Hệ sinh thái xe điện tại Mỹ đang sụp đổ: Thêm 1 startup phá sản vì không thể gọi vốn, phải thanh lý toàn bộ để trả nợ

    Vũ Anh,  

    Sự sụp đổ nhấn mạnh thêm loạt khó khăn mà các công ty khởi nghiệp Mỹ phải đối mặt.


    Startup ô tô điện Canoo có trụ sở tại Texas (Mỹ) vừa nộp đơn phá sản và ngừng hoạt động ngay lập tức vì không huy động được thêm vốn.

    Được biết, Canoo nộp đơn phá sản theo Chương 7 của Bộ luật Phá sản Mỹ, hay còn gọi là phá sản thanh lý (liquidation bankruptcy). Startup này sẽ chấm dứt hoạt động ngay lập tức và tiến hành thanh lý toàn bộ tài sản để trả nợ.

    Phá sản theo Chương 7 khác với phá sản theo Chương 11, cho phép doanh nghiệp tái cấu trúc nợ và tiếp tục hoạt động trong khi thực hiện kế hoạch trả nợ.

    Canoo rút khỏi ngành công nghiệp xe điện do liên tục đốt tiền mặt và gặp khó trong việc huy động thêm vốn. Startup này vốn được thành lập vào tháng 12/2017, chuyên tập trung phát triển các mẫu xe van và xe tải điện hướng đến khách hàng ưa thích phiêu lưu lấy cảm hứng từ xe buýt siêu nhỏ. Walmart và NASA là khách hàng thân thiết của Canoo.

    Năm 2020, Canoo niêm yết trên sàn Nasdaq thông qua việc sáp nhập với công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Đến năm 2022, công ty lần đầu cảnh báo các nhà đầu tư rằng “có một nghi ngờ đáng kể” về việc tiếp tục hoạt động và huy động thêm vốn.

    Canoo sau đó liên tục thua lỗ, lần lượt 487,7 triệu USD vào 2022 và 302,6 triệu USD hồi 2023. Tình hình không khá hơn vào năm ngoái, khi ngành công nghiệp xe điện gặp khó vì cạnh tranh căng thẳng.

    Trong quý I/2024, công ty lỗ ròng 110,7 triệu USD, tăng từ mức 90,7 triệu USD cùng kỳ 2023. Đến tháng 11/2024, Canoo chỉ còn khoảng 700.000 USD trong tài khoản ngân hàng.

    Để đối phó với tình hình, Canoo tạm dừng hoạt động tại các nhà máy ở Oklahoma và cho nhân viên nghỉ phép không lương. Ngoài ra, để duy trì niêm yết trên sàn Nasdaq và thu hút nhà đầu tư, công ty còn thực hiện gộp cổ phiếu theo tỷ lệ 1 đổi 20, có hiệu lực từ ngày 24/12/2024.

    Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực, Canoo vẫn tiếp tục cạn kiệt tiền mặt và không thể huy động thêm vốn, cuối cùng đành ngậm ngùi nộp đơn phá sản vì không thể cứu vãn tình hình.

    Sự dịch chuyển của ngành công nghiệp sang xe điện được kỳ vọng dẫn tới sự ra đời dồn dập của những công ty mới tham gia. Tuy nhiên, sự kết hợp của giá trị thổi phồng quá mức và xem xét kỹ lưỡng của các nhà đầu tư khiến các doanh nghiệp xe điện phải tháo chạy khỏi một làn sóng IPO ồ ạt.

    Nhiều công ty chưa từng có lãi hoặc thậm chí, chưa từng ghi nhận doanh thu. Các công ty như Canoo đều là những doanh nghiệp IPO trước khi có thể giao được bất kỳ 1 chiếc xe hoàn chỉnh nào tới khách hàng.

    “Tất cả chúng ta đều đã biết địa ngục sản xuất của Elon Musk trông như thế nào và không muốn đến đó”, Karl-Thomas Neumann, cựu giám đốc điều hành của VW và GM cho biết. “Các công ty khởi nghiệp đều muốn khai phá được công nghệ sản xuất nhưng làm bằng cách nào thì vẫn là một dấu hỏi”.

    Canoo không phải startup điện duy nhất thất bại trong cuộc chiến giành thị phần. Sự sụp đổ của họ chỉ nhấn mạnh thêm loạt khó khăn mà các công ty khởi nghiệp khác phải đối mặt.

    Những startup này trước đó đã huy động được hàng tỷ USD, hứa hẹn một ngày nào đó sẽ vực dậy ngành kinh doanh ô tô có tuổi đời hơn một thế kỷ. Các nhà đầu tư cũng đặt cược vào việc tìm ra một Tesla tiếp theo, những nhà sản xuất xe điện có giá cổ phiếu hấp dẫn.

    Theo WSJ, những thương hiệu ô tô trẻ sáng tạo nhưng lại gặp khó khăn trong việc triển khai nguyên tắc cơ bản về sản xuất để có lãi. Trong khi đó, sự quan tâm của người Mỹ đối với xe chạy bằng pin đã nguội dần.

    Nhà sản xuất xe bán tải điện Lordstown Motors và nhà sản xuất xe tải giao hàng Arrival - những công ty khởi nghiệp ra mắt công chúng thông qua hình thức sáp nhập SPAC đều đã nộp đơn xin phá sản. Những công ty khác, trong đó có startup xe điện Faraday Future, thì cắt giảm các kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng.

    Chưa dừng lại ở đó, việc ông Donald Trump hiện thực hoá chính sách mới dự kiến sẽ giáng thêm một đòn nữa vào ngành xe điện, sau khi khoản tín dụng thuế ưu đãi 7.500 USD cho người mua xe điện bị xoá bỏ. Chính sách kích cầu này cùng hàng loạt nguồn tài trợ khác cho ngành xe điện dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có thể biến mất.

    Trong khi đó, thuế quan mới gia tăng đối với xe hơi và phụ tùng nhập khẩu có thể đẩy chi phí sản xuất ô tô điện lên cao hơn. Hàng loạt rào cản đang phá vỡ chuỗi cung ứng và làm suy yếu nhu cầu về xe điện.

    “Dường như toàn bộ hệ sinh thái xe điện đang sụp đổ”, CEO Brandt của Marathon Capital nhận định.

    Theo nhà phân tích Jiong Shao của Barclays, không giống như các công ty thông thường, startups EV phải không ngừng “vung tiền” để phát triển và xây dựng các mô hình mới. Họ không thể đơn thuần cắt giảm chi phí để giảm thiểu thua lỗ.

    “Các công ty ô tô bắt đầu cạnh tranh để được trang bị chip hoặc hệ thống tiên tiến nhất. Điều đó có nghĩa là những thay đổi lớn trong ngành xe điện sắp xảy ra”, Ken Ying, người sáng lập công ty cung cấp giải pháp xe thông minh Pateo của Trung Quốc nói và cho biết các startup cần tập trung nguồn lực để tạo sự khác biệt trên thị trường, giống như BYD. Thành công của hãng này đến từ việc có thể chế tạo pin sử dụng lâu hơn và rẻ hơn so với các nhà sản xuất đến từ Mỹ, Nhật.

    “Thị trường xe điện quá khó nhằn”, Warren Buffett từng trả lời trong cuộc họp hội đồng thường niên của Berkshire Hathaway.

    “Đây là thời cơ phát triển của xe điện và đây cũng là một cuộc cách mạng khá thú vị. Tuy nhiên tại thời điểm này, chúng lại đang đòi hỏi quá nhiều nguồn vốn và cũng có quá nhiều rủi ro. Tôi thì lại không thích kiểu đốt nhiều tiền mà lại rủi ro cao như thế”, cố Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway Charlie Munger nói.

    Theo: Reuters, WSJ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày