“Với doanh nghiệp CNTT thì thường phải qua 8 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động mới bắt đầu hòa vốn và có lãi. Nếu chỉ cho họ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu thì cũng vô nghĩa. Nên miễn trong vòng 10 năm đầu”, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty VCCorp nhận xét.
Cần có ưu đãi mới cho doanh nghiệp CNTT
Hiện đã có một số chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT. Chẳng hạn: Sản phẩm phần mềm (dịch vụ phần mềm và sản xuất phần mềm) không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT); Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho sản xuất phần mềm, theo đó, doanh nghiệp sản xuất phần mềm được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong vòng 15 năm, trường hợp đặc biệt được kéo dài thêm không quá 30 năm và miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế không quá 9 năm.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, đã đến lúc cần có những ưu đãi thuế mới phù hợp hơn dành cho các doanh nghiệp CNTT. Một trong những sở cứ được đưa ra là ngành CNTT Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển và chưa bước vào giai đoạn tăng trưởng thực sự (như thời kỳ cuối những năm 90 ở Ấn Độ, Trung Quốc, hay thời kỳ 2004 ở Philippines). Trong khi đó, chính sách ưu đãi hiện hành lại thấp hơn giai đoạn 2001 – 2008 và không phù hợp với mục tiêu phát triển ngành CNTT. Bên cạnh đó, sự phát triển về công nghệ đã làm các chính sách ưu đãi cần phải thay đổi. Bài học từ các quốc gia Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines cho thấy trước khi bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh, các quốc gia này đều gia tăng các biện pháp ưu đãi cho ngành CNTT.
Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, mới đây, Hội Tư vấn thuế đã xây dựng xong Đề án Ưu đãi thuế CNTT.
Theo đó, về ưu đãi thuế GTGT đối với doanh nghiệp CNTT, chuyển từ diện không chịu thuế (không nộp thuế đầu ra, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào) thành không kê khai tính thuế (không phải nộp thuế đầu ra và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào).
Về ưu đãi thuế TNDN, đưa dịch vụ CNTT và phần mềm vào nhóm được hưởng ưu đãi thuế; mức ưu đãi là được hưởng thuế suất 10% trong vòng 15 năm, trường hợp đặc biệt kéo dài thêm không quá 30 năm và miễn thuế 4 năm, giảm 50% không quá 9 năm; Tăng thời hạn ưu đãi đối với hoạt động sản xuất và dịch vụ phần mềm thành 30 năm.
Về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (TNCN), để tạo điều kiện thu hút nhân lực công nghệ cao, có thể vận dụng, bổ sung quy định giảm thuế TNCN đối với nhân lực CNTT thuộc Danh mục được giảm thuế TNCN như đã giảm 50% thuế đối với cá nhân có thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công làm tại các khu kinh tế. Ngoài ra, theo quy định của Luật Thuế TNCN, một số khoản phụ cấp được loại trừ khỏi thu nhập tính thuế (như phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc thù ngành nghề...). Với đặc thù ngành nghề CNTT có thời gian làm việc chủ yếu với máy tính, đề xuất mức phụ cấp đặc thù ngành nghề là 25% lương.
Ước tính tác động của Đề án là sẽ tăng năng suất, năng lực cạnh tranh, đóng góp thêm 25% vào tăng trưởng GDP; thu hút nhân tài, tạo thêm trên 1 triệu việc làm có thu nhập cao trong ngành CNTT và nhiều việc làm ở các ngành khác; tiếp tục đưa Việt Nam thành địa điểm hấp dẫn thu hút đầu tư ngành CNTT của thế giới...
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp.
Quan trọng nhất là ưu đãi thuế TNCN
Đánh giá cao chủ trương xây dựng những ưu đãi thuế mới cho doanh nghiệp CNTT, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông VCCorp cho rằng việc đưa ra ưu đãi mới phù hợp hơn sẽ giúp đảm bảo công bằng hơn cho doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
Trên thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài như Uber, Facebook, Google đều trốn nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam. Chỉ riêng việc các doanh nghiệp nước ngoài này không đóng thuế TNCN và bảo hiểm xã hội cũng đã là một khoản tiền khá lớn.
Chẳng hạn, đội ngũ của Google ở Việt Nam đều được ghi nhận lương từ công ty ở Singapore nên không phải đóng thuế TNCN. Hoặc Uber cũng không đóng thuế GTGT. “Giờ đưa các doanh nghiệp CNTT vào diện không phải kê khai tính thuế xét ra cũng không phải ưu đãi gì hơn cho doanh nghiệp trong nước mà cũng chỉ là đem lại công bằng hơn cho doanh nghiệp trong nước. Tôi không gọi đây là thuế ưu đãi mà gọi là thuế công bằng”, ông Nguyễn Thế Tân chia sẻ.
Góp ý cụ thể hơn về Đề án Ưu đãi thuế CNTT do Hội Tư vấn thuế xây dựng, ông Nguyễn Thế Tân nhấn mạnh tới những ưu đãi về thuế TNCN: “Có thể nâng cao mức cạnh tranh, lợi thế sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp hay không chính là ở thuế TNCN. Với doanh nghiệp CNTT Việt Nam thì thuế TNCN là vấn đề trọng điểm. Đây là nguồn chi trọng yếu nhất, ảnh hưởng sức cạnh tranh lớn nhất. Với mức thuế TNCN 35%, thì một doanh nghiệp khi trả cho một nhân sự 1.000 USD thì bản chất đã phải chi trả hơn 1.500 USD, chưa kể phải đóng bảo hiểm xã hội. Đáng lẽ phải phải không tính thuế TNCN thì mới công bằng so với nhiều doanh nghiệp nước ngoài”.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Tân, nếu được ưu đãi thuế TNCN thì doanh nghiệp CNTT Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài. Giờ ở Mỹ, chuyên gia CNTT có thể được trả tới 100.000 USD/tháng, 1 triệu USD/năm, trong khi tại Việt Nam mình trả được khoảng 4.000 USD/tháng đã là mức rất cao. Nếu bị tính thêm thuế TNCN thì sẽ giảm năng lực cạnh tranh trong việc thu hút nhân sự.
Về thuế TNDN, ông Nguyễn Thế Tân phân tích: “Với doanh nghiệp CNTT thì thường phải qua 8 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động mới bắt đầu hòa vốn và có lãi. Nếu chỉ cho họ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu thì cũng vô nghĩa. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng nên cho doanh nghiệp CNTT được miễn thuế TNDN trong vòng 10 năm đầu.
Mặt khác, chính sách giảm thuế TNDN không cần phải áp dụng đến 30 năm. Vì doanh nghiệp CNTT mà sau 15 năm vẫn không tự sống được, vẫn cần hỗ trợ về thuế này thì cũng không ổn. Để thời gian ưu đãi thuế tới 30 năm là quá dài, có vẻ lạm dụng ưu đãi quá”.
Theo ictnews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng