DingTalk là ứng dụng gì mà khiến giới trẻ Trung Quốc đua nhau đánh giá 1 sao trên các app store?
DingTalk có lẽ là một trong số rất ít những ứng dụng bị chê bai thậm tệ chỉ vì làm quá tốt công việc của mình.
Ứng dụng năng suất từ gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba từ lâu đã có một mối quan hệ yêu đương xen lẫn hận thù với giới lao động Trung Quốc; một số người còn gọi nó là "bản sao độc tài của Slack". Trong vài tuần gần đây, ứng dụng này đã bị "dội bom" đánh giá bởi một nhóm người dùng mới, sau khi Alibaba tinh chỉnh nó để thử nghiệm cho việc triển khai học trực tuyến tại Trung Quốc. Hầu hết các trường học và công ty ở nước này đã hoạt động trong không gian ảo từ nhiều tuần qua vì ảnh hưởng bởi đợt bùng dịch virus Corona hồi tháng 1, sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, buộc chính phủ phải đặt nhiều thành phố dưới tình trạng cách ly nghiêm ngặt.
Những tính năng mới của DingTalk dành cho trường học bao gồm live-stream lớp học với nhiều nhất 300 học sinh, cùng với kiểm tra và chấm điểm trực tuyến. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 50 triệu học sinh tại Trung Quốc đăng ký sử dụng ứng dụng này. Nhiều trong số những học sinh này đã "dội bom" các cửa hàng ứng dụng với một loạt đánh giá 1 sao dành cho DingTalk. Họ phàn nàn rằng ứng dụng của Alibaba đã phá hoại kỳ nghỉ kéo dài của mình khi cho phép các giáo viên có thể giám sát học sinh từ xa. "Tôi thực sự không nói nên lời, thầy cô yêu cầu chúng tôi phải đăng nhập mỗi ngày và giao một núi bài về nhà" – một người dùng nói như vậy trên Weibo.
Tuy nhiên, điểm xếp hạng của DingTalk trong tháng qua đã tăng cao trở lại nhờ một loạt các đánh giá 5 sao, trong đó nhiều người nói rằng ứng dụng này sẽ giúp rèn luyện học sinh trở thành những người lao động tốt trong tương lai.
"Tôi có thể thấy những học sinh nào đã đọc thông báo của mình và ‘Ding’ (nhắc nhở) những em chưa quen dùng ứng dụng…" – một giáo viên tiểu học ở Trung Quốc nói. "Tôi hiểu tại sao giới quản lý lại thích sử dụng tính năng nhắn tin ‘Ding’ rồi – là nhân viên, chúng ta phải trả lời sếp thật nhanh chứ".
Giao diện DingTalk trên di động
DingTalk khác Slack ra sao?
Xuất hiện vào năm 2014, ứng dụng này – vốn được gọi là "Ding Ding" trong tiếng Trung Quốc vì âm thanh nó phát ra khi có tin nhắn – là một phần trong những nỗ lực của Alibaba nhằm cạnh tranh với đối thủ Tencent, chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin WeChat, trong môi trường doanh nghiệp. Dù DingTalk có nhiều tính năng tương tự Slack, bao gồm trao đổi theo nhóm, gọi âm thanh và video, cũng như chia sẻ tập tin, nó còn bao gồm một loạt các tính năng giám sát mà ứng dụng Mỹ không có.
Chức năng nhắn tin Ding cho phép giới quản lý nhắc nhở các nhân viên cụ thể - những tin nhắn kiểu này sẽ có một logo hình đinh bấm màu xanh dương. Các tin nhắn Ding có thể được gửi đến các nhân viên không chỉ trong ứng dụng, mà còn thông qua các cuộc gọi và tin nhắn tự động trên điện thoại. Sau đó, nhà quản lý sẽ nhận được thông báo về tình trạng đã đọc/chưa đọc, khiến các nhân viên không thể trốn tránh việc trả lời một khi đã lỡ đọc tin nhắn trong lúc nghỉ vì hệ thống sẽ tự động đánh dấu là "đã đọc". Một nhà quản lý doanh nghiệp có thể gửi tối đa 10.000 tin nhắn "Ding" mỗi ngày trong ứng dụng.
Trong khi đó, chức năng báo giờ ra/vào của DingTalk, một trong những tính năng được sử dụng nhiều nhất của nó, được miêu tả như một "máy đục lỗ kỹ thuật số" bởi một số người dùng. Vào buổi sáng, nó sẽ gửi lời nhắc đến người dùng về khoảng thời gian họ còn lại cho đến khi phải bắt tay vào làm việc. Nó còn theo dõi khi nào nhân viên đến công ty bằng cách ghi lại thời gian họ kết nối đến Wi-Fi của văn phòng, và khi nào họ ngắt kết nối – ví dụ như khi ra ngoài ăn trưa. Dù tính năng này còn giúp nhân viên có thể theo dõi và tính tiền lương khi làm ngoài giờ, và cũng đỡ rắc rối hơn việc quét mã điện thoại để báo giờ đến văn phòng như một vài công ty thường yêu cầu, nó còn cho phép các công ty biết các nhân viên của mình trễ giờ làm ra sao, tính đến từng phút một, và liệu một nhân viên có đang làm việc mà họ nói sẽ làm khi không ở văn phòng hay không.
DingTalk nói rằng ứng dụng không cho phép các nhà quản lý theo dõi vị trí theo thời gian thực của nhân viên một cách tự động. Tuy nhiên, khi người dùng kích hoạt các dịch vụ vị trí trên điện thoại, ứng dụng sẽ cho nhà quản lý biết liệu một nhân viên có đang ở địa điểm mà họ nói họ sẽ đến hay không – ví dụ như đi gặp bác sỹ, hoặc đi gặp khách hàng.
Ngoài khả năng báo giờ đến văn phòng, DingTalk còn có chức năng nhận dạng khuôn mặt, yêu cầu nhân viên phải cười khi quét khuôn mặt để ra hoặc vào văn phòng.
Bao nhiêu người đang dùng DingTalk?
Alibaba cho biết đã có 200 triệu người dùng cá nhân đăng ký DingTalk, và hơn 10 triệu khách hàng doanh nghiệp sử dụng ứng dụng tính đến tháng 9/2019. Để dễ so sánh thì Slack có 12 triệu người dùng mỗi ngày tính đến tháng 10 năm ngoái.
Những than phiền về ứng dụng?
Hầu hết những lời than phiền chủ yếu liên quan việc các nhà quản lý có thể dùng DingTalk để giám sát và tiếp cận các nhân viên liên tục trong ngày.
DingTalk bị đánh giá 1 sao trên PlayStore, khiến xếp hạng của nó bị ảnh hưởng nghiêm trọng
"Tôi thực sự cảm thấy DingTalk như địa ngục vậy, đặc biệt khi tưởng cuối cùng đã có chút thời gian rảnh và sẽ ngủ một giấc ngon thì lại bị đánh thức bởi mấy tin nhắn ‘Ding’" – một người dùng nói trên Zhihu, website hỏi-đáp của Trung Quốc. "DingTalk là một cái còng công nghệ cao thời hiện đại, được các nhà quản lý sử dụng để đối xử với nhân viên như nô lệ" – một người khác nói.
Đối với nhiều học sinh Trung Quốc, ứng dụng này đã tước bỏ sự tự do vốn rất hạn chế mà họ có được tronng quãng thời gian nghỉ học bất ngờ này. Một số than phiền rằng chức năng báo giờ ra/vào đồng nghĩa họ không thể ngủ dậy muộn một chút, và phải tuân thủ lịch học ở trường dù cho đang ở nhà.
"Tạ ơn ứng dụng này mà cả núi bài tập về nhà đã quay lại với tôi và tôi có thể thấy những khuôn mặt khả ái của thầy cô mỗi ngày! Tôi yêu nó quá đi, DingTalk dễ thương của tôi" – một học sinh mỉa mai về ứng dụng như vậy.
Alibaba chưa đưa ra bình luận nào về các đánh giá tiêu cực – nhưng DingTalk đã ghi nhận những lời than phiền và đăng tải một đoạn video xin lỗi trong đó có đủ loại meme và lời trêu đùa, đề nghị học sinh nên đối xử với ứng dụng một cách thân thiện hơn.
"Tôi biết các bạn trẻ không muốn có một kỳ nghỉ ‘năng suất’ như vậy…nhưng làm ơn đừng cho tôi 1 sao nữa" – đoạn video nói như vậy.
Tham khảo: Quartz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng