Mở hộp ASUS ROG Strix Z890-E Gaming WiFi: Hiệu năng song hành với tiện lợi
Thuộc dải sản phẩm nhắm tới phân khúc khách hàng có ngân sách trung bình cao, ASUS ROG Strix Z890-E Gaming WiFi mang lại hiệu năng tiệm cận cao cấp đồng thời có những tính năng tiên lợi tương đương các sản phẩm cao cấp.
Vẫn theo truyền thống, hàng năm bên cạnh việc ra mắt dòng CPU Intel Core cho máy tính để bàn, Intel sẽ đồng thời ra mắt chipset mới. Năm nay, song hành cùng Intel Core Ultra series 2 là dòng chipset 800 series với Z890, B860 và H810 cho máy tính để bàn phổ thông.
Khi người dùng hướng tới các cấu hình sử dụng CPU đầu bảng như Intel Core Ultra 9 285K, bo mạch chủ mainboard cũng nên được đầu tư đôi chút nhằm tận dụng được hết hiệu năng. Ngoài ra, nếu Intel tiếp tục giữ tuổi thọ của socket ở mức 3 năm như với LGA1700, mainboard cao cấp hơn cũng đảm bảo người dùng không cần nâng cấp đồng thời cùng CPU mỗi năm.
ROG Strix là dòng sản phẩm thuộc hàng trung-cao cấp của ASUS và năm nay, ASUS ROG Strix Z890-E Gaming WiFi là sản phẩm cao cấp nhất, tiệm cận tính năng của các mainboard thuộc dòng cao cấp ROG MAXIMUS. Phần hộp của sản phẩm vẫn theo ngôn ngữ thiết kế thường thấy của các sản phẩm ROG Strix với tông đen, đỏ và xanh, tím. Mặt trước hộp vẫn là logo ROG, tên sản phẩm, hình ảnh cũng như một số tính năng nổi bật như tương thích với CPU Intel Core Ultra series 2, WiFi 7 hay PCIe 5.0.
Cạnh phải phía trên của ROG Strix Z890-E Gaming WiFi là nơi tập trung khá nhiều các cổng kết nối. Phía trên là các chân nguồn 4-pin cho tản nhiệt CPU, AIO hay quạt case bên cạnh chân kết nối LED RGB. Kế đó là màn hình Q-CODE để người dùng dễ dàng xác định lỗi linh kiện nếu có khi bật máy và nút nguồn Start cũng như chân nguồn 24-pin và đầu cắm USB 3.2 Gen 1x1 mở rộng, đều là những thứ đã khá quen thuộc trên mainboard trong những năm gần đây.
Thực tế, các khe RAM với công nghệ NitroPath DRAM độc quyền của ASUS mới là thứ đáng giá. Việc thiết kế lại đường dẫn và chân tiếp xúc của khe RAM giúp tối ưu tốc độ trao đổi dữ liệu giữa RAM và CPU, mở ra tiềm năng ép xung RAM. Đồng thời, công nghệ này cũng thiết kế lại khe RAM DDR5 giúp chúng không chỉ bền hơn mà còn giữ RAM chắc chắn hơn.
Phía trên khe PCIe 5.0 x16 của ROG Strix Z890-E Gaming WiFi là các khe cắm ổ PCIe 5.0 x4. Khe trên cùng được trang bị Q-Release giúp người dùng dễ dàng tháo lắp tản nhiệt cho ổ cứng M.2. Khay giữ ổ M.2 cũng được trang bị chốt M.2 Q-Slide để người dùng có thể thoải mái lắp đặt ổ NVMe M.2 có chiều dài bất kì mà không cần sử dụng tới tua vít.
Tương tự, 2 khe M.2 ở phía dưới cũng đơn giản hóa việc lắp đặt ổ M.2 với chốt Q-Latch mới, chỉ cần xoay để cố định thay vì dùng ốc vít, hạn chế tối đa rủi ro nếu người dùng không may vặn quá tay.
Góc trái phía dưới của ROG Strix Z890-E Gaming WiFi là vị trí của chip âm thanh SupremeFX ALC4080 được tách khỏi các phần chính của mainboard. Kế bên đó là 4 khe M.2 PCIe 4.0 x4 đưới đặt dưới tấm nhôm tản nhiệt cỡ lớn bên cạnh tản nhiệt cho chipset.
Về cổng kết nối, bởi là dòng sản phẩm cận cao cấp nên ROG Strix Z890-E Gaming WiFi được thiết kế để tận dụng gần như toàn bộ khả năng của CPU và chipset. Nhờ đó, người dùng được trang bị tới 2 cổng Thunderbolt 4, 9 cổng USB 3.2 Gen 2x1 bao gồm 7 cổng Type-A và 2 cổng Type-C (1 cổng có PowerDelivery lên tới 30W), 5 cổng USB 3.2 Gen 1x1 Type-A, 1 cổng DisplayPort, 1 cổng HDMI, chân kết nối WiFi Q-Atenna, 1 cổng Ethernet Realtek băng thông 5Gb, 1 cổng line out và 1 cổng mic in 3.5 mạ vàng, cổng quang S/PDIF, nút BIOS FlashBack và nút ClearCMOS. Số lượng cổng kết nối này thực tế là hơi "overkill" so với nhu cầu thiết bị ngoại vi của người dùng thông thường.
Phần tản nhiệt VRM của ROG Strix Z890-E Gaming WiFi cũng được thiết kế khá ấn tượng với logo ROG có thể được tùy chỉnh hiệu ứng màu và đồng bộ với các chân cắm ARGB Gen2.
Nhìn chung, ROG Strix Z890-E Gaming WiFi là một chiếc mainboard cao cấp với số lượng tính năng và trang bị vượt trội với nhiều đối thủ trên thị trường, thậm chí có phần hơi "overkill". Kết hợp thêm các tính năng thông minh trong BIOS và phần mềm ASUS Armoury Crate như AI Overclocking, AI Cooling, AEMP III, DIMM Flex,... nhằm tối ưu hiệu năng các linh kiện khác trên mainboard như CPU và RAM, người dùng có thể dễ dàng "nghịch ngợm" nhằm tăng hiệu năng của hệ thống. Trường hợp xấu nhất xảy ra lỗi thì chỉ cần bấm ClearCMOS.
Với mức giá ở mức cao, việc đầu tư chiếc mainboard này chắc chắn sẽ khiến người dùng cân đối ngân sách hơn một chút nhưng với một loạt tính năng hướng tới tương lai, đây có thể được coi là một khoản đầu tư dài hạn, cho tới khi Intel đổi socket.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Trải nghiệm sớm OPPO Find X8 Pro: Tinh tế bên ngoài, mạnh mẽ bên trong
Năm nay, dòng Find X tiếp tục xây dựng trên ‘công thức thành công’ từ những thế hệ trước, nhưng với những công nghệ mới nhất khiến trải nghiệm ngày càng trở nên toàn diện hơn.
Người đàn ông trúng số 14 lần nhờ công thức toán học cực kỳ đơn giản