Đợt tái cấu trúc lịch sử của Google có nguy cơ trở thành tai họa

    PV,  

    Alphabet ra đời có thể tạo ra cơn đau đầu khác cho nhà sáng lập Larry Page.

    Larry Page đang nỗ lực giải thoát chính mình khỏi "cơn đau đầu" trong vấn đề quản trị. Tuy nhiên, việc cải tổ lại toàn bộ bộ máy tổ chức của công ty lần này có lẽ lại khiến Page rơi vào một "cơn đau đầu" khác.

    Ít nhất, có 2 lý do cần phải lo lắng về tương lai Google:

    1. Page làm suy yếu quyền lực của mảng kinh doanh cốt lõi nhất.

    2. Page tạo một môi trường mới châm ngòi cho cuộc nội chiến giữa các CEO của công ty con.

    Như đã đưa tin, Google mới tuyên bố thông tin chấn động khi thành lập công ty mới được gọi là Alphabet và Google chỉ là 1 trong 6 nhánh con của công ty mẹ này. Các chuyên gia phân tích thì thích thú với động thái này. Các nhà đầu tư cũng tỏ ra đồng tình và kết quả là cổ phiếu của hãng đã tăng 4%.

    Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề có thể thấy 2 lo lắng hiện hữu trước thay đổi mang tính bước ngoặt lần này của Google:

    Mảng kinh doanh cốt lõi của Google đã suy giảm quyền lực

    Dù thay đổi tên doanh nghiệp dường như chỉ là những biến chuyển bề nổi nhưng thực tế nó lại có tác động vô cùng mạnh mẽ. Dường như Page đang muốn tuyên bố với toàn công ty rằng một số thứ đang thay đổi nhưng thông điệp này lại không được truyền tải theo cách mà Page mong đợi.

    Bằng việc biến Google thành con của Alphabet, Page đã “giáng cấp” mảng kinh doanh quan trọng nhất của toàn công ty. Những gì thuộc về Google chỉ còn lại là YouTube, Android, Gmail và Google Maps.

    Có lẽ Larry Page chỉ muốn nói với toàn thể công ty rằng mình không còn thích thú với những mảng kinh doanh này nữa. Nếu bạn là nhân viên của Google, xin thứ lỗi, ông chủ của bạn đang hứng thú với những dự án lớn hơn.

    Thế còn nếu đang là kỹ sư tại Alphabet và có cơ hội chuyển sang mảng kinh doanh khác, bạn muốn ở lại Google hay nhảy qua làm cho dự án “ngầu” hơn mà ông chủ của mình đang rất thích thú?

    Nội chiến vì cái tôi

    Sundar Pichai Google

    Sundar Pichai, tân CEO Google.

    Một vài chuyên gia so sánh động thái tái cấu trúc toàn bộ công ty lần này của Google giống như tập đoàn Berkshire Hathaway – một tổ chức hỗn hợp của những công ty và khoản đầu tư độc lập.

    Trong tuyên bố thành lập Alphabet, Page nói: “Nhìn chung, mô hình của chúng tôi sẽ được điều hành bởi những CEO tài năng nhưng Sergey và tôi sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi họ cần”.

    Tuy nhiên, thực tế có một khác biệt vô cùng lớn giữa Alphabet và Berkshire.

    Tại Berkshire – các doanh nghiệp con thật sự độc lập. Tỷ phú Buffett sử dụng số tiền ông kiếm được từ mảng kinh doanh bảo hiểm để dành cho quỹ mua bán & sáp nhập các công ty có thể sinh lợi mà theo ông có thể “tồn tại 100 năm’. Điển hình mới nhất là vào thứ Hai vừa rồi, Berkshire Hathaway đã dành 37 tỷ USD để mua một công ty trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

    Trong khi đó, Alphabet sẽ dùng số tiền mà Google kiếm được và sau đó chi tiêu vào những dự án không lợi nhuận khác như xe tự lái, vận tải bằng máy bay không người lái, hay khinh khí cầu có internet… Như vậy, Google vẫn sẽ là nhân tố quan trọng với nhiều công ty con thuộc Alphabet, bằng cách này hay cách khác. Một ví dụ đơn giản là xe tự lái của Google chẳng thể sống thiếu Google Maps.

    Trong bức thư giải thích về việc thành lập Alphabet, Page nói: “Chúng tôi sẽ nghiêm khắc trong việc xử lý việc cấp nguồn vốn và sẽ đảm bảo mỗi doanh nghiệp con chấp hành tốt quy định”.

    Điều này có nghĩa là Page và Brin sẽ quyết định người nào sẽ được cấp bao nhiêu tiền để làm cái gì. Như vậy, sẽ ra sao nếu Tony Fadell – người phụ trách Nest muốn được cấp nhiều tiền hơn để mở rộng kinh doanh nhưng Pichai lại nghĩ rằng Fadell không nên làm điều đó?

    Bản thân Page luôn muốn những người này trở thành các CEO độc lập. Tuy nhiên cuối cùng tất cả họ đều đang làm việc cho Page, bất kể dự án nào của họ cũng cần có sự thông qua của Page.

    Như vậy, Page sẽ là người chịu trách nhiệm giải quyết thỏa đáng cho cái tôi của mỗi người trong số họ. Nếu không xử lý khéo, rất có thể xảy ra tai họa.

    Page từng nói bản thân thấy mệt mỏi vì các cuộc họp và việc quản lý. Alphabet ra đời có thể giúp anh tránh được những công việc nhàm chán như vậy, nhưng hiện tại anh đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều: đó là thỏa thuận với 6 cái tôi mà anh vừa quyết định trao quyền cho họ.

    Theo Cafebiz/ Trí thức trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày