Không phải camera, đây mới là thứ quyết định video của bạn viral hay... flop
Tôi đã thử micro không dây Saramonic Air, và bất ngờ khi nhận ra, đôi khi thứ khiến video "fail" không phải hình ảnh... mà là thứ đang nằm lặng lẽ trên cổ áo.
Trong một thế giới mà ai cũng mải mê nâng cấp camera, chạy đua cấu hình, gắn thêm filter chỉnh màu hay học một khóa học edit video thì có một thứ gần như bị bỏ quên: chất lượng âm thanh. Đáng tiếc là, âm thanh lại chính là yếu tố khiến rất nhiều video tưởng đẹp lại... bị lướt qua không thương tiếc.
Bạn có thể quay bằng iPhone hay máy ảnh full-frame, set góc chuẩn từng milimet, đèn đóm đủ cả và cả chỉnh màu cinematic, nhưng chỉ cần giọng bạn vang vọng như trong phòng tắm, hay có tiếng xe máy ồn ào bên ngoài lấn át, người xem sẽ rời đi ngay từ 5 giây đầu tiên. Ngược lại, một video chỉ cần quay bằng điện thoại tầm trung, thậm chí góc quay không có gì đặc biệt, nhưng nếu giọng nói rõ ràng, âm thanh sạch sẽ, người xem vẫn sẽ ở lại và lắng nghe.
Đó là lý do micro không dây đang trở thành món "bảo hiểm cảm xúc" mới, đặc biệt với những ai làm nội dung bằng điện thoại. Nhưng giữa thị trường tràn ngập những bộ mic đắt đỏ, dễ rối, khó dùng, sự xuất hiện của một thiết bị nhỏ gọn, dễ dùng như Saramonic Air, với mức giá từ hơn 3 triệu đồng lại khiến tôi khá tò mò: liệu đây có phải là món phụ kiện âm thầm nhưng đủ sức nâng cấp cả cảm xúc của một video?


Mic thu âm giá chỉ hơn 3 triệu đồng nhưng có xứng đáng để đầu tư?
Âm thanh: Yếu tố thường bị xem nhẹ nhưng lại ảnh hưởng nhiều hơn hình ảnh
Làm nội dung bằng điện thoại, tôi từng không ít lần rơi vào tình huống tréo ngoe: quay được khung hình đẹp, ánh sáng ổn, diễn đạt mượt, nhưng lúc xem lại thì... âm thanh không thể chấp nhận nổi. Tiếng nói thì nhỏ, xa, lại chen giữa tiếng xe máy, tiếng gió rít, thỉnh thoảng còn có tiếng rè nhẹ ở các đoạn cao giọng. Video tưởng như "xài được" cuối cùng lại bị bỏ.
Trải nghiệm đó khiến tôi để ý hơn đến âm thanh trong video, thứ mà ban đầu tôi nghĩ là "có cũng được, miễn nghe được là xong". Nhưng không, âm thanh không chỉ là phần "kèm theo" hình ảnh, nó là một nửa trải nghiệm của người xem. Đặc biệt với những video nói chuyện, vlog, cover nhạc hay review, nếu phần tiếng không rõ, người xem sẽ khó kiên nhẫn ở lại, dù bạn quay đẹp đến đâu.
Với suy nghĩ đó, tôi bắt đầu tìm kiếm một bộ micro không dây đơn giản, dễ dùng, tương thích tốt với điện thoại, thứ tôi vẫn dùng để quay là chính. Saramonic Air là một trong số ít lựa chọn nằm trong khoảng giá 3 triệu đồng, có thiết kế gọn, đi kèm hộp sạc, dễ kết nối với điện thoại Android hoặc iPhone (nếu có mua thêm đầu chuyển Lightning). Điều khiến tôi thử nó không phải vì quảng cáo, mà vì thấy nhiều người bảo "thu được giọng khá sạch, không cần hậu kỳ nhiều".

Bộ mic mới của Saramonic, nguyên một set đầy đủ phụ kiện từ A-Z mà bạn mua về chỉ việc bỏ ra dùng luôn

Saramonic Air gồm một receiver dạng module, kèm hai mic, một connector USB-C để dùng với các máy Android và iPhone đời mới và còn một adapter kẹp để cắm vào cả máy ảnh, máy quay thông qua hot/cold shoe. Sản phẩm đi kèm cả hai bông lọc gió, tuy nhiên set của tôi hiện tại không có hai món này

Receiver của Saramonic Air nhỏ gọn, có màn hình để kiểm tra thông số, có ba nút bấm để thao tác, điều hướng




Mặc dù hoàn thiện từ nhựa nhưng chất lượng các thành phần của mic Saramonic Air khá tốt, tôi không thấy nhựa thừa kể cả khi "soi kỹ" như này


Như đã đề cập, receiver này sử dụng thiết kế module để ghép chân kết nối. Nhà sản xuất tặng sẵn một connector USB-C, người dùng chỉ cần gắn vào, xoay 1/4 vòng là có thể dùng được luôn. Như tôi sử dụng connector USB-C để kết nối với iPhone 16 và điện thoại Android rất đơn giản




Có cả option connector Lightning để người dùng sử dụng với iPhone đời cũ. Nếu bạn dùng từ đời iPhone 14 trở xuống thì nên chọn thêm đầu Lightning để dùng luôn

Bên cạnh đó, với adapter tặng kèm thì người dùng còn có thể gắn receiver lên cả các thiết bị máy ảnh, máy quay chuyên dụng thông qua hot/cold shoe

Lúc này thì người dùng cần thêm một dây 3.5mm để kết nối giữa receiver và máy ảnh. Receiver có sẵn luôn 2 đầu 3.5mm ở cạnh bên, chỉ việc cắm là dùng
Về mặt thông số, thiết bị này có chống ồn chủ động 3 mức, ghi được ở chuẩn 24-bit/48kHz và có chế độ safety track giúp tránh vỡ tiếng. Nhưng tôi không đánh giá thiết bị chỉ bằng con số. Điều tôi muốn là khi gắn mic lên áo, nói chuyện tự nhiên, thu được một đoạn âm thanh mà tôi không phải "căng tai" để nghe lại giọng mình, cũng không cần EQ hậu kỳ mất thời gian. Và thực tế, Saramonic Air cho tôi kết quả khá đúng như những gì tôi mong đợi, không quá ấn tượng đến mức phải trầm trồ, nhưng đủ để tôi không phải quay lại clip chỉ vì phần tiếng quá tệ.




Saramonic Air đi kèm hai mic thu âm, thiết kế nhỏ gọn, có tích hợp sẵn đầu kẹp để kẹo vào cổ áo hoặc bất cứ chỗ nào phù hợp


Có cả nam châm để nếu không thích dùng kẹp thì người dùng có thể sử dụng nam châm để cố định vị trí mic. Lực hút nam châm này rất mạnh nên cố định rất chắc mic
Tôi từng thử quay ở công viên, ngồi ghế đá cách điện thoại khoảng 10 - 15 mét, xung quanh có gió và xe cộ chạy đều đều. Kết quả ghi lại: giọng tôi vẫn rõ, tiếng nền có nhưng không lấn át, và tôi có thể dùng đoạn ghi đó để ghép vào video mà không thấy phiền. Tôi cũng từng thử quay một đoạn hát nhẹ trong phòng, gắn mic sát cổ áo, không chỉnh gì thêm, và thành thật mà nói, tôi thấy bất ngờ vì giọng mình nghe "tử tế" hơn nhiều so với khi ghi âm bằng iPhone, thiết bị vốn có mic được đánh giá rất cao.
Nói thế không có nghĩa đây là mic hoàn hảo. Trong một vài điều kiện phức tạp, như quay ngoài trời nhiều người nói chuyện, hoặc đứng quay lưng lại điện thoại ở khoảng cách xa, âm thanh vẫn có thể bị nhiễu hoặc chập chờn nhẹ. Nhưng trong hầu hết các tình huống thông thường, tôi thấy nó giải quyết được vấn đề lớn nhất mà người dùng điện thoại quay video hay gặp: âm thanh không rõ, thiếu lực, khó nghe.

Saramonic Air cho chất lượng tôi đánh giá là rất ổn trong tầm giá 3 triệu. Nó đáp ứng được hai nhu cầu lớn của tôi: thứ nhất là về nâng cấp chất lượng âm thanh, và thứ hai là tiện

Quả thật, tôi chỉ việc lấy ra, cắm và dùng, thậm chí chẳng cần phải dùng tới ứng dụng của Saramonic mà workflow vẫn đảm bảo được sự tiện lợi, nhanh chóng
Từ một người từng xem nhẹ phần tiếng, tôi bắt đầu hiểu vì sao âm thanh lại quan trọng đến vậy sau vài chục clip flop, mà đa số tới từ chất lượng âm thanh không đồng đều, không rõ. Thực tế, âm thanh không làm video trở nên đẹp hơn, nhưng lại khiến người ta cảm được nội dung bạn muốn truyền tải. Và nếu một thiết bị nhỏ gọn có thể giúp việc đó trở nên dễ dàng hơn, thì với tôi, nó đáng được đầu tư hơn cả những món đồ khác, ví dụ như tốn hàng chục triệu đồng đầu tư vào thân máy ảnh hay ống kính đắt tiền.
Không cần là dân chuyên vẫn dùng được, và đó mới là điều khiến tôi thấy thích
Trước khi dùng Saramonic Air, tôi từng nghĩ micro không dây là thứ chỉ dành cho dân làm nghề, những người quay phim, làm podcast, sản xuất nội dung chuyên nghiệp, hoặc ít nhất cũng có kỹ năng hậu kỳ, cũng bởi tôi đã quá tự tin vào khả năng thu âm của iPhone. Tôi không có những thứ đó. Tôi chỉ là người thích quay video chia sẻ, đôi khi cover một đoạn hát, đôi khi quay lại vài trải nghiệm trong ngày bằng điện thoại.

iPhone mic thu âm tốt thật, nhưng cũng dừng ở một mức độ nào đó và nếu bạn không dùng mic chuyên thì chắc chắn không bao giờ cải thiện được chất lượng âm thanh
Nhưng chính vì vậy, tôi cần một thiết bị càng đơn giản càng tốt. Và ở khía cạnh đó, Saramonic Air đúng là... không làm khó người dùng. Không cần pair bluetooth, không phải cài phần mềm riêng, không có quá nhiều nút hay thiết lập. Tôi mở nắp hộp, cắm receiver vào điện thoại, gài mic lên áo và quay.
Case sạc đi kèm là một điểm cộng rõ ràng. Không chỉ để cất gọn micro và phụ kiện, nó còn sạc được cả bộ mic, tôi không cần nhớ từng thiết bị đã đầy pin chưa. Chỉ cần sạc đầy case, bỏ cả bộ vào, đi quay cả buổi cũng không lo "chết mic giữa chừng". Với người hay quên sạc như tôi, chi tiết nhỏ đó giúp giảm đáng kể những lần bối rối.

Case sạc của Saramonic Air hoàn thiện từ kim loại cao cấp, có cổng USB-C để sạc và hoạt động như một "pin dự phòng" cho toàn set mic. Giống như bạn dùng tai nghe không dây, nghe hết pin thì chỉ cần đặt lại vào case chờ một lúc là có thể lôi ra dùng tiếp
Điều khiến tôi bất ngờ là sự linh hoạt trong kết nối. Ban đầu tôi chỉ định dùng với điện thoại, nhưng sau vài lần thử, tôi gắn thử receiver vào máy ảnh qua adapter hot shoe, mọi thứ vẫn hoạt động trơn tru. Cũng có lúc tôi cắm vào iPad để thu âm podcast mini. Tất cả đều dùng được mà không cần cấu hình gì thêm. Cảm giác như đây là một bộ thiết bị "cứ cắm là chạy", mà cắm thiết bị nào cũng chạy được, đúng kiểu người ít rành kỹ thuật cũng có thể dễ dùng chỉ với 5 phút làm quen..

Như đã đề cập, tôi còn có thể dùng được mic này với cả máy ảnh, máy quay chuyên dụng rất dễ dàng. Tức là Saramonic thiết kế các dòng mic của mình với độ tiện lợi cực kỳ cao, dù là ai thì bạn cũng có thể dễ dàng làm quen, sử dụng mic rất nhanh
Một điểm tôi thấy khá hợp lý là chất lượng âm thanh sau khi thu gần như có thể dùng ngay. Tức là nếu tôi quay một đoạn chia sẻ, hay thu một bài hát nhẹ nhàng trong phòng, tôi không cần phải xử lý EQ, giảm noise hay can thiệp gì cả. Tất nhiên, với ai cầu toàn hoặc có kinh nghiệm hậu kỳ, vẫn có thể chỉnh sửa để đạt chất lượng cao hơn trong Adobe Audition chẳng hạn. Nhưng với tôi, người chỉ cần tiếng sạch, đủ rõ và không bị rè, thì kết quả gốc từ Saramonic Air đã là đáp ứng quá đủ.

Chất lượng raw của mic này cho ra đã cực kỳ tốt để tôi sử dụng luôn. Nếu bạn thu âm nhạc cover thì có thể chỉnh lại một chút để hoàn hảo hơn về các dải âm
Có vài chi tiết nhỏ mà tôi nghĩ người dùng mới nên lưu ý. Ví dụ, receiver có nhiều nút chức năng, nhưng giao diện hiển thị lại không cảm ứng, nên sẽ mất một lúc để làm quen với các nút bấm (điều hướng bằng các nút và ấn giữ để chọn). Tôi cũng mất vài phút để hiểu cách chuyển chế độ ghi âm hoặc bật chống ồn. App điều chỉnh đi kèm khá ổn, nhưng chỉ dùng được khi cắm receiver vào điện thoại qua USB-C, không kết nối từ xa. Đây không phải điểm trừ lớn, nhưng nếu bạn đang mong điều khiển không dây qua app thì có thể thất vọng nhẹ.

Mic này có màn hình nhưng điều hướng bằng nút, chỉ có ba nút thôi nên thao tác cũng dễ làm quen
Cuối cùng, tôi nghĩ điểm tôi thích nhất không nằm ở công nghệ, mà là cảm giác được chủ động trong việc ghi lại nội dung mình muốn, theo cách rõ ràng, tử tế và không bị giới hạn bởi thiết bị. Tôi không cần phải biết cách xử lý âm thanh, không cần phải đầu tư thêm dàn mic đắt tiền, nhưng vẫn có thể làm ra video mà người xem nghe rõ tôi đang nói gì. Và đôi khi, thế là đủ.
Khi một thiết bị nhỏ có thể tạo ra khác biệt lớn
Saramonic Air không phải là thiết bị hoàn hảo. Vẫn có những giới hạn nhất định về kết nối, điều khiển hay khả năng khử ồn khi gặp môi trường quá phức tạp. Nhưng sau hơn một tuần sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau, quay vlog, thu âm ngoài trời, ghi âm hát thử trong phòng, tôi nhận ra nó làm được một việc mà không phải thiết bị nào trong tầm giá cũng làm tốt: giúp video trở nên dễ nghe, dễ tiếp cận, và gần với cảm xúc thật hơn.

Chỉ cần bạn nhớ rằng audio là một trong những yếu tố tiên quyết khiến clip của bạn có viral hay không
Tôi không làm nội dung chuyên nghiệp. Nhưng tôi tin rằng những người như tôi, quay video bằng điện thoại, làm podcast nhỏ, muốn kể chuyện bằng giọng nói của mình, cũng xứng đáng có một thiết bị giúp mình làm điều đó trọn vẹn hơn. Không cần quá cầu kỳ, chỉ cần đủ rõ ràng để người nghe không phải gắng sức.
Và trong giới hạn đó, Saramonic Air là một lựa chọn đáng cân nhắc. Với giá từ 3,29 triệu đồng, đây là một thiết bị không phô trương nhưng có thể âm thầm nâng tầm nội dung, đặc biệt là trong thời đại mà người ta có thể bỏ qua hình ảnh xấu, nhưng khó bỏ qua một âm thanh tệ. Tham khảo sản phẩm tại đây.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đây là điện thoại gập đắt nhất Việt Nam: Giá sương sương cỡ... 19 chiếc Galaxy Z Flip7 bản 512GB
Trong khi điện thoại gập đang dần trở nên phổ thông nhờ mức giá ngày càng dễ tiếp cận từ các hãng như Samsung hay Oppo, thì Vertu (thương hiệu điện thoại xa xỉ đến từ Anh) lại chọn đi theo hướng ngược lại.
Apple chính thức “mở khoá” 2 tính năng này cho người dùng AirPods và Watch tại Việt Nam