Muốn trở thành công xưởng mới của thế giới, đây là bài toán khó mà Ấn Độ cần phải giải
(Tổ Quốc) - Đối với các nhà sản xuất đa quốc gia, đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và nhiều người hiện đang tìm đến Ấn Độ.
Sau nhiều năm tranh luận về việc cần phải đa dạng chuỗi cung ứng để tránh các ảnh hưởng bởi tình hình địa chính trị khi "đặt tất cả trứng ở một giỏ", đại dịch Covid-19 sau đó đã cho các công ty đa quốc gia thấy tầm quan trọng của việc không nên phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất như thế nào.
“Bản thân những căng thẳng địa chính trị có thể không dẫn đến mức độ tổ chức lại chuỗi cung ứng, nhưng COVID-19 chắc chắn đã mang lại một tầm nhìn xa hơn, theo kiểu thêm dầu vào lửa”, Ashutosh Sharma, giám đốc nghiên cứu của nhà nghiên cứu thị trường Forrester, chia sẻ về vấn đề này.
Gã khổng lồ công nghệ Apple đang cung cấp một ví dụ mới và điển hình nhất về việc bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc quá mức vào các dây chuyền sản xuất ở một quốc gia duy nhất, với việc sản lượng iPhone bị ảnh hưởng rất lớn. Apple hiện tăng tốc và đẩy mạnh việc chuyển các dây chuyền sản xuất ra sang các nước châu Á. Nhưng đi đâu?
Lựa chọn hàng đầu của Foxconn - nhà cung cấp lớn nhất của Apple - là Ấn Độ và các nhà sản xuất chip khác dường như cũng vậy.
"Ấn Độ có lực lượng lao động lớn, lịch sử sản xuất lâu đời và sự hỗ trợ của chính phủ để thúc đẩy ngành công nghiệp và xuất khẩu. Vì điều này, nhiều người đang tìm hiểu xem liệu sản xuất của Ấn Độ có phải là giải pháp thay thế khả thi hay không", Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành rủi ro chuỗi cung ứng nền tảng quản lý Everstream, nói.
Nhưng việc di chuyển thì nói dễ hơn làm.
Là một nền kinh tế lớn với dân số trẻ, Ấn Độ có tiềm năng trở thành một cường quốc sản xuất. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này cũng nổi tiếng với nạn quan liêu và tham nhũng.
“Nó khác xa với nơi mà các doanh nghiệp có thể đến và mở một cửa hàng mà không cần tuân thủ quá nhiều quy định của công ty”, Sharma, một người Ấn Độ có hiểu biết về vấn đề này cho biết. "Tôi chắc chắn rằng những nơi khác cũng có những vấn đề đó, nhưng khả năng đáp ứng nhanh cho các yêu cầu cao hơn nhiều so với ở Ấn Độ, bởi vì Ấn Độ dân chủ hơn nhiều và có quá nhiều bên liên quan cần đáp ứng ở đây."
Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 63 trong danh sách 190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp hạng dựa trên mức độ dễ dàng kinh doanh vào năm 2019. Mặc dù đây là sự cải thiện đáng kể so với vị trí thứ 142 vào năm 2014 khi Thủ tướng Narendra Modi nhậm chức - nhưng vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm để nỗ lực đuổi kịp các đối thủ tiềm năng.
Ấn Độ cũng có lịch sử về bảo hộ doanh nghiệp, khiến nước này kém cạnh tranh hơn trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn từ nước ngoài. CEO Gerdeman cho biết: “Hầu hết các nhà máy ở Ấn Độ đều có quy mô vừa và nhỏ do các quy định và biện pháp bảo vệ của liên bang được thiết kế để dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Thủ tướng Ấn Độ Modi đã nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2014, đưa vốn FDI lên mức kỷ lục 83,6 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua, theo dữ liệu của chính phủ nước này.
"Ấn Độ chắc chắn có lợi thế về nhân khẩu học, về địa lý, về cơ sở hạ tầng hiện có, phần lớn đã được xây dựng trong vài năm qua," Sharma nói. "Rõ ràng nó có thể giúp tăng quy mô, nhưng thứ nó không có là tất cả các mảnh ghép cần thiết."
Theo Sharma, ở "công xưởng của thế giới", người ta đã tìm cách quản lý để xây dựng một chuỗi giá trị rộng lớn đến mức hầu hết mọi thứ cần thiết để tạo ra một sản phẩm đều có thể được cung cấp và mua ngay trong nước. Điều này cho phép thực hiện việc sản xuất với chi phí thấp trên quy mô lớn. Ngược lại, Ấn Độ chưa có khả năng này và sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng.
Thông thường, các nhà sản xuất luôn bắt đầu vận hành nhà máy với dây chuyền lắp ráp trước khi bắt đầu phát triển các dây chuyền cung cấp tại địa phương cho các thành phẩm trong quá trình "tích hợp ngược" các quy trình.
"Chuỗi cung ứng cần có thời gian để xây dựng vì ngay cả khi bạn tìm nguồn cung ứng nội bộ, chất lượng ban đầu sẽ không tốt, quy mô của bạn không cao và bạn gặp phải những vấn đề đó. Vì vậy, điều đó có thể thực hiện được, nhưng nó cần thời gian", ông nói thêm.
Các chuyên gia cho biết trong mọi trường hợp, các công ty khó có thể đổ xô đến Ấn Độ. Bởi vì điều đó đã được chứng minh là quá rủi ro.
Trước Foxconn và Apple, gã khổng lồ đồ thể thao Nike của Mỹ, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota và gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung đều nằm trong số nhiều công ty gặp vấn đề về chuỗi cung ứng kéo dài vì sự phụ thuộc của họ vào một quốc gia duy nhất.
“Họ đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng của mình", Sharma nói. "Nếu bạn nhìn vào Foxconn và Apple, họ đã chuyển một phần đáng kể hoạt động sản xuất sang Ấn Độ và tôi chắc chắn là cả sang các nước khác như Việt Nam, và một vài nơi khác. Đó chính là vì họ muốn đa dạng hóa, từ việc phụ thuộc vào một quốc gia, thành phụ thuộc vào một vài địa điểm khác nhau".
Điều này có nghĩa là các chuỗi cung ứng sẽ trở nên phức tạp hơn, nhưng chúng sẽ được đa dạng hóa tất cả từ các khâu nguyên liệu thô. Sharma nói thêm: “Nếu họ có thể xây dựng hai hoặc ba địa điểm đáng tin cậy để lấy nguồn, họ vẫn sẽ có các nguồn thay thế ngay cả khi có điều gì đó xảy ra với một địa điểm trong tương lai”.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng