Microsoft tức tốc mua lại Nokia vì cựu vương đã “chán ngấy” Windows Phone?

    H.A,  

    Thương vụ mua bán giữa Microsoft và Nokia thực sự là một cú sốc với nhiều người.

    Hôm qua có thể coi là một ngày gây chấn động ngành công nghiệp di động toàn cầu với việc Microsoft thâu tóm 2 mảng kinh doanh quan trọng của Nokia là bộ phận thiết bị và dịch vụ. Thương vụ này có giá trị lên tới 5 tỷ USD và 2 tỷ USD còn lại để mua giấy phép sử dụng bằng sáng chế của Nokia trong 10 năm. Như vậy gần như giờ đây cựu vương một thời sẽ trở thành một công ty dịch vụ phát triển hạ tầng mạng viễn thông, bản đồ và bằng sáng chế. Tuy nhiên, nguyên nhân tại sao Microsoft lại bất ngờ mua lại một phần của Nokia? 2 nhà phân tích Ben Thompson và Benedict Evans đã đưa ra một giả thuyết có cơ sở: “Sở dĩ Microsoft phải mua lại những mảng kinh doanh lớn của Nokia là vì hãng điện thoại Phần Lan đang muốn chuyển sang một nền tảng khác hoặc trên bờ vực phá sản”.

    Microsoft tức tốc mua lại Nokia vì cựu vương đã “chán ngấy” Windows Phone

    Tới giờ phút này, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định việc kết giao với Microsoft và chỉ lựa chọn nền tảng phát triển chính Windows Phone là một bước đi sai lầm của Nokia ngay từ đầu. Tháng 2/2011, cựu CEO Stephen Elop của Nokia chính thức tuyên bố khai tử nền tảng Symbian để bắt tay với Microsoft, sử dụng hệ điều hành Windows Phone. Lý giải cho hành động chọn Windows Phone thay vì Android, Elop chỉ dùng một từ duy nhất, đó là “sự khác biệt”. Tuy nhiên, thành công thì ít mà mất mát thì quá nhiều, trong giai đoạn 2011 - 2012, Nokia lần lượt sa thải hơn 20.000 nhân viên để tái cơ cấu, bán thương hiệu điện thoại siêu sang Vertu, thậm chí bán luôn trụ sở chính tại Phần Lan, sau đó lập tức thuê lại để tiết kiệm tiền mặt. Nokia liên tiếp báo lỗ trong các bản báo cáo tài chính hàng quý, trung bình lên đến cả tỷ USD mỗi quý. Gần như một mình Nokia trở thành bộ mặt chính cho toàn bộ nền tảng Windows Phone. Nhiều người dùng sẵn sàng thừa nhận rằng họ mua điện thoại Windows Phone chỉ vì nó được sản xuất bởi Nokia, cái tên quen thuộc đã ăn quá sâu vào tiềm thức ngay cả với chính người dân Việt Nam .

    Theo chuyên gia phân tích Ben Thompson thì nếu chọn Android, nền tảng phát triển hàng đầu hiện nay thì vị trí của Nokia đã khác. Nhiều hãng cùng sử dụng chung một hệ điều hành, một kho ứng dụng thì người chiến thắng sẽ là kẻ có được những sản phẩm với thiết kế công nghiệp tốt nhất, mạng lưới phân phối cùng hệ thống khách hàng trung thành đông đảo. Những điều này có thể nói Nokia không hề thiếu, thậm chí còn vượt trội hơn so với rất nhiều hãng di động khi đó bởi vài năm trước đây Nokia vẫn là hãng điện thoại lớn nhất thế giới với số lượng nhân viên lên tới hơn 100.000 người làm việc ở 120 quốc gia khác nhau. Nhờ Android, những Huawei hay ZTE đã vượt qua cái bóng của chính mình ở thị trường Trung Quốc để vươn ra tới châu Âu hay Bắc Mỹ. Do đó, không có lý do gì Nokia lại là kẻ đứng ngoài cuộc nếu hãng cũng tham gia vào đội ngũ OEM của Google.

    Microsoft tức tốc mua lại Nokia vì cựu vương đã “chán ngấy” Windows Phone

    Bắt đầu từ luận điểm trên, Ben Thompson tin rằng giả thiết Nokia đã quá “chán nản” với Windows Phone là hợp lý hơn cả. Thực tế cũng cho thấy như vậy khi áp lực từ các cổ đông và nhà đầu tư là quá lớn. Giải pháp lúc này của hãng điện thoại Phần Lan là chuyển sang một nền tảng khác mà Nokia có thể tự do phát triển, nhanh chóng cung cấp các bản cập nhật để làm hài lòng người dùng hơn, ngoài Android, có thể là MeeGo, Sailfish OS hay Ubuntu. Trong tình huống này, Microsoft không còn cách nào khác là phải tung tiền mặt làm mồi câu buộc Nokia phải nhượng lại hết toàn bộ mảng thiết bị và hỗ trợ của hãng. Đồng thời một thỏa hiệp “phũ phàng” cũng được ký giữa 2 bên là hãng điện thoại Phần Lan không được sử dụng thương hiệu “Nokia” để sản xuất smartphone.

    Microsoft tức tốc mua lại Nokia vì cựu vương đã “chán ngấy” Windows Phone

    Tại sao Microsoft phải làm điều này? Bởi nó có ý nghĩa sống còn cho chính hệ điều hành di động Windows Phone mà gã phần mềm khổng lồ đang phát triển. Theo báo cáo của Gartner thì trong quý II/2013, Nokia đã bán được 7,4 triệu smartphone Lumia, chiếm tới 83% tổng số điện thoại Windows Phone tiêu thụ trên toàn cầu. Nói nôm nà thì gần như Nokia chính là nhà sản xuất chủ lực lôi kéo khách hàng tới hệ điều hành của Microsoft. Trong khi đó, Samsung, HTC hay Huawei sản xuất cực kỳ cầm chừng bởi nền tảng này không thực sự hấp dẫn họ cũng như rất khó để cạnh tranh được với Nokia vốn mạnh trong thiết kế và công nghệ camera. Nếu Nokia ra đi, Microsoft sẽ chỉ còn lại các OEM thiếu nhiệt huyết cũng như lòng trung thành, khi ấy Windows Phone có thể chết yểu là việc hoàn toàn dễ xảy ra. Không thể níu giữ Nokia ở lại, Microsoft muốn cứu Windows Phone chỉ còn cách cuối cùng là mua lại toàn bổ mảng thiết bị để chính thức trở thành một công ty sản xuất cả phần cứng và phần mềm trong lĩnh vực smartphone tương tự Apple.

    Microsoft tức tốc mua lại Nokia vì cựu vương đã “chán ngấy” Windows Phone?

    Tuy nhiên, viễn cảnh trước mắt của Microsoft cũng vẫn còn vô vàn chông gai dù hãng đã có thương hiệu Lumia của Nokia để lại. Bởi xét cho cùng Microsoft không thể kinh doanh độc quyền như cách làm của Apple. Sự nghèo nàn của kho ứng dụng hay khiếm khuyết trên hệ điều hành, cộng với thiết kế hay danh tiếng, Microsoft đều không thể so bì với Táo khuyết. Đứng ra kinh doanh riêng “làm cả ăn tất” không khác gì tự đào mồ chôn mình. Do đó, Microsoft vẫn tiếp tục phải cấp phép cho những nhà sản xuất thiết bị khác sử dụng Windows Phone và đảm bảo quyền lợi của các bên này tương đương với Nokia. Song để thành công, rõ ràng Windows Phone sẽ cần tới một cuộc thay máu và bứt phá nhanh hơn nữa còn với tốc độ chậm chạp hiện nay, áp lực cạnh tranh sẽ dễ dàng đào thải hệ điều hành của Microsoft.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày