Đây là công ty mực Nhật Bản đã tạo nên màu xanh rêu độc đáo cho iPhone 11 Pro

    Tấn Minh,  

    Tim Cook nói rằng Seiko Advance là lý do đằng sau sự tồn tại của màu Midnight Green.

    Apple có thể là nhãn hiệu dễ nhận biết nhất thế giới. Còn Seiko Advance lại là một cái tên lạ hoắc mà nhiều người tiêu dùng thậm chí chưa từng nghe đến. Nhưng khi CEO Apple, Tim Cook, đến Nhật Bản trong 3 ngày hồi đầu tháng 12 này, ông đã đưa công ty này vào lịch trình ghé thăm của mình, sau đó còn đăng tweet về họ nữa.

    Trong một bài phỏng vấn, ông Cook cho biết Seiko Advance là "lý do" Apple có thể tung ra mẫu iPhone 11 Pro cao cấp với màu mới mang tên Midnight Green (xanh lá bóng đêm).

    Seiko Advance là một công ty sản xuất mực. Được thành lập vào năm 1950 với vai trò một nhà cung ứng màu sơn, công ty này là ví dụ điển hình của một công ty lâu đời nhưng thích ứng tốt với thời đại mới. Nó còn cho thấy quá trình duy trì và tồn tại của xương sống công nghệ Nhật Bản, trong bối cảnh nhiều ngôi sao sáng nhất trong ngành công nghiệp nước này đã và đang lụi tàn. Và câu chuyện của Seiko Advance cũng giúp chúng ta hiểu hơn về Tim Cook - mà sở trường của ông về lĩnh vực quản lý mua sắm chính là một trong những lý do Apple quyết định thuê ông ngay từ ban đầu.

    "Nó (màu Midnight Green) chỉ có thể được làm ra nhờ quy trình kiểm tra chất lượng cao và tài năng chế tác tuyệt hảo" - Cook nói khi đang đứng trước một bồn kim loại chứa đầy mực xanh lá bên trong nhà máy của Seiko Advance nằm ở vùng ngoại ô tỉnh Saitama, gần Tokyo.

    Thông thường, việc sản xuất mực xanh lá sẽ cần đến các chất độc hại như halogen. Tuy nhiên, Seiko Advance đã phát triển được một phương thức sạch hơn, cho màu sắc có độ chính xác cao và khó phai hơn - theo Yukinori Kabe, một quản lý kinh doanh của công ty. Đó là điều khiến Cook, vốn là người rất quan tâm đến vấn đề môi trường, cảm thấy bị cuốn hút. CEO Apple còn đề cao các kế hoạch của Seiko Advance nhằm chuyển sang sử dụng điện tái tạo và điện gió vào năm 2020.

    Midnight Green không phải là màu duy nhất mà Seiko Advance làm ra cho iPhone 11 Pro - họ còn làm ra màu Gold, Space Gray, và Silver nữa. "Chúng tôi là nhà cung ứng duy nhất đối với các màu sắc của iPhone 11 Pro và iPhone 11 Pro Max" - Kabe nói. Với các mẫu iPhone 11 giá rẻ hơn, ông này cho biết có sự tham gia của nhiều nhà cung ứng khác.

    Cook nói rằng Seiko Advance là công ty "giỏi nhất trên thế giới" trong lĩnh vực của họ. Ông còn đăng tweet về công ty này như sau:

    Đây là công ty mực Nhật Bản đã tạo nên màu xanh rêu độc đáo cho iPhone 11 Pro - Ảnh 1.

    "Seiko Advance là một ví dụ tuyệt vời của chuỗi cung ứng vô giá của chúng tôi tại Nhật Bản. Nhờ kỹ năng chế tác và sự chú ý đến từng chi tiết của họ, những màu sắc tuyệt đẹp của iPhone 11 Pro trở nên thực sự sống động"

    Trong khi Cook ấn tượng với Seiko Advance, thì các lãnh đạo của công ty này cũng bày tổ ấn tượng với ông.

    "Ông Cook cho chúng tôi thấy ông ấy sẵn sàng hợp tác với mọi công ty có công nghệ cao. Dù bạn nhỏ bé đến thế nào, Apple vẫn sẽ là khách hàng của bạn nếu bạn có công nghệ vượt trội" - Kabe nói.

    Seiko Advance là một công ty khá nhỏ khi so với Apple. Họ có 160 nhân viên, và doanh thu thường niên vào khoảng vài tỷ Yên, tương đương hàng chục triệu USD. Trong năm tài khóa gần đây nhất, Apple đạt doanh thu đến 260,2 tỷ USD.

    Mối quan hệ cộng tác giữa hai công ty bắt đầu vào năm 2011 - một năm với những khởi đầu mới với Apple. Nhà đồng sáng lập huyền thoại Steve Jobs buộc phải nghỉ hưu để chiến đấu với căn bệnh ung thư, và mất vào tháng 10 năm đó. Tim Cook, từng làm nhà quản lý chuỗi cung ứng tại công ty máy tính Compaq, đã lọt vào mắt xanh của Jobs, gia nhập Apple năm 1998, và trở thành CEO Apple sau khi Jobs qua đời.

    Cũng trong năm đó, một đại diện kinh doanh của Seiko Advance nhận được một email từ gã khổng lồ công nghệ. Apple muốn công ty này, và nhiều nhà sản xuất mực khác, cử đại diện đến Mỹ để trình bày về các sản phẩm của họ.

    Toshio Hiraguri, nay là Chủ tịch Seiko Advance, đã gửi Kabe đến làm việc với các lãnh đạo phụ trách phát triển sản phẩm của Apple. Trước đó ông chưa từng gặp Tim Cook, và cả hai đã lần đầu gặp gỡ vào tháng 12 năm đó.

    Đây là công ty mực Nhật Bản đã tạo nên màu xanh rêu độc đáo cho iPhone 11 Pro - Ảnh 2.

    Chủ tịch Seiko Advance, Toshio Hiraguri, và bảng màu đặc trưng của công ty

    Có thể nói Seiko Advance đã chuẩn bị hàng thập kỷ cho lần hợp tác này. Hãng đã sản xuất mực cho các sản phẩm công nghiệp, bao gồm các thiết bị gia dụng và xe cộ, sau đó mở rộng ra trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trong những năm sau Thế chiến thứ II.

    Năm 1972, công ty thành lập một liên minh kỹ thuật với một nhà sản xuất mực Mỹ sở hữu công nghệ in lụa tiên tiến, cho phép in lên nhiều loại chất liệu khác nhau. Mối quan hệ hợp tác này giúp Seiko Advance nâng cấp các kỹ thuật in lụa của chính mình - vốn vẫn luôn là lĩnh vực mà hãng giỏi nhất.

    Dù vậy, Kabe cho biết chuyến thăm đến Apple đã mở ra một "thế giới rất khác". Các nhà cung ứng phải đáp ứng hàng trăm tiêu chí. "Ở thời điểm đó, chúng tôi nhận thấy mình không thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Apple" - ông nói.

    Sau 4 năm trời thử nghiệm và thất bại, công ty cuối cùng cũng bắt đầu cung ứng mực đen cho iPhone. Hiện Apple chiếm gần 40% doanh thu của công ty, ngoài ra họ còn cung ứng mực cho các nhà sản xuất smartphone lớn khác trên toàn cầu như Samsung và Huawei. Mực của hãng chủ yếu được dùng cho các điện thoại cao cấp.

    Không chỉ điện thoại, Seiko Advance còn cung ứng mực cho các nhà sản xuất thiết bị gia dụng, bảng quảng cáo, và các loại máy bán hàng di động. Dù công ty từ chối tiết lộ con số cụ thể, họ tiết lộ rằng doanh thu đang ngày một tăng lên, và việc trở thành một nhà cung ứng cho Apple thự sự là cú hích lớn cho hãng.

    Cook nói rằng Apple và Seiko Advance đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm và "phát triển cùng nhau".

    "Cả hai bên đều rất vui được hợp tác cùng nhau, chúng tôi thúc đẩy lẫn nhau để cải tiến hơn nữa" - ông nói.

    Các lãnh đạo Seiko Advance cho biết kể từ chuyến thăm của Cook, họ đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các khách hàng tiềm năng khác. Thách thức ở đây là làm sao để duy trì đà tiến tới. "Chúng tôi vẫn duy trì quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt" - Chủ tịch Hiraguri, người thay thế vị trí của cha mình hồi tháng 11, cho biết.

    Seiko Advance có một căn phòng gọi là "cleanroom" (phòng sạch, là môi trường kiểm soát có mức độ ô nhiễm thấp như bụi, vi khuẩn trong không khí, hạt bụi và hơi hóa học) trong nhà máy của mình. Hiraguri cho biết họ là công ty mực duy nhất trên thế giới có căn phòng này, nhờ đó có lợi thế cạnh tranh lớn, bởi kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm sẽ giúp bảo quản mực in trong các điều kiện ổn định và đảm bảo chất lượng nhất quán.

    Tim Cook rất hài lòng với sự sạch sẽ của nhà máy và môi trường được kiểm soát kỹ càng của Seiko Advance.

    Đây là công ty mực Nhật Bản đã tạo nên màu xanh rêu độc đáo cho iPhone 11 Pro - Ảnh 3.

    Seiko Advance có một căn phòng sạch trong nhà máy

    Đội ngũ công nhân lành nghề cũng có tầm quan trọng đặc biệt. Seiko Advance có 30 chuyên gia trên lĩnh vực hợp chất màu. Họ tạo ra 150 màu mỗi ngày và kiểm tra thủ công từng màu một.

    Khi công ty sắp bước sang tuổi 70, Hiraguri khẳng định sẽ "tiếp tục cung cấp các sản phẩm chất lượng tốt như thường lệ". Nhưng ông cũng nhận ra sự cần thiết của việc khai phá các lĩnh vực mới. "Nếu chúng ta không thể sản xuất ra các sản phẩm tốt hơn, giá trị công ty sẽ phai nhạt dần".

    Hiraguri nhấn mạnh rằng Seiko Advance chưa bao giờ rơi vào khủng hoàng, và tỉ lệ vốn sở hữu của công ty luôn trên 80%, cho thấy họ không lệ thuộc vào các khoản nợ. Nhưng ông cũng đã thấy được một mối đe dọa đang nổi lên từ các đối thủ mới ở Trung Quốc, nơi ông từng có thời gian làm việc vài năm.

    "Các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp. Nếu chúng tôi rơi vào thế cạnh tranh về giá, chúng tôi sẽ gặp tình trạng rất khó khăn. Chúng tôi cần duy trì chất lượng để chiến thắng" - Hiraguri nói.

    Tham khảo: Nikkei

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ