Đừng quá kỳ vọng vào smartphone màn hình cong
Một công nghệ mới sẽ cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện, màn hình cong của Samsung cũng nên như thế.
Ngày hôm qua, Samsung đã gây ra tiếng vang lớn trong làng công nghệ bằng việc cho ra mắt Galaxy Round, điện thoại sở hữu màn hình cong đầu tiên trên thế giới. Trong quá khứ hãng này đã phát hành Galaxy Nexus với màn hình hơi cong nhưng Galaxy Round mới thực sự là cái tên khiến người dùng chú ý với tư cách là smartphone đầu tiên trên thị trường sở hữu màn hình AMOLED dẻo. Với thiết kế đặc biệt hơi cong ở trục giữa màn hình, hãng điện thoại Hàn Quốc đã mạnh miệng tuyên bố đây là điện thoại sở hữu màn hình dẻo đầu tiên trên thế giới.
Quảng cáo là chủ yếu
Lời tuyên bố trên sẽ khiến nhiều người hiểu lầm khi nghĩ rằng smartphone màn hình dẻo có khả năng uốn dẻo và thay đổi thành nhiều hình dạng theo ý người dùng như trong những bộ phim viễn tưởng. Với trình độ công nghệ như hiện nay chúng ta sẽ phải chờ rất lâu nữa để thấy kiểu điện thoại như thế bước ra từ phim ảnh. Trên thực tế, Samsung đã dựa vào sự mập mờ này để tạo nên một công cụ quảng bá hình ảnh khá hiệu quả về sức mạnh phần cứng của mình. Ít nhất, họ đã là nhà sản xuất đầu tiên đưa ra một công nghệ chưa xuất hiện trên thế giới, công nghệ mà nhiều người có thể coi là đột phá.
Khoe là chính
Một công nghệ mới ra đời không đồng nghĩa rằng công nghệ đó có ích. Nhắm mắt kể tên chúng ta dễ dàng kể ra được vài tính năng nghe thì rất hấp dẫn nhưng lại chưa thực sự hữu dụng trên smartphone. Màn hình cong chẳng phải là ngoại lệ và những gì Samsung ra sức quảng cáo cho Galaxy Round hoàn toàn chưa đủ sức cuốn hút với người dùng. Có thể kể đến như màn hình cong giúp Galaxy Round ôm sát mặt người dùng hơn trong các thao tác nghe gọi hoặc cầm máy mặc dù chúng ta chẳng hề cảm thấy phiền phức vì cách nghe gọi hiện nay. Có chăng chỉ là bất tiện về kích thước ở một số dòng phablet nhưng Galaxy Round với kích thước màn hình 5 inch vẫn chưa tìm được lời giải thích hợp. Vấn đề cầm nắm cũng sẽ được giải quyết dễ dàng bằng một smartphone sở hữu mặt lưng cong như HTC One thay vì phải cậy nhờ tới công nghệ của Samsung.
Thêm vào đó, các tính năng phần mềm của Galaxy Round vẫn chưa mang lại những nét độc đáo vì chúng ta "thừa sức" tìm thấy chúng trên một chiếc điện thoại đang có trên thị trường. Nếu như Galaxy Round có “Roll Effect” cho phép người dùng nghiêng điện thoại để kích hoạt màn hình hiển thị thông tin ngày, giờ, cuộc gọi nhỡ và dung lượng pin thì Moto X của Motorola cũng ở hữu chức năng tương tự không hề kém cạnh. Trong khi đó, chức năng Bounce UX để chơi nhạc bằng cách chạm vào cạnh của Galaxy Round hay Gravity Effect dành để tương tác với màn hình khi nghiêng máy thì còn quá mơ hồ đối với người dùng phổ thông.
Không những không đem đến các tác dụng đáng kể cho người sử dụng, màn hình cong lại vô tình gây ra hiệu ứng ngược cho smartphone mới nhất của Samsung khi khiến smartphone này trở nên "cồng kềnh" hơn. Vào lúc các nhà sản xuất đua nhau tung ra những điện thoại siêu mỏng, siêu nhẹ thì Galaxy Round lại đi ngược lại xu hướng bằng cố gắng tạo nét độc đáo nhờ màn hình cong vô tình làm ảnh hưởng kích thước. Có thể màn hình cong sẽ giúp thao tác đút máy vào túi quần dễ dàng hơn nhưng điều đó có đủ để khiến bạn bỏ ra 1.000 USD cho Galaxy Round nếu không có quá nhiều tiền?
Không phải ngẫu nhiên mà công nghệ màn hình dẻo được tôn vinh như xu hướng đúng đắn của thời đại. Công nghệ này vẫn có những ưu điểm mà màn hình thông thường không có được. Điều đáng tiếc là Samsung chưa thể hiện thực hóa chúng thành những lợi ích rõ ràng tác động trực tiếp đến trải nghiệm người dùng hoặc do mức giá để có được những hiệu quả đó là quá xa xỉ.
Chẳng hạn như, việc "dẻo hóa" sẽ giúp màn hình smartphone sẽ khó bị nứt vỡ hơn qua đó giúp giảm thiểu chi phí sửa chữa một khi xảy ra va chạm, rơi vỡ. Mặt khác, do mang đặc tính siêu mỏng nên màn hình dẻo cũng giúp cho điện thoại trở nên nhẹ hơn, mỏng hơn giúp các nhà sản xuất có thêm nhiều cơ hội nhồi nhét những viên pin dung lượng lớn hơn nhằm tăng thời lượng sử dụng cho người dùng. Sử dụng màn hình dẻo, các nhà sản xuất cũng có thể thoải mái sáng tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ đặc sắc hơn thay vì bị gò bó vào thiết kế khung chữ nhật truyền thống.
Nhìn chung, Galaxy Round giống như một công cụ marketing của hãng điện thoại Hàn Quốc thay vì smartphone mà người dùng cảm thấy cần thiết.
Tạm kết
Cũng khó có thể trách được Samsung bởi lẽ trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như di động thì các hãng luôn phải cố gắng tạo ra nhiều tính năng và thiết kế để tạo sự khác biệt với các sản phẩm khác trên thị trường như Nokia với camera PureView 41 megapixel, LG với G2 sở hữu nút bấm cứng ở mặt sau hay những chiếc Xperia có thể chống được bụi bẩn và nước. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại công nghệ của Samsung vẫn còn quá mới và chưa tạo được những đột phá về trải nghiệm người dùng. Mặc dù vậy, Galaxy Round cũng đã góp công tạo được bước chạy đà cần thiết để thế giới công nghệ bước vào một xu hướng mới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon