Hộp nhựa dán nhãn "an toàn" có quay được trong lò vi sóng không? Thì ra nhiều người hiểm lầm 1 chi tiết

    Thùy Linh,  

    Không phải ai cũng chú ý đến chi tiết này khi sử dụng.

    Thận trọng khi dùng hộp nhựa trong lò vi sóng

    Các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng hộp nhựa để hâm nóng thực phẩm trong lò vi sóng, ngay cả khi chúng có nhãn "an toàn". Theo Channel News Asia, phó giáo sư Suresh Valiyaveettil từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết: Cấu trúc hóa học của các hộp nhựa không khác nhau quá nhiều, dù là loại dùng một lần hay tái sử dụng. Hầu hết chỉ khác về phụ gia và quy trình sản xuất, dẫn tới sự chênh lệch về độ dày và nhiệt độ chịu nhiệt.

    Cụ thể, các hộp nhựa tái sử dụng thường dày hơn, bền hơn, có khả năng chịu được nhiều điều kiện môi trường khác nhau so với loại dùng một lần. Ngược lại, hộp nhựa dùng một lần có cấu trúc kém ổn định, chịu nhiệt kém hơn, theo tiến sĩ Henry Leung từ Đại học Bách khoa Nanyang (Singapore).

    Do đó, dù là hộp nhựa dùng một lần hay tái sử dụng, người dùng vẫn cần thận trọng khi sử dụng để đựng hoặc hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng.

    Ông Valiyaveettil khuyên nên tránh hoàn toàn việc sử dụng hộp nhựa trong lò vi sóng vì nguy cơ rò rỉ hóa chất. Để an toàn hơn, người dùng nên chuyển thức ăn nóng vào bát đĩa gốm sứ hoặc thủy tinh thay vì để trong hộp nhựa.

    Hộp nhựa dán nhãn "an toàn" có quay được trong lò vi sóng không? Thì ra nhiều người hiểm lầm 1 chi tiết- Ảnh 1.

    Ông Valiyaveettil cho rằng tốt hơn hết là không bao giờ nên dùng hộp nhựa (cả loại dùng một lần hay nhiều lần) để đựng thức ăn khi làm nóng trong lò vi sóng.

    Ngoài ra, nhiệt độ đóng vai trò quan trọng trong việc làm rò rỉ hóa chất từ nhựa. Vì vậy, người tiêu dùng nên tránh để hộp nhựa tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đồng thời không dùng hộp nhựa để chứa thức ăn có tính axit cao như giấm hoặc nước chanh.

    Để đảm bảo an toàn, người dùng cũng nên kiểm tra kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm, tránh các loại nhựa chứa BPA hoặc phthalate - hai chất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều quốc gia đã yêu cầu ghi rõ thành phần này trên bao bì nhựa.

    Một cách khác để nhận biết thành phần của sản phẩm nhựa là qua mã nhận diện nhựa (Resin Identification Code) thường in dưới đáy sản phẩm. Theo tiến sĩ Leung, mã này được biểu thị bằng một con số nằm trong hình tam giác, giúp người tiêu dùng có thông tin cụ thể hơn để lựa chọn sản phẩm phù hợp.

    Các ký hiệu cần biết khi sử dụng hộp nhựa

    Người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên sử dụng các loại nhựa để trữ thực phẩm nhưng chưa có thói quen quan tâm đến ký hiệu của các sản phẩm nhựa. Các ký hiệu này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe người sử dụng, giúp nhận biết nhựa độc hại và lựa chọn sản phẩm phù hợp để lưu trữ thực phẩm.

    Về cách "đọc hiểu" những mã ký hiệu này, tiến sĩ Leung cho biết các mã 1, 2, 4, 5 và 6 thường sẽ không chứa BPA, trong khi mã 3 và 7 có thể chứa chất này.

    Nhựa PETE (số 1): Đây là loại nhựa phổ biến trong chai nước, nước ngọt hay nước sốt. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên tái sử dụng loại nhựa này vì chứa BPA - chất có thể gây hại cho sức khỏe khi tan vào thực phẩm, đặc biệt trong môi trường nhiệt độ cao.

    Nhựa HDPE (số 2): Được đánh giá là loại nhựa an toàn nhất, HDPE có độ bền nhiệt cao và không thải chất độc vào thực phẩm. Nhựa số 2 thường được sử dụng trong chai đựng sữa, dầu ăn và đồ chơi. Với màu xanh lam dễ nhận biết, HDPE là lựa chọn an toàn cho các nhu cầu bảo quản thực phẩm lâu dài.

    Nhựa PVC (số 3): Nhựa số 3 là loại nhựa độc hại, có khả năng tan vào thực phẩm khi gặp nhiệt độ cao. PVC thường được dùng trong màng bọc thực phẩm, bình đựng nước và dầu ăn. Các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng màng bọc nhựa số 3 cho thực phẩm nóng hoặc hâm nóng trong lò vi sóng, do nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

    Hộp nhựa dán nhãn "an toàn" có quay được trong lò vi sóng không? Thì ra nhiều người hiểm lầm 1 chi tiết- Ảnh 2.

    Ký hiệu nhận biết mã các loại nhựa trên đồ dùng. Trong đó các mã 1, 2, 4, 5 và 6 thường sẽ không chứa BPA, trong khi mã 3 và 7 có thể chứa chất này. - Ảnh: CNA

    Nhựa LDPE (số 4): LDPE chủ yếu được dùng cho túi nhựa, găng tay nylon và hộp bánh. Tuy loại nhựa này ít phản ứng hóa học nhưng chịu nhiệt kém, không phù hợp để sử dụng trong lò vi sóng hoặc môi trường nhiệt độ cao.

    Nhựa PP (số 5): Nhựa PP là lựa chọn an toàn, có độ bền nhiệt cao và có thể tái sử dụng nhiều lần. Loại nhựa này thường được dùng làm hộp đựng thực phẩm và có thể chịu được nhiệt độ trong lò vi sóng, nhưng chỉ nên dùng trong thời gian rất ngắn như 2-3 phút. Đây là loại nhựa được các chuyên gia khuyên dùng do độ an toàn đối với sức khỏe.

    Nhựa PS (số 6): Thường được dùng để sản xuất các hộp xốp, đĩa, và ly dùng một lần, PS là loại nhựa nhẹ và rẻ. Tuy nhiên, khi gặp nhiệt độ cao hoặc chất chua, nhựa PS có thể giải phóng chất độc, nên không thích hợp để bảo quản thực phẩm lâu dài.

    Nhựa PC (số 7): Đây là loại nhựa độc hại nhất, chứa BPA - một chất hóa học có thể nhiễm vào thực phẩm khi gặp nhiệt độ cao. Nhựa PC thường được dùng trong thùng đựng hóa chất hoặc hộp thực phẩm. Các chuyên gia khuyến cáo không sử dụng nhựa số 7 cho thực phẩm, đặc biệt là đồ nóng, để tránh nguy cơ ngộ độc.

    Nhìn chung, người tiêu dùng cần nắm rõ các ký hiệu trên sản phẩm nhựa và chọn lựa loại nhựa an toàn để bảo vệ sức khỏe. Những khuyến cáo từ chuyên gia sẽ giúp người dân có thói quen sử dụng nhựa đúng cách, tránh các nguy cơ tiềm ẩn đến sức khỏe.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày