Khi nụ cười người đàn bà quyền lực nhất HTC qua đi, công ty này còn lại gì?
Tia hy vọng sống sót của duy nhất của HTC là khi Google mua lại mảng kinh doanh smartphone. Cơ hội đó đã bị bỏ lỡ một cách đáng tiếc: thoáng nhìn thương vụ 1,1 tỷ đô của HTC và Google thì thấy vui, nhưng càng nhìn xa thì càng thấy buồn.
Khi tin đồn rằng Google mua HTC xuất hiện, nhiều người đã cho rằng Google sẽ mua trọn vẹn mảng smartphone của công ty Đài Loan. Xét cho cùng, đây chính là cách Google đã mua Motorola với giá 12,5 tỷ USD vào năm 2011.
Thế nhưng, cuối cùng thì gã khổng lồ tìm kiếm lại chỉ mua lại bộ phận HTC đã từng tham gia phát triển/sản xuất chiếc Pixel đầu tiên ra mắt vào năm ngoái. Mức giá được đưa ra là 1,1 tỷ USD, khá cao cho một công ty được định giá tổng tài sản chỉ khoảng 2 tỷ USD. Ngoài smartphone, HTC còn đang là một trong những thế lực VR đi đầu nhờ sở hữu chiếc Vive VR.
Song, khi những nụ cười trên khuôn mặt của CEO Cher Wang và phó chủ tịch di động Google, Rick Osterloh, đã tràn ngập mặt báo, giờ là lúc các fan của Android cần thực sự suy nghĩ về số phận của công ty đã cùng Google khai sinh ra Android.
Vấn đề đầu tiên và lớn nhất: mất bộ phận Pixel, HTC vẫn sẽ tiếp tục sản xuất smartphone. Trong những năm vừa qua, Pixel có thể coi là mẫu smartphone HTC thành công nhất với doanh số ước tính đạt 2,8 triệu máy. Tất cả các sản phẩm khác, từ các mẫu Desire tầm trung/thấp đến các mẫu U11 và U Ultra cao cấp đều không thành công, đem đến khoản lỗ hàng chục triệu USD mỗi quý.
Khi không còn Pixel, HTC sẽ mất đi một nguồn chất xám quan trọng. Tiếp tục nỗ lực phát triển smartphone sẽ chỉ mang đến những khoản lỗ khổng lồ trong bối cảnh Apple và Samsung đã "khóa" phân khúc tầm cao, các hãng Trung Quốc đã tràn ngập phân khúc giá rẻ.
Nhưng nếu HTC muốn từ bỏ smartphone và chuyển sang tập trung duy nhất vào VR, ai sẽ muốn mua "mẩu" còn lại của một công ty đã liên tiếp thất bại trong những năm qua? Gần như bất kỳ một thương vụ thâu tóm nào trong ngành smartphone đều có thể coi là thất bại (Microsoft Nokia, Lenovo Motorola...) khi công ty mẹ mua về trọn vẹn chất xám của công ty con, riêng HTC giờ thậm chí chỉ còn... một phần chất xám đi kèm với một bộ máy cồng kềnh đã liên tục chịu lỗ.
Ngoại lệ duy nhất cho những thương vụ thâu tóm trong giới smartphone, trớ trêu thay, lại là Google. Khi mua và bán Motorola, Google đã thu về cả một kho bằng sáng chế khổng lồ cũng như các nhân tài của bộ phận nghiên cứu công nghệ cao cấp ATAP tại Motorola. Cái xác còn lại, một công ty sản xuất/kinh doanh smartphone "lỗ chỏng vó", là do Lenovo gánh chịu.
Thậm chí, 3 năm sau, bộ máy Motorola/Lenovo vẫn chưa ổn định.
Giờ đây, "cái xác" của HTC vẫn là do HTC chịu hoàn toàn. HTC sẽ phải tự lực cánh sinh, sẽ có thêm một đối thủ rất hùng mạnh là Google. Mối lương duyên giữa Google và HTC hay giữa Google và bất kỳ thương hiệu lớn nào khác có lẽ sẽ chấm dứt từ Pixel 2. Nexus cũng đã chết từ lâu, những câu chuyện "cứu giúp" như Nexus 9 hay Pixel sẽ không bao giờ lặp lại.
Qua bao năm, với bao nhiêu sản phẩm được đánh giá cao, công ty Đài Loan đã không thể vật lộn thoát lỗ. Khoản tiền 1,1 tỷ USD được Google tung ra chẳng thấm vào đâu so với khoản tiền HTC đã "đốt" trong những năm trước khi liên tục ra mắt những sản phẩm chất lượng và... ế ẩm.
Phép màu nào sẽ cứu HTC? Một quỹ đầu tư dư dả? Thị trường AR bất chợt lên ngôi? Bất kể câu trả lời là gì, đó chắc chắn không phải là thương vụ 1,1 tỷ đô từ Google.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon