Mặt trăng thứ hai của Trái Đất sẽ rời đi từ hôm nay: Hóa ra có nguồn gốc liên quan đến Mặt trăng 'chính chủ' từ hàng thế kỷ trước!
Mặc dù bị lực hấp dẫn của Mặt Trời kéo đi, đây chưa phải là lần cuối cùng chúng ta thấy "mặt trăng thứ hai" này.
Sau hai tháng quay quanh Trái Đất, "mặt trăng thứ hai" 2024 PT5 – một tiểu hành tinh có kích thước tương đương một chiếc xe buýt – đã bắt đầu rời khỏi quỹ đạo của hành tinh chúng ta vào hôm nay (25/11). Nó sẽ bước vào hành trình dài hàng thập kỷ trong Hệ Mặt Trời, bị cuốn theo lực hấp dẫn mạnh mẽ của Mặt Trời.
Tiểu hành tinh này từ đâu đến?
2024 PT5 được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 7/8 bởi hệ thống cảnh báo va chạm tiểu hành tinh (ATLAS) và bị lực hấp dẫn của Trái Đất "bắt giữ" vào ngày 29/9. Kể từ đó, nó đã hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh hành tinh chúng ta trước khi bị lực kéo của Mặt Trời "giải thoát".
Điều đặc biệt là nguồn gốc của 2024 PT5 vẫn còn là một bí ẩn. Theo NASA, có khả năng đây là một mảnh của Mặt Trăng, bị văng ra từ một vụ va chạm thiên thạch hàng thế kỷ trước. Josh Handal, nhà phân tích tại Văn phòng Điều phối Phòng thủ Hành tinh của NASA, viết: "Dựa vào quỹ đạo giống với Trái Đất, các nhà khoa học nghi ngờ rằng 2024 PT5 có thể là một khối đá lớn bị đẩy khỏi bề mặt Mặt Trăng sau một vụ va chạm thiên thạch lâu đời."
Ông cũng bác bỏ giả thuyết rằng đây có thể là một phần còn lại từ các vụ phóng tên lửa trong lịch sử, khẳng định rằng: "Sau khi phân tích chuyển động của đối tượng này, 2024 PT5 nhiều khả năng là vật thể tự nhiên hơn là nhân tạo."
Mặc dù bị lực hấp dẫn của Mặt Trời kéo đi, đây chưa phải là lần cuối cùng chúng ta thấy "mặt trăng thứ hai" này. Tiểu hành tinh này dự kiến sẽ quay lại Trái Đất vào tháng 1 năm sau, bay qua ở khoảng cách gần hơn – 1,1 triệu dặm (1,78 triệu km) – và di chuyển với tốc độ gấp đôi hiện tại. Sau lần "ghé thăm" này, nó sẽ tiếp tục hành trình xa hơn trong Hệ Mặt Trời, quay quanh Mặt Trời theo một quỹ đạo kéo dài.
NASA có kế hoạch theo dõi kỹ lưỡng sự kiện này trong một tuần, sử dụng ăng-ten radar Hệ Mặt Trời Goldstone tại sa mạc Mojave, California, như một phần trong mạng lưới không gian sâu của cơ quan này.
Nếu bỏ lỡ cơ hội này, những người yêu thiên văn sẽ phải đợi đến năm 2055 để chứng kiến 2024 PT5 quay trở lại và thực hiện một vòng quỹ đạo mới quanh Trái Đất.
Những tiểu hành tinh như 2024 PT5 không chỉ đơn thuần là sự tò mò của giới thiên văn. Nghiên cứu cho thấy chúng chứa các khoáng chất quý giá và nước, những yếu tố có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa. Đây là lý do các công ty khai thác tiểu hành tinh xem chúng như những "bàn đạp" để tiến xa hơn vào việc khai thác tài nguyên trong không gian.
Với 2024 PT5, hành trình của nó không chỉ mở ra cơ hội khám phá vũ trụ mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hiểu và khai thác tiềm năng từ những "vị khách bất ngờ" của Trái Đất.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Hiệu ứng giãn nở thời gian: Khi nào thì 1 giây kéo dài thành cả phút, 1 phút trôi qua như 1 giờ, còn chúng ta như bước vào một dòng thời gian hoàn toàn khác biệt?
Khi chúng ta bước vào trạng thái "siêu tiếp nhận", chúng ta đồng thời cũng nhảy vào một dòng thời gian khác trong tâm trí. Và dòng thời gian này trôi chậm hơn rất nhiều so với dòng thời gian thực.
Cận cảnh “Rồng Bắc Âu” MSI Titan 18 HX Dragon Edition: Siêu laptop mạnh mẽ với Intel Core Ultra 9 285HX, Nvidia RTX 5090 và thiết kế “ngầu vô đối”