Đến thời của quảng cáo ngoài không gian
Theo tạp chí The Hill (Mỹ), chúng ta đang ở vào thời kỳ bình minh của quảng cáo ngoài không gian.
Một số ví dụ có thể kể đến là: Lon soda của Pepsi trôi bên ngoài Trạm Vũ trụ Mir của Nga vào năm 1996, bánh pizza của Pizza Hut theo tên lửa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2001 hay hãng SpaceX phóng chiếc xe điện Tesla Roadster lên quỹ đạo năm 2018.
Quảng cáo ngoài không gian có nhiều ưu thế vượt trội, chẳng hạn được hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ người từ nhiều quốc gia nhìn thấy và "tuổi thọ" của mẩu quảng cáo kéo dài nhiều tuần, nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.
Mới đây, Viện Skolkovo và Viện Vật lý và công nghệ Moscow (đều của Nga) công bố một phân tích nêu rõ toàn bộ chi phí phóng một mạng lưới vệ tinh nhỏ, phát sáng (để làm bảng quảng cáo) ước khoảng 65 triệu USD và có khả năng sinh lời cao. Trên phương diện quốc gia, 65 triệu USD chỉ là số tiền nhỏ nếu so với cơ hội quảng bá hình ảnh cực kỳ lớn.
Thế nên, không khó hiểu khi quảng cáo ngoài không gian đang "nở nồi" trên khắp thế giới, nhất là tại các nước mạnh về du hành vũ trụ như Nga, Trung Quốc, các nước thuộc Liên minh châu Âu, Ấn Ðộ, Nhật Bản...
Ðiều thuận lợi là chi phí "lắp đặt" ngoài không gian đã giảm rất nhiều và vẫn tiếp tục giảm, nhờ vào sự kết hợp của việc thu nhỏ thiết bị điện tử và tên lửa tái sử dụng. Trước đây, vệ tinh to như ôtô nhưng nay chỉ bằng cái lò nướng bánh nhỏ, còn chi phí phóng tên lửa từ 100 triệu USD đã giảm còn 10 triệu USD.
Ðến đây, một vấn đề đặt ra là hiện không có bất cứ điều luật quốc tế hay hiệp ước nào về quảng cáo ngoài không gian. Hiện chỉ có Mỹ và Luxembourg cấm phóng tên lửa trên đất nước mình để phục vụ quảng cáo ngoài không gian. Liệu các nước nên hợp tác đặt ra quy định ngay từ đầu hay cứ để các phát kiến tự do "bung xõa" rồi mới tính đến chế tài?
AI "soi" đau tim, đột quỵ
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, cướp đi khoảng 17,9 triệu sinh mạng mỗi năm, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hậu quả khủng khiếp này thôi thúc các nhà nghiên cứu tìm tòi cách chữa trị cũng như ngăn chặn hiệu quả.
AI đang mở ra tiềm năng dự báo sớm nguy cơ đau tim và đột quỵ bằng cách sử dụng hình ảnh X-quang Ảnh: ADOBE
Sử dụng hình ảnh X-quang ngực làm dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã phát triển một mô hình học sâu (deep learning) có thể dự báo nguy cơ tử vong vì đau tim hoặc đột quỵ do xơ vữa động mạch.
Theo trang bgr.com, công nghệ trên có tên là "CXR-CVD risk", đang được nghiên cứu và huấn luyện trong một cuộc thử nghiệm đặc biệt của Viện Ung thư quốc gia Mỹ. Với dữ liệu đầu vào là gần 147.500 ảnh chụp X-quang ngực của 40.643 người, CXR-CVD risk "nghiền ngẫm" ra sự tương đồng của những người có nguy cơ.
Các nhà khoa học cũng kiểm tra độ chính xác của CXR-CVD risk bằng cách đối chiếu với một nhóm khác gồm 11.430 bệnh nhân ngoại trú có chụp X-quang ngực định kỳ. Kết quả là có mối liên kết đáng kể giữa những dự báo của CXR-CVD risk với những ca bệnh được ghi nhận thực tế.
Kết quả cuộc thử nghiệm vừa nêu được chia sẻ tại hội nghị thường niên tổ chức vào ngày 29-11-2022 của Hiệp hội Ngành X-quang Bắc Mỹ (RSNA).
Theo tác giả chính của nghiên cứu - ông Jakob Weiss, chuyên gia X-quang hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu hình ảnh tim mạch thuộc Bệnh viện Ða khoa Massachusetts và Chương trình AI trong y khoa của Bệnh viện Brigham and Women ở TP Boston, CXR-CVD risk có thể dự báo trước 10 năm những biến cố tim mạch nặng, từ đó giúp bác sĩ xác định nhóm người có nguy cơ và chỉ định phòng ngừa tiên phát.
Khởi nghiệp... lạ đời
Anh Kyle Waring, cư dân ở TP Boston - Mỹ, đã nghĩ ra sáng kiến... bán tuyết sau đợt tuyết rơi dày vào tháng 2-2015, thời điểm vợ chồng anh mất rất nhiều thời gian để xúc tuyết trên lối vào nhà.
Thật bất ngờ, ý tưởng như đùa kia lại thành công rực rỡ, khi họ bán sạch 24 thùng tuyết Boston một cách nhanh chóng. Kể từ đó tới nay, công việc kinh doanh này phát triển thành dịch vụ vận chuyển các thùng tuyết cách nhiệt đủ dùng để làm người tuyết trên khắp nước Mỹ, với thu nhập theo mùa lên tới 6 con số.
Gửi chó trong những ngôi nhà tiện nghi để tiện đi mua sắm, uống cà phê... Ảnh: THE GADGET FLOW
Ðộc đáo không kém là sản phẩm của Công ty Potato Parcel (Mỹ) - vốn do Alex Craig, một sinh viên ở bang Texas, lập ra vào năm 2015 và sau đó cùng năm bán cho doanh nhân Riad Bekhit ở bang California: Những củ khoai tây kèm theo thông điệp ngắn được viết bằng tay có giá 9,99 USD, cho bất kỳ dịp đặc biệt nào, từ lễ kỷ niệm cho đến tiệc sinh nhật...
Với mức giá 14,99 USD, khách hàng sẽ nhận được một Potato Pal - tức củ khoai tây kèm ảnh chân dung của ai đó. Theo đài CNBC, hiện lợi nhuận hằng tháng của Potato Parcel vào khoảng hàng chục ngàn USD và thị trường được mở rộng tới Úc, Canada, Anh...
Hốt bạc từ một dịch vụ lạ khác là "Dog Parker" (tạm dịch: Gửi chó cưng) - ý tưởng của cô Chelsea Brownridge, giúp những người nuôi chó tại TP New York - Mỹ thoải mái mua sắm, uống cà phê... khi vật nuôi của mình có chỗ nằm đợi tiện nghi.
Mỗi căn nhà thông minh của Dog Parker được trang bị camera cảm biến, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và vệ sinh tự động. Người dùng có thể theo dõi chó cưng qua ứng dụng điện thoại. Giá cho mỗi phút gửi thú cưng là 0,3 USD.
Hô biến không khí thành thịt
Ðến năm 2050, số người sống trên trái đất dự kiến tăng lên 10 tỉ người, khiến yêu cầu về sản xuất lương thực có khả năng tăng 70%. Nhà khoa học người Mỹ Lisa Dyson đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này: Protein làm từ không khí loãng, có thể được chế tạo trong bể chứa thay vì sử dụng đất trồng.
Thịt làm từ không khí loãng vừa góp phần giải quyết nhu cầu thực phẩm lẫn vấn đề biến đổi khí hậu Ảnh: AIR PROTEIN
Theo đài CNN, bà Dyson, nhà sáng lập Công ty khởi nghiệp có tên Air Protein (bang California - Mỹ), đang khai thác công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra một loại thịt gọi là thịt không khí, sử dụng vi sinh vật, nước, năng lượng tái tạo và các nguyên tố tìm thấy trong không khí.
Ðược thành lập từ năm 2019, Air Protein dựa trên nghiên cứu vào những năm 1960 của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), theo đó tìm cách tạo ra thức ăn cho các phi hành gia trong sứ mệnh dài ngày trên sao Hỏa. Một trong những đề xuất là tạo thực phẩm bằng cách kết hợp các vi sinh vật với CO2 mà các phi hành gia thở ra.
Quy trình làm thịt không khí của Air Protein tương tự lên men sữa chua hay phô mai. Nhưng thay vì để vi khuẩn lên men trong đường hoặc sữa, các khí bao gồm CO2, nitơ và ôxy được đưa qua các bể lên men lớn, nơi nuôi cấy ra protein trong vài giờ. Những protein này được cô đặc, sấy khô và làm thành bột, sau đó chế thành thịt bằng cách thêm hương liệu và chất dinh dưỡng.
Một lý do khác khiến bà Dyson ứng dụng công nghệ này là mong muốn giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của Trường ÐH Illinois tại Urbana-Champaign (Mỹ), ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu tạo ra khoảng 17,3 tỉ tấn khí thải CO2 mỗi năm, chiếm 35% tổng lượng khí thải của con người.
Theo Hải Ngọc - Xuân Mai
Theo NLĐ Copy link
Link bài gốc Lấy link! https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/den-thoi-cua-quang-cao-ngoai-khong-gian-20230107094037999.htm
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng