Đây là MSI Prestige 16 AI Evo thế hệ mới: Laptop không dùng GPU rời nhưng vẫn chơi được cả Assassin's Creed Shadows lẫn Black Myth: Wukong
Dù chỉ trang bị vi xử lý Intel Core Ultra 9 285H cùng GPU tích hợp Arc 140T nhưng hiệu năng mà chiếc laptop này mang lại rất đáng nể.
Khi Intel giới thiệu dòng vi xử lý Core Ultra 200V (Lunar Lake) vào giữa năm ngoái, hướng đến sự tối ưu năng lượng, tích hợp AI và thời lượng pin kéo dài, nhiều người đã tin rằng đây chính là một hướng đi ổn định dành cho laptop mỏng nhẹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một bộ phận lớn người dùng cần nhiều hơn thế. Một hiệu năng mạnh mẽ hơn, xử lý đa luồng tốt và khả năng chạy các tác vụ phức tạp như lập trình, chỉnh sửa hình ảnh video, dựng 3D, hay giả lập máy ảo hoặc chơi, stream game nhẹ nhàng. Đây chính là lý do để Intel tiếp tục tung ra dòng Core Ultra 200H với tên mã Arrow Lake-H cùng một cấu trúc hoàn toàn mới hướng đến những đối tượng này.

Dòng chip này không cạnh tranh trực tiếp với 200V về tiết kiệm năng lượng, mà thay vào đó sẽ là giao điểm giữa các laptop gaming hiệu năng cao và các Ultrabook tiết kiệm điện. Arrow Lake H được thiết kế cho những ai muốn sự cân bằng: hiệu suất cao trong thiết kế mỏng nhẹ, không cần GPU rời nhưng vẫn xử lý mạnh mẽ nhờ iGPU tích hợp thế hệ mới. Gần đây, tôi đã có cơ hội trải nghiệm con chip này trên MSI Prestige 16 AI Evo mới - một mẫu laptop "văn phòng" nhưng hướng tới các tác vụ chuyên sâu và đa dụng. Hãy cùng khám phá sức mạnh của Core Ultra 9 285H trên mẫu máy này xem có gì hấp dẫn.
Thiết kế không đổi, vẫn lịch lãm nhẹ nhàng
Về cơ bản, chiếc MSI Prestige 16 AI Evo được nhắc đến trong bài viết này là một phiên bản thử nghiệm với thiết kế bê nguyên từ mẫu MSI Prestige 16 AI+ Evo mà tôi đã có dịp dùng thử cách đây 3 tháng. Và với tôi, đây vẫn là một ngôn ngữ thiết kế tinh tế và hiện đại mang nét đặc trưng của dòng sản phẩm.


Máy sở hữu lớp vỏ hợp kim nhôm-magie cao cấp, mang lại cảm giác chắc chắn nhưng vẫn nhẹ nhàng với trọng lượng chỉ khoảng 1.6 kg. Đi cùng độ dày 18.95 mm, tuy không thuộc hàng siêu mỏng như các ultrabook, nhưng vẫn đủ gọn gàng để dễ dàng nằm gọn trong balo hay túi xách mà không gây vướng víu, lý tưởng cho việc di chuyển.


Bề mặt MSI Prestige 16 AI Evo được hoàn thiện màu xám ánh kim sang trọng với các đường nét tối giản, tạo nên vẻ ngoài chuyên nghiệp phù hợp cho cả môi trường văn phòng lẫn sáng tạo. Phần bản lề máy vẫn được thiết kế tối ưu cho phép mở máy 180 độ, tiện lợi khi cần chia sẻ nội dung với người đối diện trong các cuộc họp, tăng tính linh hoạt khi sử dụng.




Các cổng kết nối USB-C hỗ trợ Thunderbolt 4, HDMI 2.1 và USB-A được đặt ở cạnh sau, thay vì hai bên như thông thường giúp không gian làm việc trở nên gọn gàng, không vướng víu dây nối hai bên. Bàn phím của MSI Prestige 16 AI Evo được thiết kế full-size, bổ sung cụm phím numpad tiện lợi cho việc nhập liệu số. Hành trình phím vừa phải, độ nảy tốt, kết hợp đèn nền trắng tinh tế, mang lại trải nghiệm gõ thoải mái ngay cả trong điều kiện thiếu sáng.

Phím Copilot tích hợp sẵn giúp truy cập nhanh các tính năng AI trên Windows 11, tăng hiệu quả công việc.


Touchpad rộng rãi, lệch nhẹ về bên trái, cho cảm giác vuốt chạm mượt mà và chính xác, đồng thời tạo ra khoảng chiếu nghỉ tay phải rộng rãi, giúp người dùng thoải mái khi làm việc lâu mà không bị mỏi. Tổng thể, thiết kế của MSI Prestige 16 AI Evo mới không chỉ đẹp mắt mà còn được tối ưu để cân bằng giữa thẩm mỹ, tính di động và sự tiện dụng cho mọi nhu cầu.
Hiệu năng vượt trội nhờ Intel Core Ultra 9 285H
Điểm qua một chút về Intel Core Ultra 9 285H, nhân vật trong tâm trong trải nghiệm lần này. Đây là vi xử lý mới thuộc dòng sản phẩm Intel Ultra Core 200H với tên mã Arrow-H được giới thiệu hướng đến các mẫu máy mỏng nhẹ nhưng cần sức mạnh vượt trội. Intel Core Ultra 9 285H là con chip chủ lực trong dòng sản phẩm này, được đóng gói trên tiến trình 3nm, với 16 nhân trong đó có 6 P-core hiệu suất cao, 8 E-core tiết kiệm năng lượng và 2 LP E-core siêu tiết kiệm chạy 16 luồng với xung nhịp tối đa đạt 5.4 GHz và TPD 45W.


Và sức mạnh của Intel Core Ultra 9 285H đã được thể hiện khá rõ trong các bài đánh giá khi mà số điểm của mẫu máy này tỏ ra vượt trội hơn hẳn nếu so sánh với người đàn anh MSI Prestige 16 AI+ Evo sử dụng con chip Intel Core Ultra 9 288V mà tôi đã từng trải nghiệm trước đây.


Intel Core Ultra 9 285H tỏ ra vượt trội trong bài thử đa nhân.
Với Cinebench R23, một bài đánh giá rất cơ bản, con chip này đã chinh phục mức điểm 2120 cho đơn nhân và 18065 cho thử nghiệm đa nhân, lớn hơn nhiều so với mức điểm 1968 đơn nhân và 10571 đa nhân mà Core Ultra 9 288V đã từng ghi được. Điều này cũng khá dễ hiểu khi Intel Core Ultra 9 285H chạy mức TDP trung bình 45W và trong thực tế cũng đã chạy ổn định ở mức 60W và có thể đẩy lên hơn 110W nhằm tối đa hiệu năng.


Các bài thử nghiệm đều cho số điểm đa nhân rất cao.
Trong bài thử nghiệm Cinebench 2024, kết quả này cũng không quá nhiều khác biệt khi Core Ultra 9 285H đạt 126 điểm đơn nhân tương đồng với thế hệ cũ và 1034 điểm đa nhân, vượt trội hơn hẳn so với mức 635 điểm đa nhân của mẫu 288V. Có thể thấy, điểm đơn nhân của cả hai bài đánh giá không quá chênh lệch giữa 2 con chip nhưng điểm đa nhân lại có sự cách biệt rõ ràng, cho thấy sự định hình về khả năng xử lý hướng tới các đối tượng người dùng khác nhau của hai con chip này.


Còn với Geekbench 6, bài thử đa nhân được 17356 và đơn nhân đạt 2918 càng cho thấy đây là mẫu vi xử lý được nâng cấp hiệu suất dành cho các tác vụ nặng yêu cầu xử lý đa nhiệm đồng thời giữ sự ổn định và bền bỉ cho các tác vụ đơn nhân. Bài đánh giá Blender cũng ghi nhận số điểm ấn tượng với các thử nghiệm monster (121), junkshop (73) và classroom (54). Đây đều là những số điểm khá cao khi so sánh với nhiều con chip cùng phân khúc như Ryzen AI 9 365 và người anh em Core Ultra 9 288V.


Với việc tích hợp NPU đạt 13 TOPS, và GPU đạt 77 TOPS, Intel cho biết Core Ultra 9 285H có khả năng đạt 99 TOPS trong các tác vụ xử lý AI. Mặc dù, nếu so sánh với con chip gần đây như Core Ultra 9 288V có thể đạt đến 120 TOPS thì thực sự con số này không có mấy ấn tượng, tuy nhiên trong các bài đánh giá thực tế, số điểm mà Core Ultra 9 285H ghi nhận lại tỏ ra vượt trội hơn hẳn. Điều này đến từ việc các ứng dụng ở thời điểm hiện tại khó có thể khai thác toàn bộ sức mạnh lý thuyết này vì chúng thường chỉ sử dụng một đơn vị tính toán tại một thời điểm. Điều đó dẫn đến việc hiệu năng của từng đơn vị khi xử lý được nâng cao sẽ kéo theo số điểm thực tế tăng lên đáng kể.



Khả năng xử lý AI của Core Ultra 9 285H tuy về mặt lý thuyết có thế không quá cao nhưng trong thực tế hiệu năng vượt trội đã giúp con chip này đạt số điểm ấn tượng.
Các bài đánh giá về khả năng xử lý AI với GeekBench 6 AI đã chứng minh điều này khi số điểm mà Core Ultra 9 285H đạt được đều lớn hơn khoảng từ 20 đến gần 40% so với thế hệ cũ. Đương nhiên, ở một số bài thử chuyên biệt dành riêng cho NPU, việc có thể đạt tới 48 TOPS của Core Ultra 9 288V vẫn tỏ ra mạnh mẽ hơn so với thế hệ 285H nhưng về tổng thể, MSI Prestige 16 AI Evo vẫn là một mẫu máy đạt chuẩn Copilot+PC nổi bật hiện nay, đủ sức cân mọi tác vụ AI.

Một trong những điểm nhấn của Core Ultra 9 285H chính là việc nó được trang bị iGPU Arc 140T với 8 nhân Xe, xung nhịp 2.35 GHz, hỗ trợ XeSS 2 Frame-Generation, giúp nâng cao khả năng đồ họa tích hợp. Đây cũng là một hướng đi mà Intel thực sự tập trung trong thời gian gần đây khi thế hệ iGPU Arc đạt được khá nhiều phản hồi tích cực, đủ sức thay thế cho một số GPU rời tầm thấp đáp ứng tốt nhu cầu chơi game nhẹ nhàng và làm việc với hình ảnh video.





Qua các bài thử 3D Mark như Steel Nomad, một bài thử khá "nặng đô" dành cho những mẫu máy tính văn phòng, con chip này vẫn đạt được số điểm khả quan. Còn với những bài chuyên trị dành cho laptop mỏng nhẹ hay Time Spy hay Night Raid, Fire Strike, iGPU này đều cho ra kết quả rất tốt, giúp người dùng có được trải nghiệm khá thoải mái trong các ứng dụng đồ hoạ.
Vậy chơi game có nổi không?
Để trả lời câu hỏi này, tôi đã tranh thủ thử sức Arc 140T với một số tựa game đang hot hiện nay.


Đầu tiên phải kể đến Counter Strike 2. Ở mức cài đặt Medium, có bật khử răng cưa 2x MSAA, iGPU Arc 140T trên Core Ultra 9 285H cho ra mức khung hình khoảng từ 60 cho đến 70 FPS, mức vừa đủ để người dùng có thể chơi game mà vẫn tận hưởng được đồ họa chất lượng cao. Còn nếu để mức cài đặt chất lượng xuống Low, FPS có thể lên tới hơn 100, thoải mái để bạn có những pha xử lý nhanh bắt kịp nhịp độ trò chơi.

Chuyển qua Dota 2, cũng là một tựa game của nhà Valve, Arc 140T vẫn có màn thể hiện tốt. Với mức cài đặt Best Looking, người dùng vẫn có thể thoải mái trải nghiệm với tốc độ khung hình 70-80 FPS. Có thể nhiều người sẽ thắc mắc vì sao tôi lại lựa chọn hai tựa game này mà không phải Liên Minh Huyền Thoại hay Valorant, những tựa game online cũng khá tương đồng về lối chơi và được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, xét ở góc độ chất lượng cũng như khả năng thử thách đồ hoạ, cả hai tựa game nhà Valve đều nhỉnh hơn hẳn, nên việc có thể sử dụng để chơi hai game yếu hơn là không thành vấn đề.


Tiếp đến, tôi đã thử thách iGPU này ở một số tựa game AAA và nhận được kết quả khá ấn tượng. Đầu tiên là Cyberpunk 2077, một tựa game với môi trường rộng lớn và nhiều hiệu ứng màu sắc tương phản đa dạng. Với mức cài đặt Preset Medium ở độ phân giải FullHD 1920x 1080, bật tính năng Intel XeSS để tối ưu khung hình thì tốc độ FPS trung bình đạt 51.61 và cao nhất lên tới 64 FPS. Đây là mức FPS khá ổn để người dùng có thể tận hưởng tựa game này và tôi tin rằng bạn cũng có thể chơi được ở FPS cao hơn nếu hy sinh đôi chút ở mức cài đặt đồ họa.


Sang đến Black Myth: Wukong, iGPU này có thể kéo lên đến 51 FPS với mức cài đặt Low và 45 FPS khi sang mức Medium. Nhìn vào biểu đồ có thể thấy FPS khá ổn định, không có hiện tượng drop khung hình, cho thấy người dùng hoàn toàn có thể tận hưởng trò chơi nhưng buộc phải đánh đổi về độ chi tiết trong game.
Và Assassin's Creed Shadows sẽ là thử thách cuối mà tôi dành cho iGPU này. Đây là một tựa game mới, bỏ qua những tranh cãi xoay quanh cốt truyện hay nhân vật lịch sử thì chất lượng đồ họa của nó vẫn xứng tầm AAA. Và iGPU Arc 140T trên Core Ultra 9 285H có thể đạt mức 42 FPS trung bình, cho phép người chơi vẫn có thể thưởng thức trò chơi này một cách mượt mà, tất nhiên là ở mức cài đặt đồ họa Low và chất lượng nâng cấp hình ảnh ở ngưỡng tối ưu hiệu năng.


Khi thay đổi giữa hai công nghệ nâng cấp hình ảnh tái tạo khung hình được tích hợp trong trò chơi là AMD FSR và Intel XeSS, tốc độ khung hình thay đổi không đáng kể khi vẫn ở mức xấp xỉ 40 FPS, cho thấy Intel đã rất nỗ lực trong việc tích hợp công nghệ mới bắt kịp với các nhà sản xuất lâu năm như AMD.

Và đương nhiên, cũng chẳng một game thủ nào lại mua những mẫu máy "văn phòng" như MSI Prestige 16 AI Evo để tận hưởng trò chơi cả nên việc mẫu máy này có thể chơi game chỉ để chứng tỏ một điều: nó hoàn toàn có thể phục vụ các mục đích liên quan đến đồ họa như chỉnh sửa ảnh, video một cách dễ dàng, phù hợp với những nhu cầu cao hơn một chiếc máy văn phòng thông thường, hay đôi khi cũng có thể đáp ứng được nhu cầu giải trí ở một mức độ nào đó.
Đánh đổi nhỏ ở nhiệt độ và pin
Hiệu năng cao thường sẽ đi kèm nhược điểm về nhiệt độ. Khi chạy Cinebench hoặc chơi game, CPU có thể đạt ngưỡng nhiệt độ lên đến 90 độ C hoặc hơn nữa chỉ sau khoảng 10 đến 15 phút. Điều này có thể đến từ việc mẫu máy này chỉ được trang bị quạt đơn tản nhiệt, được thiết kế để đáp ứng cho việc chạy các tác vụ mang tính văn phòng hơn là việc chơi game hoặc đẩy ép hiệu năng như thế này. Ở tác vụ nhẹ, nhiệt độ ổn định 50-60°C, quạt gần như không nghe thấy nên vẫn đảm bảo được yêu cầu cần có khi làm việc trong môi trường yên tĩnh.

Dù sở hữu tấm lưới hút khí lớn tuy nhiên quạt đơn vẫn là không đủ nếu đẩy hiệu năng lên quá cao.
Về pin thì mẫu máy này vẫn được trang bị viên pin 4-cell với dung lượng 99.9 Whr giống người tiền nhiệm. Với thời lượng này, cùng khả năng hoạt động hiệu suất cao có thể lên đến 70W điện năng của con chip Core Ultra 9 285H, MSI Prestige 16 AI Evo vẫn có thể đáp ứng được từ 16 đến 18 tiếng với các tác vụ nhẹ như văn phòng, lướt web. Còn để chơi game hay làm các tác vụ liên quan đến hình ảnh thời lượng pin sẽ giảm xuống tùy theo mức độ hoạt động nhưng vẫn có thể đảm bảo khoảng 5 đến 6h đồng hồ. Đây cũng là thời gian sử dụng thoải mái để người dùng có thể đáp ứng nhu cầu di chuyển mỗi ngày.



Tóm lại, MSI Prestige 16 AI Evo thế hệ mới với Intel Core Ultra 9 285H có thể xem là một bước tiến lớn về hiệu năng, từ xử lý đa nhiệm, render sáng tạo cho đến chơi game AAA như Assassin's Creed Shadows. Điều này cho thấy thế hệ vi xử lý Arrow Lake H mang lại sức mạnh đa dụng, khả năng AI cải tiến và đồ họa tích hợp tốt hơn, phù hợp cho lập trình viên, nhà sáng tạo nội dung cũng như người cần hiệu năng chuyên biệt.
Nếu bạn cần một chiếc laptop mỏng nhẹ nhưng đủ mạnh để thay thế máy bàn, đây là lựa chọn khá đáng để cân nhắc.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Khi con người nói "cảm ơn" với ChatGPT: Một hành động lịch sự, một hệ quả công nghệ!
Trong khi người dùng cá nhân coi việc nói "Cảm ơn" với AI là biểu hiện của phép lịch sự, thì phía các nhà phát triển lại phải đối mặt với những hệ lụy thực tế do chính hành vi "tử tế" ấy mang lại.
Khi nhân loại lần đầu tiên nhìn ra ngoài Hệ Mặt Trời và thấy có hành tinh khác: Phát hiện năm 1992 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho khoa học vũ trụ