(GenK.vn) - Chúng ta đã vô tình làm xấu đi ý nghĩa của Giờ Trái Đất.
Giờ Trái Đất với tên quốc tế là Earth Hour không còn là chương trình xa lạ với người dân trên toàn thế giới. Đây là một sự kiện quốc tế thường niên do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) phát động diễn ra vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 theo sáng kiến của Andy Ridley - Giám đốc truyền thông WWF. Chương trình kêu gọi các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 8h30 đến 9h30 tối (giờ địa phương).
Ngày 31/3/2007 chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại Sydney thu hút hơn 2 triệu người và 2.000 doanh nghiệp tham gia. Năm đầu tiên đã mang lại kết quả khả quan khi theo thống kê, chương trình giúp giảm tới 24,86 tấn khí CO2 thải ra môi trường, con số này tương đương với lượng CO2 mà 3 chiếc ô tô tải lớn thải ra trong một năm.
Tiếp nối thành công, chương trình đã được tổ chức thường niên và nó xuất hiện lần đầu ở Việt Nam vào năm 2009 giúp tiết kiệm 140 nghìn kWh điện. Chắc hẳn bạn không quá ngạc nhiên về kết quả này khi Việt Nam được coi là một trong những nước dễ du nhập các phong trào nhất trên thế giới. Khó có thể khẳng định điều này tốt hay xấu vì quan điểm và nhìn nhận của mỗi người khác nhau.
Ở Việt Nam, hàng năm lượng người tham gia và hưởng ứng chương trình đều tăng tới chóng mặt. Không chỉ dừng lại ở các cá nhân mà ngay đến cơ quan chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp đều ủng hộ phong trào này. Trên lý thuyết, Giờ Trái Đất là chương trình thường niên tốt và nên duy trì, nhưng liệu chúng ta có thực sự ý thức được mục đích của chương trình hay chỉ đang chạy theo số đông?
Phần lớn thời gian khi Trái Đất "tắt đèn", người dân chuyển sang sử dụng nến và hòa mình vào dòng người trên đường phố, tại các bữa tiệc tạo thành một khối đoàn kết. Nhưng hãy khoan, bạn có biết rằng lượng CO2 mà nến khi cháy thải ra còn tác động xấu hơn cả những chiếc đèn điện tiêu thụ hay không?
Nếu tính trung bình, cứ 1 triệu cây nến được đốt trong Giờ Trái Đất, chúng ta đã vô tình thải ra tới 1.307 tấn khí CO2 ra môi trường rồi đó!
Tiếp nữa. Ngày càng nhiều chương trình cộng đồng được tổ chức khi Giờ Trái Đất diễn ra. Chỉ trong chớp mắt tôi cũng có thể đọc tên một số chương trình ca nhạc, biểu diễn phục vụ người dân với tiêu chí "hưởng ứng Giờ Trái Đất". Những chương trình này được tổ chức không hề nhỏ, quy mô rộng, vậy lượng điện tiêu thụ cho các chương trình lớn như vậy có được coi là "tiết kiệm" hay không?
Phía trên chỉ là một số ví dụ mà chúng ta có thể nhìn thấy và đánh giá dễ dàng từ những gì diễn ra trong Giờ Trái Đất. Từ việc thắp nến khiến lượng CO2 tăng vọt, tắt điện ở nhà nhưng lại đổ dồn vào các chương trình hưởng ứng ngốn không ít điện năng và sau mỗi chương trình lượng rác thải tràn ngập đường phố, phải chăng chúng ta đang vô tình làm xấu một chương trình tốt?
Chỉ tính riêng trên các trang mạng xã hội, ngày hôm nay bạn có thể dễ dàng bắt ngặp rất nhiều dòng thông điệp quảng cáo của những nhãn hiệu, cửa hàng về ngày bảo vệ Trái đất này. Có đủ các chương trình ca nhạc diễn ra trong khoảng thời gian 60 phút, điện năng vẫn được sử dụng và rất nhiều cây nến được thắp lên.
Dù những tác dụng không mong muốn chỉ do con người vô tình gây ra nhưng nó đang trực tiếp tác động xấu tới ý nghĩa của chương trình. Câu hỏi còn bỏ ngỏ... Chúng ta đang sử dụng Giờ Trái Đất để bảo vệ Trái Đất hay chỉ chạy theo phong trào và coi nó là cơ hội quảng cáo, lôi kéo khách hàng?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng