Huy hiệu "ảo" nhưng tác động thật: Apple Watch khiến tôi… bật dậy khỏi ghế chỉ vì một tấm sticker
Ngày 24/4 tới, nếu bạn thấy đồng nghiệp đột nhiên đứng lên đi bộ quanh văn phòng, đừng ngạc nhiên. Có thể họ cũng đang cố "close the rings" (đóng vòng) như tôi để đổi lấy… một tấm huy hiệu ảo. Nhưng chuyện không đơn giản chỉ có vậy.
Tưởng là một thử thách vui vẻ, "Ngày Hoàn Thành Vòng Hoạt Động Toàn Cầu" (Global Close Your Rings Day) lại khiến tôi nhìn Apple Watch dưới một góc độ hoàn toàn khác. Không chỉ là chiếc đồng hồ "đếm bước, đo nhịp", Apple Watch đang âm thầm định nghĩa lại cách con người xây dựng thói quen sống khỏe, và làm điều đó bằng chính những phần thưởng… chẳng hề có giá trị vật chất nào.

Sắp có "Ngày Hoàn Thành Vòng Hoạt Động Toàn Cầu" do Apple tổ chức - Ảnh: Apple
Một vòng tròn, ba màu sắc, hàng triệu thói quen được hình thành
Ba vòng tròn Move - Exercise - Stand tưởng chừng đơn giản, nhưng sau 10 năm, nó đã trở thành thứ "vũ khí tâm lý" khiến hàng triệu người dùng Apple Watch thay đổi hành vi. Mỗi vòng là một lời nhắc khéo: "Bạn có đang ngồi quá lâu?", "Đã vận động đủ chưa?", "Bạn có thực sự hoạt động hay chỉ lướt điện thoại trong lúc đi bộ?".

Nếu đã và đang dùng Apple Watch, chắc hẳn bạn đã quen với 3 vòng tròn này - Ảnh: Tuấn Lê
Apple thậm chí còn nâng cấp trò chơi này với một bộ sưu tập huy hiệu phiên bản giới hạn và mới nhất là sự kiện vào ngày 24/4/2025: người dùng hoàn thành đủ 3 vòng sẽ nhận huy chương ảo và 10 sticker động dành riêng cho iMessage. Đây là minh chứng cho một lối sống đang dần thay đổi khi nó được Apple thiết kế và dẫn dắt bằng thuật toán, dữ liệu và… quan trọng hết là nguồn cảm hứng.



Bạn sẽ nhận được những "phần thưởng" giới hạn khi hoàn thành thử thách sắp tới đây - Ảnh: Tuấn Lê
Có cả nghiên cứu khoa học đứng sau
Apple không chỉ "vẽ vòng" rồi thuyết phục bạn chạy theo. Theo báo cáo nghiên cứu do Apple hợp tác với Brigham and Women's Hospital và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, người thường xuyên "đóng vòng" sẽ có nguy cơ giấc ngủ kém thấp hơn 48%, nhịp tim nghỉ ngơi tốt hơn 73% và có ức độ căng thẳng thấp hơn 57% so với những người còn lại.

Những lợi ích rõ ràng khi người dùng hoạt động thể chất mỗi ngày - Ảnh: Apple
Những con số này đến từ 140.000 người tham gia nghiên cứu, không phải là chiến dịch tiếp thị. Và nếu bạn nghĩ Apple Watch chỉ đo nhịp tim bằng đèn LED, thì nên biết rằng thiết bị này đang dùng cả thuật toán máy học (machine learning) để phân tích nhịp tim, độ vận động, nhiệt độ môi trường, thậm chí cả độ cao địa hình nhằm tính ra lượng calo bạn đốt cháy chính xác từng bước một.
Phần thưởng mang tính cảm xúc
Sticker không giúp tôi gầy đi, nhưng nó khiến tôi có cảm hứng để không muốn bỏ cuộc. Hằng ngày, Apple Watch nhắc tôi đứng dậy, nhắc tôi hít thở, tự động nhận diện tôi đang chạy bộ hay tập yoga, và cho tôi thấy cả "training load" của tuần này có đang quá sức hay không.
Giống như một huấn luyện viên cá nhân ảo, Apple Watch đang truyền cảm hứng, không phải bằng những câu nói sáo rỗng, mà bằng dữ liệu và minh chứng cụ thể, cũng như bằng cơ chế phần thưởng thông minh. Có thể thấy được hàng trăm ngàn giờ nghiên cứu đã đổ vào mỗi chỉ số, mỗi "vòng tròn" tưởng chừng đơn giản đó.

Một "phần thưởng" mà Apple dành cho người dùng hoàn thành thử thách vào dịp Tết Nguyên Đán 2023 - Ảnh: Tuấn Lê
Vào ngày 24/4 tới đây, nếu bạn nhận được một tin nhắn với sticker hình người đạp xe, trượt ván hay gập bụng, thì biết là bạn mình vừa "đóng đủ vòng". Và rất có thể, bạn cũng sẽ được truyền cảm hứng, không phải để sưu tập sticker, mà để bắt đầu một hành trình mới: sống năng động hơn từng chút một và từng vòng một.
Liệu bạn sẽ tham gia vào thử thách "đóng vòng" này chứ?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Thế giới kỳ lạ của ‘ảo giác AI’: Khi máy tự tin bịa chuyện như thật, còn người dùng Việt vẫn gật gù tin theo
VTV.vn - AI ngày càng thông minh – và cũng ngày càng bịa chuyện khéo léo hơn. Nếu bạn từng tin ngay những gì nó nói, có thể bạn cũng đã rơi vào “ảo giác AI” mà không nhận ra.
Báo cáo tiết lộ lý do Tổng thống Trump miễn thuế cho iPhone, laptop từ Trung Quốc - Tất cả là nhờ CEO Tim Cook?