Không ngại chi hàng tỷ USD, các tỷ phú thế giới đang 'vung tiền' để đi tìm loại thuốc 'trường sinh bất lão'
Các tỷ phú công nghệ đang tài trợ cho nhiều nghiên cứu để giúp con người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.
Khi Nir Barzilai nghiên cứu về khoa học chống lão hoá cách đây 30 năm, thì đây là một việc không khác gì viển vông. Giờ đây, nhà khoa học người Mỹ gốc Israel tin rằng thế giới đang trên đà biến hy vọng này thành hiện thực, tìm ra các loại thuốc ngăn chặn tác động của lão hoá.
Barzilai - Giám đốc Viện Nghiên cứu Lão hoá tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở New York, cho biết: "Chúng ta đã qua cái thời hy vọng và hứa hẹn. Chúng đang ở điểm giữa hứa hẹn và hiện thực hoá nó."
Ông dự định thực hiện một cuộc thử nghiệm lớn để kiểm tra xem một loạt thuốc trị tiểu đường thông thường - metformin, có thể kéo dài tuổi thọ thêm nhiều năm hay không, sau một nghiên cứu đầy hứa hẹn ở Anh.
Nếu các cơ quan quản lý chấp thuận metformin cho mục đích chống lão hoá, ông tin rằng các hãng dược phẩm và công nghệ sinh học lớn sẽ đổ xô đến lĩnh vực này. Barzilai cho hay: "Một khi chúng tôi chứng minh được điều đó, tôi nghĩ đó sẽ là khoảnh khắc khiến cả trái đất rung chuyển."
Dù cái chết là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể học cách ngăn chặn nó. Khoa học đã nghiên cứu ra cách tăng tuổi thọ, ban đầu bằng các biện pháp thông thường như tiêm vaccine, sau đó là các loại thuốc mới để điều trị những bệnh mãn tính như bệnh tim. Tại Anh, tuổi thọ trung bình tăng gần gấp đôi từ năm 1841 đến năm 2011.
Nhưng khi nhiều người trải qua những thời điểm cuối đời trong tình trạng sức khoẻ kém, các nhà khoa học như Barzilai đang tìm cách không chỉ tăng tuổi thọ mà còn cả sức khoẻ, đó là giúp số năm chúng ta sống khoẻ mạnh tăng lên.
Các nhà nghiên cứu về tuổi thọ bác bỏ lập luận rằng họ đang "chữa khỏi cái chết", nhưng tầm nhìn của họ có khả năng giảm bớt một số vấn đề lớn của thời đại này. Đó là chi phí y tế tăng cao đối với những người có sức khoẻ yếu dần khi tuổi cao và năng suất lao động sụt giảm khi con người già đi.
Tuy nhiên, Barzilai vẫn đang tìm kiếm nguồn tài trợ để thực hiện cho thử nghiệm, có thể mất 4-6 năm và tiêu tốn 50-75 triệu USD. Ông đã nhận được 22 triệu USD, bao gồm 9 triệu USD từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).
Việc tìm ra chìa khoá để khéo dài tuổi thọ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta, nhưng nguồn vốn thì khó tìm. Các nhà đầu tư ngành y tế thường muốn thấy lợi nhuận ngắn hạn, song điều này không thể xảy ra trong trường hợp của metformin vì bằng sáng chế của nó đã hết hạn từ lâu. Còn các chính phủ thì ưu tiên nghiên cứu về các loại bệnh.
Các tỷ phú công nghệ đã nhanh chóng lấp đầy "khoảng trống" này, bao gồm nhà sáng lập Amazon - Jeff Bezos, doanh nhân người Israel Yuri Milner và 2 nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin. Barzilai hy vọng sẽ trình bày một số ý tưởng với các nhà đầu tư giàu có này trong sự kiện về tuổi thọ.
Tuy nhiên, giới phê bình lo ngại rằng nếu những cá nhân giàu có chiếm ưu thế, thì những tiến bộ trong tương lai có thể tạo ra một tầng lớp ưu tú không phải tạo ra thế hệ mới mà là những người già.
Quay ngược đồng hồ sinh học
Khi lĩnh vực nghiên cứu về tuổi thọ bắt đầu mở rộng, các nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi cơ bản nhất: Lão hoá là gì? Vào năm 2013, một nhóm có ảnh hưởng đã đưa ra 9 dấu hiệu lão hoá, các quá trình di truyền và sinh hoá dẫn đến suy giảm chức năng và có khả năng gây tử vong.
Eric Verdin - giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu và Lão hoá Buck ở California, cho biết các nhà khoa học đã thay đổi hoàn cách cách họ suy nghĩ về lão hoá. Từ việc cho rằng đó là quá trình thụ động, sang học cách tự thay đổi nó. Cuối cùng, một bước đột phá có thể đơn giản là ngăn cơ thể phản ứng với những căn bệnh mãn tính gây ra cái chết. Theo ông, yếu tố rủi ro lớn nhất của các bệnh lão hoá không phải là cholesterol hay hút thuốc mà là tuổi tác.
James Peyer, giám đốc điều hành của Cambrian Biopharma, chuyên đầu tư vào các công ty nghiên cứu lão hoá, cho biết "ngôi sao mai" của lĩnh vực này đang tạo ra một thế hệ thuốc phòng bệnh mới. Ông tin rằng loại thuốc này có nhiều tác động đến sức khoẻ của con người như vaccine và thuốc kháng sinh.
Các nhà khoa học có khám phá quan trọng về việc có thể quay ngược đồng hồ sinh học ở mức độ tế bào, sử dụng các "yếu tố trẻ hoá" tạo ra khả năng đảo ngược bệnh tật.
Một nguyên nhân khác là các tế bào lão hoá tích tụ ở người lớn tuổi gây ra những vấn đề về sức khoẻ. Các nhà khoa học tại Phòng khám Mayo Mỹ đã phát hiện ra rằng nếu để các tế bào lão hoá chết đi trong 1 con chuột, chúng sẽ khoẻ mạnh và sống lâu hơn từ 20 đến 30%. Song, cho đến nay, phần lớn những khám phá này mới được thực hiện trên động vật.
Thử nghiệm những giả thuyết này trên người sẽ có những thách thức lớn, mất rất nhiều thời gian để chờ xem liệu con người dùng thuốc có sống lâu hơn hay không. Các nhà nghiên cứu cũng phải điều chỉnh các thử nghiệm của họ theo quy định hiện có, tức là coi lão hoá không phải 1 căn bệnh. Họ phải nhắm mục tiêu đến các bệnh cụ thể, dù một số người kỳ vọng có thể áp dụng rộng rãi hơn.
Dù Barzilai cho rằng metformin có khả năng kéo dài tuổi thọ, thử nghiệm của ông sẽ nhằm mục đích chứng minh rằng loại thuốc này làm trì hoãn một số nhóm bệnh, bao gồm đột quỵ, suy tim, ung thư và chứng mất trí cũng như tử vong. Đến nay, trở ngại lớn nhất là kiếm đủ tiền để tài trợ cho các thử nghiệm lớn.
Tìm kiếm nguồn tài trợ
Khi Rick Klauser bắt đầu gọi vốn cho Altos Labs, ông đã chuẩn bị mội bài trình bày dài cho các nhà đầu tư. Thay vì tìm đến các cổ đông tiềm năng với một danh sách các dự án và deadline, cựu giám đốc Viện Ung thư Quốc gia Mỹ hy vọng họ sẽ đầu tư vào cái mà ông gọi là "động cơ khám phá."
Ý tưởng của ông là Altos sẽ thuê những nhân tài giỏi nhất trong ngành, bao gồm cả cựu giám đốc khoa học của GSK Hal Barron với tư cách là CEO. Ông kỳ vọng họ sẽ làm việc mang tính cộng tác hơn nhiều hơn là nghiên cứu học thuật, giải quyết những vấn đề lớn xung quanh việc trẻ hoá tế bao với tham vọng đẩy lùi bệnh tật.
Công ty sau đó đã huy động được 3 tỷ USD - mức kỷ lục trong ngành khoa học đời sống, trong vòng gọi vốn do Arch Venture Partners dẫn đầu và được cho là có sự đóng góp của Bezos và Milner. Theo Barron, số tiền này sẽ cho phép họ thất bại nhiều lần khi theo đuổi mục tiêu.
Altos ra mắt vào đầu năm 2022, hiên là thí nghiệm được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học chống lão hoá. Startup đầu tiên là Calico Life Science, thuộc Alphabet, được thành lập vào năm 2013, nơi Barron từng dẫn đầu hoạt động nghiên cứu.
Robert Nelsen - đồng sáng lập của Arch Venture Partners, cho biết công ty chỉ muốn tìm nhà đầu tư dài hạn. Nhóm nhà đầu tư của ông có thể nắm giữ cổ phần của Altos trong 10-15 năm nếu cần, dù anh tin rằng các nhà đầu tư sẽ nhận thấy giá trị sớm hơn.
Jonathan Lewis, CBO của Calico, cho biết "khoản tiền tài trợ" từ Alphabet từ khi còn là Google đã giúp công ty tập trung vào lĩnh vực sinh học ít người quan tâm khi ra mắt vào nă 2013. Kể từ đó, Calico đã nhận được tài trợ từ cả công ty dược phẩm AbbVie. Họ đang nhận được cam kết đầu tư 3,5 tỷ USD từ cả Alphabet và AbbVie. Calico hiện có 3 loại thuốc tiềm năng trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu.
Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm thông thường đang tham gia vào lĩnh vực này, nhưng họ tập trung vào các công ty đang thử nghiệm các nguyên tắc khoa học chống lão hoá rộng hơn trong các thử nghiệm cụ thể có thể sản xuất thuốc nhanh hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận từng bước có thể chậm hơn và nếu thử nghiệm đầu tiên thất bại, công ty đó có thể bị ảnh hưởng.
Mehmood Khan là CEO của Hevolution Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về tuổi thọ được hoàng gia Ả Rập Xê Út cam kết đầu tư 1 tỷ USD/năm. Ông cho biết, tầm nhìn của họ là kéo dài tuổi thọ khoẻ mạnh, vì lợi ích của nhân loại, để đảm bảo khoảng cách tuổi thọ giữa người giàu và người nghèo không trở nên trầm trọng hơn.
Tham khảo FT
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Startup của Elon Musk gây chấn động: Người bị liệt giờ đây có thể điều khiển cánh tay robot 'chỉ bằng suy nghĩ'!
Khi được cấy ghép, thiết bị có thể ghi lại và truyền tín hiệu từ não không dây đến một ứng dụng, nơi các tín hiệu này được giải mã thành các lệnh điều khiển
Trên Trái Đất, la bàn luôn chỉ hướng Bắc – nhưng khi mang ra ngoài không gian, nó sẽ chỉ về đâu?