Độc lạ bàn phím cơ vô cực của Google Nhật Bản: Từ trò đùa Cá Tháng Tư trở thành sự thật

    Nguyễn Hải,  

    Việc tạo ra các bàn phím kỳ dị đã là một truyền thống có từ nhiều năm nay của Google Nhật Bản.

    Người Nhật luôn biết cách làm người khác bất ngờ về khả năng sáng tạo phá vỡ các quy tắc truyền thống của mình khi đưa ra các thiết kế chưa từng thấy của những sản phẩm thông thường.

    Mới đây nhất Google Nhật Bản đã giới thiệu một loại bàn phím máy tính hoàn toàn mới, với tên gọi Gboard kép, hay còn gọi là "Bàn phím Vô cực". Không cần nghe đến tên gọi, chỉ nhìn thoáng qua cũng thấy được thiết kế kỳ dị như một bánh donut của bàn phím này. Lấy cảm hứng từ dải băng vô cực Mobius, các phím bấm của bàn phím này được bố trí trên cả 2 mặt của dải băng để người dùng có thể sử dụng khi ngồi ở 2 phía đối diện nhau.

    Độc lạ bàn phím cơ vô cực của Google Nhật Bản: Từ trò đùa Cá Tháng Tư trở thành sự thật- Ảnh 1.

    Ban đầu, nó được thiết kế chỉ nhằm mục đích như một trò đùa cho ngày Cá tháng Tư năm 2019, nhưng cuối cùng trò đùa này lại biến thành sự thật. Hơn thế nữa, với việc thiết kế được mã nguồn mở, người dùng có thể tự tạo bàn phím này cho riêng mình dựa trên file 3D và firmware được đăng tải trên GitHub.

    Đội ngũ Google Nhật Bản muốn tạo ra một bàn phím có thể sử dụng được cả mặt trước lẫn mặt sau, ở bất kỳ vị trí nào, và bởi nhiều người cùng lúc - bởi vì, tại sao không chứ? Dựa trên hình dạng của dải băng Mobius, bàn phím này không có mặt trên hay mặt dưới rõ ràng, và bề mặt hơi nghiêng để bạn thực sự có thể sử dụng nó bằng tay một cách (gần như) thực tế.

    Người dùng có thể gõ từ 360 độ xung quanh thiết bị, cầm nó theo bất kỳ cách nào họ muốn. Thật vậy, từ video demo, có vẻ như bạn thực sự có thể gõ từ bất kỳ hướng nào có thể tưởng tượng được, và tự kiếm cho mình một chứng hội chứng ống cổ tay tức thì.

    Bàn phím Gboard Vô Cực - một sáng tạo độc đáo từ Google Nhật Bản

    Thông số kỹ thuật của Gboard hai mặt USB-C bao gồm 208 phím cơ được sắp xếp theo bố cục hai mặt ortholinear - nghĩa là các phím được sắp xếp theo mẫu lưới, trái ngược với bố cục so le thường thấy trên bàn phím. Các phím là loại switch tương thích Cherry MX, tiêu chuẩn phổ biến trong bàn phím cơ được ưa chuộng bởi fan hâm mộ vì phản hồi xúc giác chắc chắn, độ bền và cảm giác click-clack đặc trưng.

    Trọng lượng của nó, theo Google Nhật Bản, là "20,8 cái bánh donut". Nếu tính trọng lượng trung bình của một cái bánh Doughnut tiêu chuẩn là 0,05 kg, thì phiên bản Gboard vô cực này có thể nặng khoảng 1kg. Với đường kính khoảng 20 cm, bạn có thể thoải mái mang nó đi bất cứ đâu – bằng cách đội lên đầu hoặc trên đeo trên vai - và vẫn còn hai tay rảnh để cầm một cốc cà phê và một cái bánh thật.

    Một truyền thống của Google Nhật Bản

    Đây cũng không phải lần đầu đội ngũ Google Nhật Bản tạo ra một bàn phím kỳ dị như vậy. Vào ngày 1 tháng 4 năm 2019, Google Nhật Bản giới thiệu Gboard Thìa Uốn Cong. Người dùng chọn ký tự bằng cách thực sự uốn cong cái thìa, với một cảm biến phát hiện áp lực để xác định chữ cái mong muốn (bạn có thể tự làm một cái với firmware và sơ đồ có sẵn).

    Google Nhật Bản còn sáng tạo nên cách gõ phím bằng cách bẻ cong thìa

    Năm tiếp theo, vào năm 2020, công ty phát hành Gboard Bar – bàn phím dạng thanh dài này có tất cả các phím xếp thành một hàng thẳng duy nhất, tạo ra bố cục QWERTY một chiều, với tổng chiều dài hơn 15m. Theo Google Nhật Bản, bàn phím này "được thiết kế vì sự đơn giản và hợp tác," khi khuyến khích hai người dùng làm việc cùng nhau bằng cách gõ đồng thời, giống như bàn phím mới này.

    Sau đó, vào ngày 30 tháng 9 năm 2021, Google Nhật Bản giới thiệu Gboard Caps, một bàn phím đeo được trông giống như một cái mũ bóng chày. Với cái này, bạn có thể gõ phím thông qua cử chỉ đầu. Có lẽ thiết kế này sẽ phù hợp hơn cho một vũ công.

    Gõ phím bằng các cử chỉ đầu

    Nếu có gì, thì trò đùa bàn phím liên tục này cho thấy rằng không ai trên thế giới như người Nhật có thể tạo ra những thiết kế kỳ quặc, vui nhộn nhất trên hành tinh. Không ai khác có thể cạnh tranh với trí tưởng tượng của họ, nhưng ở đây tôi xin khiêm tốn đề xuất, Google Nhật Bản, hai từ cuối cùng cho Gboard tiếp theo: vòng lắc hông.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ