Chaebol có công lớn trong việc đưa Hàn Quốc trở thành “con rồng châu Á”, tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa lãnh đạo các công ty này được miễn tội khi phạm pháp.
- Chaebol - Những tập đoàn tài phiệt thống trị Hàn Quốc: Doanh thu của riêng Samsung và Hyundai tương đương 20% GDP cả nước, chi phối toàn bộ nền kinh tế
- Bi kịch của "Công chúa Samsung": Sinh ra trong gia tộc chaebol hùng mạnh nhất Hàn Quốc nhưng cuộc đời không màu hồng, đến cái chết cũng bị che đậy, giả mạo
- Giàu lên chỉ sau 1 đêm, tỷ phú 'Amazon Hàn Quốc' định hình lại bảng xếp hạng giới tinh hoa, các chaebol mất vị thế thống trị
Tác dụng phụ của “liều thuốc” chaebol
Nhắc tới chaebol là nhắc tới Hàn Quốc. Tăng trưởng kinh tế thần tốc của Hàn Quốc từ thập niên 60 – hay còn gọi là “Kỳ tích Sông Hán” – gắn liền với chiến lược phát triển xoay quanh chaebol do chính phủ dẫn đầu.
Ngay sau khi tiếp quản Chính phủ năm 1963, Tổng thống Park Chung Hee khởi động nỗ lực hiện đại hóa đất nước, trong đó các công ty được chính phủ lựa chọn thực hiện các dự án lớn thường được tài trợ bằng các khoản vay có bảo đảm. Tính đến năm 2019, có 45 tập đoàn phù hợp với định nghĩa của chaebol, theo Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc. Top 10 sở hữu hơn 27% tất cả tài sản kinh doanh tại Hàn Quốc.
Dù đóng góp của chaebol với sự phát triển kinh tế đất nước là không thể phủ nhận, họ cũng gây ra vô số vấn đề kinh tế và xã hội. Chaebol được xác định là nguyên nhân căn bản dẫn đến khủng hoảng tài chính năm 1997 của Hàn Quốc. Hành vi lệch lạc, tội ác kinh tế của các tập đoàn gia đình trị này cũng bị chỉ trích rộng rãi. Tuy nhiên, chaebol vẫn thống trị nền kinh tế trong nước.
Từ năm 2009 đến 2017, giao dịch nội bộ diễn ra trong khoảng 80% chaebol, chiếm gần 13% tổng doanh số. Đạo luật Thương mại Công bằng và Điều tiết độc quyền năm 2014 giới thiệu các quy định mới về giao dịch nội bộ chaebol song những quy định pháp lý kém hiệu quả đồng nghĩa với chưa thể xóa bỏ các giao dịch đó.
Tập trung kinh tế và củng cố công nghiệp tăng tốc sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trong ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc, từ năm 1998 tới 2004, Hyundai Motors thâu tóm Kia Motors trong khi các nhà sản xuất xe hơi lớn khác phá sản trước khi bán mình cho nước ngoài. Hoạt động sáp nhập và cải tổ dẫn đến độc quyền trên thị trường ô tô, linh kiện và phụ tùng. Ngày nay, Hyundai Motors chiếm khoảng 80% doanh số xe hơi nội địa.
Một khi công ty độc quyền thiết lập chuỗi cung ứng độc quyền với các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện, họ bắt đầu tham gia vào ép giá, khai thác quyền sở hữu trí tuệ khi đàm phán. Nhà thầu phụ hiểu rằng họ có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng độc quyền của nhà thầu độc quyền và không có người mua thay thế. Đối mặt với thực tế thiệt hại trăm đường, nhà thầu thụ không có động lực đổi mới. Họ trở nên khó phân biệt, dễ thay thế, thậm chí còn dễ bị ép giá hơn. Đây là lý do các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mất cả động lực và năng lực đổi mới, buộc phải cạnh tranh về giá, thay vì cải tiến chất lượng hoặc công nghệ.
Song, việc ép giá đang đến ngưỡng giới hạn ở các mẫu xe bình dân kể từ khi các tên tuổi mới – đặc biệt từ Trung Quốc – nổi lên trên thị trường. Tốc độ đổi mới chậm chạp của các nhà sản xuất xe hơi, phụ tùng Hàn Quốc gây nguy hiểm cho ngành công nghiệp ô tô nước này khi xe thông minh, xe điện thu hút sự quan tâm.
Khi một nền kinh tế tập trung trong tay số ít tập đoàn lớn, chuỗi cung ứng độc quyền và đơn lẻ dẫn tới khoảng cách tiền lương ngày một tăng giữa người lao động trong SME và trong chaebol. Sự khác biệt đó phản ánh việc ép giá của những công ty đứng đầu với nhà thầu phụ.
Suy giảm cạnh tranh cũng diễn ra trong các ngành sản xuất khác. Tăng trưởng xuất khẩu của đất nước từ khoảng 12% giai đoạn 2001-2011 xuống 3% giai đoạn 2011-2017.
Chaebol không phải “kim bài miễn tử”
Một người dân Hàn Quốc bình thường cũng dễ dàng nhận ra bất cập trong thế giới chaebol. Mọi người không còn “mắt nhắm, mắt mở” trước quan hệ phi pháp, không đúng đắn giữa chính phủ và doanh nghiệp như trước. Giữa những chỉ trích của công chúng, nhà chức trách và nhà đầu tư cũng đang thúc đẩy việc làm sáng tỏ sở hữu chéo và thay đổi cấu trúc quản trị của chaebol.
Khi bắt đầu nhiệm kỳ năm 2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In từng tuyên bố mạnh mẽ về cải cách các chaebol, xóa bỏ hoàn toàn quan hệ “ấm cúng” giữa giới chính trị và doanh nhân. Việc bỏ tù người thừa kế Samsung – Lee Jae Yong – nằm trong nỗ lực này.
Ông Lee Jae Yong đang thụ án 2,5 năm tù do hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, làm dài thêm danh sách các chủ sở hữu tập đoàn bị buộc tội với tội danh tương tự trong quá khứ.
Dù ông Lee là lãnh đạo Samsung đầu tiên bị bỏ tù và kết án hai lần – một lần đầu năm 2021 và một lần đầu năm 2017, ông Lee Byung Chul, cố nhà sáng lập Tập đoàn Samsung, cũng từng bị điều tra mà không bị truy tố. Ông Lee Kun Hee, người cha quá cố của ông Lee Jae Yong – Chủ tịch Samsung từ năm 1987 tới 2008 và 2010 tới 2020 – bị kết án 3 năm tù, hoãn thi hành 5 năm và nộp phạt 110 tỷ won sau khi bị kết tội tham ô, trốn thuế vào năm 2008. Ông từ chức sau 20 năm dẫn dắt công ty và được Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak ân xá năm 2009.
Các tập đoàn gia đình trị (chaebol) lớn khác của Hàn Quốc không hề xa lạ với chuyện này. Chủ tịch danh dự Chung Mong Koo của Hyundai Motor Group bị bắt và buộc tội tham nhũng, hối lộ năm 2006. Ông bị kết án 3 năm tù trong phiên xử đầu tiên năm 2007. Song, năm tiếp theo, sau khi kháng cáo, ông được hoãn thi hành án 5 năm. Đây không phải lần đầu ông Chung bị bắt. Năm 1978, ông và cha bị điều tra với cáo buộc hối lộ khi đang giữ vai trò cấp cao tại HDC Hyundai Development Company. Ông bị giam giữ 75 ngày và bị phát hiện vi phạm Luật xây dựng.
Năm 2014, Tòa án Tối cao Hàn Quốc thông qua bản án 4 năm tù cho Chủ tịch SK Chey Tae Won vì biển thủ các quỹ của công ty. Ông bị phát hiện 46,5 tỷ won từ hai chi nhánh của SK, bao gồm SK Telecom, để đầu tư cá nhân vào chứng khoán. Em trai của ông, Chey Jae Won, cũng bị bắt giữ vì cấu kết với anh trai trong vụ biển thủ.
Năm 2017, Shin Kyuk Ho, nhà sáng lập tập đoàn Lotte, bị kết tội tham ô và chịu án tù 4 năm ở tuổi 95. Tuy nhiên, ông được tự do bên ngoài trong thời gian kháng cáo vì lý do sức khỏe.
Lịch sử “vào tù ra tội” của lãnh đạo chaebol cho thấy Hàn Quốc không hề nương tay khi xử lý giới siêu giầu này. Tuy nhiên, con đường cải cách chaebol mà nhiều chuyên gia cho là điều quan trọng với tương lai đất nước lại không hề đơn giản và không thể sớm kết thúc. Hiện tại, chính quyền Tổng thống Moon Jae In đang đứng trước áp lực ân xá cho ông Lee Jae Yong hay không. Samsung nhấn mạnh họ cần Phó Chủ tịch quay trở lại điều hành trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày một căng thẳng. 5 tập đoàn lớn trong nước cũng đệ đơn xin ân xá tới Nhà Xanh vào tháng 4.
Bộ trưởng Tư pháp Park Beom Kye kiên định với lập trường “chưa bao giờ cân nhắc ân xá cho ông Lee”. Trong khi đó, khi truyền thông đặt câu hỏi, Tổng thống Moon cho biết “đang lắng nghe nhiều ý kiến”. Người đứng đầu Hàn Quốc nói: “Chúng ta phải nỗ lực thúc đẩy cạnh tranh của ngành bán dẫn, song cân nhắc tới sự công bằng, tiền lệ trong quá khứ và tình cảm công chúng cũng là điều quan trọng”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng