Lối sống ngược đời của tỷ phú Châu Phi: 5 năm đi 1 đôi giày giá rẻ, dậy làm việc lúc 3h30 sáng, chi nhiều tiền làm từ thiện nhưng lại cực “ki bo” với con trai
Dù có khối tài sản khổng lồ, từng nằm trong danh sách 50 người giàu nhất châu Phi nhưng ông Narendra Raval chỉ có 1 đôi giày đi trong 5 năm, 1 chiếc điện thoại di động bình thường, 6 chiếc cà vạt và 4 bộ comple.
- Sự nghiệp lẫy lừng của ông chủ đế chế mua sắm online: Từ thanh niên nghiện game không một xu dính túi trở thành tỷ phú giàu nhất Singapore
- Bên trong cuộc sống của giới siêu giàu: Vì sao nhiều tỷ phú vẫn làm việc nhà?
- Cư dân mạng hỏi, tỷ phú Bill Gates trả lời về trí tuệ nhân tạo và ChatGPT
- Lý do khiến Elon Musk có thể mãi mãi không thể là người giàu nhất thế giới nữa, thậm chí từ tỷ phú sắp thành kẻ bị siết nợ
- Ô tô điện ‘Make in Vietnam’ hiện thực hóa giấc mơ ‘cắm cờ trên đất Mỹ’ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Sống “tiết kiệm” và làm từ thiện
Ông Narendra Raval (người Kenya, gốc Ấn Độ), sinh năm 1963, sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 500 triệu USD. Narendra Raval từng nằm trong danh sách 50 người giàu nhất châu Phi do Forbes bình chọn vào năm 2015. Khối tài sản của ông chủ yếu đến từ việc kinh doanh thép, xi măng, nhôm …
Sở hữu một khối tài sản kếch xù là vậy nhưng ông Narendra Raval sống rất tiết kiệm. Vị đại gia này cho biết, ông chỉ có một đôi giày bình dân 60 USD, một điện thoại di động bình thường, 6 chiếc cà vạt và 4 bộ comple. Ông thậm chí còn không có ví, thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ.
Narendra Raval chia sẻ, ông từng có quá khứ nghèo khó đến mức không có gì để ăn và không có giày để đi. “Tôi từng chỉ có 1 bộ quần áo và đi chân trần trong nhiều năm. Tôi không có gì để ăn. Bây giờ tôi chỉ sở hữu một đôi giày và tôi đi nó tối thiểu trong 5 năm. Tôi nghĩ mình không nhất thiết phải có nhiều đôi giày. Tôi có 4 bộ quần áo vì vợ tôi khăng khăng bảo tôi phải có nhiều hơn 1 bộ. Tôi không có muốn có nhiều tiền hơn hay sang trọng hơn", ông Narendra nói.
Khi được hỏi "Liệu ông có biết mình có bao nhiêu tiền không?", ông Narendra Raval thẳng thắn trả lời: “Tôi không biết. Bởi vì tiền của tôi không phải là những gì tôi có trong ngân hàng. Tiền của tôi là của 6.500 người làm việc cho tôi. Tiền của tôi là oxy mà các bệnh nhân trong bệnh viện hiện đang thở do chúng tôi tặng. Tiền của tôi là thức ăn trên đĩa của trẻ em nghèo. Đó là sự giàu có của tôi, không phải những gì tôi chi tiêu cho bản thân, công ty hay gia đình mình”.
Vị đại gia này đã dành rất nhiều tiền để tham gia hoạt động làm từ thiện, thiện nguyện. Ông từng viết cuốn tự truyện mang tên “Guru - A Long Walk to Success” và bán được 100 triệu shilling, toàn bộ số tiền này cũng đã được ông quyên góp cho hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, ông còn xây nhiều trường học, nhà trẻ, trung tâm bảo trợ xã hội giúp hàng nghìn trẻ em nghèo ở địa phương có cái ăn cái mặc.
Narendra Raval chia sẻ: "Tôi hỗ trợ rất nhiều trại trẻ mồ côi và xây dựng nhiều trường học. Chúng tôi đã bắt đầu xây dựng trường tiểu học cho 36 đứa trẻ vào 10 năm trước ở Emali. Bây giờ có 350 học sinh được chúng tôi nuôi ăn học. Khi tôi mua chiếc trực thăng thứ nhất, những hành khách đầu tiên của tôi là bọn trẻ. Trước đây chúng không được ngồi trên ô tô nhưng giờ chúng đã ngồi trên trực thăng. Tôi hy vọng trải nghiệm này sẽ gieo vào đầu chúng điều gì đó tốt đẹp".
Không dạy con kiếm tiền mà dạy con về “giá trị của đồng tiền”
Chia sẻ về gia đình, Narendra Raval cho biết, vợ chồng ông có 3 người con. Con trai lớn 30 tuổi, con thứ hai 22 tuổi và con út 15 tuổi. Dưới mái nhà của ông có 3 thế hệ cùng chung sống và gia đình cũng đặt ra những nguyên tắc riêng.
Narendra Raval thừa nhận bản thân không dành đủ nhiều thời gian cho gia đình. “Tôi là một người nghiện công việc. Tôi thức dậy lúc 3h30 sáng và làm việc đến 5h30. Sau đó tôi đến công ty và bắt đầu cuộc họp này đến cuộc họp khác”, ông nói.
Ông Raval không dạy con cách kiếm được nhiều tiền, mà dạy con về giá trị đồng tiền. Vị đại gia xem đây là bài học quan trọng mà cần phải dạy cho các con mỗi ngày. Cụ thể, trong khoảng thời gian con trai cả của ông học ở London, mỗi tháng ông chỉ cho con 400 bảng Anh. Việc làm của ông khiến cả gia đình phản đối và ông thừa nhận đây chính là khoảng thời gian khó khăn đối với bản thân.
“Nhưng tôi biết tại sao mình phải làm như vậy. Hàng ngày, tôi từ thiện hàng triệu Shilling Kenya, do đó gia đình không thể hiểu vì sao tôi lại ki bo với con trai mình. Con trai tôi đã phải tìm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, bù vào số tiền mà tôi cho. Đó chính là bài học về giá trị đồng tiền mà tôi dạy con”, ông Raval nói thêm.
Theo Business Daily
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon