thu, người sáng tạo nội dung được phần còn lại.
Nhưng số tiền quảng cáo đó của người dùng sẽ bị mất đi, nếu họ bị khiếu nại vi phạm bản quyền, khiến video bị xóa hoặc do YouTube chuyển hướng doanh thu cho chủ bản quyền. Trong quá trình tiếp nhận, xử lý và ra quyết định này của hệ thống tồn tại nhiều vấn đề và một sai lầm nhỏ có thể khiến người sáng tạo nội dung mất trắng.
Cụ thể, công nghệ Content ID của YouTube cho phép một số người dùng nhất định (ví dụ những người có thư viện nội dung độc quyền lớn như các công ty sản xuất nhạc) có thể quét nội dung mỗi lần người dùng tải lên hệ thống để so sánh chúng với thư viện có bản quyền của họ và tự đưa ra hành động. Một công cụ khác, hạn chế hơn, cho phép người dùng bổ sung quyền kiểm soát các nội dung độc quyền của chính họ. Tuy nhiên, những công nghệ như thế này vẫn có thể phạm sai lầm và một lỗi nhỏ trên quy mô hàng triệu nhà sáng tạo nội dung sẽ là vô cùng lớn.
Thêm vào đó, tại Mỹ, luật bản quyền DMCA tồn tại để bảo vệ YouTube chứ không phải người tạo ra nội dung. Theo đạo luật, các nhà cung cấp dịch vụ như YouTube có thể hạn chế trách nhiệm của họ bằng cách thực hiện hành động khi có thông báo về nội dung vi phạm. Vì điều này, YouTube phản ứng rất nhanh với các khiếu nại vi phạm. Bởi theo luật, người khiếu nại phải chịu trách nhiệm dân sự đối với mọi khiếu nại sai, chứ không phải YouTube.
Tất nhiên, YouTube đã cố gắng cải thiện các chính sách bản quyền và hệ thống Content ID của mình để đối phó với các sự cố từng xảy ra trong quá khứ. Nhưng khó khăn lại chồng chất khó khăn khi mới đây, Liên minh châu Âu đã thông qua luật bản quyền mới, buộc YouTube phải lọc tài liệu vi phạm trước khi các video được tải lên. Đây rõ ràng là một thách thức mới đầy khó khăn với nền tảng này, bởi chính YouTube cũng từng thừa nhận rằng thuật toán của họ chưa đủ mạnh để phân biệt giữa các nội dung sử dụng hợp pháp bản quyền và vi phạm bản quyền.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng