Đường dây lừa đảo của Phó Đức Nam - Mr Pips có sự giúp sức từ hacker

    Thanh Hà,  

    Ngoài việc Phó Đức Nam - Mr Pips và Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter lên mạng xã hội "dạy" làm giàu, khoe khoang tiền, vàng, xe sang... nhằm thu hút, lôi kéo những người tham gia đầu tư, thì các đối tượng còn mua thông tin cá nhân của các nhà đầu tư từ nguồn hacker... để chào mời, dụ dỗ họ.


      Đường dây lừa đảo của Phó Đức Nam - Mr Pips có sự giúp sức từ hacker- Ảnh 1.

      Văn phòng làm việc của đường dây lừa đảo. Ảnh CACC

      Liên quan đến đường dây lừa đảo do Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips, SN 1994, trú tại phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (TikToker Mr Hunter, SN 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội - hiện đang bỏ trốn) điều hành, cơ quan chức năng làm rõ chiêu thức chào mời, lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân của các đối tượng.

      Cụ thể, theo một cán bộ điều tra Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), hai đối tượng Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ đã xây dựng hình cá nhân trên Facebook, Telegram, Zalo, TikTok… là nhà đầu tư chứng khoán quốc tế thành công, khoe rất nhiều tiền, vàng, nhà, xe, vàng bạc, đồng hồ đắt tiền… để thu hút nhà đầu tư tham gia.

      Khi các nạn nhân xem được các video này và muốn được giàu sang như Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ nên đã nhắn tin trực tiếp cho các đối tượng để được hướng dẫn đầu tư.

      Vẫn theo vị cán bộ điều tra, hai đối tượng này cũng tổ chức nhiều hội thảo hoành tráng và các khóa đào tạo đầu tư trực tuyến về phương kiếm tiền dễ dàng từ nhà đầu tư chứng khoán quốc tế, khiến cho các bị hại kích thích, sẵn sàng rót tiền vào tham gia.

      "Các đối tượng còn mua thông tin cá nhân như số điện thoại của những người có tiền từ nhiều nguồn, trong đó có hacker... sau đó gọi điện liên hệ, chào mời tham gia đầu tư, dẫn dụ họ nạp tiền" - vị cán bộ điều tra cho biết.

      Đường dây lừa đảo của Phó Đức Nam - Mr Pips có sự giúp sức từ hacker- Ảnh 2.

      Dàn xe sang bị thu giữ trong đường dây lừa đảo.

      Tránh cung cấp thông tin cá nhân tràn lan

      Theo cán bộ điều tra Công an quận Cầu Giấy, các thông tin của nạn nhân có thể bị lộ lọt qua việc để lại số điện thoại, nghề nghiệp... sau khi mua hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng xa xỉ, đắt tiền hay tham gia các sự kiện.

      Từ nguồn dữ liệu gồm các thông tin về nghề kinh doanh, công việc, thậm chí có bao nhiêu tiền..., các nhân viên sale sẽ sàng lọc, kết bạn và chuyển cho bộ phận "lùa gà" gọi điện quảng cáo, chào mời tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo.

      Do đây là các sàn giao dịch không được cấp phép tại Việt Nam, hoạt động bất hợp pháp và sử dụng phần mềm giao dịch giả mạo nên các đối tượng có thể thao túng kết quả. Cụ thể là được lập trình tỷ lệ sàn thắng cao hơn người tham gia đầu tư, dẫn đến việc càng đặt nhiều lệnh thì càng nhanh hết tiền.

      Thậm chí khi nhà đầu tư nào thắng muốn rút tiền ra thì các đối tượng sẽ lấy nhiều lý do để trì hoãn và yêu cầu phải nạp thêm tiền vào mới rút được nhằm chiếm đoạt thêm tiền của họ.

      Đường dây lừa đảo của Phó Đức Nam - Mr Pips có sự giúp sức từ hacker- Ảnh 3.

      Phó Đức Nam khi bị bắt giữ.

      Qua vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần tránh việc cung cấp thông tin cá nhân tràn lan cho nhiều nơi. Đồng thời cẩn trọng trước các lời mời đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán, ngoại hối quốc tế, bởi Việt Nam không cấp phép cho bất cứ sàn giao dịch chứng khoán quốc tế nào, kể cả đầu tư online.

      Người dân cũng tuyệt đối không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng để nạp tiền vào các trang web đầu tư ngoại hối, chứng khoán quốc tế nhằm tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

      Liên quan đến vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ (hiện đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế) và 29 bị can khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm”, “Rửa tiền”, "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

      Cơ quan điều tra xác định định 2.661 bị hại trên toàn quốc nạp tiền vào lần đầu với tổng số tiền gần 50 triệu USD. Đã tiếp nhận đơn trình báo của 18 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng.

      Đến nay, cơ quan điều tra thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỷ đồng. Trong đó, 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 59 đồng hồ phiên bản giới hạn trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 7 mô tô hạng sang; 84 trang sức vàng , khảm kim cương; phong toả 125 bất động sản.

      Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội yêu cầu những người liên quan đến hành vi phạm tội của các sàn giao dịch, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

      Đồng thời đề nghị những người là bị hại trong vụ lừa đảo trên các trang web, sàn giao dịch... trình báo với Phòng CSHS Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc để được hướng dẫn giải quyết.

      Hoặc các bị hại có thể liên hệ Phòng CSHS Công an TP Hà Nội theo địa chỉ số 90 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đường dây nóng 0886.882.338, hoặc đồng chí Bùi Quang Tùng - điều tra viên, điện thoại 0989.651.412.

      Tin cùng chuyên mục
      Xem theo ngày

      NỔI BẬT TRANG CHỦ