Một khuôn mặt khác của drone, nhuốm đầy tội ác
Ngoài việc quay video và chụp ảnh từ trên cao, drone còn đang bị các phần tử xấu sử dụng để thực hiện các hành vi khủng bố.
Đa số các bạn đọc giả công nghệ khi được nghe đến drone đều biết những công dụng và lợi ích mà thiết bị bay không người lái này mang lại, chẳng hạn như quay phim hoặc chụp ảnh nghệ thuật từ trên cao, hay thậm chí sáng tạo cho mình những kiểu selfie với góc chụp cực kỳ độc đáo.
Tuy nhiên, có mấy ai từng tưởng tượng đến viễn cảnh thiết bị bay không người lái này được sử dụng cho mục đích xấu chưa? Lắp thuốc nổ vào drone và điều khiển nó bay xông thẳng vào đám đông hoặc triệt hạ một chiếc máy bay? Có vẻ nghe hơi lạ nhưng thực tế đã có một số người từng nghĩ đến những chuyện này rồi đấy!
Phần lớn các phát minh công nghệ đều có mặt tốt và mặt xấu mà chúng ta không biết đến; bên cạnh đó, Internet ngày nay đã sản sinh ra một số lượng đáng kể những tên tội phạm gian xảo. Chúng ta hầu như ai cũng mang theo bên mình ít nhất một chiếc smartphone, và bạn có biết rằng đây cũng là điểm mấu chốt để các tên hacker lẫn các tổ chức xấu lợi dụng để theo dõi? Drone cũng vậy, thiết bị này có những mặt tối dễ bị các phần tử xấu lợi dụng, hơn nữa, mức độ nguy hiểm và tỉ lệ sát thương của nó còn cao hơn nhiều.
Đối với những phần tử ly khai và các nhóm khủng bố, drone được xem như là vũ khí giá rẻ nhưng lại cực kỳ đa dụng.
Thực tế, drone đã từng được sử dụng trong các cuộc chiến những năm gần đây, trong đó những thiết bị bay không người lái này đã được Mỹ dùng trong các đợt tấn công ở Pakistan từ năm 2004 cho đến nay. Tuy nhiên, những "chiến binh" drone dành cho quân đội có giá lên tới hàng triệu USD và ngốn hàng ngàn USD cho mỗi giờ bay. Ngược lại, một chiếc drone DJI Phantom 4 chỉ có giá 1.399 USD và có thể sạc nhanh trước khi cất cánh. Loại máy bay dân dụng này chỉ có giá trị sử dụng rất thấp đối với các tổ chức quân đội lớn, nhưng với những phần tử ly khai lẫn các nhóm khủng bố như ISIS, Al Qaeda...thì đây lại là thứ vũ khí cực kỳ đa dụng và dễ mua.
Ở các vùng chiến sự như Iraq, Libya, Syria và Ukraine, những chiếc drone dân dụng này có thể được dùng để dò tìm vị trí quân địch, truyền hình trực tiếp các trận đánh đang diễn ra hoặc thậm chí cũng dùng để thả những thiết bị nổ tự chế (IEDs - Improvised Explosive Devices) nhằm tàn phá và gây sát thương cao.
Lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine đang mở hộp một chiếc drone DJI.
Theo một báo cáo mới đây từ Trung tâm nghiên cứu vũ khí (ARES) và tổ chức hòa bình phi chính phủ Hà Lan (PAX) cho biết đã từng xảy ra một vụ tấn công từ lực lượng ly khai, khi đó nhóm này đã thử lắp lựu đạn vào drone để biến nó thành một quả bom di động, tuy nhiên cuối cùng quả lựu đạn này đã không phát nổ.
Bên cạnh đó, drone cũng có thể được sử dụng cho các mục đích tuyên truyền. Báo cáo cũng cho thấy đoạn video tuyên truyền của ISIS phát hành vào tháng 12/2014, trong đó có nhiều cảnh tấn công liều chết vào khu vực người Kurd. Điều đáng nói là tất cả đoạn video này đều được quay bằng drone.
Ngoài ra, một số công dụng khác của drone còn bao gồm cả việc trinh sát và giám sát, nhiều thiết bị bay này còn được "chế" lại để gia tăng thời gian bay hoặc thậm chí có thể dùng để kích nổ bom. DJI cũng quảng cáo rằng các sản phẩm drone của họ có thể được tùy biến một phần và kèm theo đó là cấu trúc mã mở API, điều này khuyến khích khách hàng có thể mày mò tinh chỉnh thêm cho vừa ý của mình, tuy nhiên nó lại là kẽ hở để những thành phần xấu lợi dụng để làm việc ác.
Với tình trạng sử dụng đại trà như hiện nay, thiết nghĩ cần phải có những điều luật quản lý chặt chẽ và rõ ràng hơn về việc sử dụng drone. Tại Mỹ, Cơ quan Hàng không liên bang hiện yêu cầu tất cả người sở hữu drone phải đăng ký với chính quyền trước khi sử dụng. Cụ thể nếu bất kỳ cá nhân nào điều khiển drone bay mà chưa hề đăng ký sẽ bị phạt dân sự ở mức 27.500 USD và hình sự ở mức 250.000 USD, điều này khiến dư luận chỉ trích rằng điều luật quá khắt khe. Tuy nhiên nếu nhìn ở hướng khác, nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ, rất có thể tương lai sắp tới rất dễ bị các phần tử xấu lợi dụng drone để phá hoại hoặc gây nguy hiểm tính mạng đến thường dân.
Về phía Liên minh Châu Âu, các điều luật quản lý vẫn đang trong vòng thảo luận, nhưng tại thời điểm này chỉ có những máy bay không người lái "cân nặng" từ 150 kg trở lên mới được áp dụng theo luật của khối liên minh này, còn với những drone nhẹ cân hơn sẽ còn tùy thuộc vào luật pháp của mỗi quốc gia thành viên tự đặt ra.
Giá thành rẻ và sự phổ biến của các thiết bị bay này chắc chắn sẽ có những hậu quả ngoài ý muốn. Chính phủ các nước hiện nay đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ tăng trưởng chóng mặt của công nghệ, trong khi những thành phần bất chính vẫn luôn lấy đó là điều hạnh phúc nhằm tận dụng thời cơ chín mùi để hành động. Rõ ràng việc đưa ra những quy định chặt chẽ trong thời điểm này không phải là thừa, khi mà ngành công nghiệp này đang phát triển quá nhanh, quá nguy hiểm.
Tham khảo: Bokeh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng