Điểm mặt những vũ khí “khủng” Hải quân Việt Nam sẽ được trang bị

    TVD,  

    (GenK.vn) - Năm 2013 Hải quân Việt Nam sẽ được trang bị những vũ khí tối tân thế hệ mới.

    Năm 2013 được đánh giá là dấu mốc quan trọng của quân sự Việt Nam nói chung và Hải quân Việt Nam nói riêng, khi mà quá trình hiện đại hóa với những mẫu vũ khí và khí tài tối tân thế hệ mới liên tục được trang bị. Trong đó phải kể đến tàu ngầm Kilo 636, tàu tên lửa cao tốc Molniya của Nga, thủy phi cơ DHC-6 của Canada và tàu hộ vệ tàng hình Sigma của Hà Lan.

    Tàu ngầm Kilo 636

    Vũ khí "khủng" nhất gia nhập Hải quân Việt Nam trong năm 2013 là tàu ngầm điện - diesel Kilo 636MV. Ngày 7/11/2013, lễ ký kết biên bản bàn giao tàu kỹ thuật đã được tổ chức tại nhà máy đóng tàu Admiralty của Nga. Dự kiến, đến ngày 11/11/2013 tàu ngầm Kilo mang tên Hà Nội sẽ lên đường về nước.

     

    Kilo 636MV là loại tàu ngầm phi hạt nhân thế hệ 3 . Tàu được cập nhật khá nhiều công nghệ mới trong hệ thống điện tử - vũ khí - động lực cho phép tàu hoạt động êm hơn, tầm hoạt động xa hơn, khả năng tác chiến mạnh hơn.

    Tàu ngầm Kilo Hà Nội được trang bị 6 ống phóng ngư lôi phía trước mũi tàu đường kính 533 mm. Tàu có khả năng mang theo 18 quả ngư lôi loại 53-65 hoặc 18 quả vừa ngư lôi vừa tên lửa siêu thanh chống hạm Klub-S. Ngư lôi loại 53-65 mang đầu đạn 200 kg, có thể tấn công tàu địch (tàu nổi, tàu ngầm) ở khoảng cách 20 km.

     

    Tên lửa chống hạm Klub-S là vũ khí đáng sợ của tàu ngầm Kilo 636. Đài Tiếng nói nước Nga dẫn phân tích của  chuyên gia phân tích quân sự Viktor Litovkin, điểm khác biệt ở các tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam là chúng được trang bị tổ hợp tên lửa Klub-S mới nhất. Đây là vũ khí đáng sợ nhất đối với mọi loại tàu chiến hiện nay.

    “Tổ hợp tên lửa Klub-S trang bị cho tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam là vũ khí rất đa năng và độc đáo. Nó có thể bắn các tên lửa hành trình chống tàu mặt nước hoặc được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên bờ. Tổ hợp này sử dụng những tên lửa siêu âm, có sức công phá lớn, hoàn toàn có thể vô hiệu hóa một chiếc tàu sân bay chỉ bằng 1 quả đạn tên lửa”, chuyên gia Viktor Litovkin cho nói.

    Thủy phi cơ DHC-6

    Thủy phi cơ DHC-6 mang số hiệu VNT-777 VIP được trang bị cho lực lượng Không quân Hải quân nhân dân Việt Nam, do Công ty Viking, Ca-na-đa sản xuất, có tốc độ bay tối đa là 300km/h; tầm hoạt động xa nhất có thể lên tới 1.832km. Thời gian bay lâu nhất là 8,76 giờ. Máy bay có thể cất và hạ cánh trên đường băng ngắn, ở cả những đường băng cỏ, đất, cát và trên mặt nước.

     

    Thủy phi cơ DHC-6 được trang bị cho lực lượng Không quân Hải quân nhân dân Việt Nam để thực hiện việc tuần tra, tuần thám, bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển, đảo Việt Nam; tham gia chở khách, cứu hộ, cứu nạn trên biển, sẵn sàng giúp đỡ các lực lượng đi biển khi gặp nạn.

     

    Việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng chính thức thủy phi cơ DHC-6 nằm trong lộ trình xây dựng lực lượng Không quân Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

    Tàu tên lửa cao tốc Molniya

    Năm 2005, Việt Nam mua giấy phép đóng 12 tàu tên lửa lớp Project 1241.8 Molniya (kể cả 4 chiếc trong điều khoản phụ). Theo hợp đồng, 2 tàu Molniya đầu tiên đã được nhà máy đóng tàu Vympel hoàn thiện và bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào năm 2007-2008 (số hiệu HQ-375 và HQ-376). Sau hơn một năm kể từ ngày khởi đóng, hai chiến hạm cao tốc mang tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35E đã được lần lượt hạ thủy vào tháng 3 và đầu tháng 4/2013 vừa qua.

     

    Tàu tên lửa lớp Molniya có lượng giãn nước gần 500 tấn, tốc độ 40 hải lý/h, được trang bị 16 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E có tầm bắn xa 130km, 01 bệ phóng lắp 4 tên lửa phòng không Igla với cơ số 24 quả, 01 pháo hạm 76,2 mm AK-176M và 02 ụ pháo phòng thủ tầm gần 6 nòng 30mm AK-630.

     

    Với trang bị vũ khí chống hạm cực mạnh như vậy, kết hợp với khả năng tăng tốc lên đến 40 hải lý/giờ, Molniya được mệnh danh là những chú "ong độc" có thể đốt (tiêu diệt đối phương) nhanh như chớp. Đây cũng là loại tàu chiến mạnh thứ hai trong Hải quân Việt Nam, chỉ sau chiến hạm Gepard 3.9.

    Tàu hộ vệ tàng hình Sigma

    Theo phương tiện truyền thông Hà Lan, nhà máy đóng tàu Damen của nước này đã đạt được thỏa thuận đóng 2 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma 9814 cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Theo một số nguồn tin, tổng giá trị hợp đồng vào khoảng 660 triệu USD. Dự kiến, hợp đồng sẽ được ký kết chính thức vào cuối năm nay.

     

    SIGMA là một loại tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ, do Viện nghiên cứu biển của Hà Lan (MARIN) và hãng đóng tàu Damen hợp tác chế tạo. Tuy nhiên, nó không phải là tên của một lớp tàu mà là chữ viết tắt của cụm từ Ship Integrated Geometrical Modularity Approach (Phương pháp đóng tàu modul tích hợp), tức là tàu có thể được ráp lại từ nhiều modul đóng rời nhau.

    SIGMA được lắp đặt 2 động cơ Diezen công suất 23.000hp, hệ thống động lực CODAD giúp tàu đạt vận tốc tối đa 27,5 hải lý/h, vận tốc tuần hành 14 hải lý/h cho phép nó hành trình xa tới 4800 hải lý. Tàu được thiết kế tàng hình tối ưu với tầng thượng rất thấp, các góc vát làm giảm diện tích phản xạ radar, hệ thống máy chính thiết kế giảm rung chấn và tiếng ồn triệt để. Ngoài ra nó còn có 1 sàn đỗ trực thăng nhưng không có nhà kho máy bay.

     

    Vũ khí cơ bản của các chiến hạm SIGMA kiểu PATROL như sau: 2 cụm 4 ống phóng tên lửa chống hạm Exocet MM-40, tầm bắn 130km; hệ thống phóng thẳng đứng Silva-54 với 12 ống phóng tên lửa phòng không MICA; 2 giá, mỗi giá 4 ống phóng tên lửa phòng không tầm gần Mistral; 2 cụm 3 ống phóng 324mm ngư lôi chống ngầm B-515, pháo hạm Oto Melara 76mm, 2 khẩu súng máy 20mm.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày