Đánh giá Router Wifi Asus BRT-AC828: Giải pháp mạng không dây cao cấp cho doanh nghiệp và hộ gia đình.

    Durian,  

    Đây chắc chắn là một chiếc router mạnh mẽ ở mọi phương diện và chắc chắn là sẽ làm hài lòng những người sử dụng khó tính nhất.

    Khi mà xã hội ngày nay có quá nhiều thay đổi trong công nghệ, đặc biệt là thông qua hệ thống mạng internet thì việc phụ thuộc vào những thứ này là điều hiển nhiên, bản thân tôi là một người thường xuyên phải truy cập hệ thống thông tin trong và ngoài nước cũng vậy. Qua sự cố đứt cáp quang liên tiếp vừa xảy ra trong thời gian vừa qua, không ít những doanh nghiệp hay hộ gia đình điêu đứng vì việc này mà thiệt hại nặng nhất lại thuộc về công ty cung cấp dịch vụ internet có uy tín nhất nhì trên thị trường – Viettel Telecom. Trong khi nhà nọ cứ ngó nghiêng sang nhà kia và cảm thấy bức xúc vì trong khi đường truyền “nhà người ta” còn sử dụng được thì nhà mình đã hoàn toàn bất động và đổ lỗi cho nhà cung cấp. Những người có có điều kiện thì nháo nhào đi tìm nhà cung cấp khác để đăng ký dịch vụ. Cả cộng đồng người sử dụng internet lại được một phen rối ren trước tình hình cáp quang biển nắng mưa thất thường dịp giáp tết.

    Không biết là vô tình hay hữu ý nhưng mà Asus chọn khá đúng thời điểm để ra mắt router mới mang tên BRT-AC828 của mình, đây là dòng router thuộc loại AC2600 đối thủ trực tiếp của Linksys và TP-Link. Và những tính năng đặc biệt mà chúng tôi có dịp được tiếp cận dưới đây chắc chắn sẽ rất hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp và gia đình đang mong muốn có được khi mà càng có thêm nhiều thiết bị cần được kết nối và chia sẻ chung một hệ thống mạng như bây giờ.

    Đập hộp sản phẩm:

    Hộp của BRT-AC828 khá lớn vì thế chúng ta cũng đoán được kích thước của thiết bị này không phải là loại nhỏ nhắn xinh xinh thường thấy tại gia đình. Sử dụng tone màu xanh trắng làm chủ đạo dành cho các thiết bị không thuộc phạm vi gaming tạo vẻ thanh nhã hơn là có phần lạ mắt hơn so với những gì chúng ta vẫn thường thấy ở Asus qua những bài review trước đây về các sản phẩm dành cho đối tượng thuần chơi game của hãng. Trên vỏ hộp vẫn là chi chít những hình ảnh kèm theo tính năng của sản phẩm được Asus tận dụng tối đa để quảng cáo cho sản phẩm của mình.

    Sản phẩm chính bao gồm phần thân của thiết bị, khá lớn cỡ một cuốn sách A4 cả ngàn trang. 4 antenna thu phát tín hiệu không dây, một adapter nguồn lớn tương đương với các cục sạc laptop thời trang Asus và một sợi dây cáp tín hiệu LAN.

    Thiết kế:

    Cho dù đây không phải là một sản phẩm dành cho game thủ nhưng cũng là một sản phẩm thuộc phân khúc cao nên thiết kế của nó không phải là một bản vẽ sơ sài đơn giản mà là một sản phẩm toát lên được đẳng cấp của nó. Mặt trên của phần thân chính được chia làm 2 mạng chính, mảng hình chóp được sơn phủ giả nhôm xước tạo vẻ kim khí cho sản phẩm trong khi mang còn lại bằng phẳng hơn được thiết kế theo kiểu thiết kế khối nổi như kim cương họa tiết nhìn sang chứ không rườm rà như dòng sản phẩm gaming. Cụm đèn tín hiệu dài dằng dặc được xếp ở cạnh dưới của bề mặt này, một vị trí thường thấy, dễ nhìn và tận dụng được chiều dài của sản phẩm

    4 cọc antenna tín hiệu được đặt với khả năng gập và xoay hướng linh hoạt đặt ở 2 cạnh hông và mặt lưng của phần thân chính, tùy theo nhu cầu sử dụng và vị trí đặt của router mà người sử dụng có thể chỉnh hướng tùy ý để tập trung sóng vào khu vực cần thiết.

    Hệ thống thống thông khí của sản phẩm được bố trí ở rất nhiều nơi, chủ yếu là các mặt hông và phần đáy, điều này chứng tỏ khả năng xử lý của phần cứng là rất lớn nên mới sinh ra nhiều nhiệt như vậy.

    Cổng giao tiếp:

    Ở mặt trước của BRT-AC828 được trang bị một cổng USB 3.0 tốc độ cao để kết nối các thiết bị lưu trữ nhỏ vào chung hệ thống mạng để các thiết bị có thể trực tiếp truy cập và chia sẽ dữ liệu.

    Ở mặt lưng của Router cũng có một cổng USB 3.0 tương tự nhưng được khuyến cáo là sử dụng cho chia sẻ mạng 4G/LTE khi cần thiết, 2 cổng WAN, một nút WPS cho phép kết nối không dây trực tiếp tới một thiết bị mà không cần nhập tên hay mật khẩu một cách nhanh nhất. Router hỗ trợ đến 8 cổng Gigabit LAN với tổng băng thông lên đến 4Gbps. Các chi tiết còn lại tuy quen thuộc nhưng là thứ không thể thiếu đối với mỗi router đó là một nút reset cấu hình trở về mặc định, một công tắc nguồn và một cổng lấy nguồn DC.

    Cấu hình:

    BRT-AC828 được xử lý bằng chip IPQ8065 1.7Ghz 2 nhân. Được trang bị bộ nhớ trong DDR3 512Mb và 128Mb Flash dùng để lưu trữ. Wifi theo chuẩn 802.11a/b/g/n/ac chạy trên 2 băng tần 2.4Ghz và 5Ghz với tốc độ lần lượt trên mỗi băng tần là 800Mbps và 1734Mbps. Wifi có hỗ trợ công nghệ MU-MIMO truyền dữ liệu trên 4 kênh trên cả 2 băng tần. Bên trong BRT-AC828 còn được trang bị cả một cổng M.2 SATA (Socket 3) để biến BRT-AC828 trở thành một thiết bị lưu trữ và chia sẻ dữ liệu tốc độ cực cao.

    Tính năng:

    Dual WAN: Đây không phải tính năng lần đầu tiên xuất hiện trên các router nhưng là tính năng nổi bật nhất mà tôi muốn đề cập đến nhất là trong thời điểm này. Vậy điểm lợi của việc được trang bị Dual WAN cho router là gì? Đó là khả năng tiếp nhận 2 luồng WAN trên cùng một hệ thống mạng LAN. Đó có thể là các tín hiệu từ các LAN từ lớp cao hơn hoăc các ISP. Mỗi WAN được thiết kế để phục vụ luồng tín hiệu lên đến 1Gbps với 2 WAN ta sẽ có hệ thống internet lên đên 2Gbps tương đương lưu lượng tổng là 250Mb/s. Tuy nhiên đó là băng thông trên lý thuyết bởi hiện nay đa số các nhà mạng vẫn chỉ cung cấp Internet với tốc độ cao nhất là 100Mbps tức là băng thông đường truyền tối đa tại Việt Nam mà người sử dụng có thể đạt đến là 200Mbps. Thêm vào đó, Dual WAN không phải là gộp băng thông, đây chỉ là cách ghép đường truyền vào một hệ thống xử lý chung chứ không phải mỗi lượt tải sẽ sử dụng trên cả 2. Đây là điều mà rất nhiều người sau khi xem xong tính năng sẽ lầm tưởng và nghĩ rằng sử dụng Dual WAN thì một lượt tải xuống sẽ nhanh hơn Single WAN như truyền thống.

    Lợi ích của Dual WAN: Khi mà bạn có quá nhiều người cùng sử dụng chung một Router để làm việc thì gánh nặng đè lên một đường truyền là rất cao, ngoài ra nếu một trong số họ có sử dụng băng thông lớn thì những người khác sẽ chen chúc nhau trong phần còn lại của một con đường và lưu lượng thông tin tải lên hoặc xuống sẽ rất thấp. Dual WAN giải quyết phần nào bài toán này khi sinh ra một con đường song song để hệ thống có thể rộng rãi hoạt động hơn, những thiết bị kết nối trong hệ thống sẽ ít gây ảnh hưởng lẫn nhau hơn. Dual WAN nếu sử dụng hai đường truyền từ 2 ISP khác nhau ví dụ như Viettel và FPT chẳng hạn, vậy thì khi một trong hai gặp sự cố thì toàn bộ hệ thống vẫn có thể truy cập internet chỉ có điều tốc độ bị hạn chế đi chỉ còn một nửa mà thôi. Đây chắc chắn là tính năng mà nhiều người mong muốn có được khi Viettel liên tiếp thông báo sự cố đứt cáp quang biển và không thể truy cập facebook hay những trang nước ngoài thì FPT lại làm được điều này, vậy thì chẳng có lý do gì mà không sử dụng BRT- AC828 để có những phương án kết nối mạng dự phòng tránh được rủi ro cho các doanh nghiệp và gia đình phụ thuộc vào Internet để làm việc hoặc điều khiển các thiết bị tự động hóa thông qua công nghệ đám mây.

    4G/LTE Sharing: Nếu như có một sự cố nghiêm trọng nào đó khiến cho toàn bộ hệ thống mạng internet phụ thuộc vào 2 công WAN trên không thể hoạt động thì Asus cũng cung cấp thêm cho người sử dụng một giải pháp dự phòng đó là hệ thống hạ tầng mạng di động 4G/LTE cũng có thể được trưng dụng và chia sẻ đường truyền kết nối internet chỉ có điều là độ trễ của hệ thống mạng di động sẽ cao và việc sử dụng internet sẽ bị chậm đi kha khá. Ngoài ra việc sử dụng 4G/LTE cũng phụ thuộc vào cả sóng di động trong khu vực người sử dụng có hỗ trợ hạ tầng mạng này hay không. Nhưng có vẻ như cả Viettel, Vinaphone, Mobifone đều đang cố gắng phát triển hệ thống này ngày một rộng hơn nên ai có muốn sử dụng tính năng này cũng không cần phải quá lo đến việc khu vực của mình không được hỗ trợ. Với đủ loại kết nối như thế này thì hệ thống mạng sử dụng BRT-AC828 khó lòng mà “mất mạng” được.

    Free Wifi Welcome Page: Đây là tính năng điều khiển khách vãng lai truy cập hệ thống mạng rất hay thông qua một màn hình đăng nhập. Tính năng này giúp các doanh nghiệp có khả năng kiểm soát khách hàng truy cập mạng dễ dàng và tiện lợi hơn và trông chuyên nghiệp hơn, hấp dẫn hơn và nếu có thể thì trang đăng nhập này hoàn toàn có đất để sử dụng làm quảng cáo theo cách mà các marketer rất ưa thích.

    Hardware IPsec VPN: Đây là một giải pháp ngày càng phổ biến để người dùng có thể truy cập hệ thống mạng nội bộ từ bất cứ đâu có kết nối internet nhưng đồng thời cũng giảm thiểu rủi ro từ những truy cập trái phép vào hệ thống này. Thông thường các giải pháp này sử dụng phần mềm để tạo ra IPsec VPN nhưng nay đã được tích hợp trực tiếp trong phần cứng của BRT-AC2600 tiện lợi hơn cho những doanh nghiệp rất nhiều khi mà họ hoàn toàn có thể điều khiển mọi thứ từ xa mà không cần sự điều hành trực tiếp.

    Giao diện: Để truy cập vào router chúng ta sử dụng đường dẫn router.asus.com. Setup ban đầu sử dụng thuật sĩ cực dễ cho người dùng. Giao diện bên trong cũng thân thiện, trực quan và dễ dàng sử dụng cho cả những người mới lẫn người dùng nâng cao. Tuy nhiên với mỗi tùy chỉnh liên quan đến hệ thống, router sẽ tự động reset và áp dụng những lựa chọn mới cho lần chạy tiếp theo. Thông thường thời gian khởi động của router cho đến khi có thể sử dụng được là khoảng 1 phút. Trong thời gian đầu cài đặt có thể quá trình khởi động lại này sẽ diễn ra liên tục và khá khó chịu nhưng sau khi đã hoàn thiện và ổn định sử dụng thì chắc sẽ ít đi kha khá.

    Hiệu năng:

    Hệ thống thử nghiệm:

    PC 1:

    Main: MSI H270 Tomahawk Artic

    CPU: Intel Core i7 7700k 4.2Ghz

    RAM: Galax HOF Series DDR4 2 x 8Gb bus 3600MHz

    SSD: Galax Gamer L 120Gb

    Wifi card: Tp-link TL-WN881ND

    PC 2:

    Main: Asrock Z270 Gaming K4

    CPU: Intel Core i5 6600K 3.5Ghz

    RAM: Avexir Core Series DDR4 4 x 4Gb bus 2400Mhz

    HDD: Seagate Barracuda 500Gb

    LAN Card: Intel I219V Gigabit LAN

    USB Flash: Kingston USB 3.0 8Gb

    Bài test 1: Khả năng ghi đọc qua cổng USB 3.0

    Bộ nhớ flash được format ở định dạng NTFS có độ bảo mật cao cũng như khả năng quản lý file có dụng lượng lớn tốt. Đây là định dạng tối ưu nhất với đại đa số các loại thiết bị hiện nay. Thực hiện bài test, kết quả tương đối ổn, tốc độ đọc/ghi trên USB lần lượt là 85.7Mb/s và 57.4 Mb/s thấp hơn một chút so với Linksys Max Stream AC2600 nhưng cao hơn Tp-link AC2600 khá nhiều.

    Bài test 2: Hiệu năng Wifi

    Tầm phát wifi trên băng 2.4Ghz rất tốt với bán kính lên đến 26m tương đương vùng rộng 2,122m2 chưa tính tường và vật cản sóng. Đây là một trong những router có khả năng phát sóng tốt nhất mà tôi từng trải nghiệm qua. Còn với băng tần 5Ghz thì vùng có sóng lại hơi khiêm tốn với 11m bán kính nhưng đây cũng là một con số đáng nể về sức mạnh phát sóng của BRT-AC828. Tầm sóng này cao hơn cả Linksys Max Stream AC 2600 lẫn Tp-link AC2600 mà chúng tôi thử nghiệm cả về tầm sóng lẫn tốc độ.

    Do không có SSD M.2 nên chúng tôi không thể tiến hành được bài test trên cổng cắm của thiết bị này.

    Tổng kết:

    Đây là một trong những router khá đẹp trong thiết kế nhưng những tính năng cũng như hiệu năng mà nó đem lại mới thực sự nổi bật. Với chiếc router này, doanh nghiệp hay hộ gia đình hoàn toàn có thể sử dụng internet mọi lúc mà không sợ bị gián đoạn do bất kì sự cố nào bởi Asus đã dự phòng đủ mọi cách cho người sử dụng. Có lẽ rằng chỉ có một thảm họa nào cực lớn mới có thể khiến hệ thống mạng này gặp vấn đề. Ngoài ra Asus cũng đã trang bị đủ loại kết nối lưu trữ để tiện lợi hóa việc chia sẻ thông tin tốc độ cao cho hệ thống. Là sản phẩm dành cho doanh nghiệp nên người sử dụng hoàn toàn có thể yên tâm về tính bảo mật hay các công cụ truy cập hệ thống từ xa.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ