Chỉ cần một trận động đất cỡ trung bình ngoài khơi phía đông Địa Trung Hải cũng có thể gây ra sóng thần ảnh hưởng tới 130 triệu người vùng ven biển.
Đã gần 1 thế kỷ trôi qua kể từ trận sóng thần lớn nhất ập vào Châu Âu. Gần 100 năm trước, một trận động đất ngoài khơi đã gây ra một con sóng cao tới 13m tràn vào bờ biển Sicily, Italia khiến 2000 người thiệt mạng. Vùng Địa Trung Hải, 3500 năm trước, cũng đã từng hứng chịu một vụ phun trào núi lửa cực lớn trên đảo Thera (Santorini). Nó tạo ra các con sóng khổng lồ đã tàn phá toàn bộ nền văn minh Minoans và dẫn đến truyền thuyết về thành phố Atlantis dưới đáy biển.
Ngày nay, vùng Địa Trung Hải vẫn là một khu vực trù phú. Và dĩ nhiên, các ngọn núi lửa cũng vẫn còn tồn tại ở đây, chúng khiến nguy cơ động đất luôn thường trực mà ít ai để ý đến. Một nghiên cứu khoa học mới được công bố trên tạp chí uy tín Ocean Science cho thấy rằng chỉ cần một trận động đất cỡ trung bình ngoài khơi phía đông Địa Trung Hải cũng có thể gây ra sóng thần ảnh hưởng tới 130 triệu người vùng ven biển.
Kể từ khi chúng ta bước sang thế kỷ 21, trên thế giới đã ghi nhận 177 trận sóng thần. Điển hình có thể kể đến hai trận sóng thần lớn năm 2004 tại Indonesia và thảm họa kép của Nhật Bản năm 2011. Địa Trung Hải chỉ phải hứng chịu 4 trên 177 trận sóng thần và không ghi nhận nạn nhân thiệt mạng. Đó là một điểm đáng lưu ý trong lịch sử địa chấn của khu vực. Giống như khoảng bình yên trước cơn bão, có thể Địa Trung Hải phải chuẩn bị cho một cơn sóng thần lớn không thể tránh khỏi.
Hoạt động kiến tạo ở Địa Trung Hải
Suốt 65 triệu năm qua, khi hai mảng lục địa Âu-Á và Phi va vào nhau, Địa Trung Hải trở thành nơi chứa đầy các núi lửa dễ hoạt động. Các hoạt động kiến tạo của hai mảng lục địa này cho đến nay vẫn khiến dãy Alps cao lên và trong quá khứ đã khiến đại dương Tethys biến mất.
Biển Địa Trung Hải ngày nay thực chất chỉ là tàn dư của đại dương Tethys và thậm chí nó còn tiếp tục bị thu hẹp lại khi mảng lục địa Phi vẫn trôi về phía bắc 2,5 cm mỗi năm. Ở ranh giới của các mảng lục địa khiến các hoạt động của dòng hải lưu qua Địa Trung Hải cực kì phức tạp. Thêm vào đó là các hoạt động kiến tạo khiến nguy cơ động đất và sóng thần cho khu vực là cực kì cao.
Một điều đáng nói, đó là hoạt động kiến tạo trong khu vực Địa Trung Hải không giống ngoài khơi Indonesia và Nhật Bản. Ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, các mối nguy hiểm hầu hết đến từ việc hai thềm lục địa xô chồng lên nhau và tạo nên sóng thần. Các nhà khoa học cho rằng trận sóng thần năm 1908 tại Sicily, Italia không theo cơ chế này. Đó là một trận động đất gây sụt lở đáy biển và tạo lên con sóng tới 13 m.
Hàng triệu người đang nằm trong vùng nguy hiểm
Thông thường, không phải một con sóng khổng lồ sẽ gây thiệt hại nặng nề, mà kết quả của thảm họa nằm ở chỗ khu vực nó ảnh hưởng có mật độ dân cư tập trung cỡ nào. Ví dụ, năm 1958, một con sóng cao tới 30 m ập vào vịnh Lituya, Alaska. Tuy nhiên, chỉ có đúng 5 người thiệt mạng do đó là một khu vực hẻo lánh. Ngược lại, tại Indonesia năm 2004, con sóng chỉ đạt 24 m nhưng thiệt hại là không thể tưởng tượng được.
Với những số liệu như trên, nếu Địa Trung Hải phải hứng chịu một đợt sóng thần dù nhỏ, nó cũng trở thành một nguy cơ đáng kể. Khoảng 130 triệu người đang sinh sống ở các vùng ven biển, nơi có các thành phố lớn như Barcelona, Algiers, Naples, Tripoli, Alexandria và Tel Aviv.
Nguy cơ sẽ còn lớn hơn nữa khi Địa Trung Hải là một khu vực tương đối nhỏ và kín. Điều này có nghĩa là bất kỳ một con sóng thần cỡ trung bình nào cũng có thể lan ra toàn khu vực. Hệ thống dự báo liên tục rất cần thiết để giảm thiểu thiệt hại về người. Các tác động kinh tế sau thảm họa cũng sẽ là mối lo lớn khi Địa Trung Hải tập trung rất nhiều khu công nghiệp và cảng biển lớn.
Chúng ta có thể làm gì?
Chúng ta không thể ngăn chặn các hoạt động kiến tạo vĩ đại đang diễn ra dưới đáy đại dương. Điều đó đang nằm ngoài khả năng của công nghệ hiện nay. Các dự báo cũng sẽ chỉ mang tính tương đối, mọi thứ bất ngờ đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, có những thứ chắc chắn chúng ta làm được để giảm thiểu tác động của sóng thần nếu nó xảy ra ở Địa Trung Hải.
Sau thảm họa sóng thần ở Indonesia năm 2004, UNESCO đã thành lập một Nhóm điều phối liên chính phủ để cảnh báo sớm và giảm nhẹ tác động của sóng thần. Nhóm này có nhiệm vụ giám sát các hoạt động địa chấn, mực nước biển và các dữ liệu có liên quan khác. Chính thảm họa kép của Nhật Bản năm 2011 cũng đã được cảnh báo bởi Nhóm điều phối và khiến thiệt hại giảm đi đáng kể.
Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục cộng đồng cũng phải được triển khai song song. Người dân cần nhận thức được rằng họ đang sống trong một nguy cơ thường trực để có thể ứng phó ngay lập tức nếu các cảnh báo sớm được ban hành.
Điều cuối cùng, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế rằng không thể kiểm soát hết được những thiệt hại nếu thảm họa sóng thần xảy ra ở Địa Trung Hải. Kể cả sau khi đã làm tất cả những gì có thể, chúng ta cũng chỉ biết hi vọng rằng khi con sóng đến, nó không mang theo sự hủy diệt ghê gớm nhất có thể.
Theo Iflscience
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng