Sự cố rò rỉ dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook không chỉ làm hàng chục tỷ USD bị thổi bay khỏi giá trị vốn hóa của mạng xã hội lớn nhất thế giới mà còn khiến ông chủ Zuckerberg bị yêu cầu từ chức.
Theo những người phản đối, khả năng xử lý khủng hoảng của Zuckerberg quá tệ.
Những lời chỉ trích đến sau khi Facebook để một đối tác bán dữ liệu của 50 triệu người dùng cho Cambridge Analytica và chúng đã được dùng nhằm tác động đến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Facebook biết việc này nhưng không mạnh tay ngăn chặn. Động thái cứng rắn nhất của họ là đóng cửa tài khoản Facebook của Cambridge Analytica trong thời gian gần đây, hành động được mô tả là quá muộn màng.
CNBC cho biết nhà đầu tư công nghệ Jason Calacanis đã chính thức yêu cầu Mark Zuckerberg từ chức và đề nghị đưa COO Sheryl Sandberg lên thay thế. Sandberg được mô tả là người giao tiếp tốt hơn và có khả năng lãnh đạo - hiểu rõ cách xử lý khi bê bối nổ ra.
Tuy nhiên, việc loại Zuckerberg khỏi Facebook là điều vô cùng khó khăn. Nhà đồng sáng lập không chỉ giữ quyền lực cao nhất mà còn là nhà lãnh đạo trọn đời của Facebook. Trước đó, Zuckerberg còn muốn làm CEO mạng xã hội này ngay cả khi cho đi tất cả cổ phần của ông.
"Anh ta chắc chắn sẽ không tự nguyện từ chức. Zuckerberg không phải chịu trách nhiệm trước bất cứ ai và kiểm soát khoảng 60% cổ phần của Facebook", Jeff Sonnenfeld, một nhà nghiên cứu, cho hay.
Sonnenfeld cũng lên tiếng chỉ trích Zuckerberg và COO Sandberg vì không công khai giải quyết các cáo buộc. Họ phớt lờ những bê bối như chưa có việc gì xảy ra, mặc cho cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ sụt giá cùng với uy tín của Facebook.
Hiện tại, Facebook chưa đưa ra phản hồi trước những lời chỉ trích.
Trong một diễn biến khác, rất nhiều nhân viên của Facebook đang tỏ ra thất vọng khi mạng xã hội lớn nhất hành tinh bị thao túng bởi một công ty làm việc cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và ủng hộ Brexit. Những nhân viên của Facebook muốn CEO Mark Zuckerberg phải lên tiếng và bảo vệ công ty.
Đã nhiều ngày sau khi bê bối nổ ra, tài khoản cá nhân của Zuckerberg vẫn im lặng. Không cuộc họp nội bộ nào được nhà lãnh đạo Facebook tổ chức trong ngày 20/3, thời điểm bê bối trở nên căng thẳng nhất. Nhà sáng lập Facebook cũng từ chối lên tiếng trả lời báo chí. COO Sheryl Sandberg cũng im lặng trước vấn đề nóng bỏng này.
Theo phía công ty, thắc mắc của nhân viên sẽ được trả lời trong cuộc họp nội bộ của công ty. Tuy nhiên, cả Zuckerberg và Sandberg đều không tham dự. Thay vào đó, người chủ trì là luật sư của Facebook Paul Grewal. Những bê bối trong thời gian gần đây khiến các nhân viên của Facebook phần nào hiểu về cách phản ứng của các nhà lãnh đạo dù họ mong chờ hơn thế.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon