Đổi mới phương pháp giảng dạy từ ứng dụng AI
Giữa bối cảnh còn nhiều tranh cãi về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, nhiều trường đại học đã áp dụng phương pháp dạy học mới bằng cách ứng dụng AI để thiết kế lại chương trình giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng học tập của sinh viên phù hợp với sự phát triển của công nghệ số hiện nay.
- Dùng Galaxy AI trên Galaxy S24, liệu tôi có phải chấp nhận đánh đổi quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân? Sếp Samsung đưa ra câu trả lời
- "Galaxy AI trên Galaxy S24 chỉ là sự khởi đầu": Sếp lớn Samsung chia sẻ tầm nhìn vĩ đại về AI trên chiếc smartphone tương lai
- Hợp tác với Google để xây dựng Galaxy AI trên Galaxy S24, Samsung xoay sở ra sao tại Trung Quốc khi Google bị "cấm cửa"?
- Apple âm thầm chi hàng triệu USD mỗi ngày cho AI, tham vọng vận hành trí tuệ nhân tạo thông qua iPhone
Nâng cao chất lượng dạy và học nhờ AI
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là xu hướng mới của các trường đại học trên thế giới khi vai trò AI ngày càng trở nên phổ biến trong hoạt động đời sống hàng ngày.
Nghiên cứu từ các trường đại học (ĐH) hàng đầu thế giới như Harvard, MIT và Wharton chỉ ra rằng, người sử dụng AI thường hoàn thành nhiều công việc hơn (+12,2%), nhanh hơn (+25,1%) với chất lượng cao hơn (+40%). Theo đó, khi các hệ thống AI tiên tiến như ChatGPT ngày càng trở nên phổ biến, lãnh đạo các trường ĐH trên khắp thế giới phải đưa ra những quyết định phức tạp để có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ này, đồng thời duy trì tính liêm chính trong học thuật.
Lấy ví dụ từ ĐH RMIT, thay vì cấm sử dụng AI, nhà trường cam kết đánh giá nghiêm túc và đón nhận những lợi ích giáo dục tiềm năng của công nghệ này. Giáo sư Sherman Young, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Giáo dục) tại RMIT cho biết: “AI sẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và công việc tương lai của con người. Chúng ta cần dạy sinh viên cách sử dụng AI với tư duy phản biện, có đạo đức và phù hợp với mục đích, hoàn cảnh, giống như cách chúng ta vẫn dạy họ sử dụng các công nghệ khác để làm việc hiệu quả và năng suất hơn như bấy lâu nay”.
Theo đó, trường đã hợp tác với Microsoft phát triển công cụ AI dành riêng cho nội bộ RMIT mang tên Val (viết tắt của Virtual Assistant for Learning - Trợ lý ảo cho học tập). Hiện công cụ này dành cho cán bộ giảng viên sử dụng trong công việc, nghiên cứu, học tập và giảng dạy liên quan đến RMIT như sử dụng rộng rãi công cụ AI tạo sinh để thiết kế mạch truyện và phép loại suy nhằm giải thích các khái niệm trong bài giảng cũng như sáng tạo ra các ví dụ, tình huống và hoạt động cho lớp học.
Kết hợp AI với game hóa cũng có thể hỗ trợ tăng cường sự tham gia của người học. Thí điểm mới đây của Tiến sĩ Santiago Velasquez, Phó chủ nhiệm Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh RMIT Việt Nam, đã sử dụng AI để tạo ra các nhân vật đại diện hư cấu, có đầy đủ chi tiết và tính tương tác để sinh viên có thể nhập vai trong những bài tập tư duy thiết kế. Tiến sĩ Santiago Velasquez đánh giá rằng, tính chân thực cao khi tương tác với AI sẽ cải thiện sự hưởng ứng và kết quả học tập của sinh viên, cho phép họ thực hiện nghiên cứu chất lượng cao hơn so với các hoạt động nhập vai truyền thống.
Tương tự, nhiều năm qua, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và mới đây là Trường ĐH Fulbright Việt Nam cũng nghiên cứu ứng dụng AI trong giảng dạy, thông qua việc hợp tác với hai Tiến sĩ người Việt đang làm việc tại thung lũng Silicon (Mỹ) là Tiến sĩ Vũ Duy Thức và Tiến sĩ Lương Minh Thắng.
Theo Tiến sĩ Vũ Duy Thức, các chương trình giáo dục ở các nước chuyển từ "đánh giá kết quả sang đánh giá cách đạt được kết quả” là một trong những thay đổi căn bản về cách giảng dạy trong bối cảnh lên ngôi của AI. Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, việc ứng dụng AI trong giảng dạy đã được áp dụng từ năm 2018 theo chương trình của ĐH Stanford và Google, được biên soạn lại cho phù hợp với Việt Nam. Cụ thể, chương trình được xây dựng thành một chuỗi, phân ra nhiều cấp độ cho người học, từ xuất phát điểm chưa biết gì về AI đến trình độ cơ bản và nâng cao.
Nội dung các khóa hướng đến giúp người học, dù từ bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể ứng dụng AI trong công việc và đời sống. Đến nay, Tiến sĩ Vũ Duy Thức đã dạy được trên 40 khóa, tổng cộng khoảng 2.000 học viên.
Không chỉ các trường ĐH, một số trường THPT tại TP Hồ Chí Minh cũng đưa công nghệ AI trong thiết kế giảng dạy; chẳng hạn như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho thí điểm ứng dụng AI trong dạy toán. Theo đó, học sinh lớp chuyên của trường được tìm hiểu các mô hình toán, hiểu các giải thuật AI, lập trình ứng dụng các giải thuật này vào giải quyết những vấn đề cụ thể…
Tạo điều kiện khai thác sức mạnh AI trong giáo dục
Theo các chuyên gia công nghệ, gần như ở mọi lĩnh vực đều sẽ có các công cụ mà AI hỗ trợ cho công việc hiệu quả hơn. Thế mạnh của AI nằm ở khả năng tìm kiếm, tổng hợp, phân tích thông tin, hình ảnh, dữ liệu... cũng như đem đến những ý tưởng mới. Trong giáo dục cũng vậy, AI hỗ trợ rất tốt trong công tác khảo thí, thiết kế bài giảng, bài kiểm tra đánh giá và tư vấn cho sinh viên.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên, giảng viên trăn trở và lo ngại, nếu sử dụng AI trong giáo dục liệu có công bằng hay không và làm thế nào để quản lý, đánh giá được việc học sinh, sinh viên có gian lận khi sử dụng AI trong học tập và thi cử. Trước đó, trong cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và giáo viên cả nước trước năm học 2023 - 2024 đã ghi nhận, trên một góc độ nào đó, AI đang làm "đảo lộn" các khía cạnh trong giảng dạy, cho điểm, đánh giá... và hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Trong khi đó, ông Doãn Trung Tùng, giảng viên Công nghệ thông tin tại Greenwich Việt Nam cho rằng, bên cạnh những ưu điểm nổi bật, ChatGPT vẫn có nhiều hạn chế trong việc xác thực thông tin. Điều này bắt buộc người học chỉ nên tham khảo để sàng lọc thông tin, thay vì phụ thuộc 100% vào công cụ. Thêm nữa, ChatGPT cũng có thể sẽ tạo nên tâm lý thụ động, lười tư duy, ỷ lại, đạo văn cho sinh viên.
Về vấn đề này, chuyên gia thiết kế học tập Kirsten Black tại Phân viện Thiết kế và Bối cảnh xã hội RMIT Australia cho biết, bà đã thiết kế một số công cụ AI cho một số nhiệm vụ cụ thể trong bài đánh giá học tập, để có thể phân biệt rõ đâu là đầu việc do AI hay con người hoàn tất. Đây là cách để các sinh viên, giáo viên, giảng viên, chuyên gia sử dụng AI một cách minh bạch và công bằng trong giáo dục; đồng thời, xem AI như một cộng tác viên và đồng nghiệp để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Cụ thể, sinh viên có thể sử dụng ChatGPT hoặc một công cụ tương tự để tìm hiểu thêm kiến thức, lý thuyết đã được dạy, từ đó có thể tổng hợp và phân tích dữ liệu học tập. Tuy nhiên, theo ông Phil Sambati, Quản lý Học tập kỹ thuật số tại Khoa Tiếng anh và Chuyển tiếp Đại học RMIT Việt Nam, những ứng dụng trên mới chỉ là khởi đầu. Trên thực tế, phân tích dữ liệu dựa trên AI có thể giúp xác định những đối tượng người học đang gặp khó khăn và kích hoạt biện pháp can thiệp có chủ đích, chẳng hạn như cung cấp hỗ trợ thêm cho người học. Ngoài ra, AI có thể đem đến các mô hình và hiểu biết sâu sắc để tạo khuôn khổ cho việc thiết kế và cải thiện môn học cũng như bài kiểm tra đánh giá.
Ngoài ra, theo các chuyên gia công nghệ số, AI còn tạo ra các khóa học hợp lý để đẩy nhanh quá trình giảng dạy và giảm chi phí. Theo đó, giáo viên thay đổi các khóa học của họ bằng cách đánh giá nhu cầu cụ thể của mỗi học sinh để giải quyết những lỗ hổng kiến thức phổ biến. Điều này cho phép, giáo viên phát triển các chương trình học tập tốt nhất cho tất cả học sinh, thậm chí có thể cá nhân hóa trong giáo dục để giúp học sinh đạt được hiệu quả cao nhất. Mặt khác, AI còn giúp giáo viên có thể biết những lỗ hổng trong tài liệu giáo dục và bài giảng của họ, thậm chí có thể trợ giảng thông minh…
"Chúng ta đang ở giai đoạn sơ khai của một công nghệ hoàn toàn mới, có khả năng thay đổi thế giới. Công nghệ này sẽ định hình tương lai của con người và thay đổi thế giới theo cách mà chúng ta chưa tài nào hiểu được hết. Tuy nhiên, chúng ta có quyền định đoạt cách những thay đổi này sẽ diễn ra và thế giới mới mà nó có thể dẫn đến. Bước đầu tiên là phải tương tác với AI một cách có trách nhiệm nhằm tận dụng những ứng dụng tốt nhất của nó”, ông Nick McIntosh, chuyên gia đổi mới học tập tại RMIT Việt Nam nhận xét.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng