Khi smartphone không còn là nguồn sống, Xiaomi đang muốn thôn tính thị trường IoT toàn cầu như thế nào?
Chỉ mới được thành lập cách đây 6 năm nhưng Xiaomi đã trở thành một trong những startup có giá trị nhất thế giới. Con đường để đến được đây cũng đã được vạch theo một lộ trình định sẵn.
Thời điểm năm 2010, các nhà sáng lập công ty nhận ra ngay một cơ hội lớn khi mọi người bắt đầu chuyển từ điện thoại ‘cục gạch’ sang smartphone. Chính vì vậy mà công ty bắt đầu từ việc sản xuất ra những chiếc điện thoại tốt và bán ra với giá rẻ. Đến năm 2014, Xiaomi đã là hãng smartphone lớn thứ năm thế giới với giá trị vốn hóa lên đến 46 tỷ USD.
Thế nhưng thành công này không kéo dài quá lâu. Khi các đối thủ cùng phân khúc như Oppo hay Vivo bắt đầu nổi lên, thậm chí bán vượt cả Xiaomi thì thị phần của hãng tại Trung Quốc đã thu nhỏ lại hơn 1/3. Người dùng hiện nay đã có thể mua chiếc điện thoại thứ hai, thứ ba, và sẵn sàng trả nhiều hơn cho những dòng cao cấp hơn. Ngay cả đã giảm trên toàn cầu thì giá smartphone tại Trung Quốc vẫn không ngừng tăng khi người tiêu dùng nước này đang ngày một yêu thích các dòng flagship như Huawei P9 hay Oppo R9. Mức định giá của Xiaomi đã tụt thảm hại; các lãnh đạo công ty cũng đang phải đối mặt với câu hỏi chung mà Apple và BlackBerry cũng từng gặp phải: Có ý tưởng tốt rồi, bây giờ thì sao?
Đối với Xiaomi, câu trả lời có lẽ là thiết kế ra những thiết bị ai cũng muốn sở hữu và tiến công vào những thị trường còn chưa bão hòa. Và hơn thế nữa, thay vì chỉ tập trung sản xuất smartphone, họ sẽ bán mọi thứ có thể.
Quỹ đạo của smartphone
Những thành công đầu tiên của Xiaomi đều đến từ xu hướng smartphone đi kèm sự am hiểu thấu đáo về thương mại điện tử ngay từ sớm (Xiaomi đã rất thành công với kênh bán điện thoại online). Thế nhưng nhà sáng lập Liu De cho biết sắp tới đây, làn sóng Internet of Things (IoT) mới là thứ đáng được trông đợi nhất, bởi trong tương lai, mỗi thiết bị người dùng sử dụng đều xứng đáng trở nên thông minh hơn.
Xiaomi đã bắt đầu khai phá IoT từ 2013 và nhanh chóng nhận ra rằng không một công ty đơn lẻ nào có thể thống trị hoàn toàn thị trường này. Người dùng có thể sử dụng duy nhất một điện thoại nhưng có thể có hàng chục, thậm chí là hàng trăm thiết bị kết nối khác.
Cách tiếp cận của Xiaomi cũng khác biệt với nhiều ông lớn. Thay vì tự mình thiết kế, sản xuất tất cả (có lẽ cũng rất khó thực hiện và tiến nhanh), Xiaomi đầu tư vào 77 startup IoT tiềm năng, cho họ sử dụng lực lượng designer, marketer và chuỗi cung ứng khổng lồ của mình để đổi lấy 10-20% cổ phần. Tất nhiên, đi cùng với đó là quyền phân phối cũng như quyền được gắn thương hiệu Xiaomi lên tất cả các sản phẩm của các công ty vệ tinh.
Một số công ty vệ tinh mà Xiaomi đầu tư
Liu De cho biết Xiami muốn dùng toàn bộ nền tảng của mình làm bệ đỡ cho các công ty được đầu tư. Kể từ khi thực thi chiến lược này, hãng đã bán được hơn 50 triệu thiết bị thông minh và đưa 4 công ty vệ tinh lên thành startup tỷ đô. Điển hình trong số này chính là hãng sản xuất thiết bị lọc khí phổ biến nhất Trung Quốc Mi Air Purifier – cái tên nổi lên dưới sự dẫn dắt của Xiaomi. Hiện tại, Xiaomi vẫn tự khẳng định mình là vườn ươm công nghệ phần cứng thành công nhất thế giới.
Cũng chính nhờ chiến lược outsource nguồn lực nhưng lại đồng bộ này mà Xiaomi luôn là một trong những công ty đầu tiên cung cấp danh mục thiết bị đầy đủ nhất – tất cả đều được điều khiển qua ứng dụng Mi Home.
Giờ đây, "hạt gạo nhỏ"đang nuôi tham vọng trở thành một tập đoàn bán mọi thứ. Tham vọng này sẽ càng được củng cố với thuận lợi khó sánh là nằm ngay tại thánh địa sản xuất phần cứng của thế giới. Xiaomi, không như những gã khổng lồ như Apple, Samsung,…, sẽ không phải mất nhiều tuần, nhiều tháng điều động kỹ sư và chuyên gia sang làm việc với các nhà máy ở nước ngoài. Cùng với Xiaomi, các hãng điện tử đồng hương như LeEco, Huawei, Lenovo,… cũng có lợi thế tương tự so với các đối thủ Âu Mỹ, nhưng tất nhiên chưa bên nào có được mô hình đặc biệt như của Xiaomi.
Mục tiêu cao hơn
Nói đi cũng phải nói lại, cuối cùng mọi thứ vẫn sẽ quy về smartphone – thiết bị quan trọng nhất của người dùng hiện nay. Và Xiaomi, hay bất cứ tay chơi nào muốn họ mua thêm các sản phẩm khác thì trước tiên cũng vẫn phải bán smartphone. Bán điện thoại chỉ cạnh tranh về giá chưa bao giờ là một giải pháp toàn vẹn. Cách duy nhất vẫn là sản xuất ra những chiếc điện thoại tốt nhất.
Khoảng hơn 2 năm trước, đồng sáng lập Lei Jun cho gọi một nhóm kỹ sư để yêu cầu họ nghiên cứu một chiếc điện thoại kiểu mới. Ông không đưa ra hạn chót thực hiện, nhưng lại đặt cho họ một mục tiêu là phải tạo được một chiếc điện thoại không còn cạnh viền. Jun muốn được thấy một chiếc smartphone mỏng như miếng kính và hoàn toàn khác biệt với các thiết bị khác trên thị trường. Với tham vọng táo bạo đó, ông cho rằng Xiaomi sẽ có thể vượt thoát khỏi những giới hạn hiện tại để đến với vòng tăng trưởng khủng khiếp hơn.
Chiếc Xiaomi Mi Mix không viền cạnh
Đây không phải một nhiệm vụ đơn giản. Đội ngũ kỹ sư bí mật đó đã phải tìm cách loại bỏ được phần loa nhưng vẫn đảm bảo cho thiết bị có thể phát tiếng rõ nét. Họ sử dụng các cảm biến tiệm cận để hỗ trợ một loại loa siêu thanh có thể nhận diện chuyển động. Phần camera cũng được chuyển về cuối thân máy và thu nhỏ lại một nửa. Kết quả cuối cùng là một thiết bị với 93% diện tích dành cho màn hình, gần đạt mức điện thoại không cạnh viền.
Xiaomi đặt tên cho mẫu máy là Mi Mix và bán dưới dạng bản thử nghiệm giới hạn. Chiếc máy cháy hàng chỉ sau 10 giây mở bán. Hugo Barra, phó chủ tịch phụ trách thị trường toàn cầu của Xiaomi thì chia sẻ: “Đã đến lúc người dùng phải thốt lên: ‘Ôi, đây chính là Xiaomi!’ sau một thời gian lãng quên và đánh đồng nó với bao hãng sản xuất smartphone hàng loạt khác.”
Một thương hiệu Trung Quốc
Sản phẩm đầu tiên Mỹ tiến của Xiaomi là chiếc TV box Android Mi Box có giá 70 USD. Trước khi ra mắt chính thức, công ty đã test thử bản beta với 100 thành viên mục Android TV của diễn đàn mạng Reddit. Nghe có vẻ khó tin nhưng điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược chung của công ty. Xiaomi đơn giản là muốn kiếm tìm những fan "hạng nặng" và trò chuyện với họ về trải nghiệm thực tế.
Cũng như các công ty có thị trường đã bão hòa tại Trung Quốc, Xiaomi đang chuyển hướng sang Ấn Độ - quốc gia rất giống chính Trung Quốc cách đây không lâu: dân số đông nhưng còn nhiều người chưa được tiếp cận với các sản phẩm thông minh.
Những tay chơi tiến công đầu tiên với một sản phẩm “chất” có thể nhanh chóng tạo được thanh thế ở đây. Ngay tuần này đây, hãng smartphone Trung Quốc sẽ chuẩn bị cho ra mắt chiếc Redmi Note 4 tại thị trường đông đúc này. Barra tự tin cho rằng chỉ trong năm nay, Xiaomi sẽ có một đến hai sản phẩm có thể đạt doanh số ngang ngửa tại quê nhà.
Tuy vậy, các thị trường khác trên thế giới có phần khó nhằn hơn, điển hình là thị trường Mỹ. Xiaomi vốn rất nổi trội với việc bán điện thoại online, nhưng người Mỹ lại không mua máy theo cách này, chưa kể việc ký kết được hợp đồng bán qua các nhà mạng như AT&T cũng không hề đơn giản. Chính đối thủ đồng hương Huawei – kẻ đã có hiện diện tại Mỹ đủ lâu cũng có thể chứng thực độ khó của thị trường này. Thị trường Mỹ Latin cũng không có vẻ dễ dàng hơn bởi chi phí băng thông truy cập Internet thường khá cao so với thu nhập của người dân nên chuyện chạy thẳng ra cửa hàng sẽ tiện hơn nhiều so với việc ngồi nhà lướt web chọn máy.
Một vấn đề khác của Xiaomi sẽ là quan niệm đã in hằn trong tâm trí người dùng: Họ không bao giờ coi các thương hiệu Trung Quốc là biểu tượng của sự xa xỉ hay đột phá sáng tạo. Ngay cả tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã khẳng định rõ quan điểm của ông với Trung Quốc cũng như với chính các sản phẩm xuất xứ từ đây.
Thế nhưng kể cả có vậy thì tiềm năng tăng trưởng quá lớn ở các thị trường quốc tế cũng vẫn là quá sức hấp dẫn nên Xiaomi chắc chắn sẽ khó lòng bỏ qua. Người dùng hiện nay đã quá nhiều thiết bị rồi, nhưng nếu một công ty có xây dựng một hệ sinh thái có thể kết nối tất cả chúng lại với nhau thì công ty đó vẫn hoàn toàn có thể thay đổi hoàn toàn cục diện IoT, cho dù có đến từ Trung Quốc hay đâu đi chăng nữa.
Tham khảo Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Một ứng dụng quản lý chi tiêu bằng AI đang gây sốt dân mạng Việt: Nhắc 'cực gắt' mỗi lần lỡ chi nhiều tiền, cảm giác như bị mẹ mắng!
Theo nhà phát triển, thay vì chỉ đưa ra những cảnh báo khô khan, Rolly phản hồi với giọng điệu đầy tính cá nhân, thậm chí "châm biếm" để khiến người dùng nhận ra thói quen tiêu tiền...quá đà của mình
Tiếng kêu thực sự của khủng long nghe như thế nào?