Từ 16 đội thi đến từ 10 trường đại học trên cả nước, vòng bán kết cuộc thi Cuộc đua số 2018 - 2019 với chủ đề “Lập trình Xe tự hành” do Tập đoàn FPT và Đài truyền hình Việt Nam đồng tổ chức đã gọi tên 8 đại diện xuất sắc lọt vào chung kết sẽ diễn ra tháng 5/2019.
Hai trận bán kết tại Hà Nội tối 11/4 và TP HCM tối 7/4 vừa qua là những màn tranh tài nảy lửa giữa những trường ĐH có sinh viên công nghệ mạnh nhất cả nước hiện nay.
Khác với vòng loại, ở vòng bán kết, đội thi phải lập trình các thuật toán trên xe mô hình có tỷ lệ bằng 1/7 kích thước xe thật để giúp xe tự di chuyển trên sa hình với tốc độ cao nhất trong thời gian nhanh nhất cũng như xác định, tránh được vật cản xuất hiện trên đường; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái và rẽ phải. Đặc biệt, các biển báo rẽ sẽ tự động thay đổi ngẫu nhiên, ngoài ra BTC cũng bổ sung các yếu tố thay đổi điều kiện ánh sáng, hình dáng vật cản, để thử thách thí sinh.
Đội thi phải lập trình các thuật toán giúp xe tự di chuyển trên sa hình
Nhận xét về các đội thi và vòng bán kết, ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết: "Trải qua ba mùa thi chất lượng của các đội thi ngày càng được tăng lên. Việc ứng dụng các công nghệ mới, các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 là một thách thức nhưng các đội thi về cơ bản đã kết hợp được rất tốt. Tôi nghĩ với đội ngũ sinh viên đông đảo và ham học hỏi cái mới nếu có những chương trình đào tạo phù hợp ví dụ như cuộc thi hôm nay thì không lâu nữa đội ngũ nhân lực cho ngành công nghệ ô tô sẽ được đáp ứng".
Với chiến thuật chỉnh góc quay của camera để nhìn làn đường rõ hơn, đội UET Fastest đã dẫn đầu về tốc độ xe chạy trong Top 4 đội xuất sắc khu vực miền Bắc. Chia sẻ tại sự kiện, Nguyễn Văn Tùng, thành viên của Đội UET Fastest cho biết: "Khó khăn lớn nhất của vòng thi bán kết lần này chính là làn đường rộng hơn nhưng góc nhìn của camera không thay đổi và hàng cây che mất làn đường. Đội em đã có chiến thuật hay là chỉnh góc quay của camera".
UET Fastest dẫn đầu về tốc độ xe chạy với chiến thuật chỉnh góc quay của camera
Như vậy, 8 đội xuất sắc nhất gồm: UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐHQGHN); MTA_R4F (Học viện kỹ thuật quân sự), Fast and Fiery (HV công nghệ bưu chính viễn thông), PTIT Word.Exe (HV công nghệ bưu chính viễn thông), SQ26 (Đại học Thông tin liên lạc), CDS-NTU2 (Đại học Nha Trang), Dateh IT (Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM) và LHU The Walkers (Đại học Lạc Hồng), đại diện cho các sinh viên Việt Nam đam mê công nghệ tự hành sẽ cùng tranh tài với hai đội thi đến từ các trường đại học lớn trên thế giới tại chung kết Cuộc đua số diễn ra vào tháng 5/2019.
04 đội xuất sắc nhất khu vực miền Bắc lọt vào vòng chung kết Cuộc đua số mùa thứ 3
Ban tổ chức cũng đã công bố thách thức công nghệ dành cho các đội lọt vào vòng chung kết. Theo đó, các đội thi sẽ phải lập trình để xe có thể di chuyển trên cung đường không được biết trước, với tốc độ cao nhất trong điều kiện ánh sáng thay đổi; phải di chuyển qua hầm, khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản; tự định vị để tìm kiếm đường đi ngắn nhất.
Đội vô địch sẽ được nhận phần thưởng có giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng, trong đó có 01 chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Mỹ hoặc Nhật Bản trong vòng 1 tuần, 15 triệu đồng tiền mặt và 01 suất học bổng Tiến sĩ về ngành Trí tuệ nhân tạo trị giá 700 triệu đồng dành cho thí sinh xuất sắc nhất. Top 4 đội xuất sắc nhất sẽ được thực tập (với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng) và cùng giải quyết các bài toán công nghệ mới nhất tại Ban Công nghệ Tập đoàn FPT.
Tự hành là một trong những xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay, thu hút sự tham gia của nhiều ông lớn trên thế giới như Google, Tesla, Uber... FPT là công ty tiên phong ra mắt công nghệ xe tự hành tại Việt Nam và là một trong số ít các công ty tiên phong trong lĩnh vực này tại khu vực Đông Nam Á.
Cuộc đua số là cuộc thi công nghệ thường niên do Tập đoàn FPT khởi xướng và tổ chức. Đây là cuộc thi lập trình công nghệ xe tự hành dành cho tất cả sinh viên đại học trên cả nước. Từ năm 2018, Đài truyền hình Việt Nam là đơn vị đồng hành cùng FPT mang tới một sân chơi trí tuệ, hấp dẫn đến với sinh viên, đồng thời tạo ra một môi trường thực hành hiệu quả cho các em.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon