Đôi vợ chồng khởi nghiệp với 2 chiếc laptop, giờ làm chủ văn phòng kiến trúc với triết lý thiết kế nội tâm độc đáo
(Tổ Quốc) - “Chủ nhà tìm đến bọn mình thường là những người lãng mạn, phóng khoáng, yêu thiên nhiên, gió, ánh sáng đồng thời họ cũng rất thông minh, tôn trọng tư duy logic và cầu thị”.
Cuộc sống càng hiện đại, con người càng có xu hướng quay về với thế giới nội tâm, quay về với thiên nhiên và tìm lại bình yên từ những thứ giản dị quanh mình. Vai trò của không gian sống theo đó mà quan trọng hơn, không đơn thuần là nơi sinh hoạt, ăn - ngủ - nghỉ mà còn là nơi an trú thảnh thơi cho tâm hồn.
Đây cũng chính là mục tiêu cuối cùng mà vợ chồng KTS Nguyễn Minh Thủy - Trịnh Hải Long - founder Kiến trúc Nhà của Gió luôn hướng tới. Với phong cách thiết kế của mình, cặp đôi đem đến cảm giác bình yên ngay cả khi chỉ xem qua ảnh, chưa cần phải trực tiếp ghé thăm hay ở trong căn nhà.
Cùng trò chuyện để hiểu thêm về khái niệm kiến trúc bình yên và quan điểm làm nghề của cặp đôi KTS này nhé!
KTS NGUYỄN MINH THUỶ - KTS TRỊNH HẢI LONG
Cùng tốt nghiệp khoa Kiến trúc và Quy hoạch - ĐH Xây dựng Hà Nội
Founder Kiến trúc Nhà của Gió
Đạt nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế.
Một số công trình nổi bật: Nhà của Mẹ, Nhà của Gió, Tree of life, Dream house,...
Xây xong nhà 2 năm, gia chủ phát sinh nhu cầu mua kệ để dàn karaoke hay thêm cây trồng cũng gọi KTS
Chào anh Long và chị Thủy,
Nếu mô tả phong cách thiết kế của mình trong 3 từ, anh chị sẽ dùng những từ nào?
KTS Nguyễn Minh Thủy: Đó là gió, tình cảm và bình yên.
Chữ “gió” đối với bọn mình bao hàm nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, gió là một yếu tố quan trọng khi xử lý khí hậu cho ngôi nhà ở miền nhiệt đới nên chữ “gió” để ám chỉ sự khoa học, logic trong thiết kế. Xử lý ánh sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên, cây xanh, mặt nước,.. và các yếu tố kiến trúc xanh khác cũng là điều mà bọn mình luôn đặt lên hàng đầu trong các thiết kế. Gió còn đại diện cho tự do, phóng khoáng, trong cách suy nghĩ và quan điểm trải nghiệm cuộc sống.
Yếu tố thứ 2 là tình cảm hay là câu chuyện riêng của mỗi ngôi nhà. Câu chuyện riêng có thể đến từ những góc lãng mạn, tĩnh tại, riêng tư của không gian; đến từ thói quen, sở thích của chủ nhà như nấu ăn, chơi nhạc, đọc sách, vẽ tranh,… hoặc đôi khi đến từ những ký ức, kỷ niệm đáng nhớ của gia đình. Bởi vì mỗi ngôi nhà đều có câu chuyện riêng nên gia chủ sẽ có cảm giác ngôi nhà được “may đo” cho người sống trong đó, là nơi gần gũi và thân thương nhất cho từng thành viên. Cũng chính vì vậy mà mỗi ngôi nhà bọn mình làm ra đều là độc bản, chưa có chiếc nào giống chiếc nào.
Đủ cả hai yếu tố “gió” và tình cảm tạo nên bình yên, là khái niệm kiến trúc mà vợ chồng mình hướng tới.
Có cảm giác thiết kế của Nhà của Gió là dành cho người hướng nội?
KTS Trịnh Hải Long: Thực ra người hướng nội hay hướng ngoại thì đều muốn ngôi nhà là nơi an trú, vỗ về, được trở lại yên ổn là chính mình sau một ngày dài làm việc. Do đó khi thiết kế mình không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất mà còn chú ý đến sức khỏe tinh thần của người sử dụng. Cũng có thể nói những thiết kế của Nhà của Gió dành cho người hướng nội, chính xác hơn là phần hướng nội bên trong mỗi người.
Công trình Tree of Life - Cây sự sống
Anh chị đã bao giờ gặp trường hợp khách hàng muốn thay đổi điều gì đó sau khi nhận nhà một thời gian chưa? Nếu có, anh chị giải quyết thế nào?
KTS Nguyễn Minh Thủy: Việc đó khá tự nhiên vì ngôi nhà là một thực thể động chứ không phải tĩnh. Khi thiết kế bọn mình luôn coi trọng tính linh hoạt của không gian và chừa lại các khoảng thở để người sử dụng có thể thêm dấu ấn cá nhân của mình vào.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, có nhiều công năng mà cả người thiết kế và chủ nhà đều không lường trước được. Ví dụ, bọn mình từng làm một ngôi nhà mà khi gia đình về ở khoảng 2 năm thì họ gọi cho mình và hỏi xem có nên thay kệ tivi to hơn không. Nguyên nhân là bạn bè, họ hàng thích ngôi nhà và sang chơi rất nhiều nên gia đình phát sinh một nhu cầu đều đặn là hát karaoke. Có chủ nhà lại hỏi ý kiến về việc có nên trồng thêm cây này cây kia không.
Bên cạnh đó, bọn mình đã trút cả trái tim vào mỗi công trình nên luôn rất vui nếu nhận được những câu hỏi như vậy. Đó là cơ hội để bọn mình có cơ hội mang đến những tư vấn tận tình nhất, cùng với chủ nhà giúp ngôi nhà đẹp bền vững và phát triển hợp lý trong thời gian dài.
Khách hàng chọn KTS là bình thường nhưng có tình huống nào KTS chọn ngược lại khách hàng không? Chẳng hạn anh chị sẽ từ chối khách hàng vì lý do gì?
KTS Nguyễn Minh Thủy: Đúng là thông thường chủ nhà sẽ chủ động đi tìm KTS vì họ muốn tìm sự đồng điệu và gửi gắm ngôi nhà cho người phù hợp.
Thế nhưng trong thời gian đầu gặp gỡ và trao đổi, nếu mình thấy những điều mà họ mong muốn, kỳ vọng không phải sở trường và triết lý của bọn mình thì mình sẽ tư vấn và chia sẻ chân thành, khuyên chủ nhà tìm đơn vị khác phù hợp hơn. Bởi lẽ trong tình huống đó, miễn cưỡng làm việc tiếp với nhau sẽ không phải lựa chọn tốt nhất cho ngôi nhà.
Hoặc cũng có trường hợp, mọi quan điểm của kiến trúc sư và chủ nhà đều đồng điệu nhưng bọn mình cũng phải từ chối khi số lượng công trình đã đạt giới hạn. Vì công việc thiết kế cần nhiều thời gian và sự sáng tạo nên số công trình vợ chồng mình có thể làm được mỗi năm không nhiều. Quan điểm của bọn mình cũng rất rõ ràng, chỉ nhận lượng công trình giới hạn để đảm bảo được chất lượng và hàm lượng sáng tạo trong thiết kế.
Nhà của Mẹ
Nguyên tắc nghề nghiệp nào mà vợ chồng chị sẽ không thay đổi, trước đây bây giờ và cả sau này?
KTS Trịnh Hải Long: Bọn mình làm vì niềm hạnh phúc khi được vẽ những ngôi nhà. Do đó, nguyên tắc đầu tiên là phải cảm thấy mình được hạnh phúc mỗi khi nhận một công việc.
Ngoài ra, như Thủy nói ở trên, quá trình sáng tác cần rất nhiều thời gian nên bọn mình không thể nhận được nhiều việc. Nhưng mỗi việc mà bọn mình nhận đều dành hết tâm huyết cho nó và hy vọng ngôi nhà sẽ trở thành nơi an trú cho người sống bên trong. Do đó mình sẽ tham gia vào những ngôi nhà mà chủ nhà và KTS cùng hướng đến những mục tiêu chung và mục tiêu đầu tiên cũng là quan điểm về không gian sống, phong cách sống. Sau đó, gu thẩm mỹ, sở thích và những tiêu chí mà khách hàng đặt ra cũng rất quan trọng và là yếu tố cốt lõi.
Trong xu hướng hiện tại, ngày càng nhiều đơn vị thiết kế hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp. Nhà của Gió thì sao?
KTS Nguyễn Minh Thủy: Vợ chồng mình không phân biệt khách hàng dựa trên số tiền họ có, mà dựa trên quan điểm về không gian sống, cách tận hưởng cuộc sống, mong muốn và sở thích của chủ nhà. Khách hàng của bọn mình thường là những người lãng mạn, phóng khoáng, yêu thiên nhiên, gió, ánh sáng đồng thời họ cũng rất thông minh, tôn trọng tư duy logic và cầu thị.
Dream house - Ngôi nhà mơ ước
Bạn thân trở thành vợ chồng, cộng sự: Sự bổ khuyết hoàn hảo trong sự nghiệp, tình yêu và các thiết kế
Được biết anh chị chuyển từ Hà Nội để về Hải Phòng sinh sống, quyết định này có cần nhiều thời gian cân nhắc không? Và tại sao lại là Hải Phòng mà không phải ở đâu khác?
KTS Trịnh Hải Long:Thực ra, bọn mình không cần cân nhắc quá lâu với quyết định này. Bởi cả hai đều tin rằng nếu giữ được niềm yêu nghề, làm việc chăm chỉ và tử tế thì ở đâu cũng sống được.
Còn về lý do chọn Hải Phòng thì quan trọng nhất là vợ mình thích biển. Cô ấy là người gốc Hà Nội, thích "xem một cuốn truyện hay, tiếng chim hót đầu ngày và yêu biển vắng". Hơn nữa, đặc trưng công việc của bọn mình, ngoài yếu tố kỹ thuật còn là sáng tạo nữa nên muốn chọn một nơi có nhiều khoảng thở, có nắng gió, không gian và thiên nhiên rộng lớn.
Cuối cùng, việc di chuyển giữa Hà Nội và Hải Phòng bây giờ tương đối dễ dàng, bọn mình cũng không gặp khó khăn gì trong việc vận hành các văn phòng.
Sau khi về Hải Phòng anh chị cũng làm một căn nhà cho gia đình mình. Làm nhà cho mình và cho khách hàng có khác biệt thế nào?
KTS Trịnh Hải Long: Như bọn mình đã chia sẻ, các khách hàng tìm đến bọn mình đều có sự đồng điệu. Vì vậy các ngôi nhà đều có giá trị cốt lõi chung là sự lãng mạn, bình yên, ngăn nắp, phóng khoáng, mạch lạc, trong sáng của không gian; là gió, ánh sáng tự nhiên và cây xanh, mặt nước tối đa.
Bọn mình là KTS nhưng cũng chỉ là hai người rất bình thường, thích làm những điều nhỏ nhoi và chăm sóc gia đình. Bởi vậy mà những ngôi nhà bọn mình làm cũng muốn mang đến cảm giác dễ chịu, lãng mạn cho các thành viên sống trong đó nên đôi khi làm nhà cho khách hàng nhưng cảm giác giống như đang làm nhà cho chính mình vậy.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình có đặc điểm, thói quen sinh hoạt, sở thích, kỷ niệm khác nhau và chính điều đó sẽ tạo nên câu chuyện, cảm xúc riêng cho mỗi ngôi nhà.
Công trình Nhà của Gió, cũng là căn nhà của cặp đôi KTS
Từ một người làm nghề đơn thuần đến làm chủ, cái khó mà anh chị gặp phải là gì?
KTS Trịnh Hải Long:Thực ra vợ chồng mình chưa bao giờ nghĩ là làm chủ cả. Bọn mình bắt đầu vỏn vẹn là một nhóm thiết kế gồm 2 người với 2 chiếc laptop. Thời gian trôi đi, có lẽ những người có cùng tần số sẽ hút nhau nên các anh em gia nhập với bọn mình ngày càng đông hơn. Giờ đây, dù đã có 2 văn phòng ở Hà Nội và Hải Phòng nhưng bọn mình vẫn có cảm giác mọi thứ không thay đổi mấy. Bọn mình vẫn là những đồng nghiệp của nhau, cùng nỗ lực vì đam mê và một mục tiêu chung.
Là vợ chồng và làm việc cùng nhau thì sẽ có những ưu điểm gì?
KTS Nguyễn Minh Thủy: Ưu điểm lớn nhất của việc này là cảm giác đồng hành, luôn có người thấu hiểu và sẻ chia, nâng đỡ nhau trong công việc.
Còn một bí mật nữa, trước đây khi còn đi học thì bọn mình là bạn thân nên rất dễ nói chuyện. Lúc làm việc cùng nhau, bọn mình có sự hiểu biết về thế mạnh của mỗi người, sự bổ khuyết cho nhau và rất lắng nghe đối phương. Chúng ta còn có thể tìm được ở đâu một cộng sự tốt hơn như thế cơ chứ?
Vậy anh chị có rạch ròi câu chuyện ở nhà và ở văn phòng không hay đến tận lúc đi ngủ vẫn nói chuyện bản vẽ?
KTS Nguyễn Minh Thuỷ: Hàng ngày bọn mình nói chuyện với nhau rất nhiều và không có quan điểm cần rạch ròi giữa công việc và cuộc sống. Có đôi khi đang làm việc, bọn mình sẽ nảy ra một ý tưởng trải nghiệm mới cho cuộc sống và ngược lại, những ý tưởng công trình sẽ đến vào đêm muộn. Vì bọn mình yêu cả gia đình và công việc nên cũng không hề thấy phiền hà khi một nguồn cảm hứng bất chợt tràn đến.
Bên nhau từ khi đi học rồi cùng nhau làm việc, cùng nhau về 1 thành phố nhỏ hơn để sống,... chặng đường của anh chị quá bình yên?
KTS Trịnh Hải Long: Mình nghĩ cuộc sống bình yên không phải là một con đường bằng phẳng. Bình yên là sự an tâm rằng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, chúng ta sẽ luôn đồng hành cùng nhau.
Cảm ơn anh chị vì những chia sẻ!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon