Ngày hôm sau, mặt tôi bắt đầu sưng lên đầy mụn nước. Nó đã bị bỏng đến mức độ như vậy và tôi mất thị lực trong ba ngày.
Năm 1999, Nicola Strickland, một bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh người Mỹ, tới đảo Tobago thuộc Caribbean và chọn cho mình một kỳ nghỉ ở đó. Lẽ ra cô đã có một quãng thời gian tuyệt vời ở thiên đường nhiệt đới này. Tuy nhiên, chỉ một quyết định thiếu hiểu biết đã biến nó thành một chuyến đi đáng nhớ theo một cách khác.
Buổi sáng đầu tiên trong kỳ nghỉ, Strickland và người bạn của mình quyết định đi dạo trên bãi biển. Họ đặc biệt chú ý đến một loại cây có trái màu xanh, tỏa mùi thơm, xen kẽ giữa những dãy dừa và xoài. Cả hai đã quyết định cắn thử một trái.
Sau khoảnh khắc dễ chịu của vị ngọt, họ ngay lập tức bị choáng ngợp bởi cảm giác cay xè và đau rát dữ dội trong vòm họng. Strickland không hề biết đó là một trái Manchineel còn gọi là “táo biển” hay “ổi độc”.
Một quả Manchineel chín trông khá hấp dẫn nhưng nó cực độc.
Tên khoa học của giống cây này là Hippomane Mancinella, thường gọi tắt là Manchineel. Nó thuộc họ Đại kích và sinh sống ở vùng nhiệt đới phía nam Bắc Mỹ, Trung Mỹ, vùng Caribbean và một bộ phận Nam Mỹ.
Tên gọi của loài cây này bắt nguồn từ một cụm từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “cây táo nhỏ tử thần”. Trên thực tế, Sách kỷ lục Guinness thế giới cũng đã công nhận Manchineel là loài cây nguy hiểm nhất thế giới.
Theo Viện Thực phẩm, Nông nghiệp và Lương thực Florida, tất cả các bộ phận của cây Manchineel đều rất độc. “Một sự tương tác theo đường tiêu hóa với bất kỳ phần nào của cây Manchineel đều có thể gây chết người”.
Phần lớn nguyên nhân độc tính của loài cây này đến từ nhựa của chúng. Cây này tiết ra một chất lỏng màu trắng đục và dường như có mặt ở mọi bộ phận từ vỏ cây đến lá và thậm chí cả quả của nó. Chỉ cần tiếp xúc với da, nó có thể ngay lập tức gây một vết bỏng rộp.
Không nên đi dưới con đường này khi trời mưa
Thành phần của nhựa cây Manchineel rất phức tạp và chứa tên hàng loạt các chất độc. Trong đó, các phản ứng nghiêm trọng nhất đến từ Phorbol, một este hữu cơ dễ tan trong nước. Chính vì vậy, thậm chí khi bạn đứng dưới một tán cây Manchineel trong trời mưa, những giọt nước nhỏ xuống pha loãng nhựa cây vẫn có thể đốt cháy làn da của bạn.
Từ thế kỷ 17, trong cuốn sách “The Buccaneers of America” của mình, tác giả Alexandre Exquemelin đã miêu tả: “Một ngày bị quấy rầy quá nhiều bởi muỗi trong khi chưa biết đến sự nguy hiểm loài cây này. Tôi bẻ một cành lá và dùng nó để quạt. Ngày hôm sau, mặt tôi bắt đầu sưng lên và đầy mụn nước. Nó thực sự đã bị bỏng đến mức độ như vậy và mắt tôi mất thị lực trong ba ngày”.
Ngày nay, sự đáng sợ của loài cây này khiến những đơn vị quản lý khu vực trồng nó bắt buộc phải có những tấm biển lớn để cảnh báo. Thông thường, chúng là những biển sơn đỏ với chữ thập, vòng tròn đỏ và kết hợp những lời mô tả sự nguy hiểm của Manchineel.
Một tấm biển cảnh báo cây có độc
Giờ đây, bạn có thể hỏi: Tại sao chính quyền địa phương không can thiệp để loại bỏ hẳn loài cây đáng sợ này? Lí do đến từ những lợi ích mà những cây Manchineel mang lại. Nó đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của Trung Mỹ.
Manchineel là loài cây tán dày và mọc thành bụi, chúng cung cấp một bức tường chắn gió tự nhiên tuyệt vời. Bên cạnh đó, một bãi biển Trung Mỹ thiếu đi loài cây này sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng với tình trạng xói lở.
Manchineel giúp bảo vệ bờ biển và chống xói lở
Từ ngàn xưa, những người thợ mộc vùng Caribbean cũng khai thác gỗ của Manchineel để sản xuất đồ nội thất. Tuy nhiên, bởi đơn thuần tiếp xúc với gỗ hay thậm chí khói đốt củi của loài cây này cũng có thể dẫn đến mù tạm thời, chúng phải được xử lí kỹ.
Các thợ mộc phải rất thận trọng trong quy trình cắt xẻ và phơi gỗ Manchineel ngoài nắng để trung hòa và làm bay hơi nhựa độc. Người dân địa phương cũng đã từng sử dụng vỏ cây như một bài thuốc dân gian, còn khoa học ngày nay thì khai thác Machineel như một nguồn nguyên liệu để sản xuất thuốc trừ sâu tự nhiên và thuốc giảm đau.
Quả Manchineel dễ bị nhầm thành táo, hãy cảnh giác khi gặp chúng trên bờ biển
“Mối đe dọa tính mạng thực sự của Manchineel đến từ những quả tròn nhỏ của nó”, Ella Davies, một tác giả của BBC cho biết. “Ăn trái của những cây này có thể dẫn đến tử vong bởi tiêu chảy, nôn mửa và mất nước”. Tuy nhiên, may mắn thay, Strickland và người bạn của cô vẫn còn sống sót để kể lại câu chuyện bởi họ mới chỉ ăn một lượng nhỏ quả Manchineel.
Năm 2000, Strickland đã đăng một bài báo trên tạp chí The British Medical Journal miêu tả chi tiết những triệu chứng và cảm giác mà quả Manchineel gây ra. Có lẽ đây là một tài liệu chính thống hiếm hoi về quá trình này bởi chẳng ai dại gì thử điều đó.
Phải mất đến 8 giờ Strickland và bạn của cô mới có thể giảm cơn đau xuống. Đó là đã kể đến tác dụng của sữa và đồ uống pina coladas mà họ liên tục phải giữ trong họng. Độc tố khiến hạch bạch huyết ở cổ sưng lên gây thêm đau đớn. “Ngay cả khi tôi kể lại điều này với người dân địa phương, họ cũng cảm thấy kinh dị”, Strickland viết. “Chúng tôi đã có một trải nghiệm kinh khủng và đáng sợ”.
Tham khảo Sciencealert, Wikipedia, Mnn
Những lầm tưởng bấy lâu nay về loài rắn và nọc độc chết người của chúng
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon