Đây là phần tiếp theo của kì trước : “ Thức ăn ngoài hoang dã – Động vật “.
Vâng, như tôi đã nói ở kỳ trước. Đơn giản thì hầu hết các loài động vật đều là thức ăn cả đấy. Có một số loài không ăn được, một số loài có độc hay quá nguy hiểm thì tôi cũng đã đề cập đến ở kì trước. Nếu ai đã từng đọc kì thứ 8 thì có lẽ đã có đủ tự tin để phân loại và nhận diện các loại thực phẩm khác nhau ngoài hoang dã. Hay nói đơn giản là bạn đã không còn gà mờ đến mức chết vì ăn phải thứ không ăn được. Đấy là với điều kiện bạn có thức ăn …
Một sự thật đau lòng là thịt thú rừng, cá tôm, bò sát, thậm chí là cả côn trùng đều rất ngon và giàu dinh dưỡng nhưng ta không thể thu hoạch nó đơn giản như đi hái nấm được. Nhiều lúc ta đành phải bất lực nhìn “ đồ ăn “ đi lại ngay trước mắt mình mà chẳng làm thế nào tóm được chúng… Nếu bạn đã từng bắt 1 con gà xổng chuồng hay thử tóm 1 con lươn bằng tay không bạn sẽ biết ngay cả việc đó cũng không dễ dàng gì cho cam.
Và đó là tất cả những gì tôi muốn nói đến trong kì này : Săn Bắn.
Kỹ năng săn bắn
Nếu trong điều kiện bình thường, săn bắn là 1 điều rất thú vị ( tất nhiên không phải ở Việt Nam và tôi cũng không muốn nói đến cái thú vui giết chóc của một số kẻ man rợ vô nhân tính khi bắn vào bất kì con vật nào hắn nhìn thấy ). Sau mùa sinh sản, các loài thú thường sinh sôi nhanh chóng với số lượng lớn ( thỏ, hươu nai, dê núi …) . Lúc này các con non mới lớn ít kinh nghiệm rất dễ cho việc đánh bắt. Chúng sẽ là nguồn cung cấp thực phẩm cho bạn cả một mùa chứ không ít. Vì yậy khả năng săn bắn sẽ là cứu cánh cho vấn đề lương thực của bạn thậm chí là cả nhóm của bạn trong những thời điểm khó khăn.
Nói sơ qua một chút về khả năng săn bắn. Ba yếu tố tạo nên một thợ săn lành nghề ở đây là : Kinh nghiệm, phản ứng và kỹ thuật. Trong thực tế tôi xin mạn phép đưa thêm vào 1 yếu tố đó là khả năng sát sinh, có vẻ hơi trừu tượng nhưng rõ ràng là bạn biết tôi đang nói đến cái gì phải không?
Bạn không nỡ nhẫn tâm bóp cò súng hay dã man hơn là cắt cổ một con vật tội nghiệp khi nhìn vào mắt nó? Điều đó chứng tỏ bạn là một người rất nhân từ. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, sự nhân từ lại biến thành thói mủi lòng kiểu đàn bà. Và điều đó sẽ làm bạn phải hối hận rất nhiều khi đôi lúc không phải bạn chỉ sống cho bản thân mình mà còn có gia đình, thậm chí cả một tập thể đang trông chờ vào biểu hiện của bạn …
Riêng phần này tôi cảm thấy viết bao nhiêu cũng không đủ nhưng nếu viết ra hết thì quả là quá dài dòng. Tôi sẽ đi ngay vào những kĩ năng chính của một Hunter, những yếu tố mang tính chất ” nhập môn” tôi xin cắt bớt và nói vào một dịp khác có thể.
1. Khả năng phán đoán con mồi.
Một thợ săn pro thì chẳng bao giờ lùng sục tất cả mọi nơi mình có thể tìm được với cái tâm lý cầu may cả, vừa tốn sức vừa tốn thời gian. Vẫn 1 câu : nắm bắt đối phương, biết mình biết ta trăm trận trăm thắng.
Bạn biết khu vực này là nơi sinh sống của loài thú này, khu vực kia là tổ của một loài chim nọ hay lộ trình đi ăn, đi uống nước của một vài loài thú. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng công việc săn bắt của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều …
Khả năng phán đoán, nhận biết con mồi không khó đào tạo. Bạn sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho mình sau vài ba lần đi săn ( kể cả hụt) … Và hãy ghi nhớ lại điều đó cho lần sau.
Cái sự “biết mình biết ta” ở đây còn thể hiện ở nhiều điểm rất “tinh tế” khác, có nhiều thứ chưa biết sẽ làm bạn bất ngờ. Kể cả khi đã biết mà cũng chẳng mấy người để ý vì chẳng phải lần nào cũng giống như lần nào. Ví như các loài thú đều có răng, kể cả loài sóc hay loài chuột và tất nhiên chúng hoàn toàn biết cắn để tự vệ. Ngay cả một con sóc nếu cắn cũng có thể gây những vết thương nghiêm trọng nếu nhiễm trùng. Một số loài động vật có vú thì tình mẫu tử của chúng rất cao, chúng bỏ chạy ngay khi nhìn thấy bạn nhưng nếu bạn bắt con non của chúng thì chúng sẽ quay lại tấn công bạn bằng mọi giá. Hay khi bị dồn vào chân tường, ngay cả loài vật hiền lành như nai, sơn dương cũng có thể trở nên rất “ hổ báo”. Những loài sống thành bầy đàn còn biết “ hợp đồng tác chiến “ rất hiệu quả ... Nói chung đây là một vấn đề hết sức phức tạp nhưng cũng rất thú vị để bạn có thể khám phá trong khoảng thời gian lưu lạc nơi hoang dã . Mỗi một sự kiện xảy ra sẽ làm phong phú thêm kho kiến thức và kinh nghiệm của bạn mà chẳng có giấy mực nào có thể dạy được … Hãy ghi nhớ lại điều đó cho lần sau.
2. Phát hiện con mồi:
Phát hiện con mồi để đánh bắt, để đặt bẫy, để lẩn tránh … Ở đây tôi muốn nói đến khả năng “ đọc “ dấu vết mà một con vật để lại : Dấu chân, phần cỏ cây dập nát, đất bị đào xới như hang, tổ, phân, lông, nước tiểu ( rất thường xuyên, một số loài còn có thói quen đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu ), mùi đặc trưng và tiếng động …
Giống như trên, tự hình thành cho mình kiến thức về các loài động vật xung quanh bạn, chẳng có sách vở nào đủ để dạy bạn điều này
3. Tiếp cận con mồi.
Đây là một bước khó hơn đòi hỏi nhiều thứ thiên về kỹ thuật như di chuyển, đánh lừa, ẩn nấp và ngụy trang. Tuy nhiên những lời khuyên trong vấn đề này thì cũng có khá nhiều …
- Muốn tiếp cận con mồi thì tất nhiên phải làm cho chúng không phát hiện ra ta. Cách tốt nhất là ẩn nấp, hòa mình vào thiên nhiên từ màu sắc đến mùi hương.
- Quần áo đồng màu với cảnh vật xung quanh, không mang những thứ có khả năng phản chiếu ánh sáng mặt trời như đồng hồ, kính …
- Không mang những vật dụng có khả năng gây tiếng động như chùm chìa khóa.
- Các loài động vật thường có khứu giác rất mạnh, thậm chí còn mạnh hơn thị giác của chúng nên mùi của ta rất dễ bị phát hiện. Chúng có thể ngửi thấy mùi con người xung quanh khu vực có bẫy nên nếu có thể ta sử dụng bùn, mùi cây cỏ để khử đi mùi đó. Ta cũng có thể sử dụng nước tiểu của những con thú ta bắt được để dụ đồng loại của chúng vào bẫy .
- Không sử dụng dầu gió, nước hoa, hút thuốc lá khi đi săn.
- Tiếp cận con mồi từ hướng dưới gió, làm mất mùi cơ thể bằng bùn nhão.
- Nếu đủ chuyên nghiệp thì nhại tiếng kêu một số loài thú để dụ đồng loại của chúng đi vào bẫy, vào tầm ngắm. Nhưng không khuyến khích vì nếu nhại không giống thì lại phản tác dụng hoàn toàn.
4. Triệt hạ con mồi.
Với những người chưa quen với việc giết hại một con vật nào đó thì sẽ dễ bị run tay, bắn trượt con vật chỉ cách mình vài mét hay tim đập mạnh, hơi thở dồn dập, đổ mồ hôi … Và lời khuyên ở đây là chẳng có lời khuyên nào cả. Thời gian sẽ dạy cho bạn sự trấn tĩnh trước việc này.
Nếu sử dụng súng hãy nhắm bắn vào đầu, cổ, xương bả vai để làm con vật tê liệt tại chỗ.
Nếu sử dụng cung nỏ thì nên tẩm độc nếu muốn săn những con thú lớn. Sử dụng loại mũi tên này phải cẩn thận và nếu bắn thì nên bắn vào vị trí gần tim để độc tính phát tác nhanh ( Phần sử dụng độc dược tôi sẽ nói ngay phía dưới đây )
Trường hợp mà con thú lớn không giết được chúng ngay mà chỉ làm chúng bị thương, bỏ chạy thì bạn có thể lần theo vết máu để tìm ra chúng. Tuy nhiên phải cẩn thận vì con vật lúc này đang say máu, đôi lúc phản xạ trước khi chết của chúng rất bất ngờ và nguy hiểm, hãy cẩn thận để không làm mình bị thương mà mất cả chỉ lẫn chài…
Một viên đạn duy nhất vào tim, bạn sẽ không có thêm khoảng thời gian truy đuổi gian khổ và nguy hiểm.
Đến đây là có thể nói ta đã chấm dứt phần lý thuyết thợ săn chán ngán và có thể đi sâu hơn vào từng trường hợp cụ thể.
Săn bắt bằng bẫy
Đây là phương pháp săn bắt đầu tiên tôi đề cập đến vì nó khá đơn giản và hiệu quả. Chỉ cần đặt bẫy ở vị trí thích hợp, trong khi chờ con thú sập bẫy bạn hoàn toàn có thời gian làm việc khác. Bẫy cũng có nhiều loại, có loại giết chết con mồi ngay lập tức, có loại bắt sống con mồi nhưng tất cả đều dựa theo một vài nguyên tắc cơ bản. Vậy nên chỉ cần biết một vài loại bẫy căn bản bạn hoàn toàn có thể tự sáng tạo ra những loại bẫy khác nhau phù hợp với địa hình và hoàn cảnh nơi bạn sống.
Ngoài ra bạn cũng phải xác định đối tượng mình muốn đánh bẫy để có thể làm ra từng loại bẫy phù hợp. Bẫy thú lớn sẽ khác với các loại thú nhỏ, bẫy chim, bẫy thú dữ cũng sẽ khác nhau …
Nơi đặt bẫy – cách đặt bẫy.
Xem thêm phần phát hiện con mồi để nhận biết nơi thích hợp đặt bẫy. Nói chung là bạn sẽ tự nhận ra được đâu là nơi tốt nhất để bẫy con mồi khi quan sát thực tế. Hầu hết là các con thú đều không ở cố định 1 chỗ. Vào những thời điểm khác nhau trong ngày, chúng sẽ đi kiếm ăn, đi uống nước, đi … giải khuây. Có một số loài thú còn hay lui tới 1 vị trí quen thuộc hay những con đường mòn mà do chính chúng tạo ra.
Dưới đây là một số nơi bạn có thể đặt bẫy và thường đạt hiệu quả cao:
- Những nơi có nguồn thức ăn phong phú.
- Dọc theo 2 bên bờ suối.
- Ao nước, hồ nước, vũng nước đọng lại vào mùa khô. Chắc chắn chúng sẽ đi qua để uống nước.
- Những con đường mòn do thú tạo ra hay những nơi có dấu hiệu hang, ổ , địa bàn của chúng sinh sống.
- Những hẻm núi hẹp, hốc núi ( nơi có tổ của nhiều loài chim ) ..
Thực ra nơi để đặt bẫy thì rất nhiều chứ không chỉ gói gọn trong một vài địa điểm trên. Hãy tin vào nhận định của mình chứ không chỉ làm theo sách vở. Thậm chí nếu không có thì bạn có thể tạo ra một nơi hợp lý để đặt bẫy. Ví dụ bạn thấy một con đường mòn mà có nhiều loài thú hay đi lại qua đó, tuy nhiên đặt bẫy lung tung khắp nơi thì không phải là một cách tốt. Vả lại ta cũng chẳng có thời gian làm nhiều bẫy như thế, đặt quá nhiều bẫy cũng làm cho khu vực đó trông mất tự nhiên, sẽ làm cho các loài thú nghi ngờ. Tuy nhiên nếu ta lợi dụng ( hoặc cố tình tạo ra ) 1 khúc cây đổ ngang đường chẳng hạn, 1 bẫy đặt bên phải, 1 cái bẫy đặt bên trái. Như vậy thì chắc chắn con thú nào muốn đi qua đó thì cũng sẽ vướng vào 1 trong 2 cái bẫy. Đây chỉ là 1 trong nhiều cách đặt bẫy đơn giản và hiệu quả, quan trọng là bạn phải biết lợi dụng địa hình. Và trên hết là phải để cho bẫy trông tự nhiên và không để lại dấu hiệu của bạn mà các loài thú có thể nhận ra được.
Ngoài ra, để tăng cơ hội khiến các loài thú mắc vào bẫy ta có thể sử dụng mồi nhử. Tuy nhiên để sử dụng thế nào cho đúng từng loại mồi nhử cũng là cả một nghệ thuật. Ví dụ ta đang nhắm đến một con nai thì chẳng ai lại đem cá ra làm mồi nhử, tương tự một vài loài thú ăn thịt nhỏ họ mèo như linh miêu sẽ không thèm để ý đến 1 quả táo… Có lẽ chuyện này thì ai cũng đã biết.
Tuy nhiên xét rộng ra thì chuyện không chỉ có thể. Ví dụ bạn dùng 1 bắp ngô để bẫy mà xung quanh lại mọc bạt ngàn ngô thì liệu nó có giá trị không? Nhưng 1 số thức ăn quá “lạ” cũng làm cho các con vật nghi ngờ. Lời khuyên ở đây là có thể dùng một vài loại thức ăn khác nhau để làm mồi nhử, bạn hãy xé nhỏ miếng mồi ra, phân tán ra xung quang bẫy và để phần lớn nhất vào bẫy. Con thú khi ăn thử mồi sẽ bị kích thích khẩu vị khiến nó thèm muốn và bị cuốn hút vào bẫy hơn.
Trường hợp mất mồi mà không dính bẫy, có thể một loài thú khác nhỏ hơn hoặc to hơn đã ăn nó. Xác định đối tượng và làm một cái bẫy phù hợp hơn, sử dụng chính loại mồi nhử vừa bị ăn đó.
Tóm lại cả một đoạn dài dòng ở trên vẫn bằng câu : Xác định đối tượng để biết nơi đặt bẫy, loại bẫy và sử dụng mồi nhử thích hợp.
Các loại bẫy.
Khi xác định được con mồi là chim, là thú, là cá hay thậm chí là động vật nguy hiểm, bạn sẽ phải tạo ra một loại bẫy phù hợp để bắt chúng. Nguyên tắc của một cái bẫy dù lớn và phức tạp đến đâu thì cũng chỉ dựa vào những nguyên tắc sau: Đè dập con mồi, treo ngược con mồi lên, đâm xuyên con mồi, trói chặt con mồi (bẫy hầm sập nhốt con mồi dưới hố cũng được coi là một loại bẫy giữ chân ) , và làm nghẹt thở. Những cái bẫy có thể kết hợp 1 hoặc nhiều nguyên tắc trên để đạt được hiệu quả tốt nhất, ngoài ra nên sử dụng sức nén của dây, sức cong của các cành cây để làm năng lượng khiến cái khởi động một cách mau chóng.
Khi thiết kế 1 cái bẫy hãy nghĩ đến việc nó sẽ ảnh hưởng lên con mồi như thế nào, cách thức hoạt động của nó và điều gì sẽ làm nó kích hoạt
Dưới đây là một số ví dụ:
1. Bẫy thòng lọng.
Nói chung thì đây là một loại bẫy đơn giản : chỉ gồm một sợi dây chắc chắn được thắt theo kiểu thòng lọng tự thắt và đầu kia được cố định lại hoặc nối vào những cần bật có thể tạo lực bẩy, lực kéo. Loại bẫy này thường được thiết kế ở những con đường mòn nhỏ mà các loài thú hay đi lại, trước cửa hang hay trên thân cây. Hãy chắc chắn là cái thòng lọng đủ lớn để có thể tự do tròng vào cổ hay thân con vật. Nếu như con vật đi qua, cái thòng lọng sẽ xiết chặt cổ con vật lại. Con vật càng giãy giụa thì thòng lọng càng bị thắt chặt lại, nhưng nói chung loại bẫy này không thể giết chết được con thú. Vì vậy hãy cẩn thận khi bắt giữ chúng.
Dưới đây là 1 kiểu tận dụng địa hình để tạo ra một cái bẫy thòng lọng đơn giản không ngờ chỉ với 1 sợi dây ngắn và 1 khúc cây vừa phải ( Xem hình ) .Buộc một chiếc thòng lọng tự thắt ngang một thân cây cứng, gác thân cây này lên các cành cây như ở vị trí như trong hình sao cho thòng lọng vừa với chiều cao của con vật. Như vậy, nếu có một con vật nào đó đi qua vị trí như trên thì chắc chắn chiếc thòng lọng sẽ siết chặt lấy cổ nó. Kể cả con vật mạnh mẽ và vùng vẫy đến đâu đi chăng nữa, có làm gẫy cách cành cây hay kéo lê thân cây đi thì thân cây vẫn bị mắc vào các thân cây, bui cây xung quanh. Một điều chắc chắn là con vật sẽ kẹt lại nếu mắc phải.
Tuy nhiên loại bẫy này cần một nơi hợp lý để thiết kế thòng lọng, đôi khi những chỗ thế này không dễ tìm thấy.
Thòng lọng tự giật ( xem hình).
Đây là một kiểu bẫy tự giật thông dụng. Sử dụng loại thân cây dẻo làm cần bật, cắt hết cành, lá đi để tạo lực bẩy tốt nhất.
- Bươc 1: Đóng 1 cái cọc gỗ gần thân cây như hình vẽ, cọc gỗ này để làm giá cố định thòng lọng bằng 1 cái chốt đơn giản. Có thể mắc thòng lọng lên các bụi cây, thân cây nhỏ xung quanh nhưng phải chắc chắn thòng lọng ko quá to hoặc quá nhỏ và phải nằm trên đường di chuyển của các loài vật.
- Bước 2: Níu cành cây xuống và buộc chặt vào đầu kia của thòng lọng, chú ý mắc vào chốt sao cho đủ chặt để cố định sợi dây nhưng khi con vật nào đó mắc phải thì chốt phải rời ra ngay lập tức.
- Bước 3: Các loài thú vật khi đi qua sẽ kích hoạt bẫy, thú nhỏ sẽ bị treo luôn trên cây còn các loài thú lớn hơn cũng bị giữ lại
Chú ý ghi nhớ kiểu chốt tự giật đơn giản này. Bạn sẽ sử dụng đến nó nhiều đấy.
Bẫy thòng lọng các loài thú leo cây.
Có nhiều loại thú leo cây nhỏ như sóc, chuột túi, gấu túi, nhím, khỉ, bò sát … Chúng có số lượng lớn và chất lượng thịt rất tốt nếu ko muốn nói là … đặc sản. Những loài thú leo cây này thì ít khi xuống đất để mắc vào các kiểu thòng lọng kiểu trên nhưng ta có thể thiết kế những chiếc thòng lọng kiểu khác ngay trên cây để bẫy chúng.
Sử dụng các loại dây leo đủ cứng để tự định hình thòng lọng nhưng cũng đủ mềm để có thể tự thít lại được. Trong tự nhiên có rất nhiều loại dây kiểu này như : dây mây, chão,gai, dây nho … hoặc bất kì loại dây rừng, dây kim loại nào có tính chất tương tự mà bạn có thể tìm được.
Dùng một thân cây nhẵn nhụi đã cắt bỏ hết cành lá bắc chéo lên các cây lớn nơi có nhiều loài vật sinh sống. Những thân cây đổ kiểu này rất được các loài vật sống trên cây như sóc, chuột túi nhỏ yêu thích vì nó khiến cho công việc leo từ dưới đất cây đơn giản hơn nhiều. Vì thế để có thể bắt được chúng trên thân những thân cây trên thiết kế hàng loạt những cái thòng lọng nhỏ như hình vẽ, chú ý hướng thòng lọng lên phía trên. Khi con vật đi qua nó sẽ mắc vào một trong những cái thòng lọng đó. Nếu cố gắng giãy giụa, chúng sẽ bị trượt chân và treo lủng lẳng như hình dưới.
Một điều khá lí thú là loài sóc mặc dù thấy đồng loại bị treo lủng lẳng như vậy nhưng chúng vẫn liên tục “ đi vào vết xe đổ” đó mà không hề biết sợ. Vì thế nên ta có thể bố trí nhiều thòng lọng một chút, có thể bắt được vài ba con trên cùng 1 cái thân cây.
Bẫy chim.
Ở những khu vực như đầm nước, ao hồ thì nên bố trí những cái bẫy chim Ojibwa đơn giản kiểu này để bẫy các loại chim đến kiếm ăn. Chúng thường thích đậu lên những thanh gỗ, cành cây nằm ngang để nghỉ chân, ta có thể lợi dụng điều đó để thiết kế những cái bẫy như sau:
- Thanh gỗ 1 được nối với một sợi dây xỏ lỏng lẻo qua cái chốt 2 sau đó được buộc vào thanh dẻo 3 có có nhiệm vụ tạo lực bật.
- Chim đậu vào thanh 1 sẽ làm chốt lung lay không giữ được thanh 1 nữa. Thanh dẻo 3 lập tức kéo thanh gỗ 1 qua chốt 2 và kéo luôn dây được bố trí phía dưới mắc vào chân chim. Nếu lực bật mạnh quá thì có thể làm gẫy luôn chân chim.
Một cách khác là ta có thể sử dụng những thân cây vừa phải, gọt 1 phần nhỏ như hình vẽ, bẻ cong chúng xuống và cố định lại bằng 1 cái chốt như hình vẽ. Buộc sợi dây vào chốt, 1 đầu thắt thành thòng lọng và để lên phần vỏ cây ( xem hình )
Tạo lực bẩy cho thòng lọng bằng cách níu 1 thân cây gần đó xuống và buộc đầu còn lại của sợi dây lên đó,chú ý căn lực vừa phải để không kéo luôn chốt lên.
Khi chim đậu lên mảnh vỏ cây, chốt sẽ bị rời ra do vỏ cây không còn cố định được nó nữa. Nó sẽ kéo thòng lọng và thít chặt chân chim lại.
Dùng lưới.
Nếu tạo ra được một chiếc lưới ( xem phần cuối bài viết) thì hãy thiết kế lưới ở những vị trí như sau để bắt chim. Phần dưới lưới nên để trùng một chút để khi rơi xuống chim đập cánh loạn xạ sẽ càng bị mắc vào lưới hơn.
Một số loại bẫy khác dựa theo nguyên tắc bẫy thòng thọng.
Cách làm cũng không quá khó, bạn có thể kết hợp nhiều loại bẫy khác nhau và sử dụng mồi hay ngụy trang bằng lá cây để tăng hiệu quả.
2. Bẫy đè.
Đây là loại bẫy khá hiệu quả với những con vật cỡ vừa và nhỏ. Những con vật đủ lớn thì khá thông minh và khỏe mạnh nên dù có bị đè nặng chúng vẫn có thể thoát ra được.
Dưới đây là một kiểu bẫy để bẫy các loài thú kích thước trung bình như cáo, sói, lợn rừng …
Còn đây là kiểu bẫy nhỏ hơn dành cho các loại thú nhỏ. Chú ý nhìn kĩ cách đặt chốt để khi con thú ăn mồi sẽ làm phiến đá sập xuống đè lên chúng. Loại bẫy này dùng thức ăn để dụ chúng sập bẫy nên nhất thiết phải có mồi.
3. Bẫy Cung tên.
Thực ra đây là một cái bẫy rất nguy hiểm đối với con người và tính hiệu quả của nó cũng chẳng hơn các loại bẫy khác là bao nên tôi cũng không khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên tôi muốn đưa ra loại bẫy này vì ngoài công dụng tự động bắn chết con mồi đi ngang qua mắc vào dây mà nó còn có tác dụng bảo vệ khu vực mà ta mong muốn. Biết đâu đấy, vì 1 lý do nào đó mà bạn phải bảo vệ 1 vị trí nào đó mà không muốn bất kì con thú hoang nguy hiểm hay kẻ lạ mặt nào đó xâm nhập, hãy nhớ đến cái bẫy này.
Chẳng có cái “định luật” nào dám khẳng định đốt lửa lên thì các loài thú dữ không dám đến gần cả.
Tôi xin nhắc lại đây là loại bẫy rất nguy hiểm đối với con người, chỉ tiếp cận nó từ phía sau của bẫy. Bố trí những cảnh báo nhắc nhở ở quanh khu vực đó cho người khác và cả chính mình biết. Nếu nhóm của bạn có nhiều người thì tốt nhất không nên lắp đặt loại bẫy này. Nhất thiết không được coi nó như 1 trò chơi !
Cấu tạo:
4. Giáo đâm lợn ( Pig spear shaft ).
Tương tự như trên, đây cũng là một cái bẫy nguy hiểm nên khi sử dụng phải chú ý. Với lực bật đủ mạnh, nó sẽ xiên qua bất kì con thú nhỏ nào như lợn, cáo đi ngang qua và gim vào thân cây đối diện. Thông thường các con mồi sẽ chết ngay lập tức.
Cấu tạo
5. Bẫy hố cổ chai đơn giản với 30s thiết lập.
Đây là một cái bẫy đơn giản và hiệu quả đối với những loài thú nhỏ như sóc, chuột, nhím … và các loài găm nhấm khác. Dựa vào đặc tính của những loài này là thích chui rúc vào những kẽ hẹp, khe hẹp. Hãy tạo ra một cái khe hẹp như thế giống hình vẽ bằng một phiến đá đủ lớn và vài viên đá nhỏ. Nếu ở 1 nơi trống trải mà bạn làm 1 cái bẫy kiểu này, khi mấy con sóc, chuột đi qua mà thấy có động chúng sẽ lập tức rúc vào để trốn và khả năng rơi xuống bẫy là rất cao. Và tất nhiên khi rơi xuống bẫy, do cấu tạo dốc đặc biệt và phiến đá đè ở trên nên chúng sẽ không thể nào trèo lên được.
Chú ý: Tuy nhiên cái bẫy này cũng là nơi rất yêu thích của loài rắn. Khi kiểm tra bẫy phải thật chú ý.
6. Bẫy hầm sập.
Loại bẫy tốn khá nhiều thời gian và công sức để thiết lập, chỉ dùng để săn những loại thú thực sự lớn. Cấu tạo của nó cũng không có gì đáng để nói: Một cái hố đủ lớn, nắp hố được gác lỏng lẻo bằng các loại cành cây và ngụy trang cẩn thận, dưới hố có thể cắm chông để tăng sát thương hoặc giết chết con thú ngay lập tức.
Sử dụng các loại công cụ săn bắn khác.
Thực ra để sử dụng những loại công cụ như cung săn, phi tiêu, lao, boomerang, rabbit stick … thì bạn cần phải tập luyện và có chút năng khiếu sử dụng những loại vũ khí kiểu này. Trên youtube có một seri clip “ How to hunt “ của Steve Doran có hướng dẫn sử dụng những công cụ kiểu này cho việc săn bắn. Từ phi tiêu thổi, cung, rabbit stick, bola, throw spear … đều được anh hướng dẫn và mô phỏng lại rất cẩn thận, bạn nào có nhu cầu tìm hiểu có thể search những video của anh để biết thêm chi tiết. Ở đây tôi xin phép giới thiệu qua một số loại vũ khí, công cụ săn bắn thông dụng và cách tạo ra chúng, sử dụng chúng thế nào cho hiệu quả thì đành phải tùy thuộc vào khả năng của bạn vậy. Hầu hết những thứ vũ khí tôi dưới thiệu ở dưới đây đều triệt hạ con thú ở một khoảng cách nhất định và không có tác dụng cận chiến.
1.Cung tên:
Đây là một thứ vũ khí phát xạ rất nổi tiếng. Nó không chỉ được dùng trong săn bắn mà còn được sử dụng như một thứ vũ khí đánh trận. Tính hiệu quả của nó thì ai cũng biết rồi, tuy vậy không phải ai cũng có thể cầm lên,kéo cần và ngắm bắn bách phát bách trúng dễ dàng như trên phim ảnh được. Người Mông Cổ với sự trợ lực của ngựa có thể bắn tên xa hơn 500 m, ta chỉ cần luyện tập bắn trúng những mục tiêu lớn trong vòng 20-30m đã là một thành công rồi.
Cấu tạo cánh cung: Cánh cung thường được làm bằng gỗ dâu, gỗ thông đỏ, ở Việt Nam thì hay làm bằng cây luồng pà ná hay gỗ hồng bì … Nói chung là những loại gỗ đủ rắn chắc và dẻo dai khác cũng có thể thay thế được. Nên chọn những cây gỗ khô vừa chết chưa được lâu chứ không chọn gỗ tươi.
Cách thức tạo ra một cây cung hoàn chỉnh tôi đã nói khá chi tiết ở kỳ 4 : Trôi dạt vào hoang đảo.
Có một điều bạn nên lưu ý là sát thương do một mũi tên gây ra là không đủ để triệt hạ ngay lập tức những con thú lớn. Vì vậy nếu muốn săn các loài thú lớn như hươu nai, lợn rừng, dê, linh dương … bạn nên sử dụng những loại độc dược có thể tìm được trong tự nhiên để tẩm lên đầu những mũi tên. Điều chế chúng như thế nào tôi sẽ nói ở phần dưới, những loại độc này có thể giết chết con thú sau vài phút đến vài chục phút tuy nhiên ta có thể ăn thịt chúng thoải mái mà không có vấn đề gì.
Khi bắn những mũi tên tẩm độc này nếu có thể thì hãy bắn vào khu vực gần tim con thú thì chất độc sẽ phát tán nhanh hơn.
2. Lao.
Tôi cũng đã nói khá chi tiết về cách làm loại vũ khí này ở phần 4. Nếu không có kim loại để làm mũi lao thì sử dụng loại dao đá hoặc dao xương gắn vào đầu cây gậy ta cũng có một chiếc lao khá tốt. Hay đơn giản hơn chỉ cần vót nhọn đầu một cây gỗ đủ cứng thì cũng có chút tác dụng khi đối phó với những loài thú nhỏ.
3.Bola.
Người Eskimo là người đã phát minh ra thứ vũ khí đơn giản và độc đáo này. Thực sự đây được coi là công cụ săn bắn hơn là một loại vũ khí. Sử dụng nó để bắt sống chim đang bay, các loài thú nhỏ và cả lớn khi đang chạy.
Tư thế ném bola
Cấu tạo của nó rất đơn giản. Chỉ là 3 sợi dây buộc đá được nối lại với nhau tại cùng một điểm. Người ta sẽ quay, lấy đà để ném như trong hình. Khi ném trúng chân các loài thú đang chạy, lực quá tính sẽ khiến các hòn đá quấn chặt lấy chân chúng và làm chúng vấp ngã, rất khó để chúng có thể giãy ra được. Để đạt hiệu quả cao nhất chiều dài của các sợi dây vào khoảng 60 cm.
4.Bomerang và ống thổi phi tiêu.
Đây cũng là 2 loại vũ khí tôi đã giới thiệu ở phần 4. Bạn có thể xem lại phần 4: Trôi dạt vào hoang đảo để biết thêm chi tiết.
Riêng với loại ống thổi phi tiêu thì đó là loại vũ khí người quen của tôi Ben rất yêu thích vì nó dễ sử dụng, hành động kín đáo và tính hiệu quả rất cao. Những mũi phi tiêu vót bằng gỗ, tre.nếu có thể thì làm bằng kim loại là tốt nhất. Tuy nhiên vì nó không có tính sát thương nên chắc chắn khi sử dụng loại vũ khí này bạn phải có chút kiến thức về độc dược để tẩm vào đầu mũi tiêu. Xin hãy chú ý phần dưới đây.
Phi tiêu không gây sát thương lớn nhưng tính xuyên phá và tốc độ khá chớp nhoáng.
Sử dụng độc dược trong tự nhiên.
Trong tự nhiên có rất rất nhiều loại cây độc, quả độc, nấm độc ,một số loài bò sát, lưỡng cư, cá … cũng mang những chất độc chết người trong thân nó. Tuy nhiên không phải ta cứ lôi tất cả chúng ra là có thể sử dụng được bởi ta không rõ độc tính của chúng ở dạng nào, tồn tại bao lâu và liệu ăn vào có tử vong hay không. Những loại độc tính chưa qua điều chế tác dụng cũng không đủ mạnh để có thể làm chết con thú ngay và ta phải theo dấu chúng rất vất vả đôi khi mất trắng.
Hơn nữa độc dược cũng không chỉ để tẩm vào vũ khí mà nó còn có nhiều tác dụng khác. Bạn có thể làm “bả” , “thuốc” hay thậm chí là đầu độc cả một khúc sông suối để bắt cá nếu cần thiết. Chỉ bằng một số loại lá, hạt đơn giản. Tất nhiên những con cá này thịt vẫn mềm mại và ngon lành, ăn vào cũng không có ảnh hưởng xấu đến cơ thể.
Điều đầu tiên bạn phải hiểu cơ chế hoạt động của các loại độc dược trong tự nhiên, có loại ăn được nhưng vào máu thì gây tử vong lập tức, có loại ngược lại. Chúng thường hoạt động theo những cách sau:
- Ăn ( hít vào ) vào và bị ngộ độc, chất độc thấm qua dịch dạ dày và ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan nội tạng.
- Thấm vào máu và gây ảnh hưởng đến tim mạch, làm trụy tim , đông máu hay phân giải hồng cầu.
- Ăn hoặc ngửi hoặc thấm vào máu nhưng tác động trực tiếp đến hệ thần kinh gây tê liệt thần kinh, suy hô hấp, ngạt thở, tê liệt cơ thể.
- Tiếp xúc: Chạm vào là bị ngộ độc kiểu dị ứng, ngứa ngáy hoặc ngạt thở. Loại này thì nằm ngoài giới hạn của bài viết nên tôi sẽ không nhắc đến nữa.
Tất cả những loại độc tố trên dù hoạt động theo cách nào cũng đều có thể gây tử vong. Trong đó loại độc tố thần kinh là nguy hiểm hơn cả nên nếu muốn sử dụng chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Khi tiếp xúc không để tay chân xước xát hay để quá gần mũi, mắt, miệng. Ở đây tôi cũng chỉ giới thiệu đến một số loại độc dược quen thuộc đã được sử dụng nhiều, tính hiệu quả cao nhưng cũng không quá nguy hiểm với con người. Tôi sẽ nói đến các loại cây cỏ, động vật nguy hiểm mang độc tính cao vào một kỳ khác với tên gọi “ Hiểm họa tự nhiên “ nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm xin hãy đón đọc.
Để tẩm độc vào các loại vũ khí như mũi tên, phi tiêu, lao … người ta thường sử dụng loại chất độc máu hoặc chất độc thần kinh và nếu muốn hiệu quả tốt hơn thì phải phối hợp cả 2 loại độc dược này thành những “bài thuốc” vốn đã rất bí truyền. Dính phải chất độc thì chắc chắn là gây tử vong rồi nhưng những loại chất độc tự nhiên không đủ mạnh để giết những con thú lớn ngay lập tức. Chúng có thể sống một vài giờ thậm chí một vài ngày sau đó. Vì thế phối hợp độc dược khi muốn chủ động săn những loài thú lớn là rất cần thiết.
Chất độc của người Châu Ro hoặc một loại chất độc khác của người Bana khiến những con thú lớn như gấu, hổ, trâu rừng chỉ chạy không quá 100 bước đã gục xuống chết ngay lập tức. Chất độc bí truyền curare của thổ dân Amazon thậm chí làm cho những con vật lớn chỉ kịp giãy giụa vài cái đã tử vong.
1.Bài thuốc điều chế chất độc của người Châu Ro ( Nguồn từ tài liệu của bác Phạm Văn Nhân và mình có chỉnh lý lại một chút theo hiểu biết của mình để rõ ràng hơn )
Chuẩn bị :
- Lá cây Sừng Dê: thuộc họ trúc đào (Apocynaccae) còn gọi là cây cồng cộng, cây sừng bò. Là loài cây mọc hoang rất phổ biến ở Việt Nam, khu vực nhiệt đới và một số nơi khu vực ôn đới. Toàn thân cây này đều có độc, hạt rất độc nhưng bài thuốc này cần đến lá cây.
- Cây Mã tiền: còn gọi là Củ chi (Loganiacae ) . Mọc hoang nhiều ở miền nam nước ta, thực ra những cây thuộc họ mã tiền rất nhiều nhưng mọc ở nước ta chủ yếu là loại dây leo. Bài thuốc này cũng cần đến lá của chúng.
- Lá két: loại lá mọc khá thông dụng trong các khu rừng ở Việt Nam, vì nó không có độc tính thậm chí còn ăn được, có vị hơi chua nên tôi cũng không rõ vai trò của nó trong bài thuốc này.
- Quả giấy: cây giấy mọc hầu khắp nước ta
- Thuốc rê: Cây thuốc rê mọc nhiều ở miền Nam, nói chung là không có độc. Nó còn là loại thuốc hút khá nổi tiếng.
Mỗi thứ trên chuẩn bị 1 nắm, cho vào một nồi đất (không được dùng nồi kim loại ). Đổ ngập nước rồi đun cho đến khi còn 1/3. Rót ra một khay nhựa hay đất , tuyệt đối không dùng kim loại.
Đun tiếp nước thứ 2 giống như nước thứ nhất. Trộn 2 nước lại rồi đun bằng nồi đất cho đến khi sền sệt là được. Lưu ý loại nước này sẽ đông cứng khá nhanh nên hãy nhúng đầu mũi tên vào lăn tròn rồi để nguội là được.
Tác dụng: Khi trúng tên tùy theo con thú lớn hay nhỏ mà bỏ chạy được một đoạn xa hay gần nhưng chúng sẽ mau chóng kiệt sức. Phải dừng lại liên tục để ói mửa. Ta có thể dựa vào tiếng ói mửa để tìm ra chúng mặc dù chúng có thể trốn vào hang đất hay luồn lách trong những bụi rậm thế nào đi chăng nữa. Trước khi chết con mồi sẽ co giật rất mạnh do tác dụng của Mã tiền nên một số loài leo cây hoặc chim trên cây cũng phải rơi xuống đất. Dễ dàng cho ta thu lượm.
Thịt các loài thú săn bằng loại chất độc này vẫn mềm và ngon, ta có thể chế biến sử dụng mà không sợ tác dụng của chất độc.
2.Chất độc Curare của thổ dân Châu Mỹ:
Đây là chất độc bí truyền của một số dân tộc Nam Mỹ. Đặc điểm của Curare là độc tính cao, đi vào máu là gây tử vong nhanh chóng nhưng gần như không độc khi ăn uống cho nên thú săn bị trúng tên độc ta vẫn có thể ăn được.
Thành phần của loại chất độc này gồm : Vỏ cây Chondodendron tomentosum Ruiz Pav ( ở Việt Nam có cây tiết dê thuộc loại này cực độc và có thể sử dụng ) và cây Strychnos Cartelnaci Weld thuộc họ Mã Tiền. Mỗi thứ một nắm.
Muốn tạo ra Curare người ,ta cạo vỏ tươi của 2 loại cây trên, dùng cối dã nhỏ , cho thêm nước và lọc lấy nước cốt. Cô loại nước cốt này thật đặc bằng nồi đất ( không được dùng nồi kim loại ) , thỉnh thoảng nếm xem có đủ vị đắng không, Curare càng đắng thì càng độc ( chú ý với những người có vết thương ở phần miệng tuyệt đối không được thử kiểu này)
Những con thú kể cả sư tử hay gấu lớn trúng một mũi tên thì cũng không thể chạy nổi quá 100 mét.
3.Chất độc từ động vật.
Từ các loài côn trùng độc như bọ cạp, ấu trùng bọ lá cực độc hay ếch độc, rắn độc. Tuy nhiên để sử dụng được loại chất độc này cần phải có kinh nghiệm, vốn kiến thức tự nhiên phong phú nên tôi không dám phát ngôn bừa bãi và cũng không khuyến khích sử dụng. Cách dễ dàng nhất mà thổ dân Amazon hay làm là sử dụng chất nhờn tiết ra từ da một số loài ếch độc. Những loài ếch này thường có màu sắc sặc sỡ rất dễ nhận thấy, chúng có chất độc thần kinh cực mạnh nên cũng có thể hạ gục con mồi rất nhanh chóng.
Chú ý chất độc từ một số loài ếch độc là không ăn được. Nhưng có thể bị tan rã trong quá trình đun nấu. Dù sao sử dụng chúng cũng rất phiêu lưu nên tôi không hề khuyến khích.
Nọc một số loài rắn độc cũng có tác dụng tương tự nhưng thời gian phát tác hơi lâu. Và phải có trình độ mới có thể lấy nọc từ những loài rắn độc trên.
Còn có một số loại sâu độc, trùng độc còn chưa được biết đến rộng rãi và cũng chưa có sách vở nào ghi chép lại nên tôi sẽ không kể ra. Ngoài ra còn có những phương pháp “nuôi độc” , “cấy độc” mang tính chất tâm linh huyền bí của một số bộ tộc thiểu số Châu Phi, Nam Mỹ hay Châu Úc. Kể cả Châu Á cũng có vùng Miêu Cương Trung Quốc, dân tộc Bana, dân tộc Giẻ Chiêng ở Việt Nam, Thái Lan … đều có tính nghi thức tôn giáo rất cầu kì thậm chí có vẻ nhảm nhí nên tôi cũng sẽ không nhắc đến. Tuy nhiên độc tính và công dụng của những loại độc dược của họ rất kinh khủng và kì quái: nửa giống trúng độc, nửa giống trúng tà. Những cái chết của nạn nhân cũng thường bị bao phủ một màu sắc thần bí đáng sợ.
4.Đầu độc cá dưới nước trên diện rộng hoặc một số loài động vật máu lạnh khác.
Nếu nhóm sống sót của bạn đông người và cần một lượng thức ăn lớn thì có thể làm cách này. Sử dụng một số loại cây có chứa chất Rotenon để đầu độc một khúc sông suối làm tê liệt thậm chí giết chết hầu hết loài cá nằm trong tầm ảnh hưởng của nó. Đặc điểm của chất độc Rotenon là chỉ tác dụng lên động vật máu lạnh, con người và các loài thú khác uống nước vẫn không có vấn đề gì. Đoạn sông cũng không bị coi là ô nhiễm và chú ý loại chất độc này chỉ hoạt động được với nhiệt độ trên 10 độ C , nhiệt độ càng cao chất độc phát tác càng nhanh.
Những loại cây có chứa chất Rotenon hoặc các chất có tác dụng tương tự có thể tìm thấy ở Việt Nam:
- Cây củ đậu: Loại cây trồng rất phổ biến, củ ăn rất ngọt và mát nhưng lá và hạt cây có chất độc. Độc tính này không có tác dụng với người nhưng với loài cá thì rất rõ rệt. Giã nát hạt và lá của cây này thả xuống nước những con cá sẽ bị tê liệt và mau chóng nổi lên.
- Cây thàn mát: hay thường trồng ở Hà Nội để lấy bóng mát, cây cao từ 5-10 mét lá có hình giống con dao mã tấu. Cây cũng mọc hoang ở rất nhiều nơi khắp cả nước. Người ta lấy hạt cây thàn mát tán nhỏ, trộn với tro bếp rắc vào ao hồ, suối cũng có tác dụng đầu độc cá phía dưới.
- Còn rất nhiều loại cây khác mọc hoang khắp Việt Nam nhưng hiếm và khó để nhận diện hơn như : cây cổ giải, cây ba đậu, cây hột mát, cây chẹo … tác dụng cũng tương tự, phần sử dụng được chủ yếu là hạt và lá.
Củ đậu ăn rất tốt cho sức khỏe nhưng lá và hạt của nó có độc, hãy chú ý.
Ở các nơi khác trên thế giới thì ta có thể tìm thấy các loại cây có chứa rotenon như:
- Anamirta cocculus ( xem hình ) : là một loại cây leo thân gỗ phát triển ở Đông Nam Á và trên các hòn đảo Nam Thái Bình Dương.Ở Việt Nam chắc chắn có loại cây này nhưng tôi không nhớ tên dân gian của nó nên sẽ bổ sung sau. Giã hạt của loài cây này và ném xuống nước.
Anamirta cocculus
- Croton tiglium (hình): là một loại cây bụi nhỏ mọc hoang nhiều ở vùng nhiệt đới. Nó có quả chia múi giống khế nhưng nhỏ hơn nhiều và chỉ có 3 cạnh. Khi quả già khô lại có màu nâu, nghiền chúng và ném xuống nước để bắt cá.
Croton tiglium
- Barringtonia (hình) : được tìm thấy nhiều ở các vùng bờ biển phía nam Châu Âu. Đây là loại cây thân gỗ khá lớn có quả với thịt quả dầy (không ăn được ). Tách lấy hạt từ quả giã nát và ném xuống nước.
Barringtonia
- Derris eliptica (hình): thuộc họ cây bụi nhiệt đới, là nguồn chính để sản xuất rotenon sử dụng cho y học và thương mại. Lấy rễ cây này đật dập và thả xuống nước sẽ làm cá nổi lên.
Derris eliptica
- Duboisia (hình) : Loại cây bụi có hoa màu trắng mọc hoang hoặc được trồng khá phổ biến ở Úc. Nó có hoa màu trắng khá đẹp nhưng thân có độc. Giã nát thân cây thả xuống nước.
Duboisia
- Tephrosia (hình) : Đây là loại cây bụi nhỏ có quả giống quả đậu ( đỗ) nhưng không phải quả đậu đâu nhá. Hoa màu tím, thân và lá có độc nên có thể giã nát thân và lá để đầu độc cá dưới nước.
Tephrosia
Những loại cây, hạt trên không chỉ đầu độc được cá mà còn có thể “bả” được hầu hết những loại động vật máu lạnh, nếu biết cách sử dụng hợp lý bạn có thể làm được rất nhiều việc khác từ đống cây cỏ này. Tuy nhiên do tính chất hạ độc hàng loạt của nó nên bạn chỉ nên sử dụng trong những điều kiện khó khăn. Ngoài ra hãy vớt sạch cá chết trôi nổi để giữ sự cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường. Cá chết có thể làm ô nhiễm một khúc sông, 1 cái đầm, hồ rất mau chóng.
Điều cuối cùng tôi muốn nói là về liều lượng và tỉ lệ sử dụng các loại cây trên đây tôi nắm không được rõ. Ngay cả khi hỏi Ben thì anh ấy cũng chỉ nói một cách rất chung chung là : “ ít nhất thì cũng phải đủ một nắm tay “ . Có lẽ là do tính chất phức tạp và đa dạng về chủng loại của các loại cây cỏ độc nên bạn cũng chẳng cần phải quá quan tâm đến vấn đề tỉ lệ. Cũng bởi các loại cây này gặp khá nhiều trong tự nhiên mà đã gặp thì có số lượng lớn, dư đủ để cho ta dùng.
Đánh bắt dưới nước.
Một vài loài động vật nước mặn.
Đây là một sự lựa chọn tương đối tốt, bạn hãy nghĩ đến việc tìm kiếm nguồn thực phẩm dưới nước nếu môi trường sống của bạn gần sông hồ hay biển. Ngoài cách thức dùng chất độc để đánh bắt cá như trên thì cũng còn rất nhiều các cách đánh cá khác mà bạn có thể sử dụng trong trường đại đa số trường hợp.
Những loài cá không ăn được.
Câu cá.
Bình thường thì việc câu cá vốn đã là một việc khá thú vị. Nó cũng đã quen thuộc với đại đa số chúng ta nên tôi không nhắc đến nó nhiều nữa. Tuy nhiên ngoài môi trường hoang dã, khi ta không thể có được những trang thiết bị đầy đủ cho việc câu cá thì mọi chuyện lại khó khăn hơn khá nhiều. Chẳng hạn việc tạo ra một lưỡi câu và dây câu cũng là một chuyện khá nhức đầu rồi.
Dây câu ta có thể tạo ra bằng cách bện từ các sợi tự nhiên ( xem lại kì 4 ) hoặc tốt nhất là bện từ các sợi vải quần áo.
Lưỡi câu thì ta có nhiều lựa chọn hơn. Đơn giản nhất là gọt từ 1 cành cây có sẵn gai nhọn, nếu có thể thì tận dụng tất cả những gì bạn có : Kim tiêm,dây kim loại, móng các loài thú vật, xương thú, gỗ , vỏ sò, mai rùa … Khéo léo hơn thì bạn có thể kết hợp các loại vật liệu này để tạo ra một lưỡi câu hoàn hảo hơn.
Những loại lưỡi câu tự tạo. Từ trái qua phải: Làm từ gỗ, từ dây kim loại, từ gai cây cối và đẽo từ xương động vật.
Tiếp đó thì hãy thể hiện trình độ câu cá của bạn.
Tuy nhiên nếu cảm thấy việc câu cá làm tốn của bạn nhiều thời gian và công sức mà năng suất đạt được cũng không thực sự cao thì bạn có thể tạo ra các Stakeout ( không biết dịch thế nào) tự động làm công việc đó cho bạn.
Cấu tạo của một cái stakeout cũng không có gì phức tạp ( xem hình)
- Tạo ra từ 2 đến 3 dây câu dài 80 cm bao gồm cả lưỡi câu và mắc sẵn mồi.
- Chuẩn bị 2 cành cây cứng dài khoảng 1 mét, buộc 2 cành cây này bằng một sợi dây khác dài khoảng 4-5 mét, gọi là dây chính.
- Buộc những sợi dây câu chuẩn bị ở bước 1 vào sợi dây chính này. Chia khoảng cách hợp lý để các sợi dây không cuốn lấy nhau.
- Cắm 2 cành cây này xuống nước, chú ý cắm ở độ sâu vừa phải nơi có nhiều loại cá sinh sống. Cuối cùng chỉ việc chờ lũ cá đến đớp mồi. Cắm nhiều stakeout sẽ có tỉ lệ thu hoạch cao hơn.
Bắt cá bằng lưới.
Dễ dàng và thu hoạch được nhiều hơn so với câu cá nhưng lại đòi hỏi bạn có một thứ không hề có trong tự nhiên đó là lưới. Dưới đây là cách đan một cái lưới nếu bạn có thể giữ được các loại dây như dây dù, dây nilon trong khi gặp tai nạn. Còn nếu đan lưới bằng các loại dây tự tạo ngoài thiên nhiên thì tôi nghĩ đó là một việc thực sự rất khó khăn và tốn công sức.
Một cách chăng lưới theo dòng chảy.
Lưới cũng có thể giúp ta bắt chim thậm chí là một số loài thú nhỏ khác.
Một vài cách khác.
- Nếu có thể hãy đan những chiếc đăng, lờ để bẫy cá vào. Cấu tạo đặc biệt của chúng khiến cá đi vào được nhưng không thể thoát ra.
- Những chiếc vợt hay nơm cũng giúp bạn đánh bắt cá bằng tay sẽ dễ dàng hơn.
- Kè đá: Nếu bạn ở gần bờ biển thì cũng có thể đắp một kè đá như hình ở sát mép nước . Lúc thủy triều lên sẽ ngập kè đá mang theo tôm cá, ốc biển. Khi thủy triều rút một số sẽ bị kẹt lại ở kè đá này.
Nếu bạn bắt gặp được ao hồ, sông suối thì coi như bạn đã gặp may. Cơ may sống sót của bạn và nhóm đã được tăng lên rất cao. Hãy tận dụng tất cả những gì bạn thấy ở nơi đó từ nước sinh hoạt, các loại rau cỏ, cá tôm sò ốc hay đặt bẫy đánh bắt các loài chim, thú khác đến uống nước. Hi vọng bài viết trên sẽ giúp bạn làm tất cả những điều đó một cách dễ dàng nhất.
Lao đâm cá làm từ tre, kim loại và xương động vật.
Kỳ sau tôi sẽ nói về cách nhận biết và sử dụng những loại thực phẩm khác đến từ thực vật. Cái công thức mà vị tiền bối Mai An Tiêm để lại cho con cháu : “ Chim ăn được thì người cũng ăn được “ liệu có thực sự chính xác?
Độc giả quan tâm xin đón đọc kỳ 10: “Thực phẩm đến từ thực vật”