Khám phá sức mạnh tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới Akula

    TVD,  

    (GenK.vn) - Tàu ngầm Akula có thể bất ngờ tiêu diệt hàng chục thành phố kiểu như New York; thổi tung một đất nước nhỏ ở châu Âu hay san bằng một nửa đất nước Afghanistan.

    Tàu ngầm 941 Akula là loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo được triển khai bởi Liên Xô trong những năm 1980. Với trọng tải tối đa 26.000 tấn, cho đến nay, 941 Akula là loại tàu ngầm lớn nhất từng được đóng. Lý do để NATO gọi loại tàu ngầm này là lớp Typhoon “ cuồng phong” không được rõ có thể do Leonid Brezhnev trong một bài diễn văn năm 1974 đã mô tả một loại tàu ngầm hạt nhân mới mang tên lửa đạn đạo là (Typhoon). Về cơ bản đây là loại tàu ngầm có thể di chuyển xa để có thể triển khai các tên lửa đạn đạo gần biên giới của kẻ thù nhưng các tên lửa mà loại tàu ngầm này mang lại có tầm bắn xa đủ để xem là đã triển khai mặt dù vẫn đang neo tại cảng.

    Lịch sử phát triển

    Akula được nghiên cứu và phát triển từ  đầu những năm 70 của thế kỷ XX, với tên ban đầu là Projeckt 941 và được NATO định danh là Typhoon. Nó là thế hệ tiếp nối của tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Delta. Trong tiếng Nga nó mang cái tên “Акула” có nghĩa là "cá mập". Và quả đúng như cái tên, Akula là một con quái vật chính hiệu của các hạm đội Nga, với trọng tải choán nước lên đến 48.000 tấn khi lặn và 24.500 khi nổi, chiều dài lên đến 175m, còn lớn hơn cả một sân bóng đá (120m).

     

    Typhoon ra đời trong giai đoạn đầy sóng gió của Liên bang Xô Viết và của cả thế  giới, do những căng thẳng liên tiếp và ngày một phức tạp của 2 siêu cường Xô Viết - Hoa Kỳ nhằm tranh giành ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới. Cụ thể, đó là cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở Cuba khi Nga ồ ạt đưa các tên lửa đạn đạo đến Cuba và chĩa thẳng về phía Hoa Kỳ, hay đó là vụ tai nạn của chiếc Boeing 747 mang số  hiệu KAL-007 của hãng Korean Ariline đã đẩy 2 thế  lực này đến bên bờ vực một cuộc chiến hạt nhân.

    Đã có 6 chiếc Typhoon được xuất xưởng và biên chế cho các hạm đội, mà chủ yếu là Hạm đội phương Bắc với nhiệm vụ bảo vệ phía Bắc nước Nga. Ban đầu bộ tư lệnh Hải quân chỉ định đánh số cho các tàu với tiếp đầu ngữ "TK". Về sau, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ một số tập đoàn vũ khí và tập đoàn luyện thép, cùng sự quyên góp từ những thành phố, nó đã mang tên các tập đoàn này và tên các thành phố như TK-17 “Arkhangelsk” hay TK-208 “Dmitry Donskoy”.

    Thiết kế và hoạt động

    Tàu ngầm lớp Akula có thiết kế đa thân, với 5 thân nằm bên trong thân chính. Tàu có tất cả 19 khoang bao gồm một khoang module được gia cố chắc chắn chứa phòng điều khiển chính và khoang thiết bị điện tử nằm ở phía trên các thân tàu, phía sau các ống phóng tên lửa. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Akula có lượng giãn nước khi nổi khoảng 24.500 tấn và khi lặn là 48.000 tấn. Con số này lớn hơn gấp đôi tàu ngầm hạt nhân lớn nhất Hải quân Mỹ lớp Ohio.

     

    Typhoon là một trong những tàu ngầm có  thiết kế độc đáo nhất từ trước đến nay, với lớp vỏ chịu áp suất được thiết kế  khá phức tạp, cho phép nó lặn sâu được 400m. Cấu trúc đan chéo nhau của các thanh đỡ trong thiết kế trải dài của Typhoon giúp dàn trải áp lực lên đều thân tàu. Đây là một khác biệt rất lớn so với tàu ngầm lớp Delta. Delta có thiết kế dàn trải áp lực bằng các thanh dầm chống chịu song song với nhau, tạo ra một áp lức tác động lên thân tàu nhỏ hơn vùng cao nhất của tàu (khoang nhô lên của Delta). Chính điều này đã giúp cho Typhoon có khả năng sống sót cao hơn khi bị ngư lôi làm thủng vỏ tàu, giúp thủy thủ đoàn có thể an toàn trong các khoang kín nước, với khả năng ngập nước là vô cùng thấp, từ 5% đến 7% theo tính toán của các nhà khoa học Nga.

    Thiết kế của tàu cho phép nó di chuyển dưới băng và phá băng. Tàu có thể lặn sâu tối đa 400m, tốc độ đạt 12 hải lý khi nổi và 25 hải lý khi lặn. Tàu ngầm có thể hoạt động liên tục 180 ngày đêm dưới biển. Tàu biên chế 160 thành viên thủy thủ đoàn. Tàu có chiều dài 172,8 mét và chiều rộng 23,3 mét.

     

    Tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân ОК-650ВВ (OK-650VV) công suất 190 MW và 2 tua-bin công suất 45.000 – 50.000 mã lực cùng 2 động cơ Diesel АСДГ (ASDG) công suất 800 kW.

    Ngoài ra, tàu ngầm này còn được trang bị thiết bị phát hiện tàu ngầm. Đây là thiết bị tìm kiếm và tấn công chủ động/bị động được treo trên thân tàu phía dưới khoang chứa ngư lôi. Tàu được gắn radar phát hiện mục tiêu nổi băng I/J.Các thiết bị đối phó gồm ESM (thiết bị hỗ trợ điện tử), hệ thống cảnh báo radar và hệ thống định vị.

    Akula còn có cả hệ thống thông tin liên lạc radio và vệ tinh. Tàu được trang bị 2 phao anten nổi để thu tín hiệu radio, dữ liệu chỉ thị mục tiêu và tín hiệu dẫn đường vệ tinh, khi hoạt động sâu và dưới các lớp băng.

    Vũ khí

    Typhoon với thiết kế khá lớn cho phép mang được 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) R-39 (được NATO định danh là SS-N-20 “Rif”) với tầm bắn 8.300km, có thể mang được đầu đạn nổ thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân 500 kiloton. Bên cạnh đó R-39 còn có khả năng mang được đầu đạn hạt nhân tấn công đa mục tiêu (MIRV) với khả năng mang được 4 đến 5 đầu đạn hạt nhân 200 kiloton.

     

    Bên cạnh khả năng phóng tên lửa đạn đạo, nó còn mang theo cả ngư lôi để tiêu diệt các tàu ngầm khác, gồm có 6 ống phóng với 20 phương tiện phóng (phương tiện phóng có thể  là các máy phóng hoặc các thiết bị tương tự). Gồm có 2 loại ống phóng trên Typhoon:

    4 ống phóng có khả năng phóng 2 loại ngư lôi chính là RPK-2 (SS-N-15 “Viyuga”) hoặc ngư lôi Type 53. Hai loại ngư lôi này chủ yếu là để tấn công các tàu khu trục, tàu hộ vệ  tên lửa, tàu ngầm cỡ nhỏ và các khinh hạm.

    2 ống phóng có khả năng phóng loại RPK-7 (SS-N-16 “Vodopa”) dùng để tấn công các tàu ngầm cỡ lớn và tàu sân bay.

     

    Số vũ khí này có thể tấn công đồng thời 200 mục tiêu lớn trên mặt đất với tổng diện tích 7.000km²(diện tích Moscow là 1.000km²), ở khoảng cách 10.000km. Điều này có nghĩa là tàu ngầm Akula có thể bất ngờ tiêu diệt hàng chục thành phố kiểu như New York; thổi tung một đất nước nhỏ ở châu Âu hay san bằng một nửa đất nước Afghanistan.

    Hiện tại và tương lai

    Liên Xô khi đó sản xuất 6 chiếc tàu ngầm thuộc dự án 941. Đến nay chỉ còn 3 trong số đó đang biên chế trong hải quân Nga. Đáng chú ý nhất là chiếc "Dmitri Dolskoy", được nâng cấp từ phiên bản 941UM, dùng để thử nghiệm tên lửa đạn đạo "Bulava", còn 2 chiếc là "Arkhangelsk" và "Severstal" hiện được xếp vào lực lượng dự bị.

    Ba chiếc còn lại: Akula-TK202, TK-12 "Simbirsk" và TK-13 bị cho phép xẻ ra để tận dụng nguyên liệu vào giữa những năm 2000. Vào tháng 5.2010, Tổng tư lệnh hải quân Nga - ông Vladimir Vysotsky, thông báo hai chiếc tàu thuộc dự án 941 sẽ phục vụ tới năm 2019. Ông Vysotsky khi đó nói rằng, hai chiếc tàu này nhiều khả năng sẽ được nâng cấp. Tuy nhiên giờ đây tình thế lại có vẻ khác: Cho một chiếc tàu "về hưu" dễ hơn là nâng cấp nó.

     

    Bộ Quốc phòng Nga quyết định không sử dụng tàu Akula trong tương lai gần có nhiều nguyên do. Trước hết là vào mùa xuân năm 2010 Mỹ và Nga đã ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới (START-3), theo đó mỗi bên sẽ giảm số đầu đạn hạt nhân xuống con số 1.550. Mỗi một tàu ngầm dự án 941 có khả năng mang 200 đầu đạn hạt nhân, vì thế Nga cho rằng nếu không sử dụng 3 tàu Akula sẽ cắt giảm được 600 đầu đạn. Ngoài ra, trong hải quân Nga hiện đã có các tàu ngầm chiến lược 667BDRM có khả năng đảm nhận nhiệm vụ thay cho Akula. Việc dẹp bỏ tàu ngầm Akula vì START-3 nghe có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế Dmitri Dolskoy từ lâu đã không mang đầu đạn hạt nhân mà chỉ dùng để phóng tên lửa đạn đạo Bulava. Hai chiếc "Arkhangelsk", "Severstal" từ năm 2004 đến nay hầu như chỉ nằm ở cầu cảng, hoàn toàn không được trang bị vũ khí. Thực tế, trong những năm gần đây, các tàu ngầm chiến lược 667BDRM "Delphin" mới chính là lực lượng giữ cân bằng hạt nhân của Nga. Các tàu này được trang bị tên lửa đạn đạo R-29MU2 "Sineva". Hiện trong hải quân Nga có 6 chiếc tàu 667BDRM "Delphin", mỗi chiếc trong số đó có khả năng mang 128 đầu đạn hạt nhân.

    Một nguyên nhân khác khiến Bộ Quốc phòng Nga từ bỏ Akula là tàu ngầm mới "Borei" thuộc dự án 955 trong thời gian từ khoảng cuối năm 2011 đến đầu năm 2012 sẽ được biên chế vào quân đội nước này. Việc tiếp nhận Borei sẽ được thực hiện sau khi quá trình thử nghiệm tên lửa Bulava được cho là thành công. Tới nay Nga đã phóng thử 16 lần loại tên lửa này, trong đó có 7 lần thất bại, nhưng 4 lần thử gần đây nhất đều thành công mỹ mãn. Vì thế giới chức quân sự Nga hy vọng các lần tiếp theo sẽ cho kết quả tốt đẹp.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày