Liệu Apple có đánh mất sự đơn giản của mình khi không còn Steve Jobs?

    Ngocmiz,  

    Ngày càng tung ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau, Apple có đang thực sự đánh mất dần bản sắc?

    Ngày càng có nhiều nghi vấn dấy lên về việc Apple có dần đánh mất sự đơn giản của mình với việc Steve Jobs ra đi và Tim Cook thì không tôn thờ những giá trị đó hay không. Những nghi vấn này dựa trên sự thật rằng Steve Jobs thực là một tài năng khó có thể tìm thấy người thứ hai với tầm nhìn, niềm đam mê cũng như óc phán đoán và yêu cầu cao khó sánh nổi. Dù được chính Steve Jobs lựa chọn là lãnh đạo kế vị và có khả năng vận hành Apple tốt nhưng Tim Cook lại không có được những tài năng của Steve Jobs, trong đó có chuyên môn về thiết kế. Chính vì vậy mà ông buộc phải phụ thuộc nhiều vào những người khác trong công ty, và đây chính là khi mọi thứ dần trở nên phức tạp.

    Cá nhân tôi, dưới góc nhìn khách quan thì cho rằng những nghi hoặc này một phần cũng là kết quả của việc Apple hiện đang là đối tượng bị mổ xẻ quá nhiều trên báo chí. Nếu bạn nhìn vào những gì họ làm so với những gì các hãng phần cứng khác đang làm, bạn sẽ thấy cách làm của Apple vẫn đơn giản hơn rất nhiều.

    Thế nhưng bạn cũng cần phải nhìn vào những thứ Apple đã làm để thấy được hãng đã cố gắng giữ bản sắc đơn giản của mình như thế nào.

    Đơn giản trong việc đưa ra các dòng sản phẩm

    Khi nhìn vào các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đang có mặt trên thị trường hiện nay, có thể bạn sẽ phải sửng sốt trước số lựa chọn khủng khiếp mà người tiêu dùng đang có hiện nay. Thế nhưng đôi khi đưa ra quá nhiều lựa chọn, hay nói đúng hơn là quá nhiều dòng sản phẩm cho người dùng, lại cản trở quá trình bán hàng và khiến khách hàng giảm bớt hứng thú với thương hiệu khi phải cân nhắc giữa quá nhiều thứ trước khi mua.

    Hãy tham khảo các sản phẩm của những hãng phần cứng hàng đầu hiện nay. Vào website của Dell, đập vào mắt bạn sẽ là khoảng 26 dòng laptop khác nhau, HP thì có tới 42 dòng, trong khi Apple chỉ có đúng 3 dòng. Điều đáng chú ý là nếu bạn nhìn vào thị phần PC toàn cầu thì Apple chiếm tới 10% với mức lợi nhuận còn lớn hơn của cả Dell và HP cộng lại, đơn giản bởi họ làm tốt hơn chỉ một số ít sản phẩm mà họ tập trung vào. Chính vì vậy mà việc tung ra ít dòng sản phẩm không hề là một điểm yếu mà thực tế lại là điểm mạnh của hãng.

    Tung ra một số ít sản phẩm không phải là bạn đang tạo cảm giác thiếu thốn cho người dùng mà là đang đưa ra cho họ những lựa chọn tốt nhất thay cho một tá các lựa chọn không biết đâu mà lần, hay nói đúng hơn là đơn giá hóa quy trình lựa chọn và mua sắm cho họ. Và Apple đang làm rất tốt điều này. Đưa ra một số ít các lựa chọn còn thế hiện rằng Apple hiểu và tôn trọng khách hàng, bởi lẽ phải hiểu họ ở mức rất sâu thì hãng mới có thể đưa ra những giải pháp tốt đáp ứng được hầu hết các yêu cầu người dùng chứ không phải kiểu “Tôi chẳng biết anh thực sự cần gì nên đã chế ra hẳn 40 dòng laptop khác nhau cho anh thoải mái chọn đây.” Việc hiểu rõ những yêu cầu chính yếu của khách hàng để đưa vào các sản phẩm cũng cho họ thấy Apple chia sẻ chung một hệ giá trị và khiến họ yêu quý, trung thành với các sản phẩm của hãng hơn.

    Còn việc Apple tung ra 3 dòng iPhone, 4 dòng iPads và 3 dòng Macbook khác nhau hay Apple Watch cũng có vẻ như là một sự kết hợp vô tận giữa các kích cỡ màn hình và băng đeo khác nhau liệu có phải là Apple đang muốn phá bỏ sự đơn giản của mình?

    Hãy lưu ý rằng thị trường cũng đang dần trưởng thành hơn. Lượng người dùng các sản phẩm Apple nay đã tăng thêm hàng chục nghìn người so với thời Steve Jobs còn làm CEO, lẽ đương nhiên là nhu cầu cũng sẽ đa dạng hơn. Nếu Apple phớt lờ những nhu cầu mới này, họ có thể sẽ trở nên độc đoán và quay lưng với khách hàng, cũng không khác gì việc bạn cứ mặc kệ xu hướng smartphone màn hình lớn và đi sản xuất chiếc iPhone 3,5 - 4 inch khiến người dùng "đau lòng". Hay việc iPad có thêm phiên bản Pro cũng là là để dành cho những người muốn làm nhiều việc chuyên biệt với iPad hơn, ví dụ như vẽ hay thiết kế bằng bút cảm ứng, trong khi phiên bản iPad thông thường vẫn hướng đến đối tượng người dùng phổ thông.

    Chính vì vậy mà hệ thống sản phẩm của Apple buộc phải có thêm nhiều dòng hơn cho các nhóm đối tượng chính khác nhau. Và lượng sản phẩm Apple có mặt trên thị trường hiện nay vẫn là quá ít so với các hãng khác – chúng ta có thể nhét vừa tất cả trên một chiếc bàn cỡ vừa. Công ty thực sự đã giữ bản sắc tối giản của mình – đưa ra một số ít lựa chọn tốt và thiết yếu chứ không phải là vô số lựa chọn khiến người dùng “tê liệt” khi quyết định mua hàng.

    Đơn giản trong thiết kế phần mềm

    Nhiều người chỉ trích rằng các phần mềm của Apple đang ngày càng phức tạp lên, đặc biệt là Apple Music, sản phẩm đã hứng chịu gạch đá một cách không thương tiếc cho giao diện người dùng có phần rối rắm của mình.

    Thế nhưng có thể họ đã quên rằng những điều này đã xảy ra ngay từ thời Steve Jobs. Ông đã từng vô cùng tức giận khi nền tảng cloud ban đầu MobileMe của hãng được ra mắt mà vẫn quá sơ sài.

    Sự thật là bất cứ công ty nào, dù lớn hay nhỏ, cũng đều mắc sai lầm nhiều lần trước khi thực sự thành công với thứ gì đó, và chúng có thể tốt dần lên theo các phiên bản kế tiếp.

    Đơn giản trong cách đặt tên sản phẩm

    Trước đây, cách đặt tên sản phẩm của Apple từng rất đơn giản: các sản phẩm đều chỉ có một chữ “i” hay “Apple” trước tên thiết bị. Thế nhưng nay các sản phẩm đều có thêm số, chữ phức tạp hơn, từ iPhone 5C, 6, 6S hay SE, có vẻ như sự đơn giản đã bị giảm bớt đi rất nhiều.

    Thế nhưng bạn hãy lưu ý rằng Apple luôn có những ẩn ý nhất định trong cách đặt tên sản phẩm của mình. Với các dòng S, chủ ý của hãng là biến chúng thành những phiên bản nâng cấp về cấu hình và giữ nguyên về ngoại hình so với bản không S tiền nhiệm. Những nâng cấp như cảm biến vân tay hay vi xử lý 64 bit đều được đưa ra trên các phiên bản S, những phiên bản được coi là “bước đệm nghỉ” trước những thay đổi lớn ở các dòng kế tiếp. Hơn thế nữa, chữ S thực chất chính là ý tưởng của Steve Jobs ngay từ khi bắt đầu thiết kế iPhone.

    Đơn giản trong khâu marketing

    Apple thực ra rất có thâm niên trong mảng quảng bá sản phẩm. Ngay cả những người làm marketing trong các ngành công nghiệp khác cũng coi Apple là tượng đài lý tưởng về truyền thông sản phẩm.

    Điều này có được không phải bởi bản thân Steve Jobs giỏi về marketing mà đúng hơn là bởi ý muốn sắt đá khiến mọi quy trình trở nên đơn giản của ông. Jobs chỉ tin tưởng một số ít những cá nhân nổi bật tại các công ty truyền thông quảng cáo mà ông hợp tác.

    Dưới thời Steve Jobs, quy trình quảng bá sản phẩm diễn ra hết sức tinh gọn, không qua nhiều bên trung gian, nhiều tầng điều hành hay nghiên cứu mới tiến tới quyết định. Thế nhưng kể từ sau khi ông qua đời, Apple bắt đầu xây dựng một đội ngũ marketing riêng trong công ty chứ không đi đặt ngoài nữa. Các nhóm marketing bắt đầu cạnh tranh nhau qua các chiến dịch với đông đảo nhân lực hơn. Nói cách khác thì Apple ngày nay chỉ là đang hoạt đống giống kiểu một tập đoàn lớn hơn là kiểu startup như trước đây.

    Liệu sự đơn giản có còn là huyết mạch của Apple?

    Tôi chắc chắn không nghi ngờ gì về việc sự đơn giản đã trở thành ADN và tầm nhìn của Apple. Thế nhưng một thứ có đơn giản hay không đôi khi cũng phụ thuộc vào cách mà chúng ta nhìn nhận nó. Và có vẻ như Apple cũng đang phải vật lộn để giữ được hình ảnh tối giản của mình.

    Các vấn đề hiện thời cần được giải quyết, và có hàng tá việc cần làm để đưa được sản phẩm tới tay lượng người dùng khổng lồ hiện nay. Chúng ta cũng cần đặt các vấn đề của công ty vào một ngữ cảnh nhất định để đánh giá: Giữ được sự đơn giản khi công ty và lượng người dùng đã trở nên khổng lồ như hiện nay thực sự là một thách thức không nhỏ - nhưng cuối cùng thì có vẻ như chẳng có hãng công nghệ nào giữ được bản sắc đó và thổi được nó vào từng sản phẩm như Apple.

    Trong một thế giới khi mà mọi thứ trở nên ngày càng phức tạp như hiện nay, những công ty vẫn sống mái được với sự đơn giản sẽ giành phần thắng cuối cùng.

    Tham khảo Telegraph, BigThink

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày