"Cháu nghĩ, tương lai của mình giờ thật đen tối. Cháu rất thất vọng và cảm thấy như mình đang bị giam giữ", Yoon Yong-won, một người nghiện Internet, nói.
Yoon đã trải qua 6 ngày trong khoá học kéo dài 27 ngày tại trại dành cho thiếu niên nghiện Internet ở Hàn Quốc. Ngày đầu tiên đến trại và phải nộp hết các thiết bị điện tử là một ngày tuyệt vọng với Yoon.
Kể từ khi đến trại, Yoon Yong-won đã nhiều lần gặp ác mộng. Cậu mơ thấy những hình ảnh sống động của trò chơi điện tử trên điện thoại, nhưng khi tỉnh dậy thì tay trống không.
Công dân kỹ thuật số
Hàn Quốc là một trong những nước phát triển công nghệ và có hệ thống kết nối Internet lớn trên thế giới, nơi học sinh tiểu học đã được dùng điện thoại thông minh và người dân có thể xem truyền hình trực tiếp trên tàu điện ngầm. Nhưng mặt trái là quốc gia này đang phải vật lộn với số lượng ngày càng tăng các công dân kỹ thuật số không thể sống thiếu Internet.
"Chính phủ đẩy mạnh công nghệ thông tin và các loại thiết bị kỹ thuật số, vì vậy họ đã góp phần gây ra vấn đề. Giờ đây, chúng phủ đang cố gắng giải quyết tình trạng này", Yong-Chool, giám đốc Trung tâm Quốc gia về Điều trị Hội chứng nghiện Internet, cho biết.
Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 10% thanh thiếu niên Hàn Quốc nghiện Internet. Chính phủ đã thông qua các biện pháp như "luật Cô bé Lọ Lem", cấm người chơi game chưa đầy 16 tuổi truy cập Internet sau nửa đêm. Chính phủ cũng tổ chức các trại dành cho thanh thiếu niên với khoá học kéo dài 3-4 tuần, bao gồm các lớp học giảm căng thẳng và hoạt động lành mạnh như đi bộ đường dài, leo núi, chơi ghita.
Khoảng 5.000 thanh thiếu niên đã đến trại trong năm 2015. Các em được cha mẹ hoặc giáo viên gửi đến đây và đều được đánh giá về mức độ nghiện Internet. Nhiều em thừa nhận đã nói dối về số giờ online hoặc cảm thấy dùng điện thoại thú vị hơn là ở cùng gia đình và bạn bè.
Hầu hết thanh thiếu niên ở đây được xếp vào nhóm nguy hiểm, khi chúng thường bị ám ảnh về việc sử dụng Internet, bỏ học và gặp vấn đề khi giao tiếp với mọi người. Nhiều em thu mình lại và cảm thấy cô đơn, hoặc thể hiện sự hung hăng, bốc đồng.
"Chúng tôi coi nghiện Internet giống như nghiện các thứ khác như rượu", Shim cho hay. Trong cuộc trò chuyện, mùi dầu xoa bóp thoang thoảng trong không gian trại, một bằng chứng cho thấy các em thường ít hoạt động thể chất.
Đối với trẻ nghiện Internet, việc thay đổi môi trường đột ngột không hề dễ dàng. Một số em bị phát hiện giấu điện thoại bí mật trong đồ đạc, cố thoát ra khỏi trại, đi bộ đến thị trấn gần nhất cách đó 5 km để tìm quán cà phê Internet.
Yoon, một học sinh trung học 18 tuổi ở Pocheon, đã đến trung tâm trong kỳ nghỉ đông. Suốt mùa hè, Yoon chơi điện tử trên máy tính ít nhất 14 giờ một ngày. Cả học kỳ sau đó, cậu đã dùng máy tính 12 giờ mỗi ngày để chơi game hay tán gẫu với bạn bè và nghĩ rằng điều đó hoàn toàn bình thường.
"Cháu không thấy đau đầu hay làm sao hết", Yoon nói. Nhưng bố mẹ Yoon thì không nghĩ vậy.
Học cách sống không lệ thuộc công nghệ
Ngày thứ 6 ở trại, các nam sinh có bài tập tô màu tranh động vật tượng trưng cho thành viên trong gia đình. Yoon vừa ăn kẹo vừa thao thao bất tuyệt về các chiến lược trong trò chơi điện tử. Nhiều nam sinh dùng hình ảnh bọ cạp, khỉ đột hay rắn để mô tả đặc điểm của cha mẹ.
Tại hội trường, một nhóm khác đang xây tháp bằng mì khô và kẹo dẻo. "Hãy sử dụng cái đầu của mình. Dù tốn thời gian cũng đừng bỏ cuộc", giáo viên Sun Jin-sook khích lệ.
Lớp học tại trung tâm được thiết kế nhằm giúp học viên giảm căng thẳng và sự lệ thuộc vào công nghệ. Ảnh: Washington Post.
Trên 4 bức tường của lớp học là các mẫu thông tin của học viên trong ngày đầu tiên đến trại, phổ biến là mong muốn nghề nghiệp trong tương lai và nhiều biến thể trả lời cho câu hỏi "Tại sao đến đây?", ví dụ như "Bị ép buộc".
"Mẹ bảo cháu đến đây và thậm chí cháu không nhận được phần thưởng nào vì điều đó", Yoon Suk-ho, học sinh trung học ở Daegu, cho biết. Tuy nhiên, cậu thừa nhận rằng mình cần trợ giúp.
"Cháu đã thực sự nghĩ rằng mình có thể có vấn đề với điện thoại thông minh. Khi cháu đến đây và mọi người giúp cháu nhận ra điều đó, cháu đã nghĩ rằng 'Làm thế nào có thể sống thiếu điện thoại được đây'", nam sinh 14 tuổi kể lại. Trước đây, cậu thường chơi điện tử không ngừng nghỉ.
Trên thực tế, các em đã làm được. Trong thời gian nghỉ, từng nhóm học sinh ra ngoài nghịch tuyết hay ngồi trên sàn chơi board game (mọi người cùng chơi trên một chiếc bảng gỗ hoặc giấy). Trên kệ là những bộ sách Harry Potter và truyện tranh.
Vào ngày cuối cùng của khóa học, các trại viên sẽ được đánh giá về khả năng "tái nghiện" Internet và có lịch kiểm tra định kỳ để theo dõi. Nhưng ít nhất khi ở đây, các em đã nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể sống mà không phụ thuộc vào công nghệ.
"Ở nhà, cháu chỉ chơi game. Nhưng ở đây, chúng cháu đã biết nói chuyện với nhau nhiều hơn", Kim Sung-min, 14 tuổi, hào hứng nói.
Theo Zing
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng