Màn hình dẻo có thể kéo giãn tăng 50% kích thước: Chuyện như đùa nay đã thành thật

    H.A,  

    Màn hình dẻo của UCLA có khả năng kéo giãn thêm 50%.

    Trong vài năm qua, công nghệ màn hình dẻo đã được nhắc tới như là một sự thay thế xứng đáng trên các thiết bị di động của tương lai. Samsung hay LG chính là 2 gã khổng lồ trong sản xuất màn hình dẻo và không ít lần họ đã úp mở về việc sẽ trình làng các dòng điện thoại với màn hình dẻo linh hoạt. Nhưng mới đây, một nhóm nghiên cứu của trường đại học California - Los Angeles (UCLA) bất ngờ cho biết họ đang phát triển một công nghệ màn hình dẻo còn cao cấp hơn so với những gì mà Samsung hoặc LG đã làm được. Theo đó, nguyên mẫu màn hình được chế tạo bởi giáo sư Qibing Pei của UCLA không chỉ có độ bền vượt trội cho phép gấp, uốn cong và xoắn, mà còn có khả năng kéo dài đến gấp đôi kích thước ban đầu của nó. Một điểm thú vị khác là khi màn hình không sáng, thì nó gần như trong suốt.

    Màn hình dẻo có thể kéo giãn tăng 50% kích thước: Chuyện như đùa nay đã thành thật

    Về cơ bản, giải pháp màn hình dẻo của UCLA dựa trên công nghệ đi ốt phát sáng hữu cơ (OLED). Các màn hình này không cần tới đèn nền vì bản thân các điểm ảnh có thể tự sản sinh ra ánh sáng giúp nó hoạt động. Đây là một lợi thế lớn bởi việc tích hợp các đèn LED trên một màn hình có thể kéo giãn là chưa thực sự khả thi ở thời điểm hiện tại. Chìa khóa của công nghệ này nằm ở chính các điện cực. Chúng bao gồm một mạng lưới các dây nano bạc kết hợp với một polymer cách điện. Các lớp được xoay 90 độ so với nhau, tạo thành một mô hình khắc đường chéo song song khi nhìn từ trên cao. Mỗi điểm giao cắt sẽ hoạt động như một điểm ảnh trên màn hình.

    Màn hình dẻo có thể kéo giãn tăng 50% kích thước: Chuyện như đùa nay đã thành thật

    Bên cạnh đó, để có thể đảm bảo quá trình hoạt động lâu dài thì độ bền của vật liệu cũng là một đặc điểm mà UCLA cần tính tới. Nhóm nghiên cứu muốn tạo ra một sản phẩm thực sự hoàn thiện chứ không chỉ dừng lại ở một bản demo. Họ đã tiến hành kéo giãn làm tăng kích thước màn hình OLED dẻo này thêm 30% so với kích thước ban đầu, quá trình được lặp đi lặp lại khoảng 1.000 lần và cuối cùng nó vẫn có thể làm việc ở trạng thái tốt nhất như cũ. UCLA cho biết màn hình OLED của nhóm có khả năng kéo dài tối đa là gấp đôi so với kích thước mặc định. Bên cạnh đó, nó còn có thể uốn cong 180 độ, giống như gấp một mảnh giấy và vẫn có thể bẻ lại để hoạt động bình thường được. Ngoài ra, bản thân công nghệ OLED cũng sở hữu nhiều ưu điểm đáng giá như cung cấp độ sâu màu tốt hơn, tỷ lệ tương phản cao hơn, và hiệu quả năng lượng khá tốt so với công nghệ LCD.

    Công nghệ màn hình dẻo của UCLA.

    Có lẽ ứng dụng tiềm năng nhất đối với công nghệ màn hình dẻo OLED của UCLA sẽ là trên các thiết bị di động. Hãy tưởng tượng trong tương lai không xa chúng ta sẽ được cung cấp một chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng với màn hình có thể thay đổi kích thước theo ý muốn (tất nhiên là vẫn phải trong một giới hạn nhất định) hoặc có thể gấp lại dễ dàng để nhét vào túi quần. Thậm chí khi đó khái niệm tablet và smartphone có thể cùng tồn tại chung trong một thiết bị. Bên cạnh đó, tính linh hoạt (có thể uốn cong, gấp, xoắn) của loại vật liệu đặc biệt này cũng có thể giúp chúng ta đặt màn hình lên mọi bề mặt để sử dụng trong gia đình.

    Tuy nhiên, công nghệ màn hình dẻo vẫn còn trong giai đoạn trứng nước khi nói đến các ứng dụng thương mại. Tạo ra một nguyên mẫu cơ bản khả thi là một chuyện, nhưng để sẵn sàng đưa vào sản xuất hàng loạt lại là một chuyện khác. Để sản xuất điện thoại dẻo, ngoài một màn hình dẻo đã sản xuất thành công, các nhà nghiên cứu sẽ phải tính tới các linh kiện còn lại. Vỏ nhựa dẻo, pin hay ăng ten và các bảng mạch cũng sẽ phải được chế tạo từ các loại vật liệu đặc biệt. Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu đắt đỏ có thể là trở ngại lớn ảnh hưởng đến tính phổ dụng của các thiết bị sử dụng màn hình dẻo OLED.

    Màn hình dẻo có thể kéo giãn tăng 50% kích thước: Chuyện như đùa nay đã thành thật
    Một mẫu màn hình dẻo của LG.

    Song với những ưu điểm quá lớn đặc biệt là khả năng kéo giãn thì màn hình OLED dẻo của UCLA vẫn sẽ là một dự án đầy triển vọng trong thời gian tới. Nhiều khả năng, phiên bản demo của sản phẩm này sẽ được trình diễn trong một triển lãm thương mại diễn ra vào đầu năm sau và khi ấy chúng ta sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn về công nghệ mới có thể thay đổi hoàn toàn cách con người sử dụng thiết bị di động.

    Tham khảo: Androidauthority.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ