Các nhà sản xuất smartphone Android phô diễn những điểm số Geekbench hay AnTuTu cao chót vót, bằng bất kỳ cách nào có thể ngay cả khi phải dùng thủ đoạn gian lận.
Có một cuộc đua không hồi kết giữa các nhà sản xuất smartphone trên toàn thế giới, đó chính là sức mạnh phần cứng. Để khẳng định thiết bị của mình là nhanh nhất và mạnh nhất, các nhà sản xuất phô diễn những điểm số Geekbench hay AnTuTu cao chót vót, bằng bất kỳ cách nào có thể ngay cả khi phải dùng thủ đoạn gian lận.
Việc gian lận điểm benchmark không còn mới và lạ lẫm, vì vậy mà trong năm 2018 chúng ta lại tiếp tục được chứng kiến những màn gian lận điểm hiệu năng một cách trắng trợn. Về mặt kỹ thuật, phương pháp gian lận này được gọi là tối ưu hóa điểm chuẩn hiệu năng.
Các nhà sản xuất smartphone cố tính tạo ra những đoạn code khiến cho thiết bị của họ có thể đạt hiệu năng tối đa khi phát hiện thấy ứng dụng benchmark đang hoạt động. Khi đạt tới hiệu năng tối đa, chiếc smartphone sẽ bỏ qua các tính năng tiết kiệm pin hay quản lý nhiệt độ thông thường.
Tất cả mọi thứ sẽ vượt qua giới hạn bình thường, đó không phải là những gì bạn sẽ sử dụng mỗi ngày. Vì vậy những con số hiện ra trên ứng dụng Geekbench hay AnTuTu này không thể phản ánh chính xác hiệu năng thực tế của thiết bị.
Những bằng chứng cho thấy các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đã gian lận điểm benchmark
Trong thử nghiệm Best of Android 2018, Android Authority đã hợp tác với các kỹ thuật viên của Geekbench để tìm ra cách vô hiệu hóa ứng dụng “tối ưu hóa điểm chuẩn hiệu năng”. Nhờ đó kết quả của thử nghiệm này chính là hiệu năng thực tế của những chiếc smartphone Android.
Thật bất ngờ khi có tới 6 chiếc smartphone khác nhau đến từ các nhà sản xuất Huawei, Honor, Oppo, HTC và Xiaomi, cho thấy dấu hiệu của việc gian lận.
Android Authority cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt có thể lên tới 21% giữa điểm hiệu năng thông thường và điểm hiệu năng sau khi Geekbench đã vô hiệu hóa phần mềm gian lận”.
Thủ phạm của hành vi gian lận điểm chuẩn cao nhất tới 21% này chính là P20 Pro và Honor Play, cả hai chiếc smartphone đều của Huawei. Dưới đây là biểu đồ điểm hiệu năng để chúng ta có thể so sánh.
Điểm hiệu năng đơn lõi (màu vàng là hiệu năng hãng công bố, màu xanh là hiệu năng khi không gian lận).
Điểm hiệu năng đa lõi (màu vàng là hiệu năng hãng công bố, màu xanh là hiệu năng khi không gian lận).
“Smartphone của Huawei gian lận điểm hiệu năng cao nhất, nhưng không phải Mate 20”.
Trong thử nghiệm này, có một số smartphone với khác biệt khá nhỏ như HTC U12 Plus và Xiaomi Mi 8. Điểm hiệu năng không gian lận của Huawei Mate 20 cũng rất ấn tượng, khi không khác biệt nhiều so với điểm hiệu năng công bố.
Tuy nhiên rõ ràng Huawei đã chuẩn bị trước cho tình huống này. Mate 20 và Mate 20 Pro được tích hợp một chế độ có tên là Performance Mode. Khi kích hoạt, chiếc smartphone Mate 20 hoặc Mate 20 Pro sẽ chạy hết công suất, bỏ qua giới hạn nhiệt độ hay các tính năng tiết kiệm pin.
Về cơ bản, đây chính là phần mềm gian lận mà các nhà sản xuất smartphone sử dụng để có thể đạt được những điểm hiệu năng cao chót vót. Huawei cao tay hơn, khi công khai tính năng này cho người dùng, mặc dù thực tế bạn sẽ không muốn kích hoạt nó. Bởi khi kích hoạt, chiếc smartphone sẽ ngốn pin như uống nước.
Và kết quả là Mate 20 không mấy khác biệt giữa điểm hiệu năng công bố và điểm hiệu năng không gian lận. Dưới đây là biểu đồ cho thấy mức độ gian lận điểm hiệu năng của từng thiết bị. Có thể thấy Honor Play có mức độ gian lận điểm hiệu năng đa lõi cao nhất (khoảng 21%), trong khi OPPO R17 Pro gian lận điểm hiệu năng đơn lõi cao nhất (hơn 25%).
Tỷ lệ gian lận điểm hiệu năng của 7 chiếc smartphone Android.
Gian lận điểm hiệu năng không phải là câu chuyện mới, nhưng không phải hãng smartphone nào cũng gian lận
Cách đây nhiều năm, đã có những cáo buộc gian lận điểm hiệu năng xung quanh Samsung Galaxy S4 cho đến LG G2. Tuy nhiên các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc gần đây mới khiến cho tình trạng gian lận trở nên tràn lan, mất kiểm soát và ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng.
Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện OPPO thản nhiên trả lời rằng: “Khi chúng tôi nhận thấy người dùng đang chạy ứng dụng đòi hỏi hiệu năng cao như game hoặc benchmark, chúng tôi cho phép bộ vi xử lý chạy với hiệu suất tối đa. Với những ứng dụng khác, hệ thống sẽ chạy ở chế độ tối ưu hóa điện năng”.
Điều đó đồng nghĩa với việc OPPO có thể nhận biết các ứng dụng đo điểm hiệu năng và thay đổi sang chế độ hoạt động hết công suất. Trong trường hợp thông thường, thiết bị sẽ chỉ hoạt động ở chế độ tiết kiệm điện năng, nghĩa là thấp hơn khoảng 25% so với điểm số được công bố, trong trường hợp của OPPO R17 Pro.
Android Authority đã tiến hành thử nghiệm trên 30 chiếc smartphone Android, bên cạnh những thiết bị gian lận điểm hiệu năng bị phát hiện ở trên thì vẫn còn tới 24 thiết bị khác khá thành thật. Danh sách này bao gồm Samsung Galaxy Note 9, Sony Xperia XZ2, Vivo X21, LG G7 ThinQ, Google Pixel 3 XL, OnePlus 6T, Xiaomi Mi A2 và cả Huawei Mate 20 như đã phân tích ở trên, cùng một vài smartphone Android khác.
Điểm benchmark sẽ không còn quan trọng
Với việc có thể điều chỉnh điểm số benchmark và các điểm số này cũng khác xa với thực tế, do đó tầm quan trọng của các ứng dụng như Geekbench hay AnTuTu cũng sẽ ngày càng giảm. Đặc biệt, AnTuTu cũng đã nhấn mạnh rằng không thể đem so sánh điểm hiệu năng của iPhone và smartphone Android vì cơ chế hoạt động khác nhau.
Vậy thì các điểm số benchmark này còn có tác dụng gì nữa?
Tham khảo: androidauthority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng