Giới chuyên gia: Khi những nước nghèo Châu Phi đối mặt với Covid-19, một đại thảm họa sẽ xảy ra!
Nếu Trung Quốc dám cách ly nhiều tỉnh bất chấp những thiệt hại kinh tế mà vẫn duy trì được trật tự xã hội và an ninh lương thực thì điều này hầu như bất khả thi tại nhiều nước Châu Phi.
Đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã lây lan cho hơn 80.000 người trên thế giới và làm hơn 2.700 người thiệt mạng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đỉnh điểm của đợt dịch này vẫn chưa chấm dứt khi rất nhiều quốc gia nghèo ở Trung Đông và Châu Phi vẫn chưa phát hiện được số người nhiễm bệnh. Xin được nhắc lại Covid-19 rất dễ lây lan từ người sang người và hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được đầy đủ những con đường lây nhiễm của virus Corona.
Ảnh minh họa.
Theo chuyên gia Gervais Folefack, người chịu trách nhiệm chương trình cứu trợ y tế của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Congo cho biết, quốc gia này hiện đang có quá nhiều dịch bệnh mà chẳng đủ y bác sĩ, trang thiết bị để cứu trợ, từ dịch Ebola đến dịch sởi, tả… Đối với những nước nghèo như Congo, Covid-19 cũng chẳng khác nào một dịch bệnh mới và việc đối phó chúng là cực kỳ khó khăn do thiếu nguồn lực. Trong trường hợp Covid-19 bùng phát ở những quốc gia này, một thảm họa là hoàn toàn có thể xảy ra.
Cho đến thời điểm hiện tại, khoảng 99% số ca nhiễm và thiệt mạng do Covid-19 đến từ Trung Quốc. Việc chính quyền Bắc Kinh nhanh chóng cách ly đã làm chậm tiến trình lây lan của Corona nhưng bằng cách nào đó mà các nhà khoa học chưa phát hiện ra, Covid-19 vẫn bắt đầu bùng nổ ở nhiều nước như Hàn Quốc và mới đây nhất là Ý, Thụy Sĩ, Đức…
Mặc dù WHO chưa tuyên bố Covid-19 là đại dịch nhưng nhiều chuyên gia lo ngại đây chỉ là vấn đề sớm muộn khi Corona có khả năng lây lan quá mạnh và nhiều nước nghèo không đủ nguồn lực để có thể cách ly cũng như đối phó được như Trung Quốc hay những nước giàu.
Chuyên gia Cheryl Cohen của Hội đồng chống dịch quốc gia Nam Phi (NICD) cho biết hơn 850 bác sĩ của nước này đã được huấn luyện để nhận diện lâm sàng những người có triệu chứng lây Covid-19. WHO cũng đã gửi rất nhiều khẩu trang, găng tay, mũ bảo hộ đến các bệnh viện của hơn 50 quốc gia nghèo trên thế giới. Các chuyên viên của WHO cũng đã huấn luyện bác sĩ ở những nước này làm sao để đối phó với người đã lây Covid-19.
Bất chấp những nỗ lực đó, việc bùng phát Corona ở những nước nghèo được cho là vấn đề sớm muộn khi ngày càng nhiều cơ sở vận tải phát hiện những người nhiễm bệnh đã chu du ở nhiều nước. Chuyên gia Michael Ryan của WHO thì cho biết điều đáng sợ hơn cả là việc chính các bác sĩ là những người dễ dính bệnh nhất khi chống Covid-19. Đây là một thông tin tiêu cực với những quốc gia nghèo vốn đã ít chuyên viên y tế.
Quay ngược trở lại năm 2003, khi dịch Sars bùng nổ lây lan ra hơn 20 nước, khoảng 30% số người nhiễm bệnh thời điểm đó từng là nhân viên y tế. Phần lớn những người nhiễm bệnh khi đó đều lây bệnh từ nước ngoài trở về. Với quá trình toàn cầu hóa và thương mại sôi động, việc ngăn cấm giao thương là điều bất khả thi và như một hệ quả tất yếu, dịch bệnh sẽ dễ dàng lây lan nếu không có biện pháp phòng chống hữu hiệu.
Điều đáng lo ngại ở đây là Covid-19 dễ lây hơn rất nhiều so với Sars và và thời gian ủ bệnh hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Rất nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng và họ lại đem chúng đi lây lan cho những người khác.
Ảnh minh họa
Không dễ học theo Trung Quốc
Trong khi ở những nước giàu, hệ thống y tế hoàn toàn có thể xét nghiệm và cách ly người có biểu hiện lâm sàng nhiễm bệnh thì điều này lại vô cùng khó khăn ở những nước nghèo như Congo. Thậm chí nếu Trung Quốc dám cách ly nhiều tỉnh bất chấp những thiệt hại kinh tế mà vẫn duy trì được trật tự xã hội và an ninh lương thực thì điều này hầu như bất khả thi tại nhiều nước Châu Phi.
Thậm chí tại Châu Âu, nhiều nước nhỏ cũng không có đủ phòng xét nghiệm để kiểm tra mẫu bệnh Covid-19 chứ chưa nói đến việc chuẩn bị cho một đại dịch.
Các chuyên gia cho biết với nguồn lực y tế hiện nay, việc xét nghiệm mẫu dịch sẽ sớm trở nên quá tải nếu bất kỳ một quốc gia nào bùng nổ đại dịch Covid-19 như đã diễn ra ở Trung Quốc. Các bác sĩ hiện chỉ có thể cách ly lâm sàng những người có biểu hiện ho sốt và từng đi qua các vùng dịch, trong khi việc xét nghiệm tốn nhiều ngày mới cho kết quả chính xác.
Việc quá tải sẽ khiến thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm ngày một lâu hơn và theo chuyên gia John Wick của bệnh viện Hennepin bang Minneapolis-Mỹ, đến thời điểm dịch bùng phát rộng thì các bác sĩ chỉ còn cách gom tất cả người có biểu hiện lâm sàng giống nhau vào một chỗ để cách ly điều trị bất kể người bệnh có phải dính Covid-19 thật hay không. Một số vùng của Trung Quốc đã phải thực hiện điều này khi không thể xét nghiệm hết được số lượng người nghi nhiễm quá đông.
Đối với những nước nghèo Châu Phi, họ hầu như chắc chắn sẽ áp dụng biện pháp cách ly chung ngay lập tức do thiếu cơ sở vật chất xét nghiệm khi Covid-19 bùng nổ.
Một điều đáng lo ngại nữa là do số người bị cách ly tăng quá nhanh nên chắc chắc sẽ thiếu giường bệnh. Việc để một người bệnh di chuyển tự do ngoài cơ sở cách ly là rất nguy hiểm khi Covid-19 lây lan rất nhanh. Tuy nhiên những nước nghèo lại chẳng có điều kiện làm điều đó. Họ cũng không thể bỏ mặc những bệnh nhân Ebola, mắc dịch tả hay sởi được.
Tồi tệ hơn, tại những nước nghèo như Uganda, tình hình vệ sinh cực kỳ kém khi các bệnh lan truyền qua đường muỗi hay ký sinh khá phổ biến. Chuyên gia Ian Clarke của một tổ chức từ thiện tư nhân tại đây cho biết dịch HIV cùng sự nghèo đói đã khiến sức khỏe cộng đồng tại Uganda rất tồi tệ. Nếu Covid-19 bùng nổ, tỷ lệ tử vọng của Uganda chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều.
Năm 2003, đại dịch Sars hầu như đã bỏ qua Châu Phi khi lây lan chính ở Châu Á, Mỹ, Canada và Châu Âu. Tuy nhiên với đại dịch Covid-19 cực kỳ dễ lây lần này, họ có thể sẽ không còn may mắn như lần trước.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon