iPhone 11 Pro và Galaxy Note 10 - những kẻ thù lớn nhất của sự sáng tạo
Bạn đã tự hỏi vì sao trong suốt thập niên 2010 chúng ta vẫn chưa thực sự có một cuộc cách mạng công nghệ ngang tầm iPod, iPhone hay iPad?
Khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, nhiều người đã bày tỏ quan niệm bi quan rằng thời kỳ sáng tạo của Apple đã chấm dứt. Sự thực là, đã 8 năm trôi qua kể từ ngày Apple mất đi nhà sáng lập, và cũng đã 9 năm kể từ ngày ông vén màn iPad, thế giới vẫn chưa trải qua cuộc cách mạng nào ở cùng một tầm cỡ với iPod, iPhone hay iPad cả.
Những người hiểu biết một chút về công nghệ có lẽ sẽ không đồng ý hoàn toàn với nhận định này. Thực tế là những trào lưu công nghệ mới vẫn đang diễn ra từng ngày từng giờ, hứa hẹn thay đổi cuộc sống của con người: Internet of Things, nhà thông minh, loa thông minh, smartwatch/wearable, xe tự lái… Cách đây vài ngày, Microsoft còn vừa ra mắt ý tưởng "PC gập", hứa hẹn mở ra một chủng loại thiết bị hoàn toàn mới có thể khiến người dùng phấn khích.
Nhưng sự thật vẫn là vậy. Thập niên 2010 đã gần kết thúc, và cuộc cách mạng lớn nhất, quy mô nhất mà chúng ta được tận hưởng vẫn là chiếc iPad ra đời vào tháng 3/2019. Để hiểu được lý do vì sao, hãy nhìn vào iPhone 11 Pro và Galaxy Note10.
Hãy thử đặt mình trong 2 tình huống giả tưởng. Tình huống đầu tiên, điều gì có thể đi ngược thời gian và đưa iPhone 11 Pro hay Galaxy Note10 cho những con người sành công nghệ của năm 2000? Chắc chắn họ sẽ bị sốc. Họ sẽ sốc khi cầm trên tay những thiết bị có kết nối Internet mọi lúc mọi nơi, có màn hình đủ lớn để tận hưởng video khi ngồi trên tàu xe, có khả năng chứa hàng trăm album nhạc (dù là qua dongle), có thể chụp ảnh ở chất lượng ngang ngửa với những chiếc máy ảnh du lịch…
Tình huống thứ hai. Điều gì có thể xảy ra khi chúng ta có thể đi ngược thời gian và đưa chiếc loa Amazon Echo, chiếc đồng hồ Apple Watch hay cặp tai nghe Pixel Buds cho người dùng của năm 2010? Có lẽ họ sẽ rất thích thú với khả năng chơi nhạc khi được ra lệnh bằng giọng nói của Echo. Có lẽ họ sẽ thích tính năng báo nhịp tim của Apple Watch. Có lẽ họ sẽ cảm thấy tính năng "dịch chuyển ngữ" của Pixel Buds rất thú vị và hữu ích. Rất có thể, họ sẽ quên luôn chiếc MacBook Air vẫn còn rất "hot" và chuyển sang dùng Surface Neo ngay lập tức.
Nhưng trong tình huống thứ hai này, nếu phải lựa chọn giữa chiếc smartphone và bất kỳ một sản phẩm "cách mạng mới" nào trên đây, liệu người dùng có sẵn sàng từ bỏ iPhone hay Galaxy? Thiết bị nào có thể thay thế cho chiếc smartphone, vốn vừa có sức mạnh của PC thu nhỏ, vừa có khả năng kết nối thượng thừa, lại vừa đủ nhỏ gọn để bỏ túi quần mang mọi lúc mọi nơi?
Lý do thế giới cả một thập niên qua không có nổi cách mạng mới là đây. Khi Steve Jobs vén màn iPhone vào năm 2007, ông có thể đã tạo ra loại hình thái thiết bị công nghệ (form factor) chuẩn mực nhất, kết hợp được đầy đủ những yếu tố quan trọng nhất với người dùng. Smartphone đã thay thế cả điện thoại "cục gạch", cả máy nghe nhạc, cả sổ tay, cả máy ảnh du lịch. Với rất nhiều người, smartphone là chiếc "máy vi tính" duy nhất mà họ cần. Với tất cả người dùng, smartphone có lẽ là chiếc "máy vi tính" duy nhất mà họ mang theo mọi lúc mọi nơi.
Cứ mỗi thế hệ smartphone mới ra đời, loại thiết bị "hoàn hảo" nhất của con người lại càng hoàn hảo hơn. Năm 2019, iPhone 11 Pro và Galaxy Note10 là những thiết bị hoàn hảo nhất mà con người từng thấy. Bất kỳ một nhà sản xuất nào muốn thực hiện được cách mạng công nghệ thêm một lần nữa đều sẽ cần phải tạo ra siêu phẩm có thể thay thế những thiết bị hoàn hảo này. Smartwatch, loa thông minh, kính AR/VR… tuy có thành công nhất định, nhưng thực chất vẫn chỉ là để làm nền cho smartphone. Ngay cả Microsoft, dù đã thực sự thiết kế ra nhiều loại hình PC mới, cuối cùng vẫn cứ phải quay lại sản xuất smartphone (Surface Duo chạy Android).
Các tên tuổi lớn khác cũng vậy. Mặc cho các loại hình thiết bị thông minh vẫn liên tục xuất hiện (đặc biệt là trong cuộc cách mạng Internet of Things), gần như tất cả những gã khổng lồ đứng đầu thế giới công nghệ đều dồn công sức để chứng minh rằng smartphone của họ sẽ đem đến một trải nghiệm hoàn toàn mới so với smartphone "thường". Đôi khi, sáng tạo kiểu này sẽ đem lại những thành quả... lố bịch, ví dụ điển hình là màn hình thác nước trên Huawei P30 Pro và "màn hình bao" trên Xiaomi Mi Mix Alpha.
Hãy quay trở lại với tình huông thứ hai ở trên để thấy rõ sự bế tắc của thế giới công nghệ. Nếu có thể mang iPhone 11 Pro và Galaxy Note10 về cho người dùng 2010 thử nghiệm, chắc chắn họ sẽ thấy thích thú, nhưng sẽ không "sốc", không bất ngờ như lần đầu tiên được dùng iPhone hoặc Galaxy S. Ở phía ngược lại, nếu PHẢI chọn giữa smartphone và các loại thiết bị mới mẻ của tương lai (loa thông minh, smartwatch...), họ vẫn cứ chọn smartphone lên trên hết - dù đó là loại thiết bị công nghệ đã quá cũ, quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.
Về bản chất, tất cả các nhà sản xuất smartphone - cả thế giới công nghệ - đều đang đi cùng một con đường: cố gắng để cải thiện trải nghiệm được Steve Jobs vén màn 12 năm về trước. Họ thà tạo ra những sáng tạo nhỏ nhặt và... vô nghĩa cho smartphone còn hơn dồn công sức đi tìm cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo.
Có lẽ chúng ta đã thực sự đi đến giai đoạn sáng tạo công nghệ lụi tàn. iPhone 11 Pro, Galaxy Note10, những thiết bị công nghệ đình đám nhất ngày nay cũng là những thiết bị hoàn hảo nhất trên cả 3 khía cạnh: sức mạnh, kết nối và trên hết là trải nghiệm sử dụng gắn chặt với cuộc sống hàng ngày. Muốn có cách mạng công nghệ mới, con người phải sáng tạo ra một loại thiết bị có thể đánh bại smartphone trên cả 3 khía cạnh ấy.
Loại thiết bị nào có thể làm được điều không tưởng này?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon