Nạn ăn cắp bản quyền của Facebook sẽ chấm dứt ngay khi có một vụ kiện

    GenQ,  

    Trước khi xảy ra vụ kiện đó, bản thân Facebook cũng không quá vội vàng khi giải quyết vấn đề này. Một khi nền tảng video của Facebook hoàn thành, ai đủ khả năng chống lại sự quyến rũ của nó đây?

    Vào năm ngoái, Facebook ra mắt tính năng “autoplay video” và kể từ đó cho đến nay thì mạng xã hội lớn nhất này liên tục tập trung vào mảng video trực tuyến. Theo báo cáo vào tháng 4, có hơn 4 tỷ lượt xem video mỗi ngày qua Facebook, đây là một con số rất ấn tượng, đặc biệt là khi Facebook mới chỉ tham gia vào mảng này không lâu.

    Đi kèm với sự phát triển nhanh là nỗi lo lớn mà Facebook phải đối mặt: đó là bản quyền và tình trạng ăn cắp video. Bài viết này sẽ tìm hiểu rõ hơn vấn đề trên qua lời chia sẻ của một người dùng YouTube, Hank Green, trên trang Medium.

    Facebook gặp nhiều vấn đề bản quyền video
    Facebook gặp nhiều vấn đề bản quyền video

    Hank Green là một YouTuber rất nổi tiếng với các video có lượt xem cao trên YouTube. Chính vì thế, họ không chấp nhận tình trạng người dùng khác lấy video của chính họ rồi chia sẻ lại lên Facebook mà không có bất kỳ sự chấp thuận nào. Hank Green báo cáo lên đội ngũ video của Facebook, và Facebook phản hồi lại rằng hãng có một số giải pháp cho phép người sử dụng báo cáo các nội dung bị ăn cắp và có thể sẽ xoá tài khoản đó nếu như liên tục tái phạm.

    Tuy nhiên, cách làm của Facebook lại không làm thoả mãn những nhà sản xuất video - những người mà Facebook thực sự cần để đánh bại sự thống trị của YouTube. Và nghiêm trọng hơn, biện pháp chống nạn ăn cắp video một cách yếu ớt của Facebook sẽ dẫn đến những vụ kiện lớn, gây tổn thất nhiều cho mạng xã hội về lâu về dài. Chưa hết, nếu thất bại trong việc bảo vệ người dùng chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, các nhà quảng cáo sẽ dần dần rời xa Facebook. Tóm lại, trong trường hợp Facebook không hành động một cách nhanh chóng và thiết thực, hãng sẽ gặp nhiều thử thách trong việc giữ chân hai nhóm đối tượng người dùng - hai nhóm sẽ góp phần lớn giúp Facebook biến ước mơ “nền tảng video thế hệ kế mới” thành hiện thực.

    Freebooting ám chỉ tình trạng đăng tải lại những video của người khác lên Facebook mà không có sự đồng ý
    Freebooting ám chỉ tình trạng đăng tải lại những video của người khác lên Facebook mà không có sự đồng ý

    Từ trước đến nay, YouTube luôn là kẻ thống trị tuyệt đối thị trường video trực tuyến. Mỗi phút có tới hơn 300 giờ video được tải lên YouTube, tạo ra hàng tỷ lượt xem mỗi ngày. Số lượt xem khổng lồ này đã tạo ra một thế hệ "ngôi sao YouTube" và đồng thời, sản sinh ra hàng tỷ USD doanh thu. Với Facebook, thị trường này là một miếng bánh không thể bỏ lỡ. Những thử nghiệm ban đầu của Facebook đang cố gắng giữ người dùng ở lại lâu hơn News Feed và ngăn cho họ click vào các link ngoài dẫn tới YouTube hoặc một site nào đó.

    Đó là lúc rắc rối xảy ra. Green tiếp tục chỉ ra những vấn đề trực tiếp từ cách mà Facebook quản lý video. Như chúng ta đều biết, Facebook luôn khuyến khích người sử dụng đăng tải video trực tiếp, thay vì chia sẻ lại những video từ các nguồn khác. Lợi ích của việc đăng tải trực tiếp là rất rõ ràng, người dùng có thể xem video đó ngay từ News Feed mà không phải qua một link khác, hay có thể phóng to video đó lên nhanh chóng. Chính vì thế, video upload trực tiếp qua Facebook sẽ có lượt view cao hơn. Từ đây, tình trạng lấy cắp video mà không xin phép chủ sở hữu nảy sinh, "ăn không lượt views" rõ ràng, đó được gọi là tình trạng “freebooting”.

    Freebooting hay Freebooter nhận thức được những video đăng tải lên Facebook một cách trực tiếp sẽ có view cao hơn, vì vậy họ những “freebooter” quyết định lấy các đoạn video hay, rồi upload ngược lên lại để thu hút nhiều lượt xem, tất nhiên là không có bất kỳ một sự đồng ý nào. Cụ thể hơn, freebooting có thể sẽ lấy video nổi tiếng nào đó trên YouTube hay Vimeo, tải về máy rồi sau đó upload ngược lên lại Facebook. Chất lượng video sẽ giảm, nhưng người dùng sẽ xem đoạn video đó một cách thuận tiện hơn, qua đó gián tiếp đẩy lượt xem lên cao.

    Green cũng cho biết Facebook đang lừa dối những nhà quảng cáo tiềm năng và những người dùng khác bằng lời khẳng định rằng, những video của họ thực tế sẽ có nhiều view hơn. Facebook nói rằng họ sẽ tính lượt xem video khi một người bỏ ra từ 3s để xem video đó (cho dù người đó có bật âm thanh hay không), điều này có nghĩa là sẽ có khoảng 90% người dùng lướt Facebook sẽ được tính là xem đoạn video đó. Rõ hơn, vì các video trên Facebook có tính năng tự động chạy, do đó khi chúng ta chuyển đến, video đó sẽ chạy cho dù ta có chủ đích là xem hay không.

    Chính vì lý do đó, Green tin rằng nếu tính thời lượng là 30 giây cho một lượt xem, sẽ chỉ có khoảng 20% người dùng Facebook đang thực sự xem video. Phản hồi lại Green, Matt Pakes, quản lý sản phẩm của Facebook cho biết: “Nếu bạn còn nán lại xem video trong vòng ít nhất 3 giây, điều đó cho chúng tôi thấy rằng bạn không chỉ đơn thuần là lướt qua trang News Feed của mình, mà bạn đang thực sự muốn xem video đó”.

    Green tất nhiên là không hài lòng với lời giải đáp của Pakes, anh này nói: “Nếu bạn thực sự nghiêm túc với vấn đề này, bạn sẽ không khoe khoang sự phát triển mà phần lớn dựa vào những kẻ cướp, bạn sẽ đối diện với báo chí và những nhà đầu tư, những người mà bạn thực sự rất khó khăn để lừa dối”. Green đính chính với trang The Verge rằng, anh không đứng về phía YouTube để chống lại Facebook - Green chỉ muốn Facebook phải nghiêm túc hơn nữa trong việc chống nạn ăn cắp bản quyền video.

    Hiện tại Facebook khiến những người làm video như Green phải chịu thiệt thòi khi không cho phép tìm kiếm các video vi phạm bản quyền. Kể cả khi tìm được những video bị ăn cắp đó, chủ sở hữu phải điền rất nhiều thông tin và sau đó mất vài ngày (lượng views bị ăn cắp là không đo đếm được) trước khi video đó bị hạ xuống.

    Đến đây, câu hỏi được đặt ra đó là những lời chỉ trích của Green cùng nhiều nhà sản xuất video khác sẽ thực sự là vấn đề đối với Facebook? Thực chất, chiến thuật này của Facebook không hề làm hại họ, trái lại nó đang giúp sức mạnh mẽ cho mạng xã hội này.

    Facebook trong lĩnh vực video giống như một đứa trẻ còn đang tập đi, nó sẽ cầm nắm bất cứ thứ gì có thể giúp nó đứng dậy. Theo cách này, Facebook đang có chút gì đó giống như YouTube trong những ngày đầu. Nhưng sự giống nhau chỉ dừng ở đó. Khi YouTube lần đầu nhận được những lời khiếu nại về bản quyền, nó mới chỉ là một startup nhỏ với khoảng hơn 10 người. Sau khi được Google mua lại, YouTube xem trọng vấn đề bản quyền hơn với việc ra mắt hệ thống Content ID - hệ thống tự động kiểm tra vấn đề bản quyền của những đoạn video upload lên, và sẽ ngăn chặn những video vi phạm.

    Chính sách mới sẽ giúp cho những nhà sản xuất nội dung kiếm được nhiều tiền hơn từ video Facebook
    Chính sách mới sẽ giúp cho những nhà sản xuất nội dung kiếm được nhiều tiền hơn từ video Facebook

    Facebook rõ ràng mạnh mẽ hơn YouTube thuở ban đầu rất nhiều và được kỳ vọng sẽ phát triển một hệ thống tương tự khi chính thức bước chân vào làng video. Nhìn chung những video trên YouTube tác động xấu đến Hollywood và ngành công nghiệp thu âm. Ngược lại, các video trên Facebook lại không gây nên những ảnh hưởng có tầm quy mô như thế, vì đơn giản là những freebooter chỉ làm tổn hại đến các YouTuber, và chính những freebooter cũng không kiếm được tiền từ lượt xem Facebook.

    Có vẻ như, Facebook cũng đang phát triển một hệ thống tương tự như Content ID, chỉ có điều là nó chưa hoàn thiện. Facebook tự nhận thức được rằng họ là một nền tảng video khác so với YouTube, và chính những video “ăn cắp” sẽ giúp đem lại nhiều lượt xem hơn, thế nên họ chẳng việc gì phải vội vã cả. Một khi hệ thống của riêng mình hoàn thiện, những sự ồn ào giai đoạn vừa qua cũng sẽ biến mất.

    Facebook hiện tại có khoảng hơn 1,5 tỷ người dùng hàng tháng, so sánh với hơn 1 tỷ người dùng của YouTube. Điều này lý giải vì sao cũng cùng một đoạn video (dù bên Facebook chất lượng kém hơn) phải tốn 4 năm để đạt 5 triệu lượt xem trên YouTube, nhưng khi đăng lên Facebook thì chỉ tốn khoảng 4 ngày.

    Lượng tiếp cận, tầm ảnh hưởng và cuối cùng là doanh thu của Facebook đang tỏ ra hấp dẫn những nhà sản xuất video hơn rát nhiều. Một ngày nào đó, những hành động "freebooting" sẽ biến mất hoàn toàn và khi đó, kể cả những người làm video đang giận dữ nhất cũng sẽ nhìn thấy dấu hiệu của đồng đô-la. Một khi nền tảng video của Facebook hoàn thành, ai đủ khả năng chống lại sự quyến rũ của nó đây?

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày