Hóa thạch khủng long 66 triệu năm tuổi chứa căn bệnh hiếm gặp trên trẻ em thời hiện đại

    Nguyễn Đàng,  

    Hội chứng mô bào là một căn bệnh hiếm gặp thường xuyên xuất hiện ở trẻ em, nay các nhà khoa học phát hiện dấu tích của nó trong hóa thạch khủng long

    Một chứng bệnh hiếm gặp của loài người vừa được tìm thấy bên trong hóa thạch của một con khủng long mỏ vịt. Loài khủng long này đã từng sinh sống trên Trái Đất vào 66 triệu năm về trước và hóa thạch của một cá thể đã được khám phá tại Công Viên Tỉnh Khủng Long ở phía nam tỉnh Alberta, Canada.

    Các nhà khoa học tại trường đại học Tel Aviv đã phát hiện những lổ hỗng bất thường tại hai đoạn đuôi của con khủng long mỏ vịt. Họ so sánh đốt xương sống của khủng long với xương của hai người mang khối u lành tính gây ra bởi hội chứng mô bào (Langerhans cell histiocytosis). Đây là chứng bệnh hiếm gặp, đôi khi rất đau đớn và ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em, đặc biệt là bé trai.

    Hóa thạch khủng long 66 triệu năm tuổi chứa căn bệnh hiếm gặp trên trẻ em thời hiện đại - Ảnh 1.

    Đốt xương sống của khủng long mỏ vịt

    "Chẩn đoán bệnh dựa trên xương tàn dư và hóa thạch rất phức tạp vì có nhiều loại bệnh để lại dấu vết giống nhau lên xương. Tuy nhiên đối với hội chứng mô bào, nó để lại dấu vết rất đặc trưng và hoàn toàn phù hợp với những tổn thương được tìm thấy trong hóa thạch", Tiến sĩ Hila May phát biểu. Bà đứng đầu Phòng Y học Tiến hóa và Lịch sử Sinh học tại Khoa Y Sackler của trường đại học Tel Aviv.

    Các nhà khoa học dùng phương pháp quét CT cao cấp với độ phân giải cao để nghiên cứu hóa thạch đuôi của con khủng long.

    "Các loại công nghệ mới, ví dụ như quét CT vi mô, đã cho chúng tôi khả năng giám định cấu trúc tổn thương và tái tạo lại sự lan tràn cùng với mạch máu đã nuôi chứng bệnh", May nói. "Các phép phân tích vi mô và vĩ mô xác nhận rằng chứng bệnh đó chính là hội chứng mô bào. Đây là lần đầu tiên ta phát hiện ra bệnh này trên khủng long".

    Hóa thạch khủng long 66 triệu năm tuổi chứa căn bệnh hiếm gặp trên trẻ em thời hiện đại - Ảnh 2.

    Khủng long mỏ vịt

    Ở loài người, căn bệnh này đôi khi được mô tả là một loại ung thư hiếm gặp. Song dựa theo lời của May, các chuyên gia có rất nhiều ý kiến trái chiều, họ không chắc chắn liệu nó có phải là ung thư hay không, nguyên nhân là vì trong một số trường hợp, nó tự nhiên biến mất.

    "Phần lớn khối u gây ra bởi hội chứng mô bào xuất hiện trong xương của trẻ em từ 2 đến 10 tuổi. Chúng có thể gây ra rất nhiều đau đớn. Nhưng thật may là trong đa số trường hợp, những khối u này tự biến mất mà không cần sự can thiệp nào". May nói.

    Bản báo cáo khoa học về nghiên cứu này mới được xuất bản trong tuần trên tờ Scientific Reports. Theo bản báo cáo, chúng có chiều cao cỡ 10 mét, nặng đến vài tấn và sinh sống theo bầy đàn cỡ 66 đến 80 triệu năm về trước.

    Các chứng bệnh của khủng long

    Giống như con người, khủng long cũng mắc bệnh. Song bằng chứng về bệnh tật và nhiễm trùng được phát hiện trong hóa thạch là rất ít.

    Tuy nhiên, có rất nhiều bằng chứng chứng minh rằng các loài khủng long bạo chúa, như T-Rex, đã mắc phải bệnh gút và loài khủng long iguanodons thì có thể đã bị bệnh viêm xương khớp. Ung thư thì khó chấn đoán hơn nhiều nhưng hiện tại đã có bằng chứng nói rằng khủng long đã mắc phải chúng. Thông tin trên được đưa ra trong bản báo cáo.

    May giải thích rằng, nghiên cứu các chứng bệnh xuất hiện ở nhiều loài trong hóa thạch là một nhiệm vụ phức tạp. Đối với những loài động vật đã tuyệt chủng, vì chúng ta không có một cá thể còn sống để tham khảo, nhiệm vụ này sẽ còn trở nên phức tạp hơn.

    Hóa thạch khủng long 66 triệu năm tuổi chứa căn bệnh hiếm gặp trên trẻ em thời hiện đại - Ảnh 3.

    Tiến sĩ Hila May cầm trong tay hóa thạch đốt sống của khủng long mỏ vịt

    Các tác giả nói rằng những phát hiện có thể hỗ trợ nâng cao Y học Tiến hóa - một lĩnh vực nghiên cứu mới tập trung tìm hiểu về sự phát triển và hành vi của các chứng bệnh theo thời gian.

    Bởi vì rất nhiều chứng bệnh mà loài người mắc phải đến từ động vật (vi rút corona, HIV và lao phổi), May nói rằng sự thấu hiểu về khả năng lan truyền qua các giống loài khác nhau và sự tiến hóa khả năng sinh tồn của các chứng bệnh có thể hỗ trợ việc tìm kiếm các phương pháp điều trị mới và hữu hiệu.

    "Khi chúng ta biết một căn bệnh không chỉ xuất hiện trên một loài hay trong một khoảng thời gian nhất định, nghĩa là cơ chế sinh học kích động sự phát triển của căn bệnh đó không chỉ có riêng ở hành vi hay môi trường của con người, thay vào đó [nó] là một vấn đề sinh lý cơ bản của sinh vật", May nói.

    Theo CNN


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày