Năm 2017 rồi, chạy đua sản xuất smartphone để làm gì nữa?

    Lê Hoàng,  

    Khi ngay cả kẻ thống trị Apple cũng phải chứng kiến lợi nhuận suy giảm ở mức 2 chữ số, khi tổng doanh số toàn cầu từ chỗ tăng trưởng 2 chữ số xuống còn xấp xỉ... 0,6%, rõ ràng là thị trường smartphone đã trở nên quá khắc nghiệt.

    Thị trường càng ngày càng khốc liệt

    Theo tuyên bố mới nhất của tập đoàn nghiên cứu thị trường IDC, doanh số smartphone toàn cầu trong năm 2016 sẽ chỉ đạt 1,445 tỷ máy, tăng rất nhẹ so với mức 1,433 tỷ máy của năm 2015. Đáng kinh ngạc nhất, nếu như thị trường smartphone năm ngoái vẫn đạt mức tăng trưởng 2 chữ số thì đến năm nay, con số này thậm chí còn không đạt nổi 1 chữ số: 0,6%.

    Đây chỉ là một trong số rất nhiều những tín hiệu cho thấy thị trường smartphone đã chạm đỉnh và bắt đầu đi xuống. Trừ một số ngoại lệ đặc biệt, gần như tất cả các nhà sản xuất smartphone đều đang chứng kiến lợi nhuận và doanh thu sụt giảm. Một số nhà sản xuất Trung Quốc như OPPO và Huawei vẫn đang tăng trưởng, nhưng các con số tăng trưởng của Huawei và OPPO thực chất đến từ khách hàng truyền thống của điện thoại giá rẻ nay nâng cấp lên điện thoại tầm trung. Nhưng theo IDC ngay cả thị trường từng được coi là "con ngỗng đẻ trứng vàng" này cũng sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng ở mức dưới 5% vào cho năm nay. Khi cái bể cá càng ngày càng thu hẹp, phần ăn cho mỗi con cá trong bể cũng vậy.

     Số liệu thống kê của Statistica đưa ra kết luận tương tự với IDC: thị trường smartphone đã bão hòa.

    Số liệu thống kê của Statistica đưa ra kết luận tương tự với IDC: thị trường smartphone đã bão hòa.

    Khi nhìn vào miếng bánh lợi nhuận của từng nhà sản xuất, mọi thứ càng tăm tối hơn. Mọi năm, Apple và Samsung thường sẽ chiếm quá 100% lợi nhuận của ngành sản xuất smartphone (phần đông các nhà sản xuất khác là chịu lỗ) thì đến quý 3 vừa rồi, sự cố Galaxy Note7 khiến Samsung bị tụt khỏi top các nhà sản xuất sinh lời nhiều nhất. Apple không có đối thủ nên vươn lên ăn tới... 91% tổng lợi nhuận của ngành smartphone. Ở các mức từ 2,2% đến 2,4%, các đối thủ Trung Quốc xếp theo sau chỉ nhỏ như mắt muỗi so với Apple. Nếu như thị trường tầm trung cũng nhanh bão hòa như thị trường tầm thấp, không khó để nhận ra rằng Huawei và OPPO sẽ bị đẩy vào cảnh tăm tối như Xiaomi hiện nay.

     Đo lợi nhuận: Quá khắc nghiệt với những ai không phải là Apple.

    Đo lợi nhuận: Quá khắc nghiệt với những ai không phải là Apple.

    Trớ trêu nhất là ngay đến cả con số 91% của Apple cũng không thể khiến cho bất cứ ai, kể cả Tim Cook, yên lòng về tương lai smartphone. Dù "ăn" gần hết lãi của cả ngành công nghiệp nhưng khoản lời mà Apple thu về trong quý vừa rồi thực chất lại giảm tới 19% so với cùng kỳ 2015. Cái khó của năm 2016 không chừa bất kỳ ai, kể cả kẻ đứng trên ngai vàng.

    Người tiêu dùng chán còn nhà sản xuất thì bí bách đủ đường

    Một đặc điểm khá rõ rệt của thị trường smartphone trong vòng 2 năm qua là mức độ sáng tạo rất hạn chế. Trong khi Samsung đơn phương độc mã đẩy mạnh trào lưu điện thoại màn hình dẻo/vát cạnh, tất cả các tên tuổi lớn khác đều thất bại khi nỗ lực mang đến những thay đổi cốt lõi cho trải nghiệm smartphone. Trong thế giới Android, trào lưu smartphone module mở đầu hoành tráng rồi chết tức tưởi với thất bại của LG G5 và cái chết của Project Ara. Ở bên kia chiến tuyến, 3D Touch của Apple cũng chẳng thể mở ra một kênh giao tiếp mới giữa người dùng và điện thoại khi quá hạn chế về số lượng tính năng/ứng dụng hỗ trợ.

    Sáng tạo? Đổi mới? Không.
    "Sáng tạo"? "Đổi mới"? Không.

    Rõ ràng là qua gần 10 năm kể từ ngày iPhone ra đời, không gian sáng tạo trên chiếc smartphone cảm ứng đã dần dần cạn kiệt. Mọi việc càng trở nên khó khăn hơn khi smartphone trong những năm qua đã bắt đầu trở nên đủ tốt để người dùng có thể kéo dài chu kỳ nâng cấp của mình từ 1 hoặc 2 năm như trước đây thành 3, 4 năm hoặc hơn. Điều này càng khiến cho cuộc chiến smartphone trở nên khắc nghiệt bởi một khi thị trường đã bão hòa, kỷ nguyên mua mới đã chấm dứt và kỷ nguyên nâng cấp bắt đầu. Điện thoại cũ đủ tốt, điện thoại mới không choáng ngợp, lấy gì thuyết phục người mua?

    Cùng lúc, chiến lược chạy đua cấu hình truyền thống có thể coi là đã chết, đặc biệt là khi nhìn vào xu thế "cấu hình cao giá rẻ" đã từng làm mua làm gió: tại Trung Quốc, giá trung bình của điện thoại bán ra đang tăng rõ rệt. Điều này cho thấy người dùng đang sẵn sàng chấp nhận bỏ ra những khoản tiền lớn hơn để được sở hữu những trải nghiệm mới mẻ, cao cấp hơn. Xu thế nâng cấp lý giải vì sao năm 2016 là một năm thảm bại của Xiaomi. Từng được ví là "Apple của Trung Quốc", trong năm nay Xiaomi đã liên tiếp chứng kiến doanh số sụt giảm từ quý này sang quý khác.

    LeEco, startup Trung Quốc từng tuyên bố sẽ gây bão trên thị trường nay đã sắp... hết vốn.
    LeEco, startup Trung Quốc từng tuyên bố sẽ gây bão trên thị trường nay đã sắp... hết vốn.

    Tại sao? Chiến lược cấu hình cao giá rẻ tưởng chừng bất khả chiến bại của Xiaomi rõ ràng là đã thất bại khi người dùng lần lượt từ bỏ phân khúc giá thấp để đi lên phân khúc tầm trung hào nhoáng hơn về thiết kế và số lượng tính năng. Nhà sản xuất từng có thời đứng số 1 Trung Quốc hiện đang tỏ ra tụt hậu trầm trọng khi không có sản phẩm nào ở tầm trung và tầm cao và cũng không thể bứt phá về tính năng ngoại trừ cuộc đua cấu hình nhàm chán. Đáng lo ngại hơn, lợi nhuận quá thấp trên mỗi chiếc điện thoại bán ra khiến cho Xiaomi không thể tiến hành các chiến dịch marketing mạnh mẽ như OPPO và Huawei - nói cách khác là từ bỏ cuộc chiến đã từng giúp cho Samsung đánh bại các đối thủ trong thời kỳ sơ sinh của Android.

    Smartphone sẽ đi về đâu?

    Hiển nhiên, giờ còn là quá sớm để khẳng định rằng chiếc smartphone của chúng ta sẽ chết. Nói "smartphone sẽ chết" chẳng khác gì nói "PC đã chết" cách đây vài năm: người dùng thế nào rồi cũng cần phải có một chiếc điện thoại khi cả smartwatch, kính thông minh hay bất kể một thiết bị đeo nào khác đều không thể thay thế tính năng.

    Thế nhưng, chiếc smartphone ngày nay cũng sẽ gặp phải một loạt các vấn đề đã từng khiến các nhà sản xuất PC điêu đứng. Người tiêu dùng vẫn sẽ sử dụng smartphone hàng ngày, nhưng tốc độ mua mới sẽ chậm lại. Họ sẽ nâng cấp ít hơn, sẽ đòi hỏi nhiều hơn - cùng lúc, cái giá để trả cho những thất bại như LG G5 hay Moto Z sẽ càng ngày càng đắt.

    Vậy thì chạy đua smartphone để làm gì nữa?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày