Doanh số iPhone “giảm sốc” là dấu hiệu cho thấy thị trường smartphone đang dần bão hòa và sẽ sớm tụt dốc?
Cú sảy chân bất ngờ của Apple và iPhone phải chăng là dấu hiệu cho thấy thị trường smartphone sắp bão hòa và người tiêu dùng không còn mấy mặn mà với việc nâng cấp điện thoại mới?
Đằng sau những lo ngại của Apple về doanh số iPhone suy giảm trong Q4/2018 là một sự thật không ai dám nghĩ tới, đó là thị trường smartphone đã chạm tới ngưỡng bão hòa.
Ngưỡng bão hòa là khi tất cả mọi người đều sở hữu ít nhất một chiếc smartphone và không có đột phá nào đủ lớn để kích thích họ nâng cấp điện thoại mới thường xuyên hơn như trước kia.
Một số nhà sản xuất thường tăng giá để giữ lợi nhuận luôn ở ngưỡng chấp nhận được. Tuy nhiên đây là một chiến lược có tính hai mặt. Mặt trái của việc tăng giá là người dùng dần xa lánh. Và Apple đang là hãng phải chịu "tác dụng phụ" của chiến lược tăng giá bất chấp.
Mới đây, Apple đưa ra dự báo không mấy khả quan về doanh số iPhone trong Q4/2018 sẽ giảm từ mức 93 tỷ USD xuống chỉ còn 84 tỷ USD. Sự suy giảm có nguyên nhân chính do nguồn cầu yếu của thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại do chiến tranh thương mại với Mỹ, người tiêu dùng Trung Quốc không muốn bỏ quá nhiều tiền cho một chiếc iPhone. Giá bán của iPhone XR tại Trung Quốc là 950 USD và iPhone XS là 1.250 USD.
Ngược lại họ có vô vàn lựa chọn từ các mẫu smartphone cao cấp của các hãng nội địa như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi.
Thị trường smartphone bão hòa là nguyên nhân khiến cả ngành công nghiệp, không chỉ riêng Apple phải lao đao
Trung Quốc không hẳn là nguyên nhân chính khiến doanh số iPhone suy giảm. Trên thực tế, Apple cũng đang phải gánh chịu xu hướng chung của thị trường smartphone toàn cầu.
Sau khi tăng trưởng liên tục trong suốt hơn một thập kỷ, doanh số smartphone trên toàn thế giới đã giảm 3% xuống chỉ còn 1,42 tỷ chiếc vào năm 2018. Mặc dù vậy hãng IDC dự đoán, doanh số sẽ tăng trở lại trong năm 2019 lên mức 1,46 tỷ chiếc nhưng vẫn chưa thể vượt qua được mức của năm 2017.
Doanh số smartphone tại thị trường Trung Quốc đã giảm mạnh trong trong năm 2018
Nhà phân tích Dan Ives thuộc công ty nghiên cứu Wedbush Securities nhận định, bài học của Apple là "lời cảnh tỉnh cho cả ngành công nghiệp smartphone".
Đúng như lời nhận định của Dan Ives, hãng smartphone lớn nhất thế giới Samsung cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc thị trường smartphone đang dần chạm ngưỡng bão hòa.
Tính cuối tháng 9/2018, doanh số smartphone của Samsung đã giảm 8% và thị phần toàn cầu của Samsung trong Q3/2018 cũng chỉ còn 19%.
Ives khẳng định: "Ngành công nghiệp smartphone đang phải hứng chịu những trận gió lớn. Các hãng smartphone non trẻ giờ ngày càng bùng nổ và trưởng thành hơn".
Mặt khác những ý tưởng cải tiến và đổi mới trong ngành công nghiệp smartphone gần như đã cạn kiệt sau gần một thập kỷ phát triển. Ngoài tăng kích thước màn hình, độ phân giải, thời lượng pin, camera và tốc độ xử lý, gần như không còn sự thay đổi nào đủ để tạo ra sự khác biệt và khiến người tiêu dùng ấn tượng.
Nói cách khác, ngành công nghiệp smartphone đang là "nạn nhân" của chính nó. Sự đổi mới bắt đầu chậm lại vào khoảng năm 2014, khi Apple lần đầu tăng kích thước màn hình iPhone trên bộ đôi iPhone 6/6 Plus. Kể từ đó đến nay các tính năng mới liên tiếp được bổ sung trên iPhone nhưng đôi khi đó là những thứ người tiêu dùng không quan tâm đến.
Kết quả là khách hàng của Apple hiện đang có chu kỳ nâng cấp lên tới 33 tháng, dài hơn 24-25 tháng cách đây khoảng 3 năm trước.
Zachary Pardes, 31 tuổi, một người am hiểu công nghệ đang sống Fairfield, Connecticut, Mỹ chia sẻ: "iPhone mới ngày càng đắt hơn trong khi lại thiếu đi các tính năng mới và sáng tạo mà tôi muốn khám phá và sử dụng. Tôi sẽ chỉ nâng cấp điện thoại khi pin của tôi hỏng. Khi tôi buộc phải mua một chiếc điện thoại mới thì tôi sẽ mua, còn không thì không bao giờ".
Nhà phân tích Ramon Llamas thuộc hãng nghiên cứu thị trường IDC nhận định, chu kỳ nâng cấp điện thoại có thể chạm đáy và bắt đầu tăng trưởng trở lại vào năm 2021-2022, khi tuổi thọ smartphone của người dùng dần suy giảm. Cuối cùng thì người dùng vẫn phải nâng cấp điện thoại chỉ là chậm hay nhanh mà thôi.
Điều gì sẽ giúp thị trường smartphone khởi sắc trở lại?
2019 sẽ là năm bản lề của nhiều công nghệ smartphone mới, hứa hẹn sẽ làm thay đổi thị trường và định hướng xu hướng công nghệ trong thời gian tới.
Smartphone màn hình gập hay smartphone hỗ trợ 5G chắc chắc sẽ là những công nghệ khiến người dùng háo hức muốn được trải nghiệm nhất, bất chấp mức giá có cao đến đâu.
Nhưng nói như vậy không đồng nghĩa với việc đảm bảo smartphone màn hình gập hay smartphone hỗ trợ 5G sẽ có thể đảo ngược được xu hướng suy giảm chung của thị trường. Bởi lẽ 5G mới chỉ đang trong bước đầu phát triển và phủ sóng. Còn quá nhiều áp lực mà smartphone và mạng 5G cần phải vượt qua trong thời gian tới để có được lòng tin của khách hàng.
Giới phân tích cho rằng, các hãng smartphone nên tính tới phương án tấn công vào các thị trường hoặc khu vực chưa bão hòa và có tiềm năng phát triển như Châu Phi hoặc Nam Á. Bên cạnh đó, họ cũng nên sáng tạo thêm nhiều dịch vụ mới để thu hút khách hàng như dịch vụ lưu trữ đám mây, phát nhạc hoặc ứng dụng di động.
Hơn hết, mỗi hãng smartphone cần có cho mình một giải pháp dài hơi nhằm phòng tránh những "khoảng lặng" của thị trường như hiện nay.
Tham khảo Bussiness Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng