Người Việt trẻ nhất giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 15 tuổi, được phong hàm Giáo sư hạng nhất năm 37 tuổi tại Pháp
Nhân vật này là một trong những người góp phần tạo nên "thương hiệu Toán Việt Nam" trên trường quốc tế.
Học sinh Việt nhỏ tuổi nhất giành HCV Olympic Toán quốc tế
GS Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1970, Hà Nội) giành huy chương vàng kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Phần Lan năm 1985 và là thí sinh Việt nhỏ tuổi nhất đạt được thành tích này cho đến thời điểm hiện tại. Khi đó, GS Nguyễn Tiến Dũng mới 15 tuổi, đang theo học lớp chuyên toán A0 của Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ông từng tiết lộ tuổi thơ khó khăn khi cả gia đình 4 người sống trong một căn phòng 9m2. Bố mẹ đều là giáo viên cấp 2, rất chú trọng việc học nên ông Nguyễn Tiến Dũng được gia đình định hướng học lớp chuyên toán từ cấp 1 đến hết phổ thông, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong các kỳ thi HSG như giải Nhất Toán toàn quốc cuối cấp 2.
“Thành tích đó không phải do tôi thông minh gì đặc biệt, mà chủ yếu là do sự say mê tìm tòi toán học và điều kiện được học lớp chuyên với các thầy tốt, đều là bạn bè của bố mẹ, và do ở nhà có nhiều sách toán thôi”, Nguyễn Tiến Dũng nói.
Ông Nguyễn Tiến Dũng được Giáo sư toán học Nguyễn Văn Mậu khen ngợi về khả năng làm toán nổi bật so với các bạn cùng lứa. Từ lớp 10-11, ông đã đọc sách toán cao cấp về lý thuyết số, giải tích, đại số và đỗ đầu trong kỳ thi chọn đội tuyển IMO.
Với huy chương tại IMO năm 1985, Nguyễn Tiến Dũng và các thành viên cùng đội tuyển được đặc cách tốt nghiệp THPT. Năm 1986, ông Nguyễn Tiến Dũng theo học khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Lomonosov. Đến năm cuối đại học, ông đã có 4 bài báo khoa học đăng ở tạp chí toán có uy tín của Liên Xô cũ.
Sự nghiệp nghiên cứu nhiều dấu ấn
Sau khi tốt nghiệp, ông Nguyễn Tiến Dũng làm việc tại Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết ở Trieste, Italy. Năm 1994, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ toán học tại Đại học Strasbourg (Pháp) ở tuổi 24.
Đến năm 2001, ông Nguyễn Tiến Dũng làm giáo sư tại Đại học Tổng hợp Toulouse (Pháp). 6 năm sau, ông được Ủy ban Quốc gia về đại học của Pháp (CNU) phong hàm giáo sư hạng nhất khi mới 37 tuổi và phong hàm giáo sư giáo sư hạng đặc biệt năm 2015. Giáo sư từng giữ chức Viện trưởng Viện Toán cơ bản thuộc Viện Toán Toulouse.
Trong năm 2000, GS Nguyễn Tiến Dũng trở thành chuyên gia trong một chuyên ngành toán học nhỏ gọi là “hình học Poisson”, tham gia hội đồng khoa học và hội đồng tư vấn cho các hội nghị quốc tế về lĩnh vực này. GS cũng nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác của toán học như hình học vi phân, hình học simpletic, lý thuyết ergodic và hệ động lực, vật lý toán, phương pháp toán trong tài chính, lý thuyết độ phức tạp…
GS Nguyễn Tiến Dũng có hơn 50 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí đầu ngành như Ann. of Math., Ann. Sci. École Norm. Sup., Lett. Math. Phys… và là đồng tác giả một số đầu sách chuyên khảo. Ông được đồng nghiệp nể phục vì khả năng làm việc “vừa nhanh vừa khoẻ”. Nguyễn Tiến Dũng có thể dịch xong một cuốn sách khoảng 200 trang trong 1 buổi tối, hoàn thành 5 bài báo khoa học trong 6 tháng, có bài lên đến gần 50 trang.
Năm 2019, giáo sư này sáng lập một công ty về trí tuệ nhân tạo, xử lý tự động các thông tin, tín hiệu và hình ảnh trong nhiều lĩnh vực như thiên văn học, y tế chẩn đoán các bệnh về da, bệnh hô hấp, nông nghiệp…
Hàng năm, GS Nguyễn Tiến Dũng vẫn về nước công tác, giảng dạy, trao đổi học thuật và hỗ trợ đồng nghiệp tại Việt Nam trong học tập cũng như nghiên cứu. “Đối với tôi, Việt Nam trước sau cũng là quê hương của mình, người thân của tôi vẫn ở Việt Nam và tôi vẫn giữ quan hệ với mọi người”, giáo sư chia sẻ.
Gần đây, GS về nước dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Việt Nam tham dự kỳ thi Toán quốc tế (IMO) hồi tháng 8/2024. Ông đã có bài giảng tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán với chủ đề: “AI trở thành nhà toán học như thế nào?”.
Theo HSGS, Giáo dục thời đại…
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Chuyện chưa từng có: Internet 'cạn sạch dữ liệu', OpenAI phải thuê người viết code để 'nuôi sống' ChatGPT-5?
Theo OpenAI, nguồn dữ liệu công khai từ Internet được cho là không đủ phong phú và chất lượng để làm cho GPT-5 "thông minh hơn" đáng kể so với GPT-4.
Tưởng chừng bất khả thi, giao tiếp lượng tử giờ đây đã thành hiện thực trên cáp quang thông thường?