Lotus Chat thu hút 200.000 người dùng sau chưa đầy 1 tháng ra mắt, đặt mục tiêu 15 triệu người dùng trong 3 năm tới
Ông Nguyễn Thế Tân – Tổng giám đốc VCCorp kỳ vọng Lotus Chat có 15 triệu người dùng trong ba năm tới.
Ai sẽ là người dùng Lotus Chat?
Trước câu hỏi Lotus Chat hướng đến đối tượng người dùng như thế nào và mục tiêu thị phần của sản phẩm ra sao, ông Nguyễn Thế Tân – Tổng giám đốc VCCorp cho biết hiện chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính sản phẩm đang có khoảng 200.000 người sử dụng.
“Người dùng sẽ sử dụng song song nhiều phần mềm, nên chúng tôi đặt mục tiêu có được một lượng người dùng đủ lớn trong ngữ cảnh sử dụng”, ông Tân nhấn mạnh.
Cắt nghĩa từ “ngữ cảnh”, CEO VCCorp nói, ngữ cảnh Lotus Chat hướng đến là nhóm người dùng có nhu cầu nhắn tin cho công việc dưới mọi hình thức. Thứ hai là nhóm người dùng hướng đến tính an toàn, dùng mang tính cá nhân, riêng tư cao.
Tương lai gần, ứng dụng chat do người Việt phát triển đạt mục tiêu sớm đạt 1 triệu người dùng và phục vụ số ấy một cách thông suốt, mượt mà, trước khi hướng đến các con số lớn hơn. Xa hơn, ông Tân kỳ vọng có 15 triệu người dùng trong ba năm tới.
Trước đó, tại sự kiện ra mắt sản phẩm hôm 18/10, trả lời câu hỏi về tương lai xuất ngoại của sản phẩm Lotus Chat, Tổng giám đốc VCCorp nói ‘go global’ là câu chuyện xa. “Mục tiêu trước mắt là phải hướng tới 1 triệu user (người dùng) rồi sau đó lên con số 10 triệu tiếp đến mới tính đến câu chuyện xa hơn”, CEO VCCorp nói.
Lotus có gì để hướng đến mục tiêu 15 triệu người dùng?
Sự kiện VCCorp cho ra đời Lotus Chat đánh dấu cột mốc doanh nghiệp Việt tiếp theo phát triển ứng dụng nhắn tin phục vụ người dùng cuối, bên cạnh Zalo của VNG. Hiện, Zalo ghi nhận 77,6 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng (MAU) và gần 1,97 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày, theo Báo cáo tài chính doanh nghiệp.
Báo cáo của Digital Report 2024 thống kê chat và nhắn tin là nhu cầu của 96% người dùng Internet trong nước. Ngoài Zalo, người dùng còn sử dụng các nền quốc tế như Messenger, WhatsApp, Telegram.
Hồi tháng 7/2024, Viber cũng tổ chức sự kiện đánh dấu sự trở lại của ứng dụng này trên đường đua ứng dụng chat tại Việt Nam. Telegram hiện là một trong những ứng dụng chat phổ biến trên thế giới với gần một tỷ người dùng, do tỷ phú Pavel Durov sáng lập vào năm 2013.
Giải thích thêm cho quyết định xây dựng một ứng dụng giao tiếp trong bối cảnh thị trường ứng dụng nhắn tin OTT cạnh tranh, ông Nguyễn Thế Tân chia sẻ: “Sợ nhất là mình không làm, còn không làm được thì thôi. Cùng lắm là xấu hổ, không vấn đề gì cả”.
Để xây dựng Lotus Chat, sản phẩm này được xây dựng dựa trên bốn trụ cột, gồm tính an toàn, bảo vệ chủ động, phục vụ công việc và sự luôn sẵn sàng.
Ứng dụng có các tính năng như đặt bí danh, cho phép tạo ra nhiều tên riêng sử dụng cho các nhóm chat khác nhau để tránh lộ thông tin hoặc làm phiền. Ứng dụng cũng cho phép tùy chọn một số tính năng như ngăn chuyển tiếp, tải xuống hay tự xóa tin nhắn, giúp hạn chế tình trạng rò rỉ dữ liệu.
Với các cuộc trò chuyện quan trọng, app hỗ trợ bảo mật bằng mật khẩu, tự xóa hoặc chống xóa sửa tin nhắn, mã hóa trên đường truyền. Ngoài ra, ứng dụng có tính năng chống chuyển tiếp, tải xuống, chụp ảnh màn hình, nhằm hạn chế rò rỉ thông tin quan trọng.
Về công việc, ứng dụng cho phép gửi file nặng tối đa 1 GB, không bị xóa. Giao diện chat hỗ trợ ghi âm cuộc gọi, tạo convo - tức cuộc trao đổi riêng với thành viên, ghim tin nhắn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Có thể bạn chưa biết: Chiếc iPhone trên tay bạn có sự đóng góp không nhỏ của một người gốc Việt gần 20 năm qua
Có lẽ ít người biết rằng, một người gốc Việt đã tham gia vào quá trình thiết kế nên những chiếc iPod kinh điển cũng như nhiều thế hệ iPhone khác nhau trong suốt 20 năm qua. Đó là ông Richard Dinh, hiện đang là Phó chủ tịch Thiết kế Sản phẩm và các hệ thống cốt lõi trong iPhone.
Người dùng Samsung tại Việt Nam bị lừa khóa điện thoại: Ngay cả người am tường công nghệ cũng "dính bẫy"